fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài giảng môn học Tư pháp quốc tế chương IX

Bài giảng môn học Tư pháp quốc tế Chương IX: Quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng – Chương IX trong môn học Tư pháp quốc tế đề cập đến các quyền sở hữu công nghiệp, bao gồm sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, và quyền đối với giống cây trồng khi có yếu tố nước ngoài. Nội dung bài giảng giúp sinh viên nắm rõ khung pháp lý quốc tế điều chỉnh các quyền sở hữu trí tuệ này, quy định bảo hộ qua biên giới, lựa chọn luật áp dụng, và cơ chế thực thi quyền. Chương này là cơ sở quan trọng để sinh viên hiểu cách thức bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trong môi trường quốc tế, hỗ trợ nhu cầu hợp tác và phát triển kinh tế xuyên quốc gia.

Bài giảng môn học Tư pháp quốc tế chương IX

Chương 9: Quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng trong tư pháp quốc tế

I. Khái niệm

1. Khái niệm

– Quyền sở hữu công nghiệp là các quyền hợp pháp của con người đối với các đối tượng mang tính công nghiệp (như sáng chế, giải pháp hữu ích, …) hoặc những dấu hiệu phân biệt mang tính công nghiệp và thương mại (như nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, …) do trí tuệ của con người tạo ra và được NN bảo hộ các quyền đó trong 1 thời gian nhất định.

– Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam (Điều 4 khoản 4): Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

– Chú ý: trong các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, có những đối tượng được cấp văn bằng bảo hộ, và có những đối tượng không cần cấp văn bằng bảo hộ:

+ đối tượng được cấp văn bằng bảo hộ: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý (VD nước mắm Phú Quốc, thuốc lào Tiên Lãnh, …)

+ đối tượng không cần cấp văn bằng bảo hộ (tức là được bảo hộ tự động): nhãn hiệu nổi tiếng, tên thương mại, bí mật kinh doanh

2. Đặc điểm của quyền sở hữu công nghiệp

– Cơ sở phát sinh quyền: chỉ khi được NN cấp văn bằng, trừ một số trường hợp đặc biệt (như nhãn hiệu nổi tiếng, tên thương mại, bí mật kinh doanh)

Câu hỏi: Tại sao quyền tác giả được phát sinh ngay khi tác phẩm được định hình dưới 1 hình thức nào đó mà không cần phải đăng ký bảo hộ, trong khi quyền sở hữu công nghiệp phải yêu cầu đăng ký để được bảo hộ ?

Trả lời: Vì với sáng chế công nghiệp có thể có nhiều người cùng nghĩ ra, và ai là người đăng ký sớm nhất sẽ được ưu tiên bảo hộ. Tức là khi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp có nghĩa là bảo hộ nội dung của quyền đó; trong khi bảo hộ quyền tác giả là bảo hộ hình thức thể hiện của tác phẩm, mà hình thức thể hiện luôn mang tính cá nhân tức là đã tạo ra sự khác biệt giữa các tác phẩm cùng viết về 1 đề tài.

– Đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp: mang tính công nghiệp và thương mại (khác với đối tượng của quyền tác giả mang tính nghệ thuật)

– Thời hạn bảo hộ: theo văn bằng bảo hộ (5 năm, 10 năm, …)

– Mang tính lãnh thổ: quyền sở hữu công nghiệp mang tính lãnh thổ quyệt đối (hơn so với quyền tác giả), tức là chỉ có giá trị trong phạm vi lãnh thổ đã cấp

3. Quyền sở hữu công nghiệp trong TPQT

– Là quyền sở hữu công nghiệp có yếu tố nước ngoài. VD sản phẩm của công dân nước này nhưng được sử dụng, khai thác ở nước khác

– Do đó phải có cơ chế pháp lý hữu hiệu để bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp cho các chủ thể ở nước ngoài

Bài giảng môn học Tư pháp quốc tế chương IX
Bài giảng môn học Tư pháp quốc tế chương IX

II. Các điều ước quốc tế đa phương về quyền sở hữu công nghiệp

1. Công ước Paris 1883 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

– Mục đích ra đời: tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp văn bằng bảo hộ đối với các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp của công dân các nước thành viên.

– Hiện nay đã có 190 nước là thành viên của Công ước Paris. Việt Nam là thành viên của Công ước Paris từ 1949 với danh nghĩa Chính phủ Bảo Đại, năm 1981 VN gia nhập với danh nghĩa Cộng hòa XHCN VN.

