Sơ đồ bài viết
Với thời bưởi kinh tế ngày càng phát triển như hiện nay, ở nước ta đã có sự ra đời của các mô hình kinh doanh như doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay doanh nghiệp có phần vốn góp do các nhân đồng ý góp vốn vào công ty, bên cạnh đó mô hình doanh nghiệp nhà nước cũng nhận được nhiều sự quan tâm. Vậy mô hình doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước được hiểu là những thế nào? Hai mô hình doanh nghiệp này có đặc điểm ra sao? Để giúp quý bạn đọc nắm được những thông tin này một cách chính xác nhất, Học viện đào tạo pháp chế ICA mời bạn đọc tham khảo nội dung bài viết Trình bày khái niệm, đặc điểm của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân dưới đây.
Căn cứ pháp lý
Luật Doanh nghiệp năm 2020
Doanh nghiệp tư nhân là gì?
Khái niệm doanh nghiệp tư nhân được quy định theo điều 188 Luật doanh nghiệp 2020 như sau:
Điều 188. Doanh nghiệp tư nhân
- Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
- Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
- Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
Vậy, doanh nghiệp tư nhân là đơn vị kinh doanh có mức vốn không thấp hơn vốn pháp định, do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp tư nhân có đặc điểm như thế nào?
Theo quy định về doanh nghiệp tư nhân nêu trên, có thể liệt kê về các đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân như sau:
Doanh nghiệp tư nhân chỉ do một cá nhân làm chủ
Công ty tư nhân không xuất hiện việc góp vốn giống như các công ty nhiều chủ sở hữu. Nguồn vốn của doanh nghiệp tư nhân xuất phát từ tài sản của một cá nhân duy nhất.
Trong khi các loại hình doanh nghiệp khác hầu hết đều được thành lập theo hình thức góp vốn hoặc mua cổ phần. Đây là một trong những đặc điểm riêng của doanh nghiệp tư nhân.
Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân
Không giống với doanh nghiệp hay các loại hình công ty ở Việt Nam khác, doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn không có tư cách pháp nhân. Điều này được lý giải như sau:
Một doanh nghiệp được công nhận quyền pháp nhân khi doanh nghiệp đó có tài sản riêng, nghĩa là phải có sự tách bạch giữa tài sản của doanh nghiệp với tài sản của người tạo ra doanh nghiệp. Nhưng với doanh nghiệp tư nhân thì không có sự độc lập về tài sản trong mối quan hệ với tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân.
Quan hệ sở hữu vốn trong doanh nghiệp tư nhân
Vốn đầu tư của công ty tư nhân phải do chính chủ doanh nghiệp đăng ký và số vốn đăng ký phải đảm bảo tính chính xác, xác thực, nhất là đối với các đơn vị ngoại tệ hoặc vàng hay tài sản khác.
Trong quá trình hoạt động của công ty, chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư. Việc tăng hay giảm vốn đầu tư của doanh nghiệp tư nhân đều phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán.
Trong trường hợp doanh nghiệp muốn giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn số vốn đầu tư ban đầu đăng ký thì chủ doanh nghiệp chỉ được giảm vốn sau khi đã hoàn tất thủ tục đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh. Điều này đã được ghi rõ tại khoản 3 điều 189 Luật doanh nghiệp 2020.
Phân phối lợi nhuận
Cũng tương tự như trên, công ty tư nhân chỉ có một chủ sở hữu. Chủ doanh nghiệp tư nhân nắm toàn bộ tài sản, bao gồm vốn và lợi nhuận của doanh nghiệp nên không xảy ra trường hợp phân phối lợi nhuận.
Tuy nhiên, việc nắm giữ toàn bộ tài sản của doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với việc cá nhân đó sẽ gánh chịu toàn bộ rủi ro cũng như thua lỗ trong trường hợp hoạt động kinh doanh không được như mong muốn.
Quan hệ sở hữu quyết định quan hệ quản lý
Như đã đề cập ở phần trên, DNTN chỉ do một cá nhân thành lập và góp vốn. Điều này đồng nghĩa với việc chủ doanh nghiệp cũng là người nắm quyền quản lý đối với tất cả các hoạt động kinh doanh của công ty mình. Đồng thời, chủ sở hữu DNTN cũng là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn trước mọi khoản nợ phát sinh trong quá trình hoạt động
Người sở hữu doanh nghiệp tư nhân là người chịu trách nhiệm duy nhất trước mọi rủi ro phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp và chế độ trách nhiệm ở đây là vô hạn.
Doanh nghiệp nhà nước là gì?
Theo khoản 11 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật này.”.
Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối được tổ chức dưới hình thức công ti Nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.
Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp một chủ trong trường hợp nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ (tức sở hữu 100%). Doanh nghiệp nhà nước nhiều chủ sở hữu trong trường hợp có cổ phần, vốn góp chi phối có tỉ lệ trên 50% và dưới 100%
Đặc điểm của doanh nghiệp nhà nước
– Chủ đầu tư: là Nhà nước hoặc Nhà nước cùng với các tổ chức, cá nhân khác. Với tư cách là chủ đầu tư duy nhất vào doanh nghiệp, nhà nước có toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến sự tồn tại và hoạt động của từng doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, Nhà nước có quyền quyết định về hình thành, tổ chức lại và định đoạt; quyết định mục tiêu, chiến lược phát triển, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư tài chính; quyết định mô hình tổ chức quản lý, quyết định giải thể; kiểm tra, giám sát thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của doanh nghiệp…..
– Sở hữu vốn: Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ (100%) hoặc sở hữu phần vốn góp chi phối (trên 50% nhưng dưới 100% vốn điều lệ).
– Tư cách pháp lý: doanh nghiệp nhà nước có tư cách pháp nhân.
– Trách nhiệm tài sản: doanh nghiệp nhà nước chịu trách nhiệm trong phạm vi tài sản của doanh nghiệp. Nhà nước chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi tài sản góp vốn vào doanh nghiệp.
– Hình thức tồn tại: doanh nghiệp nhà nước có nhiều hình thức tồn tại. Nếu doanh nghiệp nhà nước do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thì có các loại hình doanh nghiệp như: công ty nhà nước, công ty cổ phần nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên, công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước. Nếu doanh nghiệp do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ thì có thể tồn tại dưới các loại hình doanh nghiệp sau: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn
– Luật áp dụng: các công ty nhà nước đã thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn sẽ tổ chức và hoạt động theo luật doanh nghiệp. Các loại doanh nghiệp nhà nước khác tổ chức và hoạt động theo luật doanh nghiệp.
Trên đây là tư vấn của Học viện đào tạo pháp chế ICA về nội dung “Trình bày khái niệm, đặc điểm của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân“. Hi vọng bài viết hữu ích với bạn đọc.
Câu hỏi thường gặp:
Chủ sở hữu DNTN có toàn quyền quyết định đến mọi hoạt động của doanh nghiệp mà không phải thông qua ý kiến của bất kỳ ai;
Chế độ trách nhiệm vô hạn sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng tạo dựng niềm tin với khách hàng cũng như đối tác kinh doanh của mình;
Cơ cấu tổ chức DNTN thường gọn, nhẹ và dễ quản lý;
Chủ sở hữu DNTN cũng có quyền bán lại, chuyển nhượng quyền sở hữu cho người khác.
Nhược điểm của doanh nghiệp tư nhân
Việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào;
Chủ sở hữu doanh nghiệp không được quyền góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc mua cổ công ty cổ phần;
Chế độ trách nhiệm vô hạn cũng mang đến rủi ro cao.