fbpx
Học viện đào tạo pháp chế ICA
Phân tích những nội dung chính của thừa kế theo pháp luật

Di sản thừa kế từ trước đến nay luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều người, đặc biệt là các thành viên trong gia đình khi có một người thân mất đi. Nhiều thắc mắc đặt ra rằng việc phân chia di sản thừa kế của người đã chết trong trường hợp họ không để lại di chúc sẽ như thế nào? Khi phân chia di sản như vậy thì các phần được hưởng có bằng nhau hay không? Thấu hiểu được những thắc mắc của quý bạn đọc, nội dung bài viết sau Học viện đào tạo pháp chế ICA sẽ chia sẻ đến bạn đọc nội dung Phân tích những nội dung chính của thừa kế theo pháp luật, mời bạn đọc tham khảo.

Căn cứ pháp lý

Bộ luật Dân sự năm 2015

Thừa kế theo pháp luật được hiểu là như thế nào?

Điều 649 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định: Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

Thừa kế theo pháp luật là việc dịch chuyển tài sản của người chết cho những người còn sống theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.

Cá nhân có quyền sở hữu với tài sản của mình, sau khi chết, số tài sản còn lại được chia đều cho những người thừa kế. Người được thừa kế theo pháp luật là những người có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân và nuôi dưỡng.

Những người được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật không phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi. Mọi người bình đẳng trong việc hưởng di sản thừa kế của người chết, thực hiện nghĩa vụ mà người chết chưa thực hiện trong phạm vi di sản nhận.

Phân tích những nội dung chính của thừa kế theo pháp luật

Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

Điều 650 BLDS 2015 quy định những trường hợp áp dụng thừa kế theo pháp luật như sau:

(1) Không có di chúc:

Đây là những trường hợp mà người để lại di sản không lập di chúc hoặc có lập di chúc nhưng đã hủy di chúc (di chúc bị xé, bị đốt hoặc tuyên bố hủy bỏ di chúc đã lập…) đều được coi là không có di chúc. Trong những trường hợp này, toàn bộ di sản của người chết để lại sẽ chia cho những người thừa kế theo quy định của pháp luật.

(2) Di chúc không hợp pháp:

Di chúc hợp pháp là di chúc đáp ứng được các điều kiện tại Điều 652 BLDS 2015. Di chúc không hợp pháp là di chúc không thỏa được các điều kiện quy định tại ĐIều 652 BLDS 2015. Di chúc bị coi là không hợp pháp sẽ không có hiệu lực pháp luật, do vậy di sản liên quan đến di chúc đó sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật. 

Phân tích những nội dung chính của thừa kế theo pháp luật

(3) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. (“Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của BLDS 2015” – Khoản 1 Điều 611 BLDS 2015)

(4) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

  • Không có quyền hưởng di sản: Những người đáng lẽ được hưởng di sản thừa kế theo di chúc nhưng lại thực hiện những hành vi đã quy định tại khoản 1 Điều 621 BLDS 2015 sẽ không được hưởng di sản trừ trường hợp người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó nhưng vẫn cho họ hưởng theo di chúc.
  • Từ chối nhận di sản: người thừa kế có quyền nhận cũng như có quyền từ chối hưởng di sản của người chết để lại. Phần di sản liên quan đến người đã từ chối sẽ được áp dụng chia theo pháp luật cho những người thừa kế khác. Vì thế, khi người này từ chối hưởng di sản theo di chúc thì họ vẫn có thể hưởng thừa kế theo pháp luật. Nhưng trong trường hợp họ đã từ chối toàn bộ quyền hưởng di sản gồm cả phần theo di chúc và cả phần theo pháp luật thì toàn bộ phần di sản này sẽ chia theo pháp luật cho những người thừa kế của người lập di chúc.

(5) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc: Nếu người để lại di sản chỉ định đoạt một phần di sản thì phần còn lại sẽ được áp dụng chia cho những người nằm trong hàng thừa kế (trừ khi họ là người bị người lập di chúc chỉ rõ chỉ được hưởng phần di sản theo di chúc hoặc bị truất quyền thừa kế theo di chúc).

(6) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

(7) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Hàng thừa kế:

Hàng thừa kế theo pháp luật là nhóm những người cùng được hưởng bằng nhau đối với di sản thừa kế mà người chết để lại, Khoản 1 Điều 651 BLDS 2015 quy định có 3 hàng thừa kế:

  •  Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
  • Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
  • Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Thừa kế thế vị:

Điều 652 BLDS 2015 quy định “Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống”

Theo quy định trên có các trường hợp thừa kế thế vị sau:

  • Cháu thế vị cha hoặc mẹ để hưởng di sản của ông bà.
  • Chắt thế vị cha hoặc mẹ hưởng di sản của cụ.

Theo đó, các điều kiện để cháu hoặc chắt được hưởng thừa kế thế vị là:

  • Con của người để lại di sản chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản (cháu được thừa kế thế vị); nếu cháu cũng chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản (chắt được thừa kế thế vị).
  • Những người thế vị phải là người có quan hệ hàng thừa kế thứ nhất, trong đó người thế vị phải là người ở đời sau (con thế vị cha, mẹ nhưng cha, mẹ không được thế vị con). Như vậy, việc thế vị là mối liên hệ giữa hai bên, một bên được gọi là người được thế vị, một bên được gọi là người thế vị.
  • Người thế vị phải còn sống vào thời điểm người được thế vị chết hoặc nếu sinh ra và còn sống sau thời điểm người được thế vị chết thì phải thành thai trước thời điểm người được thế vị chết.
  • Khi còn sống người cha hoặc mẹ của người được thế vị phải có quyền được hưởng di sản của người chết (nếu bị tước hoặc bị truất quyền hưởng di sản thừa kế thì con hoặc cháu của những người này không thể thế vị).
  • Bản thân người thế vị không bị tước quyền thừa kế theo quy định Điều 621 BLDS 2015.

Trên đấy là tư vấn của Học viện đào tạo pháp chế ICA về nội dung “Phân tích những nội dung chính của thừa kế theo pháp luật“. Hi vọng bài viết hữu ích với bạn đọc.

Câu hỏi thường gặp:

Hình thức của việc thừa kế theo pháp luật như thế nào?

Người thừa kế làm văn bản thoả thuận/khai nhận phân chia di sản thừa kế tại Văn phòng/Phòng công chứng

Nguyên tắc chia thừa kế theo pháp luật là gì?

Nguyên tắc pháp luật thừa kế là những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật thừa kế, cụ thể:
– Nguyên tắc pháp luật bảo hộ quyền thừa kế tài sản của công dân
– Nguyên tắc bình đẳng quyền của công dân
– Nguyên tắc tôn trọng quyền định đoạt tài sản của người để lại di sản
– Nguyên tắc tôn trọng quyền của người hưởng thừa kế
– Nguyên tắc bảo đảm quyền lợi của một số người thừa kế theo quy định của pháp luật

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.
Sơ đồ bài viết