fbpx
Học viện đào tạo pháp chế ICA
Bài tập tình huống cấu thành tội phạm

Trong các loại trách nhiệm pháp lý thì trách nhiệm hình sự là loại trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc nhất. Muốn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người hoặc một pháp nhân thì cần chứng minh được họ đã thực hiện hành vi mà BLHS quy định là tội phạm. Muốn xác định một hành vi phạm tội hay không để truy cứu trách nhiệm hình sự cần xác định dựa vào việc hành vi phạm tội thực hiện đã thảo mãn hết các yếu tố cấu thành tội phạm được luật quy định chưa. Cấu thành tội phạm là điều kiện cần và đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Để hiểu rõ hơn về cấu thành tội phạm, hãy cùng Học viện đào tạo pháp chế ICA phân tích và đưa ra bài tập tình huống cấu thành tội phạm để bạn đọc tham khảo từ đó có thêm hiểu biết và kiến thức về vấn đề này.

Lý thuyết về tội phạm và cấu thành tội phạm

Khái niệm về phân loại tội phạm

Tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 8 BLHS, theo đó, khái niệm tội phạm được hiểu là: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế nền văn hoá quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật XHCN mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.

Phân loại tội phạm được quy định tại Điều 9 BLHS. Tội phạm được phân thành 4 loại:

Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm (điểm a, khoản 1 Điều 9);

Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù (điểm b, khoản 1 Điều 9);

Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù (điểm c, khoản 1 Điều 9);

Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình (điểm d, khoản 1 Điều 9).

Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội như trên và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 BLHS năm 2015 về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại.

Khái niệm và phân loại cấu thành tội phạm

Bài tập tình huống cấu thành tội phạm

Cấu thành tội phạm là tổng hợp các dấu hiệu chung có tính đặc trưng cho một loại tội cụ thể được quy định trong Bộ luật hình sự. Cấu thành tội phạm phải có đầy đủ 4 yếu tố: yếu tố khách thể, yếu tố chủ thể, yếu tố khách quan, yếu tố chủ quan.

Việc phân loại cấu thành tội phạm dựa vào các tiêu chí sau:

– Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, có 3 loại: cấu thành tội phạm cơ bản; cấu thành tội phạm tăng nặng; cấu thành tội phạm giảm nhẹ.

– Căn cứ vào đặc điểm cấu trúc trong mặt khách quan của CTTP, có 2 loại CTTP: cấu thành tội phạm hình thức; cấu thành tội phạm vật chất.

Bài tập tình huống về cấu thành tội phạm

Tình huống 1:

Anh L sinh năm 1957 và chị M là vợ chồng chung sống với nhau có 02 con chung. Khoảng tháng 7/2018, giữa anh L và chị M xảy mâu thuẫn vì anh L cho rằng chị M ngoại tình với em rể của chị là anh H nên anh L bỏ nhà đến ở nhờ nhà anh T (là cháu L).

Khoảng 19 giờ 30 phút ngày 08/10/2018, chị M nhờ anh K (là cháu chị M) chở bằng xe mô tô đến nhà anh T để đòi tiền L vì trước đó chị M có cho anh T mượn 3.000.000 đồng và anh T đã trả tiền cho L. Do L không có nhà nên chị M và anh K đi về. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày chị M và anh K tiếp tục đến tìm L. Khi phát hiện thấy L về mở cửa vào nhà, chị M vào theo. Sau khi chị M vào trong nhà thì L khóa cửa bên trong lại. Giữa L và chị M xảy ra cự cãi và đánh nhau. Trong lúc xô xát, L lấy tuýp sắt ở đống đồ nghề sửa chữa ca nô của anh T (dài 61cm, chu vi 08cm) đánh nhiều cái vào đầu chị M làm chị M ngã xuống nền nhà tử vong tại chỗ. Lúc này, nhiều người chạy đến xô cửa để vào trong nhà nhưng do cửa khoá bên trong nên không vào được. Thấy vậy, anh S đã gọi điện cho Cảnh sát 113 và Công an phường đến lập Biên bản và bắt L.

Được biết tội phạm mà L đã thực hiện là tội giết người tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.

