Sơ đồ bài viết
Đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng và là tài sản vô cùng quý giá. Ngày này, với tốc độ phát triển và đô thị hóa, nhu cầu sử dụng đất để làm nhà ở của con người ngày càng cao, từ đó những tranh chấp giữa các bên sử dụng đất là điều không thể tránh khỏi. Vậy tranh chấp đất đai là gì? Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai? Để tìm hiểu về vấn đề này, Học viện đào tạo pháp chế ICA kính mời bạn đọc tham khảo nội dung bài viết “Ví dụ về tranh chấp đất đai”, dưới đây.
Tranh chấp đất đai là gì?
Khái niệm tranh chấp đất đai được quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013 như sau: “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”.
Theo đó, tranh chấp được hiểu là những xung đột, bất đồng về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai.
Các loại tranh chấp đất đai hiện nay
a) Tranh chấp về quyền sử dụng đất
– Tranh chấp về quyền sử dụng đất: là tranh chấp giữa những người sử dụng với nhau về ranh giới giữa các vùng đất. Loại tranh chấp này thường do một bên tự ý thay đổi ranh giới hoặc hai bên không xác định được với nhau về ranh giới, một số trường hợp chiếm luôn diện tích đất của người khác.
– Tranh chấp đòi lại đất: đây là dạng tranh chấp đòi lại đất, đòi lại tài sản gắn liền với đất có nguồn gốc trước đây thuộc quyền sở hữu của họ hoặc người thân của họ.
b) Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất
Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất mang bản chất là tranh chấp về hợp đồng dân sự. Tranh chấp này có thể là yêu cầu thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, công nhận hiệu lực của hợp đồng, tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu…
c) Tranh chấp về mục đích sử dụng đất.
d) Tranh chấp liên quan đến đất:
– Tranh chấp quyền sử dụng đất khi vợ chồng ly hôn
– Tranh chấp về quyền thừa kế quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Tranh chấp đất đai đã được Ủy ban nhân dân xã hòa giải không thành thì được giải quyết như sau:
* Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
* Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
– Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền, cụ thể:
+ Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
+ Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thẩm quyền giải quyết phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.
– Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
(Điều 203 Luật Đất đai 2013)
Ví dụ về tranh chấp đất đai
Ví dụ 1: tranh chấp liên quan đến thừa kế đất đai
Ông A chết có để lại di chúc với nội dung: Toàn bộ quyền sử dụng đất tại thửa đất số 23, tờ bản đồ 15 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày 25/12/2010 để lại cho con trai út là anh M. Tuy nhiên, khi anh M đi làm thủ tục hưởng thừa kế thì anh trai cả là N đã làm đơn khởi kiện yêu cầu chia đất đai và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ví dụ 2: tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất
Ông Nguyễn Văn A là chủ sở hữu quyền sử dụng thửa đất X1, Bà Nguyễn Thị B là chủ sở hữu quyền sử dụng thửa đất X2 (X và X1 là 2 thửa đất liền kề, đều đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Trong quá trình sử dụng, hai bên không cắm mốc ranh giới thửa đất. Đến nay, Bà B muốn chuyển nhượng quyền sử dụng mảnh đất cho người khác, nên Bà B cắm mốc ranh giới thửa đất. Ông A không đồng ý với mốc ranh giới bà B cắm và cho rằng bà B đang lấn chiếm đất của ông A. Bà B cho rằng mình cắm đúng ranh giới thửa đất. Hai bên xảy ra tranh chấp về xác định ranh giới thửa đất.
Ví dụ 3: tranh chấp hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất
Ông A cho bà B thuê quyền sử dụng một mảnh đất để trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, sau khi đã được ông A cho thuê, bà B xây dựng cửa hàng buôn bán kinh doanh, từ đó xảy ra tranh chấp. Đây chính là tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất.
Ví dụ 4: Tranh chấp diện tích sử dụng đất
Ông P là chủ sử dụng thửa đất 300 m2 đất giáp ranh với thửa đất của gia đình ông K. Hai bên sử dụng đất không phát sinh tranh chấp, lấn chiếm đất của nhau. Đến năm 2010, ông P chuyển nhượng 150 m2 đất cho bà M. Sau đó bà M đã xây nhà và xây lấn sang đất của ông K 5m. Sau khi phát hiện, ông K đã trình báo lên UBND xã để nghị bà M chấm dứt hành vi xây lấn đất.
Trên đây là nội dung tư vấn về chủ đề: “Ví dụ về tranh chấp đất đai”. Hi vọng bài viết hữu ích với bạn đọc.
Câu hỏi thường gặp:
Hòa giải tranh chấp đất đai là thủ tục bắt buộc, khi các bên xảy ra tranh chấp đất đai thì Nhà nước khuyến khích tự hỏa giải với nhau hoặc thông qua hòa giải cơ sở, nếu không tự hòa giải được thì phải có đơn gửi đến Ủy ban nhân dân cấp xã/phường để tiến hành hòa giải.
Đối tượng của tranh chấp đất đai là quyền quản lý, quyền sử dụng và những lợi ích phát sinh từ quá trình sử dụng một loại tài sản đặc biệt không thuộc quyền sở hữu của các bên tranh chấp.