– Nguyên tắc bảo hộ: nguyên tắc xuyên suốt trong Công ước Paris là nguyên tắc đối xử quốc gia:

+ các quốc gia thành viên bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp của quốc gia thành viên khác như công dân của nước mình

+ với công dân của những nước không phải là thành viên của Công ước Paris nhưng cư trú chính thức ở 1 nước thành viên của Công ước, hay có xí nghiệp thực sự quan trọng ở 1 nước thành viên của Công ước, thì cũng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp như với công dân của nước sở tại.

– Đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ: chia làm 2 nhóm:

+ theo nghĩa rộng, quyền sở hữu công nghiệp không chỉ áp dụng cho công nghiệp và thương mại theo đúng nghĩa của nó mà cho cả các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp khai thác, và tất cả các sản phẩm chế biến hoặc sản phẩm tự nhiên như rượu, ngũ cốc, lá thuốc lá, hoa quả, gia súc, khoáng sản, …  ==> đối tượng của Công ước Paris theo nghĩa rộng là tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế 1 quốc gia, do đó mặc dù ra đời từ 1883 nhưng đến nay Công ước Paris vẫn là trụ cột trong việc giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp

+ theo nghĩa hẹp: đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp bao gồm patent (sáng chế), mẫu hữu ích (giải pháp hữu ích), kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, tên thương mại, chỉ dẫn nguồn gốc hoặc tên gọi xuất xứ hàng hóa, và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Chú ý: patent là văn bằng sáng chế: sáng chế là 1 giải pháp kỹ thuật và khi nó được cấp bằng bảo hộ sáng chế thì văn bằng bảo hộ đó được gọi là patent. Tức là khi nói đến sáng chế thì có thể nó chưa được cấp văn bằng, nhưng khi nói đến patent thì nó đã được cấp văn bằng bảo hộ rồi.

 Điều kiện được bảo hộ: công dân của các quốc gia thành viên Công ước Paris phải làm Đơn xin cấp văn bằng bảo hộ gửi tới Cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia thành viên. Khi nộp Đơn tại quốc gia thành viên, người nộp đơn sẽ được hưởng quyền ưu tiên (thời gian được hưởng quyền ưu tiên với sáng chế là 12 tháng, với đối tượng khác là 6 tháng), đơn được nộp trong thời hạn trên, ngày nộp đơn tại các nước thành viên sẽ được tính theo ngày nộp đơn đầu tiên và văn bằng bảo hộ sẽ được cấp cho chủ thể nào có ngày nộp đơn sớm nhất.

VD: Công ty A nộp đơn bảo vệ nhãn hiệu Suối Xanh cho sản phẩm nước khoáng tại VN ngày 1/1/2016, sau đó Công ty A muốn mở rộng thị trường ra nước ngoài, và đã đăng ký nhãn hiệu Suối Xanh cho sản phẩm nước khoáng tại Nhật Bản vào ngày 01/05/2016. Tại Nhật Bản, ngày 1/3/2016 đã có 1 chủ thể khác đăng ký nhãn hiệu Suối Xanh cho sản phẩm nước khoáng tại Nhật Bản. Lúc này mặc dù nộp sau tại Nhật Bản nhưng cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản sẽ lấy ngày nộp đơn đầu tiên là ngày 01/01/2016 là ngày nộp đơn tại Nhật Bản và do theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên thì cơ quan có thẩm quyền của Nhật Bản sẽ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu Suối Xanh cho Công ty A. (đơn của chủ thể tại Nhật Bản kia sẽ bị từ chối)

– Hiệu lực của Công ước: các quốc gia là thành viên của Công ước Paris có quyền ký kết các điều ước quốc tế khác trong vấn đề bảo hộ quyền Sở hữu công nghiệp nhưng không được trái với nội dung của Công ước.

Vấn đề của Công ước Paris 1883: muốn được bảo hộ tại những quốc gia nào thì phải đăng ký bảo hộ tại quốc gia đó ==> rất phức tạp vì sự khác nhau trong luật pháp, ngôn ngữ.

Vì vậy các quốc gia dựa trên nền tảng là Công ước Paris 1883 đã xây dựng nên những điều ước quốc tế chuyên biệt nhằm đơn giản thủ tục đăng ký bảo hộ từng đối tượng.

