fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Phân tích cấu trúc của quy phạm pháp luật

Quy phạm pháp luật là những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành trong văn bản quy phạm pháp luật và được đảm bảo thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội theo định hướng của Nhà nước. Vậy, quy phạm pháp luật có đặc điểm gì? Cấu trúc của quy phạm pháp luật bao gồm những yếu tố nào? Để tìm hiểu về vấn đề này, kính mời bạn đọc tham khảo bài viết “Phân tích cấu trúc của quy phạm pháp luật” của Học viện đào tạo pháp chế ICA, hi vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn đọc.

Khái niệm quy phạm pháp luật

Quy phạm pháp luật là những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành trong văn bản quy phạm pháp luật và được đảm bảo thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội theo định hướng của Nhà nước.

Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đặc điểm của quy phạm pháp luật

Quy phạm pháp luật là một loại quy phạm xã hội, vì vậy, nó mang đầy đủ những đặc tính chung vốn có của một quy phạm xã hội như: là quy tắc xử sự chung, là khuôn mẫu để mọi người làm theo, là tiêu chuẩn để xác định giới hạn và đánh giá hành vi của con người.

Thông qua quy phạm pháp luật ta biết được hoạt động nào có ý nghĩa pháp lý, hoạt động nào không có ý nghĩa pháp lý và hoạt động nào phù hợp với pháp luật, hoạt động nào trái quy định pháp luật.

Ngoài những đặc tính chung của quy phạm xã hội thì quy phạm pháp luật có những đặc điểm riêng cơ bản sau:

– Quy phạm pháp luật là những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung luôn gắn liền với Nhà nước. Chúng do các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành và được Nhà nước đảm bảo thực hiện bằng nhiều biện pháp.

– Quy phạm pháp luật được thể hiện bằng hình thức xác định.

– Quy phạm pháp luật thể hiện ý chí của nhà nước

– Quy phạm pháp luật được áp dụng nhiều lần trong đời sống và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.

– Nội dung của quy phạm pháp luật thường thể hiện hai mặt: cho phép và bắt buộc. Quy phạm pháp luật vừa mang tính xã hội, vừa mang tính giai cấp. Giữa các quy phạm pháp luật luôn có sự liên hệ mật thiết và thống nhất với nhau tạo nên một hệ thống pháp luật thống nhất cùng điều chỉnh có hiệu quả các quan hệ xã hội vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh.

Phân tích cấu trúc của quy phạm pháp luật

Phân tích cấu trúc của quy phạm pháp luật

Một quy phạm pháp luật được hợp thành từ ba bộ phận: giả định, quy định và chế tài. Những bộ phận này có liên quan mật thiết với nhau và xét về ý nghĩa cũng như nội dung. Tuy nhiên, không phải mọi quy phạm pháp luật luôn có đủ 3 bộ phận này.

Bộ phận giả định

Bộ phận giả định là một bộ phận quy phạm quy định địa điểm, thời gian, chủ thể, hoàn cảnh, tình huống mà khi xảy ra trong thực tế cuộc sống thì cần phải thực hiện quy phạm pháp luật, tức là xác định môi trường – phạm vi tác động của quy phạm pháp luật.

Bộ phận giả định có nhiệm vụ xác định phạm vi tác động của pháp luật tới các quan hệ xã hội. Phạm vi tác động dựa trên hai yếu tố là điều kiện, hoàn cảnh, tình huống…và chủ thể hoặc trong nhiều trường hợp phải xác định dựa trên cả hai yếu tố này.

Về nội dung những hoàn cảnh, điều kiện, tình huống…nêu trong giả định phải đầy đủ, rõ ràng, chính xác, sát với thực tế.

