fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Tình huống cấu thành tội phạm thường gặp đối với sinh viên Luật

Theo quy định hiện hành, để xác định một hành vi nào đó có được xem là tội phạm hay không thì lúc bày việc xác định đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm có ý nghĩa quan trọng. Việc xác định các yếu tố cấu thành tội phạm là điều kiện cần và đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Nội dung bài viết dưới đây, Học viện đào tạo pháp chế ICA sẽ chia sẻ đến bạn đọc Tình huống cấu thành tội phạm thường gặp đối với sinh viên Luật, mời bạn đọc theo dõi nội dung bài viết.

Căn cứ pháp lý

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Tình huống cấu thành tội phạm thường gặp đối với sinh viên Luật

Tình huống 1:

C và D rủ nhau đi săn thú rừng, khi đi C và D mỗi người mang theo khẩu súng săn tự chế. Hai người thoả thuận người nào phát hiện có thú dữ, trước khi bắn sẽ huýt sáo 3 lần, nếu không thấy phản ứng gì sẽ bắn. Sau đó họ chia nhau đi mỗi người một ngả. Khi C đi được khoảng 200 mét, C nghe có tiếng động, và C huýt sao 3 lần nhưng không nghe phản ứng gì của D. C bật đèn soi về phía có tiếng động thấy có ánh mắt con thú phản lại nên nhằm bắn về phía con thú. Sau đó, C chạy đến thì phát hiện D đã bị trúng đạn nhưng chưa chết hẳn. C vội đưa D đến trạm xá địa phương để cấp cứu, nhưng B đã chết trên đường đi.

Hỏi:

C đã phạm tội gì? Phân tích dấu hiệu pháp lý của tội phạm C đã thực hiện?

Lời giải:

C đã phạm tội gì?

Căn cứ vào tình huống đã cho thì C phạm tội vô ý làm chết người theo khoản 1 Điều 128 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017): “Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm

Phân tích dấu hiệu pháp lý (các yếu tố cấu thành) tội vô ý làm chết người

Tình huống cấu thành tội phạm thường gặp đối với sinh viên Luật

* Khách thể của tội phạm:

Khách thể của tội vô ý làm chết người là quyền nhân thân, đây là một trong những khách thể quan trọng nhất được luật hình sự bảo vệ. Đó là quyền sống quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng. Đối tượng của tội này là những chủ thể có quyền được tôn trọng và bảo vệ về tính mạng. Đó là những người đang sống, những người đang tồn tại trong thế giới khách quan với tư cách là con người – thực thể tự nhiên và xã hội. Như vậy, trong tình huống trên C tước đoạt tính mạng của D, xâm phạm tới quan hệ nhân thân được luật hình sự bảo vệ.

* Mặt khách quan của tội phạm:

– Hành vi khách quan của tội phạm: Người phạm tội có hành vi vi phạm quy tắc an toàn. Đó là những quy tắc nhằm bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho con người. Những quy tắc đó thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, có thể đã được quy phạm hóa hoặc có thể là những quy tắc xử sự xã hội thông thường đã trở thành những tập quán sinh hoạt, mọi người đều biết và thừa nhận. Trong tình huống trên thì C và D rủ nhau đi săn thú rừng và hai người thỏa thuận người nào phát hiện có thú dữ, trước khi bắn sẽ huýt sáo 3 lần nếu không thấy phản ứng gì thì sẽ bắn. Sau đó mỗi người chia nhau một ngả, và khi C nghe thấy có tiếng động, đã C huýt sáo 3 lần nhưng không nghe thấy phản ứng gì của D. C bật đèn soi về phìa có tiếng động thấy có ánh mắt con thú phản lại nên nhằm bắn về phía con thú. Sau đó, C xách súng chạy đến thì phát hiện là D đã bị trúng đạn nhưng chưa chết hẳn. C vội vã đưa D đi đến trạm xá địa phương nhưng D đã chết trên đường đi cấp cứu. Như vậy, hành vi của C do không cẩn thận xem xét kỹ lưỡng trong khi đi săn nên đã để đạn lạc vào người D làm cho D chết.

– Hậu quả của tội phạm: Hành vi vi phạm nói trên phải đã gây ra hậu quả chết người. Hậu quả này là dấu hiệu bắt buộc của CTTP. Trong tình huống trên thì hành vi của C đã  gây ra hậu quả làm cho D chết.

– Quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của tội phạm: quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và hậu quả đã xảy ra là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Người có hành vi vi phạm chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả chết người đã xảy ra, nếu hành vi vi phạm của họ đã gây ra hậu quả này hay nói cách khác là giữa hành vi vi phạm của họ và hậu quả chết người có quan hệ nhân quả với nhau. Trong tình huống trên thì hậu quả chết người của D là do hành vi của C gây ra. Đó là C nhằm bắn về phía con thú nhưng đã bắn sang D, hậu quả là làm cho D chết, như vậy nguyên nhân D chết là do hành vi bắn súng của C vào người D.