Hai trong những điều ước nổi bật nhất là Hiệp ước hợp tác bằng sáng chế 1970 (PCT) nhằm đơn giản hóa quy trình bảo hộ sáng chế và Thỏa ước Madrid 1891 về đăng ký quốc tế đối với nhãn hiệu.

2. Pháp luật quốc tế về sáng chế – Hiệp ước hợp tác bằng sáng chế (PCT)

– Sáng chế là đối tượng sở hữu công nghiệp có giá trị kinh tế, thương mại lớn nhất (trên phạm vi toàn thế giới)

– Khái niệm: (theo luật mẫu của WIPO) Sáng chế là ý tưởng của các nhà sáng tạo, đưa ra 1 giải pháp trong thực tế đối với 1 vấn đề cụ thể trong lĩnh vực công nghệ.

VD: + tạo ra các kết cấu mới: ô tô BMW có khoảng 500 sáng chế

+ tạo ra các chất mới: loại thuốc mới

+ tạo ra phương pháp mới: thăm dò, khai thác dầu khí

+ tạo ra vật liệu sinh học mới: vật liệu gen

+ tạo ra quy trình sản xuất: quy trình ngọt hóa nước biển

– Sáng chế rất cần thiết trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, do đó nhu cầu để đăng ký thuận tiện, dễ dàng nhất là rất quan trọng, đặc biệt là tại các quốc gia phát triển (Mỹ, Nhật, Đức, …)

– Hiệp ước hợp tác bằng sáng chế (PCT) ra đời năm 1970 nhằm đơn giản hóa quy trình bảo hộ sáng chế. VN đã là thành viên của Hiệp ước này từ 1993.

– Mục tiêu của PCT:

+ PCT không quy định việc cấp văn bằng sáng chế quốc tế.

Chú ý: cấp bằng sáng chế theo PCT không phải là bằng sáng chế quốc tế mà chỉ có Đơn quốc tế đăng ký bằng sáng chế. Mọi bằng sáng chế đều do quốc gia cấp. PCT chỉ là Hiệp ước nhằm đơn giản hóa và thống nhất hóa thủ tục cấp văn bằng sáng chế trên phạm vi quốc tế.

+ PCT hợp lý hóa và hợp tác hóa quá trình nộp đơn, tra cứu (để kiểm tra tính mới: sáng chế phải “mới” trên toàn thế giới) và xét nghiệm (để kiểm tra tính sáng tạo: đột biến, tạo ra bước chuyển trong công nghệ mà người bình thường không nghĩ ra được) đơn sáng chế.

– Nội dung chính của PCT:

+ thành lập 1 hệ thống nộp Đơn quốc tế

+ quy định việc tra cứu quốc tế đối với Đơn quốc tế

+ quy định thủ tục xét nghiệm đối với Đơn quốc tế

+ quy định cơ chế công bố Đơn quốc tế và báo cáo tra cứu, xét nghiệm Đơn quốc tế

– Quy trình của PCT:

+ B1: Chủ thể nộp “Đơn quốc tế” tại cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên. Chú ý: muốn đăng ký bảo hộ sáng chế tại bao nhiêu quốc gia thì phải ghi rõ trong Đơn quốc tế (chú ý chỉ được đăng ký tại những nước là thành viên của Công ước).

+ B2: Cơ quan có thẩm quyền gửi 1 bản sao của đơn đến Văn phòng quốc tế của WIPO (Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới) có trụ sở tại Gieneva (Thụy Sỹ) và 1 bản sao đến cơ quan tra cứu và xét nghiệm quốc tế

+ B3: Cơ quan tra cứu và xét nghiệm quốc tế sẽ tiến hành tra cứu và xét nghiệm. Kết quả là 1 kết luận.

+ B4: Văn phòng quốc tế gửi kết luận đó tới từng nước thành viên được chỉ định trong Đơn quốc tế

+ B5: Trên cơ sở báo cáo của cơ quan tra cứu và xét nghiệm quốc tế, các nước thành viên sẽ tiến hành cấp văn bằng bảo hộ đối với sáng chế được nêu trong Đơn quốc tế.

Tuy nhiên các nước thành viên của PCT có thể từ chối cấp văn bằng bảo hộ khi:

  • Việc bảo hộ sáng chế đó là trái với luật pháp của nước thành viên được bảo hộ
  • Việc bảo hộ sáng chế đó ảnh hưởng tới an ninh quốc gia hoặc quyền lợi kinh tế của nước thành viên

VD: sáng chế về nhân bản con người thì chỉ được công nhận ở 1 số nước mà luật pháp cho phép nhân bản con người.

