fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài giảng môn học Công pháp quốc tế chương II

Bài giảng môn học Công pháp quốc tế chương II tập trung vào nguồn của Luật Quốc tế, giúp người học nắm vững các cơ sở pháp lý và tài liệu quan trọng hình thành nên luật pháp quốc tế. Chương này sẽ phân tích các nguồn chính như điều ước quốc tế, tập quán quốc tế, nguyên tắc chung của pháp luật, cùng với các phán quyết và ý kiến của các tổ chức quốc tế. Đây là nền tảng quan trọng để hiểu cách các quy định quốc tế được hình thành, áp dụng và phát triển trong quan hệ giữa các quốc gia và tổ chức trên toàn cầu.

Bài giảng môn học Công pháp quốc tế chương II

Chương 2: Nguồn của luật Quốc tế

I. Khái niệm

1. Định nghĩa

Nguồn của luật Quốc tế được hiểu là những hình thức chứa đựng hay biểu hiện sự tồn tại của các quy phạm PL quốc tế.

Chú ý: nguồn của luật Quốc tế có nghĩa rộng hơn so với nguồn của PL quốc gia (trong môn học Lý luận NN và PL): nguồn trong luật quốc gia chỉ là những hình thức chứa đựng các quy phạm PL, còn nguồn trong luật Quốc tế không chỉ là những hình thức chứa đựng các quy phạm PL luật Quốc tế mà còn gồm cả những biểu hiện sự tồn tại của các quy phạm PL luật Quốc tế (hay còn gọi là những phương tiện bổ trợ nguồn).

Câu hỏi: Phương tiện bổ trợ nguồn có phải là nguồn của PL không ?

Trả lời: nếu với luật quốc gia thì là KHÔNG; nếu với luật quốc tế thì là CÓ

2. Căn cứ để xác định nguồn

II. Cấu trúc nguồn của luật Quốc tế

Nguồn của luật Quốc tế:

Nguồn cơ bản:

  • Điều ước quốc tế (nguồn thành văn)
  • Tập quán quốc tế (nguồn bất thành văn)

Nguồn bổ trợ / Phương tiện bổ trợ nguồn:

  • Nguyên tắc PL chung
  • Phán quyết của Tòa án công lý quốc tế
  • Nghị quyết của tổ chức quốc tế liên chính phủ
  • Hành vi pháp lý đơn phương của quốc gia
  • Các học thuyết của các học giả nổi tiếng về luật quốc tế

1. Điều ước quốc tế

a. Khái niệm

– Là thỏa thuận bằng văn bản giữa các quốc gia và các chủ thể khác của luật Quốc tế trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, nhằm điều chỉnh mối quan hệ mối quan hệ phát sinh giữa các quốc gia và các chủ thể đó. (theo Công ước Viên 1969 về Điều ước quốc tế)

– Là loại nguồn cơ bản và chủ yếu của luật Quốc tế

b. Đặc điểm

Về hình thức:

  • Về nguyên tắc, điều ước quốc tế phải tồn tại dưới dạng văn bản, nhưng có 1 ngoại lệ duy nhất, đó là Điều ước quốc tế Quân tử có thể tồn tại dưới dạng bất thành văn. (điều ước Quân tử chỉ tồn tại sau chiến tranh thế giới, đến nay hầu như không còn, điều ước Quân tử thường là các cam kết của các quốc gia sau chiến tranh, các quốc gia đó cho rằng khi các quốc gia ký kết điều ước quốc tế thì các quốc gia đó sẽ bằng danh dự và uy tín của quốc gia mình mà tôn trọng và thực thi các điều ước quốc tế đó, và việc này không cần phải ký kết bằng văn bản)
  • Điều ước quốc tế là 1 khái niệm chung (tương tự Văn bản luật trong hệ thống luật Quốc gia), tùy vào từng trường hợp cụ thể mà điều ước quốc tế sẽ có tên gọi phù hợp: với điều ước để thành lập các tổ chức quốc tế hay các cơ quan tài phán quốc tế thì sẽ có tên Hiến chương, Điều lệ, Quy chế; với điều ước quốc tế về phân định biên giới, lãnh thổ thì sẽ có tên là Hiệp định, Công ước; nghị định thư, … Tuy nhiên, khác với quy định về tên gọi văn bản luật trong hệ thống luật quốc gia vốn được quy định rất rõ (hiến pháp, luật, nghị định, thông tư, quyết định, chỉ thị …), thì với luật quốc tế không có bất kỳ quy định nào về việc đặt tên cho điều ước, việc đặt tên đó hoàn toàn do các bên thỏa thuận.
  • Tên gọi của điều ước quốc tế không có giá trị phân định giá trị pháp lý cao hay thấp của điều ước quốc tế (điều này khác với tên văn bản luật trong luật quốc gia)
  • Một điều ước quốc tế thông thường được kết cấu 3 phần: mở đầu, nội dung, kết luận. Phần nội dung của điều ước quốc tế gồm các điều khoản quy định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể. Cũng có trường hợp nội dung của điều ước quốc tế không bao gồm bất cứ điều khoản nào, ví dụ Tuyên bố thành lập tổ chức ASEAN