* Mặt chủ quan của tội phạm:

Trong trường hợp này, C phạm tội vô ý làm chết người với lỗi vô ý vì quá tự tin. Bởi vì C tuy thấy hành vi của mình có thể ra hậu quả làm chết người nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra nên vẫn thực hiện và đã gây ra hậu quả chết người đó.

– Về lí trí: C nhận thức tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thể hiện ở chỗ thấy trước hậu quả làm chết người do hành vi của mình có thể gây ra nhưng đồng thời lại cho rằng hậu quả đó không xảy ra. Như vậy, sự thấy trước hậu quả làm chết người ở đây thực chất chỉ là sự cân nhắc đến khả năng hậu quả đó xảy ra hay không và kết quả người phạm tội đã loại trừ khả năng hậu đó quả xảy ra.

– Về ý chí: C không mong muốn hành vi của mình sẽ gây ra cái chết cho D, nó thể hiện ở chỗ, sự không mong muốn hậu quả của C gắn liền với việc C đã loại trừ khả năng hậu quả xảy ra. C đã cân nhắc, tính toán trước khi hành động, thể hiện ở chỗ C đã huýt sáo như thỏa thuận với D và chỉ đến khi không nghe thấy phản ứng gì của D, C mới nhằm bắn về phía có ánh mắt con thú nhưng hậu quả là đã bắn chết D. Và khi C xách súng chạy đến thì phát hiện C đã bị trúng đạn nhưng chưa chết hẳn, C đã vội đưa D đến trạm xá địa phương để cấp cứu, nhưng D đã chết trên đường đi. Điều này đã chứng tỏ C không mong muốn hậu quả chết người xảy ra. Như vậy, hình thức lỗi của C trong trường hợp trên là lỗi vô ý vi quá tự tin.

* Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội vô ý làm chết người là chủ thể thường, là người có năng lực TNHS và đạt độ tuổi luật định. Trong khuôn khổ của tình huống đã cho thì là người có đủ năng lực TNHS và đạt độ tuổi luật định.

Tình huống 2:

A đang đi bộ trên đường với chiếc túi khoác trên vai, B đi xe máy vượt qua giật thật nhanh chiếc túi của A, A kéo lại nhưng B đánh vào tay A rồi giật chiếc túi và chạy lên xe phóng đi. B đã xâm hại đến khách thể trực tiếp là quyền sở hữu chiếc túi của A, ngoài ra một khách thể nữa bị xâm hại trực tiếp đó là quan hệ nhân thân (tính mạng và sức khỏe của A, vì hành vi dùng vũ lực của B đã khiến A hoảng sợ và có thể bị thương).

Hỏi: B phạm tội gì? Phân tích cách yếu tố cấu thành tội của B

Lời giải:

Trong trường hợp này, B phạm tội Cướp giật tài sản theo quy định tại Điều 171 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chủ thể của Tội cướp giật tài sản

Tội phạm được thực hiện bởi người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi theo luật định

Người phạm tội từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cướp giật tài sản thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2,3,4 Điêu 171 BLHS.

Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mội trường hợp cưỡng đoạt tài sản.

Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi cô ý.

Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản. nếu có hành vi giật tài sản nhưng không có mục đích chiếm đoạt thì tùy từng trường hợp sẽ xem xét để định tội tương ứng.

Khách thể của tội phạm

Tội phạm xâm hại đến quyền sở hữu tài sản

Đối tượng tác động của tội phạm là tài sản. Nhưng không phải mọi loại tài sản đều là đối tượng tác động của tội phạm này. Chỉ có vật thực, tiền, giấy tờ có giá mới là đối tượng tác động của tội cướp giật tài sản.

Ngoài ra tội phạm này còn xâm phạm đến quyền sống, quyền được bảo hộ về sức khỏe của con người. Vì vậy nếu trong quá trình cướp giật tài sản, nếu người phạm tội gây thiệt hại về tính mạng, súc khỏe của nạn nhân thì không xác định tội phạm độc lập mà cho đó là tình tiết tăng nặng của tội phạm này.

Mặt khách quan của tội phạm

+ Hành vi khách quan:

Được thể hiện ở việc công khai nhanh chóng chiếm đoạt tài sản đang trong tầm quản lý của người khác.

Công khai chiếm đoạt tài sản có nghĩa người phạm tôi không cần che giấu hành vi của mình của mình đối với người quản lý tài sản trong lúc thực hiện.