3. Pháp luật quốc tế về nhãn hiệu – Thỏa ước Madrid 1891

– Nhãn hiệu là đối tượng sở hữu công nghiệp tham gia lưu thông nhiều nhất (trên phạm vi thế giới).

– Khái niệm: nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

– Có nhiều loại nhãn hiệu:

+ nhãn hiệu hàng hóa / nhãn hiệu dịch vụ

+ nhãn hiệu tập thể: VD chè Tân Cương

+ nhãn hiệu chứng nhận: VD Hàng Việt Nam chất lượng cao

+ nhãn hiệu liên kết

+ nhãn hiệu nổi tiếng: không phải đăng ký bảo hộ, VD Cocacola, Apple

– Hệ thống Madrid: hệ thống đăng ký quốc tế đối với nhãn hiệu, gồm:

Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế đối với nhãn hiệu hàng hóa (1891). Việt Nam tham gia năm 1949 với danh nghĩa Chính phủ Bảo Đại và năm 1981 với danh nghĩa Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Nghị định thư liên quan đến Thỏa ước Madrid năm 1989 và có hiệu lực từ 01/12/1995. Việt Nam tham gia năm 2006

Quy chế chung thi hành Thỏa ước và Nghị định thư Madrid cùng có hiệu lực từ 01/04/1996

– Chú ý: (cũng giống như sáng chế) không có văn bằng bảo hộ nhãn hiệu quốc tế mà chỉ có khái niệm đăng ký quốc tế đối với nhãn hiệu. Mỗi quốc gia sẽ tự mình cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu tại quốc gia mình và văn bằng bảo hộ nhãn hiệu đó chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ quốc gia.

– Quy trình:

+ B1: Chủ thể nộp “Đơn đăng ký quốc tế” tại cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên. Chú ý: muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại bao nhiêu quốc gia thì phải ghi rõ trong Đơn quốc tế (chú ý: chỉ được đăng ký tại những nước cùng là thành viên của thỏa ước Madrid).

Chủ thể có lựa chọn nộp đơn theo:

Đơn quốc tế chịu sự điều chỉnh của Thỏa ước Madrid: bắt buộc phải đăng ký bảo hộ tại nước sở tại trước khi đăng ký bảo hộ tại các nước thành viên khác

Đơn quốc tế chịu sự điều chỉnh của Nghị định thư Madrid: không bắt buộc phải đăng ký tại nước sở tại mà có thể đăng ký tại các nước thành viên khác

+ B2: Đơn đăng ký quốc tế được cơ quan có thẩm quyền gửi đến Văn phòng quốc tế của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). Sau đó Đơn đăng ký quốc tế được chuyển đến các quốc gia thành viên được chỉ định trong Đơn đăng ký.

+ B3: Các quốc gia thành viên khi nhận được Đơn đăng ký từ Văn phòng quốc tế WIPO sẽ ra quyết định bảo hộ hoặc từ chối bảo hộ

Các trường hợp từ chối bảo hộ:

  • Việc bảo hộ nhãn hiệu đó trái với PL của quốc gia họ
  • Việc bảo hộ nhãn hiệu đó xâm phạm đến thuần phong mỹ tục của quốc gia họ

4. Hiệp định TRIPS 1993 – Hiệp định liên quan đến các khía cạnh thương mại của quyền SHTT

– Ba trụ cột của của pháp luật quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ:

+ Công ước Paris 1883 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (ký kết trong khuôn khổ WIPO)

+ Công ước Berne 1886 về bảo hộ quyền tác giả (ký kết trong khuôn khổ WIPO)

+ Hiệp định TRIPS 1993 về các khía cạnh thương mại của quyền SHTT (ký kết trong khuôn khổ WTO)

– Mục đích của Hiệp định TRIPS: được ký kết trong khuôn khổ WTO nhằm mục đích bảo hộ SHTT 1 cách toàn diện, ngăn chặn 1 cách hữu hiệu nguy cơ xâm phạm tài sản trí tuệ mang tầm quốc tế

–  Nếu Công ước Paris chỉ đề cập đến quyền sở hữu công nghiệp, Công ước Berne chỉ đề cập đến quyền tác giả, thì Hiệp định TRIPS đề cập bao trùm cả quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả, quyền đối với giống cây trồng, quyền liên quan, … ==> TRIPS là điều ước quốc tế bảo hộ quyền SHTT toàn diện nhất