Về nội dung:

Nội dung của điều ước quốc tế thông thường bao gồm các điều, khoản ghi nhận quyền và nghĩa vụ của các chủ thể

Nội dung khác: thời điểm bắt đầu phát sinh hiệu lực, thời điểm chấm dứt hiệu lực, có cho bảo lưu không, có được mời các quốc gia khác gia nhập không, …

Bài giảng môn học Công pháp quốc tế chương II
Bài giảng môn học Công pháp quốc tế chương II

c. Điều kiện để điều ước quốc tế có thể phát sinh hiệu lực

Điều ước quốc tế phải thỏa mãn đủ 3 điều kiện sau thì mới phát sinh hiệu lực:

(1) Được ký kết trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng

(2) Nội dung của điều ước quốc tế phải phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật Quốc tế

(3) Phải được ký kết đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền

Điều ước quốc tế sẽ vô hiệu tuyệt đối nếu vi phạm điều kiện (2). Tức là nếu điều ước quốc tế vi phạm các quy phạm jus cogens thì sẽ bị vô hiệu ngay từ khi nó phát sinh hiệu lực. Còn nếu điều ước quốc tế đã có rồi, sau đó mới có quy phạm jus cogens và chúng mâu thuẫn với nhau thì điều ước quốc tế sẽ vô hiệu kể từ thời điểm quy phạm jus cogens có hiệu lực.

Nếu vi phạm điều kiện (1) hoặc (3) thì điều ước quốc tế sẽ vô hiệu tương đối. Tức là vẫn được coi là có hiệu lực nếu các bên vẫn đồng ý thực thi.

Chú ý: trình tự, thủ tục, và thẩm quyền ở đây là những quy định trong luật quốc gia khi quy định về việc tham gia ký kết các điều ước quốc tế (mỗi quốc gia có thể có quy định khác nhau).

d. Trình tự ký kết điều ước quốc tế

Trải qua 2 giai đoạn:

– Giai đoạn hình thành văn bản điều ước, gồm các bước:

+ B1: đàm phán: các bên thỏa thuận, thương lượng về tất cả các nội dung về diều ước, bao gồm quyền và nghĩa vụ của các bên, hiệu lực áp dụng, thời hạn, thời hiệu …

+ B2: soạn thảo: có 2 cách: các bên sau khi đàm phán sẽ nhờ bên thứ 3 chuyên soạn thảo điều ước quốc tế; hoặc các bên sẽ cùng nhau lập ra 1 ban soạn thảo gồm đại diện của mỗi bên; hoặc 1 trong các bên soạn dự thảo sẵn điều ước và các bên còn lại sẽ đàm phán trên dự thảo đó

+ B3: thông qua: là thủ tục nhằm xác nhận văn bản điều ước đã phản ánh đúng nội dung mà các bên đã đàm phán. Hành vi thông qua không thể hiện sự ràng buộc của điều ước quốc tế đối với quốc gia mình, tuy nhiên không bên nào được tự ý sửa đổi bổ sung vào văn bản đó. Việc thông qua theo tỷ lệ như thế nào (quá bán, quá 2/3, …) hoàn toàn do các bên thỏa thuận.

Các bên thể hiện sự thông qua bằng cách ký nháy vào từng tờ của văn bản.

