fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Phân tích cơ cấu của quan hệ pháp luật dân sự

Có thể thấy rằng các quan hệ xã hội đều sẽ được điều chỉnh bằng một tổng thể các quy phạm xã hội, đây có thể là quy phạm pháp luật, quy phạm đạo đức, quy phạm của các tổ chức hay các phong tục tập quán hay được điểu chỉnh bởi các tín điều tôn giáo… Việc điều chỉnh bằng các quy phạm pháp luật cho thấy các bên tham gia vào quan hệ xã hội có những quyền và nghĩa vụ nhất định cũng như trách nhiệm của mỗi bên khi vi phạm quyền và lợi ích của bên còn lại. Lúc này sẽ xuất hiện quan hệ pháp luật tương ứng được quy phạm pháp luật điều chỉnh. Sau đây là nội dung Phân tích cơ cấu của quan hệ pháp luật dân sự mà Học viện đào tạo pháp chế ICA gửi đến bạn đọc, mời bạn đọc tham khảo.

Căn cứ pháp lý

Bộ luật Dân sự năm 2015

Quan hệ pháp luật dân sự là gì?

Là quan hệ xã hội do các quan hệ pháp luật dân sự điều chỉnh, tức là quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực dân sự, các quan hệ liên quan đến yếu tố nhân thân và tài sản trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, thương mại…Quan hệ pháp luật dân sự là những quan hệ xã hội phát sinh từ những lợi ích vật chất, lợi ích nhân thân được các quy phạm pháp luật dân sự điều chỉnh, trong đó các bên tham gia bình đẳng về mặt pháp lý, quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên được nhà nước bảo đảm thực hiện bằng những biện pháp mang tính cưỡng chế.

Do có sự tác động của các quy phạm pháp luật lên các quan hệ xã hội nên các bên tham gia vào các quan hệ đó có các quyền và nghĩa vụ pháp lí tương ứng. Các quyền, nghĩa vụ pháp lí này được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Sự tác động của các quy phạm pháp luật vào các quan hệ xã hội không làm mất đi tính xã hội của các quan hệ đó mà làm cho các quan hệ này mang một hình thức mới “quan hệ pháp luật”. Hậu quả của nó là các quyền và nghĩa vụ của các bên được Nhà nước bảo đảm thực hiện bằng những biện pháp cưỡng chế của Nhà nước.

Khi tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự, các bên đều có mục đích và lợi ích nhất định nhằm thỏa mãn các nhu cầu vật chất hoặc tinh thần. Tuy các quan hệ dân sự hình thành một cách khách quan nhưng được thực hiện thông qua hoạt động có ý thức của con người, do vậy việc tham gia hay không tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự, xác định nội dung mối quan hệ mà họ tham gia phải xuất phát từ ý chí của các bên.

Quan hệ pháp luật dân sự có đặc điểm gì?

Xuất phát từ đối tượng điều chỉnh và đặc điểm phương pháp điều chỉnh của luật dân sự mà quan hệ pháp luật dân sự có những đặc điểm riêng biệt để phân biệt với những loại quan hệ pháp luật khác.

Thứ nhất: Quan hệ pháp luật dân sự có thể tồn tại ngay cả khi không có quy phạm pháp luật nào trực tiếp điều chỉnh. Đây cũng là một đặc điểm riêng biệt giúp phân biệt quan hệ pháp luật dân sự với các quan hệ pháp luật khác.

Phân tích cơ cấu của quan hệ pháp luật dân sự

Thứ hai: Các chủ thể tham gia đều có địa vị pháp lý bình đẳng:

  • Sự bình đẳng trước hết thể hiện ở khả năng tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự: Pháp luật dân sự quy định mọi chủ thể đều có quyền tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự theo các điều kiện cụ thể.
  • Bình đẳng thể hiện trong việc được hưởng các quyền và nghĩa vụ dân sự. Các quyền và nghĩa vụ này được phát sinh từ các quan hệ dân sự mà các chủ thể tham gia vào.
  • Bình đẳng còn được thể hiện trong việc chịu trách nhiệm dân sự do hành vi vi phạm nghĩa vụ: Mọi chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự, trong những điều kiện được pháp luật dự liệu thì sẽ được đối xử bình đẳng.