– Hiệp định TRIPS xây dựng trên cơ sở các điều ước quan trọng về SHTT trước đó:

+ Công ước Paris 1883 về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp

+ Công ước Berne 1886 về bảo hộ quyền tác giả

+ Công ước Rome 1961 về bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, tổ chức phát sóng

+ Hiệp ước về sở hữu trí tuệ đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp

– Tuy nhiên, Hiệp định TRIPS khác với các điều ước quốc tế trước đó ở chỗ Hiệp định TRIPS tập trung chủ yếu vào khía cạnh kinh tế, thương mại của quyền SHTT cũng như các biện pháp để đảm bảo thực thi quyền SHTT

– Nguyên tắc bảo hộ:

+ nguyên tắc đối xử quốc gia (NT)

+ nguyên tắc tối huệ quốc (MFN): chú ý: chỉ có duy nhất Hiệp định TRIPS có nguyên tắc này, các điều ước khác khác về SHTT chỉ có nguyên tắc đối xử quốc gia

Câu hỏi: Tại sao TRIPS lại có cả NT và MFN trong khi Công ước Paris và Công ước Berne lại chỉ có NT ?

Trả lời: Vì Công ước Paris và Công ước Berne được ký kết trong khuôn khổ WIPO, trong khi Hiệp định TRIPS được ký kết trong khuôn khổ WTO, mà nguyên tắc nền tảng cho WTO là MFN và NT ==> Hiệp định TRIPS cũng có nguyên tắc MFN và NT.

– Đối tượng và tiêu chuẩn bảo hộ:

+ TRIPS đề cập đến tất cả các đối tượng của quyền SHTT: quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả, quyền đối với giống cây trồng, quyền liên quan, …

+ TRIPS kế thừa các tiêu chuẩn của Công ước Paris, Công ước Berne

+ TRIPS bổ sung thêm: VD với quyền tác giả Hiệp định TRIPS bổ sung quy định bảo hộ đối với phần mềm máy tính (TRIPS quy định: Việc bảo hộ đối với phần mềm máy tính được bảo hộ như đối với tác phẩm văn học nghệ thuật theo quy định của Công ước Berne)

VD với quyền sở hữu công nghiệp, TRIPS bổ sung thêm đối tượng bí mật thương mại, thiết kế bố trí mạch tích hợp, ….

– Thực thi quyền SHTT: đây là nội dung nổi bật, tiêu biểu làm Hiệp định TRIPS có tính hiệu quả cao hơn so với các điều ước quốc tế về SHTT khác: Theo quy định của Hiệp định TRIPS, mỗi quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ quy định trong luật của mình các thủ tục và chế tài để đảm bảo cho các chủ sở hữu trong nước và nước ngoài có thể thực thi 1 cách hiệu quả quyền SHTT của mình.

Các biện pháp thực thi quyền SHTT gồm:

+ biện pháp dân sự: bồi thường thiệt hại

+ biện pháp hành chính: phạt tiền, tịch thu tang vật vi phạm

+ biện pháp hình sự: phạt tù

+ biện pháp kiểm soát biên giới: cấm thông quan, thu giữ hàng hóa vi phạm SHTT, tịch thu tang vật tại biên giới, tiêu hủy hàng hóa vi phạm SHTT

5. Quyền sở hữu công nghiệp trong môi trường kỹ thuật số

– Vấn đề nhãn hiệu và tên miền: nhãn hiệu là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, trong khi tên miền lại là tài nguyên trên Internet

IV. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài tại VN

– Nguyên tắc bảo hộ: Điều 679 Luật dân sự 2015: Quyền sở hữu trí tuệ được xác định theo pháp luật của nước nơi đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được yêu cầu bảo hộ.

– Đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ tại VN: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bố trí mạch tích hợp, bí mật kinh doanh

– Xác lập và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài tại VN:

+ nếu có điều ước thì sẽ tuân theo điều ước

+ nếu không có điều ước thì sẽ tuân theo quy định của PL VN

– Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp cho người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài: biện pháp tự bảo vệ

+ chủ thể sở hữu công nghiệp phải có các biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp của mình: VD nếu có bí mật kinh doanh thì phải có công nghệ mã hóa, bảo mật thông tin; nếu có nhãn hiệu thì phải thường xuyên quan sát trên thị trường có chủ thể nào xâm phạm nhãn hiệu không

+ yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại

+ yêu cầu cơ quan NN có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

+ khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình

V. Hợp đồng Li-xăng

1. Khái niệm Hợp đồng Li-xăng

– Khái niệm: Hợp đồng Li-xăng (licence) là hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp và giống cây trồng.