1. Xác định các tình tiết trong cấu trúc của cấu thành tội phạm.

2. Theo anh/chị, tội phạm mà anh L thực hiện thuộc loại tội phạm nào? Cơ sở pháp lý?

3. Tội phạm mà anh L thực hiện là tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất hay cấu thành tội phạm hình thức? Tại sao?

Đáp án:

Các sự kiện có ý nghĩa pháp lý:

– Giữa anh L và chị M xảy mâu thuẫn vì anh L cho rằng chị M ngoại tình với em rể của chị là anh H;

– Vì muốn đòi lại khoản tiền 3.000.000 đồng mà anh M trả cho L (tiền của M) nên khi phát hiện thấy L về mở cửa vào nhà, chị M vào theo. Sau khi chị M vào trong nhà thì L khóa cửa bên trong lại. Giữa L và chị M xảy ra cự cãi và đánh nhau; L lấy tuýp sắt (dài 61cm, chu vi 08cm) đánh nhiều cái vào đầu chị M làm chị M tử vong;

– Tội phạm mà anh L đã thực hiện là tội giết người tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.

Pháp luật liên quan cần áp dụng:

– Khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015;

– Khoản 1, Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015;

1. Các tình tiết trong cấu trúc cấu thành tội phạm trên bao gồm tình tiết định tội, tình tiết định khung tăng nặng, tình tiết định khung giảm nhẹ. Cụ thể:

– Tình tiết định tội: giữa anh L và chị M xảy mâu thuẫn vì anh L cho rằng chị M ngoại tình với em rể của chị là anh H. Và vì muốn đòi lại khoản tiền 3.000.000 đồng mà anh M trả cho L (tiền của M). Nên khi phát hiện thấy L về mở cửa vào nhà, chị M vào theo. Sau khi chị M vào trong nhà thì L khóa cửa bên trong lại. Giữa L và chị M xảy ra cự cãi và đánh nhau. Trong lúc xô xát, L lấy tuýp sắt đánh nhiều cái vào đầu chị M làm chị M ngã xuống nền nhà và tử vong. Đây là tình tiết định tội giết người tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.

– Tình tiết định khung tăng nặng: Hành vi của anh L dùng tuýp sắt (dài 61cm, chu vi 08cm) đánh nhiều cái vào đầu chị M làm chị M ngã xuống nền nhà và bị chết ngay tại chỗ là hành vi phạm tội có tính chất côn đồ. Tình tiết này là tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại điểm n, khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.

– Tình tiết định khung giảm nhẹ: Trong vụ án này không có tình tiết định khung giảm nhẹ.

2. Căn cứ vào điểm d, khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 về phân loại tội phạm và căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 là hình phạt tử hình thì loại tội phạm mà anh L thực hiện là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3. Tội phạm mà anh L thực hiện là loại tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất. Bởi vì, tội phạm giết người là loại tội phạm mà cấu trúc trong mặt khách quan của tội phạm bao gồm hành vi tước đoạt tính mạng của người khác và hậu quả chết người cũng như mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, được thể hiện trong dấu hiệu định tội của tội phạm này.

Kết luận

1. Các tình tiết trong cấu trúc cấu thành tội phạm trên bao gồm:

Tình tiết định tội: anh L lấy tuýp sắt đánh nhiều cái vào đầu chị M làm chị M ngã xuống nền nhà và bị chết ngay tại chỗ. Đây là tình tiết định tội giết người tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015.

Tình tiết định khung tăng nặng: có tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội có tính chất côn đồ” quy định tại điểm n, khoản 1 Điều 123 BLHS năm 2015.

2. Loại tội phạm mà anh L thực hiện là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3. Tội phạm mà anh L thực hiện là loại tội phạm có cấu thành tội phạm vật chất.