– Giai đoạn xác nhận sự ràng buộc của văn bản điều ước đối với quốc gia mình: thông qua các hành vi:

+ ký, có 3 hình thức ký:

  • Ký tắt: là chữ ký của đại diện các bên khi tham gia đàm phán xây dựng văn bản điều ước, nhằm xác nhận dự thảo văn bản điều ước quốc tế đã được thông qua. Ký tắt chưa làm phát sinh hiệu lực của điều ước quốc tế.
  • Ký ad referendum: cũng là chữ ký của người đại diện các quốc gia, nhưng có thể làm phát sinh hiệu lực của điều ước quốc tế nếu có sự đồng ý tiếp theo của cơ quan NN có thẩm quyền của quốc gia đó (khi đó chữ ký ad referendum sẽ trở thành ký đầy đủ)
  • Ký đầy đủ (hay ký chính thức): là hình thức ký phổ biến nhất. Thông thường điều ước quốc tế sẽ phát sinh hiệu lực ngay sau khi ký đầy đủ nếu các bên không có thỏa thuận khác, hoặc nếu điều ước quốc tế không đòi hỏi phải thông qua thủ tục phê chuẩn hoặc phê duyệt

+ phê chuẩn, phê duyệt điều ước: là hành vi của cơ quan NN có thẩm quyền nhằm xác nhận sự ràng buộc của văn bản điều ước đối với quốc gia mình.

Chú ý: phê chuẩn = phê duyệt , khác nhau ở thẩm quyền thực hiện:

Phê chuẩn: do cơ quan quyền lực NN thực hiện (Nghị viện, Quốc hội)

Phê duyệt: do Chính phủ thực hiện

==> tùy từng tính chất của điều ước quốc tế mà sẽ cần được phê chuẩn hoặc phê duyệt

Chú ý: không phải mọi điều ước quốc tế đều phải yêu cầu thủ tục phê chuẩn, phê duyệt, điều này được quy định ngay trong nội dung điều ước. Có những điều ước quốc tế có hiệu lực ngay sau khi các bên ký đầy đủ. Nếu trong nội dung điều ước có yêu cầu các bên phải phê chuẩn, phê duyệt thì thông thường điều ước quốc tế sẽ có hiệu lực sau khi các bên trao đổi với nhau Thư phê chuẩn / Thư phê duyệt.

+ gia nhập điều ước quốc tế: là 1 hình thức đặc biệt của quá trình ký kết điều ước quốc tế, mà theo hình thức này thì các quốc gia không tham gia vào quá trình hình thành văn bản điều ước mà chỉ tham gia vào quá trình xác nhận sự ràng buộc của văn bản điều ước quốc tế đó đối với mình.

Đó là các trường hợp điều ước quốc tế đã hết thời hạn ký mà quốc gia đó vẫn chưa là thành viên, hoặc điều ước quốc tế đã phát sinh hiệu lực mà quốc gia đó vẫn chưa là thành viên

Chú ý: ký >< ký kết

Ký: là 1 hành vi trong giai đoạn xác nhận sự ràng buộc của văn bản điều ước quốc tế với quốc gia mình, tức là chỉ là 1 giai đoạn của ký kết.

Ký kết: là toàn bộ quá trình trên

e. Thẩm quyền ký kết điều ước quốc tế

Gồm 2 nhóm:

– Đại diện đương nhiên:

+ nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ, bộ trưởng ngoại giao có quyền là đại diện đương nhiên cho quốc gia, thực hiện bất kỳ hành vi nào trong toàn bộ quá trình ký kết điều ước quốc tế

+ người đứng đầu các cơ quan đại diện ngoại giao có quyền đại diện cho quốc gia mình trong việc thông qua văn bản điều ước quốc tế giữa nước sở tại với nước mình.

+ người đại diện cho quốc gia tại các tổ chức quốc tế, hội nghị quốc tế có quyền đại diện cho quốc gia mình trong việc thông qua văn bản của 1 điều ước quốc tế trong khuôn khổ của hội nghị hoặc tổ chức đó

Ngoài ra, những người đứng đầu các bộ, cơ quan ngang bộ có quyền ký kết những điều ước quốc tế thuộc lĩnh vực của bộ, ngành mà không cần thư ủy nhiệm.