(Khác với hợp đồng mua bán hàng hóa là việc chuyển quyền sở hữu đối với hàng hóa đó)

VD: Công ty A là chủ sở hữu của nhãn hiệu La Vie đối với sản phẩm nước suối đóng chai kinh doanh tại Việt Nam. Công ty B tại Lào muốn sử dụng nhãn hiệu La Vie cho sản phẩm nước suối đóng chai tại thị trường Lào. Khi đó Công ty B ký với Công ty A 1 hợp đồng về việc B sử dụng nhãn hiệu La Vie của A cho sản phẩm nước suối đóng chai tại thị trường Lào với điều kiện B phải đảm bảo chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của A. Hợp đồng mà B ký với A được gọi là Hợp đồng Li-xăng.

VD: Cocacola là nhãn hiệu nước uống có gas của Mỹ. Trong khi đó công ty Cocacola Việt Nam cũng sản xuất nước uống có gas và lấy nhãn hiệu là Cocacola. Ở đây công ty Cocacola Việt Nam đã ký hợp đồng Li-xăng với công ty Cocacola của Mỹ về việc sử dụng nhãn hiệu Cocacola tại Việt Nam.

2. Hình thức và nội dung của Hợp đồng Li-xăng

– Hình thức của hợp đồng Li-xăng: phải bằng văn bản và phải đăng ký tại cơ quan NN có thẩm quyền

– Nội dung của hợp đồng Li-xăng: phải có các nội dung chủ yếu sau:

+ tên, địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền

+ căn cứ chuyển giao quyền sử dụng: chính là văn bằng bảo hộ

+ dạng hợp đồng: thường có các dạng:

  • Hợp đồng Li-xăng độc quyền: khi đã chuyển giao cho bên nhận chuyển giao thì bên chuyển giao không được chuyển giao cho bên thứ 3, trong khi bên nhận chuyển giao vẫn được quyền chuyển giao cho bên thứ 3 và được gọi là Hợp đồng Li-xăng thứ cấp. Chú ý: sau khi chuyển giao thì bên chuyển giao vẫn có thể sử dụng đối tượng đã chuyển giao nhưng phải không trong lãnh thổ mà hợp đồng Li-xăng quy định.
  • Hợp đồng Li-xăng đơn giản: bên chuyển giao chuyển giao quyền sử dụng cho bên nhận chuyển giao thì bên chuyển giao vẫn có thể chuyển giao cho bên thứ 3 nhưng phải nằm ngoài lãnh thổ của bên đã nhận chuyển giao.

+ phạm vi chuyển giao: giới hạn quyền sử dụng, giới hạn vùng lãnh thổ

+ thời hạn của hợp đồng: do 2 bên thỏa thuận những phải nằm trong thời hạn của văn bằng bảo hộ

+ giá chuyển giao quyền sử dụng

+ quyền và nghĩa vụ của các bên: do các bên cam kết với nhau

– Đối với hợp đồng Li-xăng có yếu tố nước ngoài, thì ngoài những điều khoản trên, nội dung của hợp đồng còn có các quy định về pháp luật áp dụng, cơ quan giải quyết tranh chấp, hiệu lực của hợp đồng.

3. Đối tượng của hợp đồng Li-xăng

– Đối tượng của hợp đồng Li-xăng: quyền sử dụng đối với các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, giống cây trồng.

Tuy nhiên có các ngoại lệ:

+ quyền sử dụng đối với chỉ dẫn địa lý không phải là đối tượng của Hợp đồng Li-xăng (lý do: vì chỉ dẫn địa lý phải gắn với sản phẩm tại vùng địa lý đó, không thể có ở vùng địa lý khác. VD chả mực Hạ Long thì mực phải được đánh bắt ở vùng biển Hạ Long, không thể đánh bắt mực ở Phú Quốc rồi lấy chỉ dẫn địa lý là Chả mực Hạ Long)

+ tên thương mại có thể được chuyển giao nhưng phải chuyển giao cùng với cơ sở vật chất kinh doanh

+ nhãn hiệu tập thể: không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu hiệu tập thể đó

4. Hợp đồng Li-xăng không tự nguyện

(còn gọi là Hợp đồng Li-xăng cưỡng bức)

– Là việc Nhà nước dùng quyền lực của mình “ép buộc” chủ sở hữu của đối tượng sở hữu công nghiệp, giống cây trồng phải chuyển giao quyền sử dụng cho chủ thể khác vì lợi ích cộng đồng.