Tình huống 2:

Vào khoảng 15 giờ ngày 18/5/2018, đối tượng T đi bộ đến cửa hàng kinh doanh trò chơi điện tử trên đường X, quận Y chơi thì gặp đối tượng  D. D rủ T đi cướp giật tài sản bán lấy tiền chia nhau tiêu xài. T đồng ý. Đối tượng D điều khiển xe mô tô biển số 55P1-XXXX chở đối tượng T lưu thông qua nhiều tuyến đường. Đến khoảng 19 giờ 20 phút cùng ngày, khi đến trước số nhà 10 Đường số 2, cư xá V, Phường Z, Quận 11 thì đối tượng D phát hiện thấy bà L đang dừng và ngồi trên xe sử dụng điện thoại nên chỉ cho đối tượng T thấy. Sau đó, đối tượng D điều khiển xe quay lại, từ phía sau vượt lên áp sát vào bên trái xe của bà L để đối tượng T dùng tay phải giật chiếc điện thoại di động hiệu iphone 7 của bà L. Sau đó, đối tượng D tăng ga bỏ chạy. Bà L tri hô và điều khiển xe chạy đuổi theo. Khi đến trước siêu thị CoopMart ở góc đường V – Nguyễn Thị M, Quận 11 thì xe của đối tượng D va chạm với xe của người đi đường làm cho đối tượng T đánh rơi chiếc điện thoại vừa chiếm đoạt được của bà L. Lúc này, đối tượng T nhảy xuống xe, chạy bộ được một đoạn thì bị bà L cùng người đi đường bắt giữ giao cho Công an Phường Z, Quận 11 lập biên bản bắt người có hành vi phạm tội quả tang chuyển giao Công an Quận 11 xử lý. Riêng đối tượng D điều khiển xe chạy tẩu thoát. Đến ngày 19/5/2018 Công an Quận 11 bắt được đối tượng D.

Được biết tội phạm mà T và D đã thực hiện là tội cướp giật tài sản tại điểm d, khoản 2, Điều 171 Bộ luật Hình sự 2015.

1. Theo anh/chị, tội phạm mà T và D thực hiện thuộc loại tội phạm gì? Cơ sở pháp lý?

2. Dựa vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, hãy xác định loại CTTP mà T và D đã thực hiện?

Các sự kiện có ý nghĩa pháp lý

– D rủ T đi cướp giật tài sản để bán lấy tiền chia nhau tiêu xài. T đồng ý;

– Khi đang lưu thông trên đường bằng xe máy, D phát hiện thấy bà L đang dừng và ngồi trên xe sử dụng điện thoại nên chỉ cho đối tượng T thấy;

– D điều khiển xe quay lại, từ phía sau vượt lên áp sát vào bên trái xe của bà L để đối tượng T dùng tay phải giật chiếc điện thoại di động hiệu iphone 7 của bà L sau đó, đối tượng D tăng ga bỏ chạy;

– Tội phạm mà T và D đã thực hiện là Tội cướp giật tài sản tại điểm d, Khoản 2, Điều 171 Bộ luật Hình sự 2015.

Pháp luật liên quan cần áp dụng

– Khoản 2, Điều 171 Bộ luật Hình sự 2015;

– Khoản 1, Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015.

1. Căn cứ vào điểm c, khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 về phân loại tội phạm, và căn cứ vào khoản 2 Điều 171 Bộ luật Hình sự 2015 về tội cướp giật tài sản với mức cao nhất của khung hình phạt là 10 năm tù, nên loại tội phạm mà D và T thực hiện là tội phạm rất nghiêm trọng.

2. Tội phạm mà T và D thực hiện bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng “dùng thủ đoạn nguy hiểm” tại điểm d, khoản 2, Điều 171 BLHS năm 2015, nên tội phạm mà D và T thực hiện là tội phạm có cấu thành tội phạm tăng nặng (ngoài dấu hiệu định tội thì người phạm tội có thêm tình tiết định khung, làm tăng nặng khung hình phạt).

Kết luận

1. Tội phạm mà D và T thực hiện là tội phạm rất nghiêm trọng.

2. Tội phạm mà D và T thực hiện là tội phạm có cấu thành tội phạm tăng nặng.

Trên đây là nội dung bài viết: “Bài tập tình huống cấu thành tội phạm”. Hy vọng bài viết hữu ích với bạn đọc

Câu hỏi thường gặp:

Khách thể của tội cố ý gây thương tích là gì?

Khách thể của tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là hành vi cố ý làm cho người khác bị thương hoặc tổn hại đến sức khỏe. Là quyền bất khả xâm phạm về sức khỏe của con người.

Mặt chủ quan của tội giết người là gì?

Lỗi của người phạm tội giết người là lỗi cố ý. Lỗi cố ý này có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc là lỗi cố ý gián tiếp

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.
Sơ đồ bài viết