Sơ đồ bài viết
Hiện nay, đất nước ta đang mở cửa hội nhập cùng với nền kinh tế thế giới, các cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vì vậy, hoạt động thương mại, kinh doanh của các công ty không chỉ giới hạn ở thị trường trong nước mà đã lan rộng ra nước ngoài. Do đó, các rủi ro pháp lý tiềm ẩn luôn tồn tại, đòi hỏi phải có các giải pháp phòng ngừa, hạn chế thiệt hại trong hợp đồng. Để nhằm ghi nhận lại một số thỏa thuận của các bên trong hoạt động kinh tế thì các bên tiến hành lí kết hợp đồng kinh tế. Khi nghe loại hợp đồng này không phải ai cũng hiểu rõ Hợp đồng kinh tế là gì? Nội dung hợp đồng kinh tế bao gồm những gì? Do vậy vài viết dưới đây Học viện đào tạo pháp chế ICA sẽ trình bày một số thông tin về hợp đồng kinh tế. Cùng tìm hiểu nhé
Hợp đồng kinh tế là gì?
Hợp đồng kinh tế là văn bản ghi lại sự thỏa thuận, các tài liệu giao dịch giữa các bên ký kết với nhau về việc thực hiện hoạt động sản xuất, trao đổi, mua bán hàng hóa, dịch vụ và các thỏa thuận khác có mục đích kinh doanh với sự quy định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các bên để xây dựng và thực hiện kế hoạch của mình.
Hợp đồng kinh tế là thuật ngữ nói chung. Một số hợp đồng kinh tế cụ thể như sau: Hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; hợp đồng hợp tác kinh doanh; hợp đồng môi giới; hợp đồng gia công hàng hóa; hợp đồng dịch vụ; hợp đồng giao nhận thầu; hợp đồng xây dựng; hợp đồng đại lý; hợp đồng vận chuyển; hợp đồng chuyển giao công nghệ; …
Hợp đồng kinh tế phải tuân thủ quy định của pháp luật về hợp đồng, tuân thủ quy định của Luật thương mại và các văn bản pháp lý liên quan. Khi giao kết hợp đồng kinh tế các bên có thể thỏa thuận hình thức của hợp đồng bằng giấy hoặc sử dụng hợp đồng điện tử.
Đặc điểm của hợp đồng kinh tế
Hợp đồng kinh tế có những đặc điểm nổi bật như sau:
- Mục đích: Hợp đồng kinh tế gắn liền với hoạt động mua, bán sản phẩm, hàng hóa giữa các chủ thể kinh doanh. Trong đó, bên ký kết hợp đồng phải có mục tiêu kinh doanh là thu lợi nhuận.
- Chủ thể thực hiện hợp đồng: Hợp đồng ký kết giữa một bên là pháp nhân, phía còn lại có thể là cá nhân có đăng ký kinh doanh, hay là pháp nhân theo quy định. Nội dung của hợp đồng đã giao kết phải phù hợp với lĩnh vực, hoạt động ngành nghề kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước.
- Hình thức hợp đồng: Hợp đồng phải thể hiện bằng văn bản và phải có chữ ký xác nhận của các bên về điều khoản, nội dung đã thỏa thuận
Nội dung hợp đồng kinh tế
Các bên tham gia giao kết hợp đồng kinh tế có quyền tự do thỏa thuận nội dung của hợp đồng kinh tế. Dưới đây chúng tôi sẽ nếu ra một số nội dung chính của hợp đồng kinh tế giúp bạn đọc hiểu hơn về hợp đồng kinh tế nhé:
- Về tên hợp đồng: Ví dụ như Hợp đồng thi công công trình, hợp đồng cung cấp thiết bị xây dựng;…
- Đối tượng của hợp đồng: Ví dụ: công trình thi công; thiết bị xây dựng,……
- Giá, phương thức thanh toán: Nêu rõ giá cả cụ thể để thực hiện hợp đồng, ghi rõ sử dụng đồng tiền nào để thanh toán và phương thức thanh toán.
- Số lượng, chất lượng: Tùy từng đối tượng cụ thể mà ghi rõ về về số lượng, chất lượng của đối tượng ấy. Ví dụ trong hợp đồng bán hàng hóa mặt hàng là tấm tôn để lợp nhà. Số lượng 30 tấm, chất lượng: tôn lạnh, dày 1,5mm,…
- Thời hạn, địa điểm: Ví dụ thời hạn thực hiện hợp đồng từ ngày… đến ngày… Địa điểm giao hàng tại… … Các nội dung được nêu ra càng chi tiết thì càng tránh được rủi ro.
- Phương thức thực hiện hợp đồng: Ví dụ thực hiện theo tiến độ
- Quyền, nghĩa vụ của các bên: Có điều khoản ghi rõ quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng kinh tế
- Phương thức giải quyết tranh chấp: Điều khoản này ghi rõ phương án giải quyết chung khi phát sinh tranh chấp. Ví dụ: giải quyết tại trọng tài hoặc tòa án
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng: quy định việc phạt vi phạm hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ( nếu có bên vi phạm hợp đồng)
Mẫu hợp đồng kinh tế
Được phạt vi phạm hợp đồng kinh tế trong trường hợp nào?
Tại Điều 300 Luật Thương mại quy định về phạt vi phạm như sau:
Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thỏa thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này”.
Ngoài ra, Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, trong đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Mức phạt vi phạm sẽ do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Như vậy, căn cứ theo các quy định trên, phạt vi phạm hợp đồng được thực hiện khi:
– Có hành vi vi phạm hợp đồng;
– Các bên có thỏa thuận áp dụng phạt vi phạm.
Về mức phạt vi phạm, với mỗi loại hợp đồng kinh tế khác nhau sẽ quy định mức phạt vi phạm hợp đồng khác nhau:
– Với hợp đồng kinh tế thương mại, theo Điều 301 Luật Thương mại 2005, mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
– Đối với hợp đồng kinh tế xây dựng, Điều 146 Luật Xây dựng 2014 quy định công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước, mức phạt hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm.
Trên đây là một số thông tin tư vấn của chúng tôi về hợp đồng kinh tế. Mong rằng thông tin chúng tôi chia sẻ giúp bạn đọc hiểu hơn về Hợp đồng kinh tế là gì? Hãy theo dõi chúng tôi để biết thêm nhiều kiến thức pháp luật hay nhé
Câu hỏi thường gặp
Điều kiện hợp đồng kinh tế có hiệu lực
Hợp đồng kinh tế cần ký kết một cách hợp pháp tuân thủ quy định của Pháp luật. Điều kiện hợp đồng kinh tế có hiệu lực gồm có:
Thứ nhất, các chủ thể giao kết hợp đồng kinh tế phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có đủ thẩm quyền đại diện ký kết hợp đồng.
Thứ hai, giao kết trên nguyên tắc tự nguyện, tự do ý chí, trung thực. Sự ép buộc, giả dối sẽ làm vô hiệu hợp đồng khi ký kết.
Thứ ba, Nội dung của hợp đồng không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế
Do liên quan đến lợi ích kinh tế do đó khi thực hiện hợp đồng rất dễ dẫn đến giao tranh chấp. Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế được sử dụng thường là:
(!)Tự thương lượng, hòa giải
(!!) Giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài.
(!!!) Giải quyết tranh chấp tại Tòa án.