VD: A là chủ sở hữu của 1 dược phẩm và đã được cấp văn bằng bảo hộ. Dịch bệnh xuất hiện và dược phẩm đó của A là biện pháp hữu hiệu để đẩy lui dịch bệnh đó. Tuy nhiên vì lý do nào đó A không đủ năng lực sản xuất và cũng không chịu chuyển giao quyền sử dụng dược phẩm đó cho chủ thể khác để sản xuất đáp ứng nhu cầu cộng đồng. Khi đó nhà nước có quyền “cưỡng bức” A phải ký hợp đồng li-xăng với chủ thể khác để nhằm mục đích sản xuất đủ số dược phẩm đáp ứng nhu cầu đẩy lui dịch bệnh.

– Khái niệm: Hợp đồng Li-xăng không tự nguyện là loại hợp đồng mà bên chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp phải chuyển giao quyền sử dụng đối tượng đó cho bên nhận chuyển giao theo quyết định của cơ quan NN có thẩm quyền trong các trường hợp sau:

+ chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp đã không sử dụng đối tượng đó mà không có lý do chính đáng (thông thường thời gian là 5 năm kể từ khi được cấp văn bằng bảo hộ, tức là sau 5 năm mà không sử dụng thì có thể bị xem xét áp dụng hợp đồng li-xăng không tự nguyện)

+ vì lợi ích của cộng đồng: như phòng chống dịch bệnh, thiên tai

+ để bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia

– Điều 5 Công ước Paris quy định mỗi nước thành viên đều có quyền đưa ra những biện pháp pháp lý nhằm ngăn chặn việc làm dụng quyền sở hữu công nghiệp có thể nảy sinh từ việc bảo hộ độ quyền.

Tình huống: Nhạc sỹ Lê của Việt Nam đạt giải 3 cuộc thi Bài Hát Việt tổ chức tại VN năm 2016. Khi bài hát đó được công bố rộng rãi thì có người phát hiện ra bài hát đó có phần nhạc rất giống với phần nhạc của 1 bài hát của 1 nhạc sỹ Hàn Quốc đã được công bố tại Hàn Quốc. Hỏi:

(1) Nhạc sỹ Lê có vi phạm quyền tác giả của nhạc sỹ người Hàn Quốc không, biết rằng ca khúc của nhạc sỹ người Hàn Quốc chưa được đăng ký bản quyền tác giả tại Việt Nam

(2) Trong trường hợp có sự vi phạm, vụ việc trên sẽ được giải quyết như thế nào ?

Trả lời:

a. Cơ sở pháp lý:

+ cả VN và Hàn Quốc đều là thành viên của Công ước Berne 1886, nên các đuềuoan ảnon trg CÔng ước Berne là 1 cơ sở pháp lý;

+ theo Điều 679 luật Dân sự Việt Nam thì luật được áp dụng là luật nơi có yêu cầu bảo hộ, ở đây sự vi phạm có thể là ở VN và việc yêu cầu bảo hộ cũng là ở VN nên sẽ áp dụng luật Việt Nam

Cách xử lý:

+ theo quy định của Công ước Berne và của PL VN thì tác phẩm âm nhạc là đối tượng bảo hộ của quyền tác giả

+ theo quy định của Công ước Berne và của PL VN thì quyền tác giả không cần phải đăng ký, quyền tác giả được bảo hộ đương nhiên, chủ sở hữu chỉ cần chứng minh mình là tác giả. Do đó việc tác giả người Hàn Quốc có đăng ký tại VN hay không cũng không có ý nghĩa trong vụ việc này

Trả lời cho câu hỏi “có sự xâm phạm quyền tác giả không”:

+ nếu có sự thỏa thuận giữa nhạc sỹ Lê và nhạc sỹ người Hàn Quốc thì không có sự vi phạm

+ nếu không có sự thỏa thuận: cả nhạc sỹ Lê và nhạc sỹ người Hàn Quốc phải chứng minh chính mình là tác giả. Vì nhạc sỹ người Hàn Quốc đã công bố tác phẩm tại Hàn Quốc nên đây sẽ là 1 căn cứ rất quan trọng chứng mình nhạc sỹ Hàn Quốc là tác giả. Nếu nhạc sỹ Lê muốn chứng minh đây là tác phẩm của mình thì phải chứng minh đây là tác phẩm gốc do mình sáng tác, phần nhạc giống chỉ là 1 sự ngẫu nhiên.

b. Xử lý như thế nào ?