– Đại diện theo ủy quyền: ngoài các đối tượng trên thì phải trình thư ủy nhiệm khi tham gia vào quá trình ký kết điều ước quốc tế

f. Hiệu lực của điều ước quốc tế

– Về thời điểm điều ước quốc tế bắt đầu phát sinh hiệu lực: theo thỏa thuận của các bên

– Thời điểm chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế:

+ với điều ước quốc tế có thời hạn: chấm dứt hiệu lực theo thời hạn đã thỏa thuận

+ với điều ước quốc tế vô thời hạn: chấm dứt hiệu lực khi xảy ra 1 số yếu tố khách quan, chủ quan ảnh hưởng đến hiệu lực của điều ước quốc tế

  • Các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến hiệu lực của điều ước quốc tế:
    • Khi đối tượng của điều ước quốc tế không còn. Ví dụ điều ước về đối xử nhân đạo với tù binh trong chiến tranh sẽ kết thúc khi chiến tranh kết thúc; điều ước giữa Hoa Kỳ với Việt Nam về tìm kiếm người Mỹ mất tích sẽ kết thúc sau khi tìm thấy hết người Mỹ mất tích
    • Khi xuất hiện sự thay đổi cơ bản về hoàn cảnh khách quan (rebussic stantibus) (khoản 2 Điều 62 Công ước Viên 1969 về Luật Điều ước quốc tế): theo đó khi có sự thay đổi cơ bản về hoàn cảnh khách quan tại thời điểm các bên thực hiện nghĩa vụ điều ước so với thời điểm các bên tiến hành ký kết mà hoàn cảnh này lại là cơ sở, điều kiện để các bên có thể thực hiện nghĩa vụ của mình. Sự thay đổi đó hoàn toàn do nguyên nhân khách quan, không do bên nào cố tình tạo ra và các bên cũng không thể dự liệu trước sự thay đổi đó tại thời điểm ký kết. Khi đó 1 trong các bên có quyền viện dẫn sự thay đổi này để chấm dứt hoặc tạm đình chỉ hiệu lực của điều ước.

Ví dụ: khi quốc gia thay đổi chế độ, VD khi chế độ Việt Nam Cộng hòa sụp đổ năm 1975, hay VN tuyên bố độc lập năm 1945, Liên Xô sụp đổ 1991

Lưu ý: sự thay đổi cơ bản về hoàn cảnh khách quan không được áp dụng nếu:

  • Sự thay đổi đó do 1 trong các bên cố tình tạo ra
  • Không được áp dụng đối với các điều ước quốc tế về biên giới lãnh thổ
    • Khi xuất hiện quy phạm jus cogens mới có nội dung mâu thuẫn với điều ước quốc tế.
  • Các yếu tố chủ quan ảnh hưởng đến điều ước quốc tế:
    • Các bên thỏa thuận chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế
    • Khi 1 trong các bên có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của điều ước quốc tế thì bên còn lại có thể viện dẫn sự vi phạm đó để từ chối thực hiện cam kết quốc tế của mình
    • Bảo lưu điều ước quốc tế: là hành vi pháp lý đơn phương của 1 quốc gia dưới bất kể cách thức hay tên gọi như thế nào nhằm thay đổi hiệu lực của 1 hoặc 1 số điều khoản của điều ước quốc tế.

Mục đích của bảo lưu: thông thường với 1 điều ước quốc tế (đa phương) thì càng muốn nhiều quốc gia tham gia càng tốt, tuy nhiên càng nhiều quốc gia tham gia thì việc dung hòa lợi ích quốc gia càng khó khăn. Do đó vừa để đảm bảo giá trị của điều ước mà vẫn đảm bảo lợi ích quốc gia, chế định bảo lưu xuất hiện, đảm bảo 1 quốc gia vì lợi ích riêng của mình có thể thay đổi 1 hoặc 1 số điều khoản của điều ước.

Lưu ý:

  • Bảo lưu điều ước quốc tế chỉ áp dụng đối với điều ước quốc tế đa phương, không áp dụng đối với điều ước quốc tế song phương
  • Hành vi bảo lưu của quốc gia chỉ được đưa ra vào giai đoạn xác nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế mà không được đưa ra vào giai đoạn hình thành văn bản điều ước. (Vì ở giai đoạn hình thành văn bản điều ước thì các bên vẫn có thể đàm phán nội dung điều ước; còn ở giai đoạn xác nhận sự ràng buộc của điều ước tức là đã thông qua văn bản điều ước và các bên không có quyền thay đổi nội dung điều ước)
  • Bảo lưu là quyền của quốc gia khi tham gia các điều ước quốc tế, nhưng quyền này có thể bị hạn chế trong các trường hợp sau:
    • Đối với điều ước quốc tế có quy định cấm bảo lưu
    • Điều ước quốc tế cho phép bảo lưu 1 số điều khoản nhưng điều khoản bảo lưu quốc gia đưa ra không nằm trong những điều khoản đó
    • Bảo lưu trái với đối tượng và mục đích của điều ước
  • Hệ quả pháp lý của bảo lưu điều ước quốc tế: quan hệ giữa các thành viên của 1 điều ước sẽ thay đổi trong phạm vi có bảo lưu.