Nhanh chóng chiếm đoạt thể hiện, người phạm tội sau khi tiếp nhận tài sản ngay lập tức dùng sức mạnh thể chất tác động vào tài sản làm cho tài sản làm cho tài sản rời khỏi sự quản lý của người khác.

Người phạm tội có thể có nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau như bí mật đi theo để tránh sự phát hiện của nạn nhân; đợi thời cơ, chen lấn, xô đẩy để chủ quản lý rời xa tài sản, dùng thủ đoạn gian dối để tiếp cận tài sản và tạo ra sợ sơ hở cho người quản lý tài sản. Đối với hành vi nhanh chóng tẩu thoát khỏi hiện trường là biểu hiện thường thấy và là đặc trưng của tội phạm này. Tuy nhiên không phải là hành vi khách quan bắt buộc trong tội phạm này.

Tội phạm hoàn thành từ khi tài sản bị giật rời khỏi sự kiểm soát của chủ tài sản. Nếu người phạm tội đã giật tài sản nhưng tài sản chưa rời khỏi sự quản lý của chủ tài sản thì tội phạm ở giai đoạn chưa hoàn thành.

+ Hậu quả:

Thiệt hại do hành vi cướp giật gây ra làm cho chủ sỏ hữu mất quyền sở hữu đối với tài sản. Do tính chất nguy hiểm của hành vi cướp giật đối với tính mạng, súc khỏe con người, nên luật không quy định trị giá tài sản để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tội phạm này có cấu thành vật chất, vì vậy dấu hiệu bị giạt mất tài sản là dấu hiệu bắt buộc để xác định tội phạm hoàn thành.

Tình huống 3: A thực hiện thủ tục vay vốn hợp pháp tại ngân hàng để thực hiện kinh doanh vận tải, khi vay được tiền A không kinh doanh vận tải theo cam kết mà lấy tiền vay để hối lộ. 

Hỏi: Trong trường hợp này, A phạm tội gì? Phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm?

Lời giải:

Trong trường hợp này, A sẽ bị cơ quan tố tụng xem xét theo hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chứ không phải tội lừa đảo. Việc xác định tội danh trong trường hợp sẽ căn cứ theo Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, như sau:

Thứ nhất, dấu hiệu về mặt chủ thể của tội phạm

Có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ 16 tuổi trở lên. Đây là một trong các điểm mới của Bộ luật hình sự 2015, bộ luật mới đã có sự tách bạch rõ ràng hơn về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

Thứ hai, dấu hiệu về mặt khách thể của tội phạm

Khách thể của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cũng tương tự như các tội có tính chất chiếm đoạt khác, nhưng tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu, đây cũng là một điểm khác với các tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, đặc điểm này được thể hiện trong cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nhà làm luật không quy định thiệt hại về tính mạng, sức khỏe là tình tiết định khung hình phạt.

Thứ ba, dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm

Cũng như đối với tội có tính chất chiếm đoạt, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cũng được thực hiện do cố ý trực tiếp. Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, ngoài mục đích chiếm đoạt, người phạm tội còn có thể có những mục đích khác cùng với mục đích chiếm đoạt hoặc chấp nhận mục đích chiếm đoạt của người đồng phạm khác thì người phạm tội cũng  bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Thứ tư, dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm

Hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được cấu thành khi thuộc một trong các trường hợp sau:

– Giá trị của tài sản chiếm đoạt của người khác từ 4.000.000 đồng trở lên;

– Giá trị tài sản chiếm đoạt dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội về xâm phạm sở hữu khác được quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174, 290 của Bộ luật hình sự, các tội này là các tội liên quan đến tài sản : tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tội trộm cắp, tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

– Tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống của chính người bị hại hoặc gia đình họ.

Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về nội dung Tình huống cấu thành tội phạm thường gặp đối với sinh viên Luật. Hi vọng bài viết hữu ích với bạn đọc.

Câu hỏi thường gặp:

Tại sao cần xác định các yếu tố cấu thành tội phạm?

Xác định các yếu tố cấu thành tội phạm có ý nghĩa làm rõ đặc điểm pháp lý của tội phạm, có tác dụng định tội cho tội phạm xảy ra và để phân biệt tội phạm này với tội phạm khác. Nếu chỉ dừng lại ở nghiên cứu tôi phạm mà không nghiên cứu cấu thành tội phạm thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội

Quy định pháp luật về tội phạm như thế nào?

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho Xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự do người có năng lực, trách nhiệm Hình sự thực hiện một cách cố tình hay vô ý. Xâm phạm độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc, xâm phạm chế độ nhà nước xã hội chủ nghĩa, chế độ kinh tế sở hữu xã hội chủ nghĩa, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự Pháp luật xã hội chủ nghĩa.

5/5 - (2 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.
Sơ đồ bài viết