fbpx
Học viện đào tạo pháp chế ICA
Bài tập thừa kế trong tư pháp quốc tế

Pháp luật thừa kế có yếu tố nước ngoài là một bộ phận quan trọng của tư pháp quốc tế. Pháp luật thừa kế được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật quốc gia khác nhau, trong các điều ước quốc tế liên quan mà quốc gia là thành viên, trong các án lệ liên quan của các nước, trong các nguồn pháp luật khác. Ở Việt Nam, chế định về thừa kế được quy định, trước tiên trong Bộ luật dân sự và trong các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan. Để củng cố kiến thức cũng như áp dụng pháp luật vào thực tiễn, Học viện Đào tạo pháp chế ICA tổng hợp những bài tập thừa kế trong tư pháp quốc tế, hi vọng bài viết hữu ích với bạn đọc.

Bài tập thừa kế trong tư pháp quốc tế

Bài tập 1:

Cho 02 ví dụ về quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài và phân tích ý nghĩa của việc xác định yếu tố nước ngoài trong các quan hệ về thừa kế?

Giải đáp:

Ví dụ 1: Ông A mang quốc tịch Thái Lan để lại di chúc tài sản thừa kế là một căn nhà ở Thái Lan cho con gái và vợ là người mang quốc tịch Việt Nam thường trú tại Việt Nam.

Trong quan hệ thừa kế ở ví dụ trên có hai căn cứ để xác định yếu tố nước ngoài. Thứ nhất, người để lại thừa kế là Ông A là người nước ngoài; Thứ hai, tài sản thừa kế được đặt tại nước ngoài.

Việc xác định yếu tố nước ngoài có ý nghĩa xác định hệ thống pháp luật cho việc giải quyết quan hệ thừa kế trên. Theo đó, việc tiến hành thủ tục nhận di sản thừa kế là căn nhà phải tuân theo pháp luật của Thái Lan.

Ví dụ 2: Ông B là người Việt Nam góp vốn vào công ty H là công ty nước ngoài có trụ sở đặt tại Hàn Quốc. Ông B để lại di chúc cho con trai toàn bộ phần vốn góp trong công ty H.

Yếu tố nước ngoài trong trường hợp trên là quan hệ thừa kế có liên quan với bên thứ ba là pháp nhân nước ngoài. Việc xác định yếu tố nước ngoài trong trường hợp này có ý nghĩa xác định thủ tục để áp dụng cho việc nhận di sản.

Bài tập 2:

Theo pháp luật Việt Nam, thừa kế có yếu tố nước ngoài là thừa kế có liên quan đến di sản để lại ở nước ngoài? Đúng hay Sai?

Giải đáp:

Sai. Vì khoản 2 Điều 663 Bộ luật dân sự 2015 quy định quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài như sau:

“2. Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;

b) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;

c) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài”.

Theo đó, thừa kế có yếu tố nước ngoài được nhận diện thông qua các dấu hiệu sau:

Thứ nhất, chủ thể tham gia quan hệ thừa kế ở đây có thể là cá nhân, tổ chức để lại di sản hoặc cá nhân, tổ chức được hưởng quyền di sản đó là người nước ngoài;

Thứ hai, đối tượng của quan hệ thừa kế tức là di sản để lại đang tồn tại ở nước ngoài và chịu sự điều chỉnh của pháp luật nước sở tại. Và đồng thời, các tài sản này cũng sẽ phải chịu sự chi phối cũng như sự điều chỉnh của pháp luật nước có thẩm quyền giải quyết vấn đề thừa kế phần di sản đó.

Thứ ba, có thể kể đến những sự kiện pháp lý có giá trị làm thay đổi hoặc phát sinh, chấm dứt quan hệ thừa kế xảy ra ở nước ngoài.

Bài tập 3:

A có quốc tịch Việt Nam đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Khi đó, A có góp vốn thành lập công ty DC tại đây. Hết thời gian xuất khẩu lao động, A về Việt Nam và không may bị tai nạn chết. A chết không để lại di chúc, di sản của A là phần vốn góp tại công ty DC. Hãy xác định luật áp dụng giải quyết vấn đề thừa kế di sản của A trong trường hợp trên.

Giải đáp:

Theo quy định tại Điều 680 Bộ luật dân sự 2015:

“Điều 680. Thừa kế

1. Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.

2. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”.

Căn cứ quy định nêu trên, A có quốc tịch Việt Nam nên thừa kế được xác định theo pháp luật Việt Nam. Còn về thủ tục hưởng thừa kế thì dựa theo pháp luật của Hàn Quốc.

Bài tập 4:

Anh K có quốc tịch Việt Nam cư trú và làm việc tại Đài Loan, lập di chúc để lại tài sản đầu tư tại Đài Loan cho vợ và các con mang quốc tịch Việt Nam. Khi giải quyết vấn đề thừa kế, luật nước nào sẽ được áp dụng nhằm giải quyết những vấn đề sau:

Xác định năng lực lập, hủy bỏ di chúc? 

Phân biệt tài sản là động sản hay bất động sản?

Giả sử di sản trên không có người thừa kế thì được giải quyết như thế nào?

Giải đáp:

Điều 681 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“Điều 681. Di chúc

1. Năng lực lập di chúc, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc được xác định theo pháp luật của nước mà người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc.

2. Hình thức của di chúc được xác định theo pháp luật của nước nơi di chúc được lập. Hình thức của di chúc cũng được công nhận tại Việt Nam nếu phù hợp với pháp luật của một trong các nước sau đây:

a) Nước nơi người lập di chúc cư trú tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;

b) Nước nơi người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;

c) Nước nơi có bất động sản nếu di sản thừa kế là bất động sản”.

Căn cứ quy định pháp luật nêu trên, năng lực lập di chúc, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc được xác định theo nước Việt Nam vì anh K có quốc tịch Việt Nam.

Tài sản đầu tư của anh K là động sản hay bất động sản thì căn cứ theo Điều 107 Bộ luật dân sự 2015:

“Điều 107. Bất động sản và động sản

1. Bất động sản bao gồm:

a) Đất đai;

b) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai;

c) Tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng;

d) Tài sản khác theo quy định của pháp luật.

2. Động sản là những tài sản không phải là bất động sản”.

Theo đó, nếu tài sản đầu tư của anh K thuộc một trong các trường hợp nêu tại khoản 1 nêu trên thì tài sản đó được xác định là bất động sản. Nếu tài sản đầu tư của anh K không thuộc các trường hợp nêu tại khoản 1 thì tài sản đó được xác định là bất động sản.

Giả sử trường hợp không có người thừa kế thì di sản thừa kế được giải quyết theo quy định tại Điều 622 Bộ luật dân sự 2015:

“Điều 622. Tài sản không có người nhận thừa kế

Trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước”.

Theo đó, trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được hưởng quyền di sản thì tài sản của người để lại di sản sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản thì tài sản thuộc về Nhà nước.

Trên đây là nội dung tư vấn về chủ đề: “Bài tập thừa kế trong tư pháp quốc tế“. Hi vọng bài viết hữu ích với bạn đọc.

Câu hỏi thường gặp:

Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế đối với động sản là bao nhiêu năm?

Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản đối với động sản là 10 năm.

Thời hiệu để xác nhận quyền thừa kế, bác bỏ quyền thừa kế là bao nhiêu năm?

Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.
Sơ đồ bài viết