Ví dụ, trong 1 điều ước quốc tế đa phương về vấn đề an ninh, trong đó có điều khoản “trong trường hợp trong lãnh thổ các quốc gia thành viên mà phát hiện 1 cá nhân phạm tội ác quốc tế thì các quốc gia có nghĩa vụ dẫn độ quốc gia đó đến Tòa án hình sự quốc tế để xét xử”. Quốc gia A đưa ra điều kiện bảo lưu điều ước “Tôi cam kết sẽ dẫn độ cá nhân phạm tội ác quốc tế ra Tòa án hình sự quốc tế để xét xử, trừ trường hợp cá nhân đó là công dân của nước tôi”, tức là chỉ đồng ý dẫn độ công dân nước khác đến tòa án quốc tế, còn với công dân của mình thì sẽ xét xử bằng hệ thống tòa án và luật pháp của quốc gia A. Khi đó các quốc gia khác có thể:

  • Quốc gia B: Đồng ý để quốc gia đó bảo lưu: quan hệ điều ước giữa A và B vẫn tồn tại, khi phát sinh vấn đề quan hệ giữa A và B về dẫn độ tội phạm thì sẽ áp dụng điều khoản do A đưa ra thay cho điều khoản trong điều ước.
  • Quốc gia C: Phản đối bảo lưu, phản đối quan hệ điều ước: giữa C và A sẽ không tồn tại quan hệ điều ước
  • Quốc gia D: Phản đối bảo lưu, nhưng không phản đối quan hệ điều ước: giữa D và A vẫn tồn tại quan hệ điều ước, nhưng với điều khoản bảo lưu do A đưa ra sẽ không được áp dụng, khi vấn đề phát sinh thì A và D sẽ cùng đàm phán để giải quyết.
  • Quốc gia E: Im lặng: các quốc gia được phép im lặng trong 12 tháng kể từ ngày A đưa ra tuyên bố bảo lưu, nếu không có ý kiến thì được coi là đồng ý

– Hiệu lực của điều ước quốc tế đối với bên thứ 3: về nguyên tắc, điều ước quốc tế chỉ có giá trị pháp lý ràng buộc đối với các bên là thành viên của điều ước mà không có hiệu lực đối với quốc gia thứ 3. Tuy nhiên trong 1 số trường hợp đặc biệt, điều ước quốc tế có thể phát sinh hiệu lực đối với bên thứ 3, bao gồm:

+ điều ước quốc tế tạo ra quyền và nghĩa vụ cho bên thứ 3 và được bên thứ 3 đồng ý

+ điều ước quốc tế tạo ra hoàn cảnh khách quan: ví dụ trường hợp Công ước về luật biển quốc tế 1982, dù không phải tất cả các quốc gia đều là thành viên của Công ước, nhưng trong Công ước đó đưa ra những quy định về vùng biển quốc tế, và các quốc gia không tham gia Công ước có thể áp dụng. Ví dụ 2 quốc gia có cùng 1 eo biển ký kết với nhau về sử dụng eo biển đó, khi đó tàu thuyền các quốc gia đó đi qua eo biển đó cũng phải tuân thủ quy định do 2 quốc gia đó đưa ra. Ví dụ các quốc gia ký kết với nhau về phân chia Nam cực (chỉ có 1 số ít quốc gia được chia Nam cực) và tất cả các quốc gia khác phải tôn trọng.