Thứ ba: Quan hệ pháp luật dân sự rất đa dạng về chủ thể, khách thể và phương pháp bảo vệ:

  • Chủ thể: Đa dạng nhất trong các quan hệ pháp luật khác, gồm có cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, nhà nước;
  • Khách thể: Tài sản, hành vi, lợi ích nhân thân hoặc là kết quả của hoạt động sáng tạo tinh thần;
  • Biện pháp bảo vệ: Tất cả các quyền dân sự đều được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Bên cạnh đó, cho phép chủ thể tự dự liệu và đưa ra biện pháp bảo vệ miễn phù hợp với pháp luật, đạo đức xã hội.

Phân tích cơ cấu của quan hệ pháp luật dân sự

Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự

Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là những “người” tham gia vào các quan hệ đó. Phạm vi “người” tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự bao gồm: Cá nhân, (công dân Việt Nam, người nước ngoài, người không quốc tịch), pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác và trong nhiều trường hợp, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia với tư cách là chủ thể đặc biệt của quan hệ pháp luật dân sự.

Để tham gia vào một quan hệ pháp luật dân sự cụ thể, các chủ thể phải có đủ tư cách chủ thể. Cho nên, có loại quan hệ chủ thể là công dân, như công dân có quyền để lại di sản thừa kế còn các tổ chức chỉ được hưởng thừa kế theo di chúc; có loại chủ thể chỉ được tham gia vào loại quan hệ nhất định, như hộ gia đình được tham gia trong các quan hệ sử dụng đất, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hay Nhà nước là chủ sở hữu (thực hiện quyền của chủ sở hữu) đối với các tài nguyên thiên nhiên và đất đai…

Trong phần lớn các quan hệ pháp luật dân sự, các chủ thể tham gia là công dân, pháp nhân, Nhà nước, hộ gia đình, tổ hợp tác như các quan hệ về quyền sở hữu, nghĩa vụ hợp đồng, bồi thường thiệt hại…

Trong quan hệ pháp luật dân sự, chủ thể quyền luôn luôn được xác định, chủ thể nghĩa vụ có thể là một “người” cụ thể, cũng có thể là tất cả những người còn lại.

Khách thể quan hệ pháp luật dân sự:

Khách thể là một trong các yếu tố để cấu thành quan hệ pháp luật nói chung và quan hệ pháp luật dân sự nói riêng. Có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm khách thể. Có ý kiến cho rằng khách thể của quan hệ pháp luật dân sự là: “Cái” mà vì nó mà quan hệ pháp luật dân sự được hình thành. Theo quan điểm này thì chính nguyên nhân dẫn đến sự phát sinh quan hệ pháp luật dân sự được xác định là khách thể của quan hệ.

Tài sản là khách thể trong quan hệ pháp luật về quyền sở hữu:

Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Tài sản bao gồm: Vật, tiền, giấy tờ có giá và quyề tài sản.

Tiền là loại tài sản đặc biệt có giá trị trao đổi với các loại hàng hoá khác. Tiền do Nhà nước ban hành, giá trị của tiền được xác định bằng mệnh giá ghi trên đồng tiền đó. Những đồng tiền có giá trị lưu hành mới được coi là tiền.

Giấy tờ có giá là loại tài sản đặc biệt do Nhà nước hoặc các tổ chức phát hành theo trình tự nhất định. Có nhiều loại giấy tờ có giá khác nhau với những quy chế pháp lí khác nhau như: Công trái, trái phiếu, kì phiếu, cổ phiếu, séc… Giấy tờ có giá là hàng hoá trong một thị trường đặc biệt – thị trường chứng khoán.

Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền có thể chuyển giao trong lưu thông dân sự, bao gồm cả quyền sở hữu trí tuệ, đó là: Quyền đòi nợ, yêu cầu bồi thường thiệt hại, quyền đối với tác phẩm, quyền sở hữu công nghiệp…

Hành vi trong quan hệ nghĩa vụ và hợp đồng

Nghĩa vụ là một quan hệ pháp luật dân sự mà trong đó quyền và nghĩa vụ của các bên luôn đối lập nhau một cách tương ứng. Trong quan hệ nghĩa vụ lợi ích của chủ thể có quyền có được đáp ứng hay không phải thông qua hành vi thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ. Và muốn xem xét hành vi có thực hiện đúng hay không phải căn cứ vào kết quả của việc thực hiện hành vi đó và như vậy hành vi này được vật chất hóa. Vì vậy, có quan điểm cho rằng kết quả của hành vi là khách thể của quan hệ pháp luật dân sự. Điều này không thể giải thích được trong các quan hệ dân sự mà hành vi không được vật chất hóa như tư vấn pháp luật với hành vi tư vấn… Trong các trường hợp như vậy, căn cứ đánh giá chỉ có thể là hành vi của người phải thực hiện hành vi mà thôi.

Các giá trị nhân thân trong các quan hệ nhân thân

Giá trị nhân thân là cơ sở làm phát sinh lợi ích nhân thân. Đó là các lợi ích phi vật chất gắn liền, không thể tách rời với một chủ thể nhất định như: danh dự, nhân phẩm, hình ảnh,…. “Cái” mà các chủ thể trong quan hệ nhân thân hướng đến, mong muốn đạt được là việc được công nhận, duy trì các giá trị nhân thân của mình và các giá trị nhân thân ấy được pháp luật bảo vệ khi bị xâm phạm.

Kết quả của quá trình hoạt động tinh thần sáng tạo

Thỏa mãn các nhu cầu của con người không chỉ là của cải vật chất mà còn có các giá trị tinh thần, các sản phẩm trí tuệ để phục vụ nhu cầu tinh thần và quá trình sản xuất vật chất. Trong lao động thì lao động sáng tạo là một loại lao động đặc biệt, là cơ sở để làm phát sinh quyền sở hữu trí tuệ cho một chủ thể nhất định. Kết quả của quá trình lao động tinh thần sáng tạo được thể hiện trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, giống cây trồng mới. ý tưởng sáng tạo là “cái” mà các chủ thể hướng tới để được công nhận và bảo vệ khi bị xâm phạm.

– Các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học… Đây là những hình thức biểu hiện kết quả của quá trình sáng tạo và chúng được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau như viết, nói hay bằng các phương tiện kĩ thuật…

– Các đối tượng của sở hữu công nghiệp là sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp… Những đối tượng này chỉ được bảo vệ khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận chúng là đối tượng của sở hữu công nghiệp.

Trên đây là tư vấn của Học viện đào tạo pháp chế ICA về nội dung “Phân tích cơ cấu của quan hệ pháp luật dân sự“. Hi vọng bài viết mang lại thông tin hữu ích với bạn đọc.

Câu hỏi thường gặp:

Quan hệ pháp luật dân sự được phân loại thành mấy nhóm?

Pháp luật dân sự là lĩnh vực quan trọng của pháp luật, điều chỉnh các quan hệ giữa các chủ thể trong xã hội. Quan hệ pháp luật dân sự được phân loại thành hai nhóm chính: quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân.

Quan hệ pháp luật dân sự tuyệt đối là gì?

Quan hệ pháp luật dân sự tuyệt đối được xác định bởi sự tách biệt tuyệt đối giữa chủ thể quyền và chủ thể nghĩa vụ. Trong những quan hệ này, chủ thể có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ dưới dạng không hành động (không thực hiện bất cứ hành vi nào xâm phạm đến quyền lợi của chủ thể có quyền). Quan hệ pháp luật dân sự tuyệt đối bao gồm quyền sử dụng và quyền tạo ra tác phẩm nghệ thuật, quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền y tế và quyền thừa kế. Trong các quan hệ này, chủ thể quyền được bảo vệ khỏi sự xâm phạm của chủ thể nghĩa vụ và có quyền thực hiện các hành động để bảo vệ quyền lợi của mình.

5/5 - (2 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.
Sơ đồ bài viết