fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài tập tình huống tội cố ý gây thương tích

Học viện đào tạo pháp chế ICA tổng hợp các bài tập tình huống luật hình sự về tội cố ý gây thương tích (có lời giải) thường gặp trong các bài thi kết thúc học phần, bạn đọc có thể tham khảo để có thêm các kiến thức bổ ích, phục vụ trong quá trình học tập của mình.

Tình huống 1

Ngày 20/9/2018, anh C là thợ xây đến ăn cơm, uống rượu tại nhà anh trai. Khoảng 21 giờ cùng ngày, trên đường về nhà, C gặp D bạn cùng xóm. Thấy C say rượu, D nói: “Say thế này cậu nên về nhà ngay đi, đừng lang thang ngoài đường nữa, bị gió thì nguy hiểm lắm!”. C nghe thấy vậy thì cho rằng D lên lớp dạy đời mình nên doạ đánh D. Lúc đó bà Y (71 tuổi) là người cùng xóm đi ngang qua, thấy vậy liền khuyên can: “D nó nói đúng đó, thôi về đi”. C liền buông lời chửi bới, đuổi bà Y đi và doạ: “Không việc gì đến bà, nếu bà không im mồm tôi sẽ đánh chết”. Bà Y vội bỏ đi thì bị C bám theo tát hai cái vào vùng mang tai, thái dương và đá một cái vào sườn làm bà ngã xuống đất, đầu đập vào tảng đá ở đường bất tỉnh. Thấy vậy, C và D chạy đến báo công an xã, sau đó C bỏ trốn. Bà Y được mọi người đưa đến bệnh viện cấp cứu, nhưng mấy ngày sau thì tử vong. Ngày 10/10/2018 thì C đến cơ quan công an đầu thú. 

Hỏi: 

a. Hành vi của C phạm tội gì? Theo quy định tại điều, khoản nào của BLHS? Vì sao? 

b. Xác định các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự có thể áp dụng đối với C trong tình huống nêu trên? 

c. Giả sử bà Y sau khi được cấp cứu tại bệnh viện đã không chết mà chỉ bị thương tật 43% thì tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với C có thay đổi hay không? Vì sao?

Bài tập tình huống tội cố ý gây thương tích

Giải đáp:

a. Hành vi của C phạm tội gì? Theo quy định tại điều, khoản nào của BLHS? Vì sao? 

Theo tình huống trên, hành vi của C phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác làm chết người theo điểm a, khoản 4, Điều 134 BLHS 2015. 

Thứ nhất, mặt khách quan của tội phạm 

– Hành vi khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe là hành vi nguy hiểm cho xã hội, vi phạm Bộ Luật hình sự. Người phạm tội ở đây là anh C mong muốn gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác (bà Y). 

Vị trí trên cơ thể mà người phạm tội gây ra thương tích, tổn hại sức khỏe: Trong tình huống trên anh C không sử dụng công cụ, phương tiện nào để phạm tội mà dùng tay tát hai cái vào vùng mang tai, thái dương và dùng chân đá một cái vào sườn bà Y làm bà ngã xuống đất, đầu đập vào tảng đá. Tuy tay và chân không phải là công cụ phạm tội nhưng vẫn có thể gây ra thương tích nguy hiểm. Ở đây, do cú đá của C tác động lên sườn của bà Y khiến bà ngã đập đầu xuống đất và chết. 

Mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công: Trong tình huống, cường độ tấn công của anh C là tát 2 cái và đạp 1 cái, những vị trí tấn công không xung yếu, không nhằm tước đi sinh mạng của nạn nhân (bà Y), có thể nói đây là hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác.

– Hậu quả của tội phạm: Hậu quả của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác dẫn đến chết người được quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 134 BLHS 2015. 

Sau khi bà Y ngã xuống đất đập đầu vào tảng đá ở đường bất tỉnh. Lúc này chỉ là gây thương tật, do tuổi già sức yếu nên sau vài ngày ở viện thì bà tử vọng. 

Thứ hai, chủ thể của tội phạm

Anh C là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo luật định. 