+ điều ước quốc tế chứa đựng điều khoản tối huệ quốc: là về vấn đề quốc gia đãi ngộ người nước ngoài, có 2 nhóm chế độ:

  • Đãi ngộ quốc gia: tạo sự bình đẳng giữa người nước ngoài với công dân trong nước, người nước ngoài trên lãnh thổ quốc gia được đối xử như với công dân của nước mình, trừ 1 số quyền như ứng cử, bầu cử.
  • Đãi ngộ tối huệ quốc: quốc gia A dành cho quốc gia B khác quy chế tối huệ quốc tức là A cam kết B sẽ được hưởng những quyền lợi và ưu đãi không kém phần thuận lợi hơn bất kỳ 1 quốc gia thứ 3 nào đã, đang, và sẽ được hưởng trong tương lai

g. Thực hiện điều ước quốc tế

Có 2 cách:

– Áp dụng trực tiếp: coi văn bản điều ước như PL quốc gia và được áp dụng luôn (cách này ít khi được các quốc gia sử dụng). VD Nghị quyết 71 của Quốc hội năm 2006 về phê chuẩn Nghị định thư gia nhập WTO, trong đó ghi rõ (đây cũng là trường hợp duy nhất đến nay VN áp dụng trực tiếp PL quốc tế):

      “Áp dụng trực tiếp các cam kết của Việt Nam được ghi tại Phụ lục đính kèm Nghị quyết này và các cam kết khác của Việt Nam với Tổ chức thương mại thế giới được quy định đủ rõ, chi tiết trong Nghị định thư, các Phụ lục đính kèm và Báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới.

       Trong trường hợp quy định của pháp luật Việt Nam không phù hợp với quy định của Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới, Nghị định thư và các tài liệu đính kèm thì áp dụng quy định của Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới, Nghị định thư và các tài liệu đính kèm.”

– Nội luật hóa: trên cơ sở các nghĩa vụ đã cam kết trong điều ước quốc tế, quốc gia ban hành văn bản quy phạm PL trong nước để thực hiện các nghĩa vụ của mình (hầu hết các quốc gia chọn cách này).

2. Tập quán quốc tế

– Là những quy tắc xử sự hình thành trong thực tiễn đời sống PL quốc tế, được các quốc gia và các chủ thể khác của luật Quốc tế áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần và được thừa nhận là luật.

– Để được coi là tập quán quốc tế, cần có 2 yếu tố:

+ vật chất: phải có quy tắc xử sự tồn tại trong thực tiễn đời sống PL quốc tế và quy tắc đó được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần

+ tinh thần: được hầu hết các quốc gia và các chủ thể PL quốc tế thừa nhận đó là luật

VD: + sứ thần (đoàn ngoại giao) của nước này đến nước khác sẽ được đón tiếp trọng thị, không được chém, đánh sứ giả; hành vi chém sứ thần được coi là hành vi tuyên chiến. Cho đến nay quy tắc này vẫn được tiếp tục ghi nhận và được pháp điển hóa vào Công ước Viên 1961 về quan hệ ngoại giao và Công ước Viên 1963 về quan hệ lãnh sự.

+ Tàu thuyền nước ngoài có thể đi lại không gây hại qua vùng lãnh hải của 1 quốc gia mà không cần xin phép

Câu hỏi: điều kiện “được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần” là bao nhiêu lần ? và “được hầu hết các quốc gia công nhận” là bao nhiêu quốc gia thì đủ ?

Trả lời: theo quan điểm trước kia thì để hình thành 1 tập quán quốc tế cần phải trải quan vài chục đến hàng trăm năm. Còn theo quan điểm của PL quốc tế hiện đại thì con đường hình thành tập quán quốc tế ngắn hơn rất nhiều, chỉ cần thấy 1 quy định trong 1 điều ước nào đó, hoặc phán quyết của tòa án quốc tế, hoặc hành vi pháp lý đơn phương của quốc gia, … mà chủ thể thấy phù hợp thì có thể viện dẫn như một tập quán.

– Mối quan hệ điều ước quốc tế và tập quán quốc tế: quan hệ biện chứng và tác động qua lại với nhau

+ điều ước quốc tế có thể là cơ sở cho sự hình thành tập quán quốc tế, ngược lại tập quán quốc tế cũng có thể là cơ sở cho việc hình thành điều ước quốc tế

