fbpx
Học viện đào tạo pháp chế ICA
Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam

Nghề luật sư được xem là một trong những nghề cao quý ở Việt Nam, sứ mệnh và hoạt động nghề nghiệp của luật sư là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các cá nhân, tổ chức, cơ quan. Luật sư góp phần xây dựng, bảo vệ sự độc lập của tư pháp và bảo vệ công lý, công bằng. Tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cơ bản của nghề luật sư. Luật sư phải có bổn phận tự mình nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn; nêu gương trong việc tôn trọng, chấp hành pháp luật; tự giác tuân thủ các quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động hành nghề, trong lối sống và giao tiếp xã hội. Học viện đào tạo pháp chế ICA cung cấp Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư để bạn đọc và sinh viên tham khảo, làm tài liệu học tập.

Tải xuống Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư

Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư quy định những chuẩn mực về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, là thước đo phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư. Mỗi luật sư phải lấy Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư làm khuôn mẫu cho sự ứng xử và tu dưỡng, rèn luyện để giữ gìn uy tín nghề nghiệp, thanh danh của luật sư, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.

Tóm lược Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư

Để thực hiện được chức năng của nghề luật sư, đạo đức nghề luật sư chính là nguồn gốc, là nền tảng cơ bản của nghề Luật sư. Không có đạo đức nghề nghiệp, nghề Luật sư không thể tồn tại và phát triển. Ý thức được tầm quan trọng về đạo đức của một người Luật sư trong hoạt động hành nghề, Hội đồng Luật sư toàn quốc đã ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam vào năm 2011 (sau được ban hành mới vào năm 2019) để điều chỉnh hành vi của các Luật sư trong quan hệ với các chủ thể có liên quan khi hoạt động nghề nghiệp và trong giao tiếp xã hội. Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư Việt Nam năm 2019 được ban hành gồm 06 chương với 32 quy tắc quy định về: Các quy tắc chung của Luật sư khi hành nghề; các quy tắc trong quan hệ giữa Luật sư với khách hàng; các quy tắc của Luật sư trong mối quan hệ với đồng nghiệp; các quy tắc khi Luật sư tiếp xúc, làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng; cơ quan nhà nước và các tổ chức, cá nhân khác; các quy tắc khi Luật sư cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí hay thực hiện quảng cáo cho hoạt động hành nghề của mình.

Các quy tắc chung của Luật sư

Các quy tắc chung của Luật sư khi hành nghề được quy định tại chương I của Bộ quy tắc đã nêu lên các chức năng xã hội của Luật sư với sứ mệnh cao cả là bảo vệ công lý, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; tuân thủ và trung thành với Hiến pháp, pháp luật; độc lập, ngay thẳng, tôn trọng sự thật và góp phần vào việc phát triển hệ thống pháp luật, tích cực tham gia các hoạt động công ích.

Các quy tắc đạo đức của Luật sư trong quan hệ với khách hàng

Chương II là các quy tắc đạo đức của Luật sư trong quan hệ với khách hàng. Khách hàng là một trong những chủ thể quan trọng nhất hình thành nên nghề Luật sư, đó có thể là các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật sư. Uy tín, lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp Luật sư đều xuất phát từ nền tảng quan hệ này và tác dụng của nó có ý nghĩa chi phối các hành vi ứng xử khác trong các quan hệ xã hội của Luật sư. Các tiêu chuẩn này liên quan đến việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Luật sư đối với khách hàng, bao gồm việc tận tâm thực hiện hết khả năng và trách nhiệm với khách hàng trong khuôn khổ pháp luật cho phép và phạm trù đạo đức nghề nghiệp; tuân thủ bí mật quốc gia và bí mật của khách hàng; ngăn ngừa các thủ đoạn hành nghề không lương thiện, tự giác thực hiện các nghĩa vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo, giải quyết các mâu thuẫn về lợi ích, việc nhận thù lao,…

Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam

Quy tắc trong quan hệ với đồng nghiệp

Quy tắc trong quan hệ với đồng nghiệp được quy định tại chương III của Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử hành nghề Luật sư Việt Nam. Trong cùng một môi trường việc làm không thể tránh khỏi những trường hợp, thời điểm, tình huống xảy ra va chạm hay các mối liên hệ qua lại giữa những Luật sư với nhau. Nhằm củng cố vị trí, vai trò của nghề luật trong xã hội và giữ gìn hình ảnh của người Luật sư, cần thiết phải có những quy tắc được đặt ra trong mối quan hệ giữa Luật sư với đồng nghiệp. Theo đó, mỗi Luật sư cần có nghĩa vụ “tôn trọng, hợp tác với đồng nghiệp”, bảo vệ uy tín, danh dự của đồng nghiệp mình cũng như chính bản thân. Đồng nghiệp ở đây được hiểu là những Luật sư có thể đang hoạt động trong tổ chức hành nghề Luật sư, hành nghề với tư cách cá nhân, đang tập sự hoặc các tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Luật sư.

Các nguyên tắc trong mối quan hệ giữa Luật sư với các cơ quan tiến hành tố tụng

Chương IV quy định các nguyên tắc trong mối quan hệ giữa Luật sư với các cơ quan tiến hành tố tụng. Mối quan hệ giữa Luật sư với các cơ quan tiến hành tố tụng là mối quan hệ có tính chất đặc thù vừa đấu tranh vừa hợp tác. Hợp tác ở chỗ Luật sư và cơ quan, người tiến hành tố tụng cùng chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật, tôn trọng lẫn nhau, cùng hướng tới mục tiêu tìm ra sự thật, bản chất của vấn đề vì một phán quyết cuối cùng hợp tình hợp lý. Mặt khác, tính đấu tranh lại thể hiện trong quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể, Luật sư và cơ quan, người tiến hành tố tụng luôn có sự giám sát qua lại lẫn nhau. Như vậy, với Luật sư, không chỉ đặt ra yêu cầu phải có kiến thức pháp lý vững chắc, có thể áp dụng pháp luật đúng mà còn đòi hỏi phải có lòng tự trọng, sự độc lập nhất định và tôn trọng chủ thể còn lại trong quan hệ trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Các nguyên tắc trong mối quan hệ giữa Luật sư với các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân khác

Ngoài cơ quan tiến hành tố tụng, khi hành nghề Luật sư cũng thường xuyên tiếp xúc với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân khác. Mối quan hệ này xuất phát từ sự uỷ quyền của khách hàng cho Luật sư nhằm giao tiếp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó để thực hiện nhu cầu pháp lý của khách hàng, do vậy thường phát sinh đối với những Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý đại diện ngoài tố tụng. Bộ Quy tắc quy định những chuẩn mực trong mối quan hệ này tại Chương V.

Các quy tắc khác

Mặt khác, tại Chương VI của Bộ Quy tắc cũng đưa ra hai Quy tắc liên quan đến hoạt động của Luật sư gồm: “Thông tin, truyền thông và Quảng cáo”. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, Luật sư phối hợp với các tổ chức thông tin đại chúng để cung cấp thông tin về những vấn đề dư luận đang quan tâm, tuyên truyền pháp luật và phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, với sự bùng nổ thông tin truyền thông hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng luôn xuất hiện rất nhiều ý kiến trái chiều, những thông tin không được kiểm chứng và với tư cách là một Luật sư – người am hiểu pháp luật, các Luật sư cần thận trọng với những phát ngôn của mình trước truyền thông. Bộ Quy tắc đã dành chương cuối để quy định những chuẩn mực của Luật sư khi cung cấp thông tin cho báo chí, truyền thông, đây như một thước đo, một giới hạn đạo đức mà mỗi Luật sư cần biết để có cách ứng xử phù hợp thể hiện đúng trách nhiệm của mình.

Trên đây là nội dung tư vấn về chủ đề: “Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam”. Hi vọng bài viết hữu ích với bạn đọc.

Câu hỏi thường gặp:

Trong Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư, những việc luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp được quy định tại Quy tắc nào?

Quy tắc 21: Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp.

Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư quy định về thù lao luật sư như thế nào?

Quy tắc 8 của Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật quy định: Luật sư phải giải thích cho khách hàng những quy định của pháp luật về căn cứ tính thù lao, phương thức thanh toán thù lao; thông báo rõ ràng mức thù lao, chi phí cho khách hàng và mức thù lao, chi phí này phải được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.
Sơ đồ bài viết