Thứ ba, khách thể của tội phạm

Khách thể tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác là quyền được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe. 

Thứ tư, mặt chủ quan của tội phạm 

Anh C mong muốn gây ra thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Trong trường hợp này, C thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp. 

b. Xác định các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự có thể áp dụng đối với C trong tình huống nêu trên? 

Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có thể áp dụng với C trong tình huống: Ngày 10/10/2018, C đến cơ quan công an đầu thú, tức là C sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình, do đó có thể áp dụng Khoản 2 Điều 51 BLHS 2015 để xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho C. 

Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự có thể áp dụng với C trong tình huống:

Một là, phạm tội có tính chất côn đồ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 BLHS 2015 “Có tính chất côn đồ” là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khoẻ, tính mạng, danh dự người khác, gây gổ hành hung người khác một cách vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt…

Trong tình huống, bà Y chỉ là một người không liên quan đi ngang qua và khuyên can chuyện của D và C nhưng C thấy vậy lại chửi bới, dọa dẫm: “Nếu bà không im mồm tôi sẽ đánh chết” và khi bà Y bỏ đi rồi thì C còn cố ý bám theo để gây thương tích cho bà Y. Hành động của C là hành động coi thường pháp luật, vô cớ vì một duyên cớ nhỏ nhặt mà gây gổ hành hung, dùng vũ lực xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của bà Y. Vì vậy, cần áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội có tính chất côn đồ đối với hành vi phạm tội của C.

Hai là, phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người từ đủ 70 tuổi trở lên (quy định tại điểm i, khoản 1 Điều 52 BLHS).

Trong tình huống, bà Y đã 71 tuổi là người già do đó điều kiện khả năng chống cự lại yếu nên phải áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự cho C là phạm tội đối với người từ đủ 70 tuổi trở lên, thể hiện rõ mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội của C.

c. Giả sử bà Y sau khi được cấp cứu tại bệnh viện đã không chết mà chỉ bị thương tật 43% thì tội danh và khung hình phạt áp dụng đối với C có thay đổi hay không? Vì sao?

Về tội danh:

Giả sử bà Y sau khi được cấp cứ tại bệnh viện đã không chết mà chỉ bị thương tật 43% thì tội danh đối với C cũng không có sự thay đổi mà vẫn là tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS. Tuy nhiên, khung hình phạt áp dụng đối với C sẽ có sự thay đổi vì hậu quả xảy ra không nghiêm trọng như trường hợp bà Y chết. 

Về khung hình phạt:

Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 134 BLHS khung hình phạt đối với C là từ 2 năm đến 6 năm tù. Căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt đối với C là 6 năm tù có thể thấy hành vi của C trong trường hợp này thuộc vào loại tội phạm nghiêm trọng.

Còn so với việc C gây thương tích cho bà Y dẫn đến hậu quả bà Y chết thì C bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 4 Điều 134 BLHS, khung hình phạt đối với C trong trường hợp này là từ 7 năm đến 14 năm tù. Căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt đối với C là 14 năm tù có thể thấy hành vi của C trong trường hợp này thuộc vào loại tội phạm rất nghiêm trọng. Chính vì vậy nếu giả thiết đặt ra bà Y chỉ bị thương tật 43 % mà không chết thì khung hình phạt của C sẽ được giảm đi.

Tình huống 2:

Ngày 29/4/2018, anh A và chị B đang ngồi chơi tại công viên M thì có C và D đến có hành vi trêu đùa chị B nên anh A đã nói với C và D là đi chỗ khác thì C và D đã lao vào dùng tay đấm vào người anh A. Bị C và D tấn công dồn ép vào tường rào công viên nên anh A rút con dao nhọn đem theo người đâm 01 phát trúng vào đùi của C (hậu quả: Trên đường đi cấp cứu do mất nhiều máu nên C tử vong). Sau khi vụ việc xảy ra Cơ quan điều tra đã trưng cầu kết luận giám định thương tích đối với A và D là 0%.

Hỏi: Trong tình huống này anh A phạm tội gì? Vì sao?