+ điều ước quốc tế có thể chấm dứt hiệu lực của tập quán quốc tế (VD các bên có thể thỏa thuận xác lập điều ước không áp dụng tập quán), và ngược lại tập quán có thể chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế (rất ít khi xảy ra, thường là trường hợp tập quán hình thành nên quy phạm jus cogens, ngay khi quy phạm jus cogens có hiệu lực thì tất cả các điều ước quốc tế có nội dung trái với quy phạm jus cogens sẽ chấm dứt hiệu lực. VD quy phạm “Cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế” là quy phạm jus cogens mới hình thành từ năm 1945, trước đó luật quốc tế cổ đại có quy phạm jus cogens về quyền được sử dụng chiến tranh “Bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền sử dụng sức mạnh vũ trang để giải quyết mọi tranh chấp liên quan đến mình”)

– So sánh điều ước quốc tế và Tập quán quốc tế:

Điều ước quốc tếTập quán quốc tế
Cùng là nguồn cơ bản của luật quốc tế, có giá trị pháp lý ngang nhau
Thành vănBất thành văn
Rõ ràng, minh bạch (vì phải trải qua quá trình đàm phán giữa các bên, thể hiện được ý chí của các bên)Không rõ ràng, ít minh bạch
Hình thành nhanh chóngRất lâu
Có thể dễ dàng sửa đổi, bổ sungRất khó để thay đổi
Đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đã chứng tỏ sự phù hợp với thực tiễn, khả năng ứng dụng rất cao

Câu hỏi: Khi gặp 1 vấn đề mà cả điều ước và tập quán đều điều chỉnh, mà điều ước lại mâu thuẫn với tập quán, thì sẽ áp dụng thế nào ?

Trả lời: sẽ theo thỏa thuận của các bên, nếu 2 bên không thỏa thuận được thì sẽ ưu tiên áp dụng điều ước. Vì điều ước có tính rõ ràng, minh bạch thể hiện được ý chí của các bên.

Chú ý: ở đây hiểu là điều ước quốc tế được “ưu tiên sử dụng” chứ không phải điều ước quốc tế có giá trị pháp lý cao hơn.

3. Nguồn bổ trợ / Phương tiện bổ trợ nguồn của luật Quốc tế

a. Nguyên tắc PL chung

– là những nguyên tắc PL mà cả luật Quốc tế và luật quốc gia đều thừa nhận.

VD: gây thiệt hại thì phải bồi thường, luật không có giá trị hồi tố, không ai phải là thẩm phán trong vụ việc của chính mình, …

b. Phán quyết của tòa án công lý quốc tế

– Tòa án công lý quốc tế  (International Court of Justice – ICJ) có chức năng đưa ra các kết luận tư vấn để các bên tham vấn, không mang tính chất cưỡng chế như đối với tòa án trong quốc gia.

Phán quyết của tòa án quốc tế là đưa các các giải thích pháp luật để từ đó các bên có thể căn cứ để áp dụng trong các tranh chấp.

– Các quốc gia và các chủ thể không có quyền yêu cầu Tòa án công lý đưa ra các kết luận tư vấn, thẩm quyền yêu cầu thuộc về Đại hội đồng hay Hội đồng bảo an Liên hợp quốc

– Ngoài Tòa án công lý thì phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế khác cũng được coi là nguồn bổ trợ. VD Tòa án Trọng tài La Hague về tranh chấp giữa CHND Trung Hoa và CH Philippines năm 2016 về tranh chấp tại biển Đông. (tòa án này được thành lập theo Phụ lục 7 của Công ước Liên hợp quốc về luật Biển, không giải quyết tranh chấp Trung Quốc và Philipin, mà Philipin yêu cầu Tòa trọng tài giải thích thế nào là đảo, thế nào là đá, việc bồi đắp có làm thay đổi tính chất các thực thể đó không, giải thích về đường lãnh hải, về chủ quyền về lãnh hải, quyền lịch sử, …)

c. Nghị quyết của tổ chức quốc tế liên chính phủ

Gồm 2 loại Nghị quyết:

– Loại có tính bắt buộc: có giá trị pháp lý ràng buộc với tất cả các quốc gia thành viên của tổ chức đó

– Loại mang tính khuyến nghị: VD nghị quyết về bảo vệ môi trường

d. Hành vi pháp lý đơn phương của quốc gia

– Ví dụ: tiêu chuẩn về môi trường quốc tế hầu hết xuất phát từ tiêu chuẩn về môi trường của các quốc gia phát triển, được các quốc gia khác học theo và được pháp điển hóa, được ghi nhận trong các điều ước quốc tế

e. Các học thuyết của các học giả nổi tiếng về luật quốc tế

– VD: học thuyết về Tự do biển cả

– Các học thuyết được thừa nhận, được áp dụng trong thực tế, và được pháp điển hóa, được ghi nhận trong các điều ước quốc tế.