Ví dụ về giả định: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.” (khoản 1, Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Bộ phận giả định của quy phạm là: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân

Bộ phận quy định

Quy định là bộ phận của quy phạm pháp luật xác định những cách xử sự mà các chủ thể phải tuân theo khi gặp hoàn cảnh đã nêu trong giả định của quy phạm pháp luật đó. Quy định là bộ phận trung tâm của quy phạm pháp luật bởi đây chính là quy tắc hành vi thể hiện ý chí – mệnh lệnh của nhà nước mà các chủ thể phải thực hiện khi gặp những tình huống dự liệu trong bộ phận giả định. Về cơ bản, quy định nêu những hành vi phải làm hay hành vi được phép làm, hành vi bị cấm đối với các chủ thể khi gặp các trường hợp đã nêu ở phần giả định.

Bộ phận quy định chứa đựng mệnh lệnh của nhà nước, là sự mô hình hóa ý chí của nhà nước, cụ thể hóa cách thức xử sự của các chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật. Quy định có các loại như: quy định mang tính dứt khoát, quy định cho phép các chủ thể có quyền lựa chọn.

Bộ phận quy định của quy phạm pháp luật trả lời câu hỏi: Phải làm gì? Được làm gì? Không được làm gì? Làm như thế nào?

Ví dụ về quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.” (Điều 33 Hiến pháp năm 2013). Bộ phận quy định của quy phạm là “có quyền tự do kinh doanh” (được làm gì)

Bộ phận chế tài

Chế tài là một bộ phận của quy phạm pháp luật, nêu lên các biện pháp tác động mà nhà nước dự kiến áp dụng đối với cá nhân hay tổ chức nào không thực hiện đúng mệnh lệnh của nhà nước đã nêu ở bộ phận quy định của quy phạm pháp luật.

Bộ phận chế tài là một trong những biện pháp quan trọng nhằm để đảm bảo cho các quy định của pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh trong thực tế đời sống.

Biện pháp tác động phải tương xứng với mức độ, tính chất của hành vi vi phạm để bảo đảm tính hiệu quả của các biện pháp

Ví dụ về chế tài: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.” (khoản 1, Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Bộ phận chế tài của quy phạm là “phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.”

Các loại quy phạm pháp luật

  • Căn cứ vào đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh, quy phạm pháp luật có thể được phân chia theo các ngành luật:

– Quy phạm pháp luật hình sự;

– Quy phạm pháp luật dân sự;

– Quy phạm pháp luật hành chính;…

  • Căn cứ vào nội dung của quy phạm pháp luật có thể chia thành:

– Quy phạm pháp luật định nghĩa;

– Quy phạm pháp luật điều chỉnh;

– Quy phạm pháp luật bảo vệ;…

  • Căn cứ vào hình thức mệnh lệnh nêu trong quy phạm pháp luật có thể chia thành:

– Quy phạm pháp luật dứt khoát;

– Quy phạm pháp luật không dứt khoát;

– Quy phạm pháp luật tùy nghi;

– Quy phạm pháp luật hướng dẫn.

  • Căn cứ vào cách thức trình bày quy phạm pháp luật có thể chia thành:

– Quy phạm pháp luật bắt buộc;

– Quy phạm pháp luật cấm đoán;

– Quy phạm pháp luật cho phép.

Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề: “Phân tích cấu trúc của quy phạm pháp luật”. Hi vọng bài viết hữu ích với bạn đọc.

Câu hỏi thường gặp:

Xác định bổ phận giả định, quy định, chế tài trong Điều 155 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm“.

– Bộ phận giả định: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác;
– Bộ phận quy định: Phần này không được nêu rõ trong quy phạm pháp luật nhưng được xác định là một quy định ngầm;
– Bộ phận chế tài: Bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Tại sao nói, pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất trong quản lý nhà nước?

Pháp luật là cơ sở để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong xã hội. Đồng thời pháp luật được xem như một loại chuẩn mực công cộng được thừa nhận rộng rãi trong toàn xã hội. Do đó, pháp luật được coi là chuẩn mực chung, là công cụ hiệu quả nhất để các cá nhân, tổ chức trong xã hội tự giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống.

5/5 - (2 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.
Sơ đồ bài viết