Giải đáp:

Thứ nhất, mặt khách quan của tội phạm 

– Hành vi khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe là hành vi nguy hiểm cho xã hội, vi phạm Bộ Luật hình sự. Người phạm tội ở đây là anh A mong muốn gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe anh C. 

– Vị trí trên cơ thể mà người phạm tội gây ra thương tích, tổn hại sức khỏe: Trong tình huống trên anh A rút con dao nhọn đem theo người chỉ đâm 1 phát trúng vào đùi C, không phải vùng trọng yếu trên cơ thể. Mặt khác A cũng không mong muốn tước đoạt tính mạng của C. 

– Hậu quả của tội phạm: Hậu quả của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác dẫn đến chết người được quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 134 BLHS 2015. 

Sau khi C bị đâm trúng vào chân thì do mất nhiều máu nên đã tử vọng. 

Thứ hai, chủ thể của tội phạm

Anh A là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo luật định. 

Thứ ba, khách thể của tội phạm

Khách thể tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác là quyền được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe. 

Thứ tư, mặt chủ quan của tội phạm 

Anh A mong muốn gây ra thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Trong trường hợp này, A thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp. Và anh A cũng không mong muốn tước đoạt tính mạng của C nên mặc dù C chết nhưng A không phạm tội giết người theo Điều 123 BLHS mà hành vi của A phạm tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ người khác dẫn đến chết người theo điểm a khoản 4 Điều 134 BLHS.

Tình huống 3:

Anh H đến nhà người quen đòi nợ số tiền 70 triệu đồng, trong quá trình nói chuyện hai bên đã xảy xa mâu thuẫn, cãi vã và lăng mạ nhau. Do không kìm chế được bản thân, anh H đã dùng gậy đánh trọng thương chủ nhà. Nạn nhân được đưa lên viện, xác định chấn thương ở đầu và nhiều bộ phận khác mức độ thương tích 15%. Sau khi gây án anh H đã bỏ trốn. Người nhà bệnh nhân đã làm đơn lên Công an phường để yêu cầu giải quyết. Như vậy H sẽ bị xử phạt như thế nào ?

Giải đáp:

Thứ nhất, mặt khách quan của tội phạm 

– Hành vi khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe là hành vi nguy hiểm cho xã hội, vi phạm Bộ Luật hình sự. Người phạm tội ở đây là anh H mong muốn gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của chủ nhà. 

– Vị trí trên cơ thể mà người phạm tội gây ra thương tích, tổn hại sức khỏe: Trong tình huống trên anh H đã dùng gậy đánh trọng thương chủ nhà.

– Hậu quả của tội phạm: Hậu quả của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác là làm chủ nhà bị thương với tỷ lệ thương tật là 15%.

Sau khi C bị đâm trúng vào chân thì do mất nhiều máu nên đã tử vọng. 

Thứ hai, chủ thể của tội phạm

Anh H là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo luật định. 

Thứ ba, khách thể của tội phạm

Khách thể tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác là quyền được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe. 

Thứ tư, mặt chủ quan của tội phạm 

Anh H mong muốn gây ra thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác. Trong trường hợp này, H thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp. Và anh H cũng không mong muốn tước đoạt tính mạng của chủ nhà.

Hành vi dùng gậy đánh trọng thương chủ nhà của anh H với mức độ thương tật 15% có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm theo quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự.

Trên đây là nội dung bài viết về “Bài tập tình huống tội cố ý gây thương tích”. Hy vọng có hữu ích cho bạn đọc.

Câu hỏi thường gặp:

Điều kiện hưởng án treo là gì?

Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Mức phạt tù không quá 03 năm;
+ Có nhân thân là ngoài lần phạm tội này, người phạm tội chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc;
+ Có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên; có nơi cư trú rõ ràng;
+ Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Đồng phạm là gì?

Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.
Trong đó, người đồng phạm bao gồm: 
– Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
– Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.
– Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
– Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
Ngoài ra, người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.

Đánh giá bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.
Sơ đồ bài viết