3. Mối quan hệ giữa nguồn cơ bản và nguồn bổ trợ

Câu hỏi trắc nghiệm: các câu khẳng định sau là Đúng / Sai:

(1) Chủ quyền quốc gia là yếu tố cơ bản cấu thành nên quốc gia

(2) Trong 1 số trường hợp đặc biệt, cá nhân, pháp nhân có thể trở thành chủ thể của luật Quốc tế

(3) Điều ước quốc tế chỉ có thể phát sinh hiệu lực sau khi các quốc gia tiến hành thủ tục phê chuẩn

(4) Điều ước quốc tế chỉ có giá trị pháp lý ràng buộc đối với các quốc gia thành viên mà không có giá trị pháp lý ràng buộc đối với quốc gia thứ 3

(5) Quy phạm tùy nghi không có giá trị pháp lý bắt buộc đối với chủ thể của luật Quốc tế

Trả lời:

(1) Sai. Chủ quyền quốc gia là thuộc tính chính trị, pháp lý tự nhiên, vốn có của quốc gia, bao gồm quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ và quyền độc lập trong quan hệ quốc tế.

Bốn yếu tố cấu thành nên quốc gia gồm:

+ có lãnh thổ xác định

+ có dân cư ổn định

+ có bộ máy quyền lực NN (chính phủ)

+ có khả năng độc lập khi tham gia vào các quan hệ PL quốc tế

==> Do đó chủ quyền quốc gia không phải yếu tố cơ bản cấu thành nên quốc gia

(2) Sai. Một thực thể được coi là chủ thể của luật Quốc tế nếu thỏa mãn các yếu tố:

+ có tham gia vào các quan hệ PL quốc tế

+ có quyền và khả năng gánh vác nghĩa vụ quốc tế một cách độc lập

+ có khả năng gánh vác các trách nhiệm pháp lý quốc tế phát sinh từ chính hành vi của chủ thể đó

Mặc dù trong một số trường hợp đặc biệt, cá nhân, pháp nhân có thể tham gia vào quan hệ PL quốc tế, VD trong liên minh châu Âu thì công dân có quyền kiện bất kỳ quốc gia nào bị coi là vi phạm nhân quyền, tuy nhiên cá nhân, pháp nhân này không được coi là chủ thể của PL quốc tế vì không đảm bảo khả năng gánh vác nghĩa vụ quốc tế một cách độc lập.

Chủ thể của luật Quốc tế bao gồm:

+ các quốc gia

+ các tổ chức quốc tế liên chính phủ

+ các dân tộc đang đấu tranh giành quyền tự quyết

+ một số chủ thể đặc biệt: Hồng Kông, Macau, Đài Loan, tòa thánh Vatican, …

(3) Sai. Theo Công ước Viên 1969 về điều ước quốc tế thì hiệu lực của điều ước quốc tế do các bên thỏa thuận, có thể ngay sau khi ký đầy đủ, hoặc phải yêu cầu được phê chuẩn / phê duyệt

(4) Sai. Về nguyên tắc, điều ước quốc tế chỉ có giá trị pháp lý ràng buộc đối với các bên là thành viên của điều ước mà không có hiệu lực đối với quốc gia thứ 3. Tuy nhiên trong 1 số trường hợp đặc biệt, điều ước quốc tế có thể phát sinh hiệu lực đối với bên thứ 3, bao gồm:

+ điều ước quốc tế tạo ra quyền và nghĩa vụ cho bên thứ 3 và được bên thứ 3 đồng ý

+ điều ước quốc tế tạo ra hoàn cảnh khách quan

+ điều ước quốc tế chứa đựng điều khoản tối huệ quốc

(5) Sai. Vì quy phạm tùy nghi trong luật quốc tế là những quy phạm PL có giá trị pháp lý bắt buộc đối với các chủ thể luật Quốc tế, nhưng trong giới hạn cho phép thì các chủ thể có thể thỏa thuận và áp dụng khác.

Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Công pháp quốc tế: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-cong-phap-quoc-te?ref=lnpc

Mời bạn xem thêm:

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.