+ trước hết sẽ xử lý hành chính

+ sau đó là xử lý dân sự nếu nhạc sỹ người Hàn Quốc khởi kiện, có thể sẽ phải bồi thường thiệt hại nếu nhạc sỹ người Hàn Quốc chứng minh được thiệt hại.

Tình huống: Tranh chấp về bản quyền phần mềm máy vi tính giữa Công TNHH khoa học kỹ thuật Thuận Võng Hàng Châu và Công ty cổ phần tin học Hòa Bình Việt Nam. Tháng 8/2015, Thuận Võng Hàng Châu tố cáo phần mềm iCafe Mavin của mình bị Hòa Bình VN phân phối tại VN trong bộ sản phẩm được gọi là Gcafe và khởi kiện Hòa Bình VN ra tòa án. Công ty Thuận Võng Hàng Châu đã cung cấp các tài liệu:

+ phần mềm iCafe đã đăng ký bản quyền tại Ban Kinh tế và Thông tin hóa tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc vào năm 2013 và đăng ký tại Cục Bản quyền quốc gia nước CHND Trung Hoa vào năm 2011

+ đã nộp đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (đăng ký nhãn hiệu icafe) và cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vào ngày 28/3/2012

+ để bảo vệ quyền sở hữu, Thuận Võng Hàng Châu đã ký hợp đồng chữ ký điện tử với Globe Sky và đã thực hiện ký tên lên tất cả các file hệ thống và file cài đặt của phần mềm iCafe Mavin. Sau đó iCafe Mavin đã được nhiều công ty mua lại và phát hành tại các quốc gia. Thuận Võng Hàng Châu cũng đã ký kết phân phối iCafe Mavin tại VN qua 1 công ty của Singapore với thời gian từ 1/2/2012 đến ngày 28/2/2015. Sau khi hết hạn, công ty của Singapore xác nhận đã chấm dứt phân phối phần mềm này tại VN.

Theo Thuận Võng Hàng Châu thì các file cài đặt, file hệ thống của phần mềm mà Hòa Bình VN phân phối đều có chữ ký điện tử của Thuận Võng Hàng Châu. Vì vậy Thuận Võng Hàng Châu đã yêu cầu Hòa Bình VN đền bù thiệt hại là 1 triệu USD, tương đương với số tiền thu lợi bất hợp pháp từ ngày 1/3/2015 đến ngày 12/08/2015 và phải gỡ bỏ phần mềm trên tại tất cả các máy tính tại VN.

Công ty Hòa Bình VN phản bác lại ý kiến trên, theo đó thì Gcafe là sản phẩm do chính Công ty Hòa Bình VN phát triển, chủ sở hữu, bằng chứng là phần mềm Gcafe đã được cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả từ năm 2011.

Ngày 22/11/2015 tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã thụ lý vụ án với nguyên đơn là Công ty Thuận Võng Hàng Châu.

– Nếu bảo vệ cho Công ty Thuận Võng Hàng Châu:

+ việc công ty Hòa Bình VN được cấp Giấy chứng nhận bản quyền tác giả từ năm 2011 là không có ý nghĩa khi Thuận Võng Hàng Châu chứng minh được Hòa Bình VN đã sao chép phần mềm (thông qua chữ ký điện tử trên các file hệ thống), và Giấy chứng nhận bản quyền hoàn toàn có thể bị hủy bỏ.

– Nếu bảo vệ cho Công ty Hòa Bình VN:

+ việc được cấp Giấy chứng nhận bản quyền tại VN là bằng chứng cho sự hợp pháp của sản phẩm và chủ sở hữu sản phẩm

+ cần xác minh chữ ký điện tử tại các file hệ thống của Gcafe có đúng là của Thuận Võng Hàng Châu không, vì chữ ký điện tử có thể được giả mạo. Có thể xác minh bằng cách sang Trung Quốc để đối chiếu với chữ ký điện tử của Thuận Võng Hàng Châu.

– Nếu là TAND thành phố Hà Nội: đây là vụ án có thực, đến nay vẫn đang xem xét, chưa đưa ra kết luận

Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Tư pháp quốc tế: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-tu-phap-quoc-te?ref=lnpc

Mời bạn xem thêm:

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.
Sơ đồ bài viết