fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Điều kiện chọn luật trong tư pháp quốc tế như thế nào?

Ngày 19 tháng 3 năm 2015, Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế đã đánh dấu một bước quan trọng trong lĩnh vực pháp luật thương mại quốc tế bằng việc thông qua Các quy tắc về lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế. Điều này là một bước tiến quan trọng nhằm đảm bảo sự đồng nhất và minh bạch trong việc xác định pháp luật áp dụng cho các giao dịch thương mại toàn cầu. Cùng tìm hiểu quy định về điều kiện chọn luật trong tư pháp quốc tế tại bài viết sau

Giới thiệu về Các quy tắc La Hay về lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế

Khi các bên tham gia vào một hợp đồng có mối liên hệ với nhiều quốc gia, vấn đề bên nào xác định các quy tắc pháp luật điều chỉnh giao dịch thường phát sinh. Câu trả lời rõ ràng là quan trọng với tòa án hoặc hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp giữa các bên, và việc hiểu biết các quy tắc điều chỉnh nghĩa vụ của mình cũng quan trọng với chính các bên liên quan trong việc hoạch định và thực hiện giao dịch.

Xác định pháp luật áp dụng đối với một hợp đồng mà không tính đến ý chí rõ ràng của các bên trong hợp đồng đó có thể dẫn đến tình trạng không chắc chắn về mặt pháp lý vì sự khác biệt về cách giải quyết vấn đề giữa các quốc gia khác nhau. Đây là một trong những nguyên nhân mà khái niệm quyền tự định đoạt của các bên (“party autonomy”) trong việc xác định pháp luật áp dụng được phát triển và chiếm ưu thế.

Quyền tự định đoạt của các bên, đề cập đến quyền năng của các bên trong hợp đồng trong việc lựa chọn pháp luật điều chỉnh hợp đồng đó, tăng cường sự chắc chắn và dự đoán trước được trong thoả thuận hợp đồng chính giữa các bên và ghi nhận rằng các bên trong hợp đồng có thể ở vị trí tốt nhất để xác định những nguyên tắc pháp lý nào là phù hợp nhất với giao dịch của mình. Nhiều quốc gia đã đi đến kết luận này và, vì vậy, khiến cho quyền tự định đoạt của các bên trở thành cách tiếp cận chủ đạo hiện nay. Tuy nhiên, khái niệm này vẫn chưa được áp dụng ở tất cả mọi nơi.

Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế (“Hội nghị La Hay”) tin tưởng rằng những lợi ích do quyền tự định đoạt của các bên mang lại là quan trọng và khuyến khích việc mở rộng khái niệm này tại các quốc gia chưa áp dụng, hoặc đã áp dụng nhưng có những hạn chế đáng kể, cũng như tiếp tục phát triển và hoàn thiện khái niệm này khi nó đã được chấp nhận

Theo đó, Hội nghị La Hay đã ban hành Các quy tắc La Hay về lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng thương mại quốc tế (“Các quy tắc”). Các quy tắc có thể được coi như một giải thích về cách thức xây dựng một cơ chế lựa chọn pháp luật toàn diện để tạo hiệu lực cho quyền tự định đoạn của các bên và một hướng dẫn về các “thực tiễn tốt nhất” (best practices) trong xây dựng và hoàn thiện một hệ thống như vậy.

Điều kiện chọn luật trong tư pháp quốc tế như thế nào?

Điều kiện chọn luật trong tư pháp quốc tế như thế nào?

Các quy tắc La Hay đã được thiết kế để giải quyết những thách thức pháp lý thường gặp khi các bên tham gia vào hợp đồng thương mại có xuất xứ từ các quốc gia khác nhau. Việc lựa chọn pháp luật áp dụng trước khi xảy ra tranh chấp có thể giảm thiểu sự không chắc chắn và tăng cường tính dự đoán của các hợp đồng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp một cách công bằng và hiệu quả.

Lựa chọn pháp luật của các bên phải được phân biệt với các thỏa thuận hợp đồng chính giữa các bên (“Hợp đồng chính”). Hợp đồng chính có thể, ví dụ, là một hợp đồng mua bán, hợp đồng dịch vụ hoặc hợp đồng cho vay. Các bên có thể lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng chính của mình hoặc bằng một thỏa thuận riêng về lựa chọn pháp luật áp dụng (sau đây gọi là một “thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng”).

hỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cũng nên được phân biệt với điều khoản hay thỏa thuận về thẩm quyền, điều khoản hay thỏa thuận về lựa chọn nơi xét xử, hoặc điều khoản hay thỏa thuận về lựa chọn tòa án, tất cả các thỏa thuận này đồng nghĩa chỉ thỏa thuận của các bên về nơi xét xử (thường là tòa án) sẽ giải quyết tranh chấp. Thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cũng nên được phân biệt với điều khoản hay thỏa thuận trọng tài để chỉ thỏa thuận của các bên đưa tranh chấp ra giải quyết tại hội đồng trọng tài. Mặc dù các điều khoản hoặc thỏa thuận này (gọi chung là“thỏa thuận về giải quyết tranh chấp”) thực tiễn thường được kết hợp với thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng, chúng phục vụ những mục đích khác nhau. Các quy tắc chỉ áp dụng với thỏa thuận lựa chọn pháp luật mà không phải là thỏa thuận về giải quyết tranh chấp hay các vấn đề khác thường được coi là những vấn đề về mặt thủ tục tố tụng.

Bản chất của những quy tắc như sau:

Như tiêu đề đã chỉ ra, Các quy tắc không tạo thành một văn kiện có tính ràng buộc chính thức như một Công ước mà các quốc gia có nghĩa vụ phải trực tiếp áp dụng hoặc nội luật hóa vào trong pháp luật quốc gia. Cũng như văn kiện này không phải là một luật mẫu mà các quốc gia được khuyến khích ban hành. Thay vào đó, đây là một bộ nguyên tắc không có tính ràng buộc mà Hội nghị La Hay khuyến khích các quốc gia kết hợp vào trong cơ chế lựa chọn pháp luật áp dụng của quốc gia mình theo cách thức phù hợp với hoàn cảnh của từng quốc gia. Bằng cách này, Các quy tắc có thể định hướng cải cách pháp luật quốc gia về lựa chọn pháp luật áp dụng và Các quy tắc có thể vận hành bên cạnh các văn kiện hiện có về cùng nội dung này (xem Bản quy định Rome I và Công ước thành phố Mexico, cả hai văn kiện này đều thể hiện và áp dụng khái niệm quyền tự định đoạt của các bên).

Là một văn kiện không có tính ràng buộc, Các quy tắc khác biệt với những văn kiện khác do Hội nghị La Hay xây dựng. Trong khi Hội nghị La Hay không loại trừ khả năng phát triển một văn kiện có tính ràng buộc trong tương lai, Hội nghị cho rằng một bộ quy tắc không có tính ràng buộc mà có tính khuyến nghị là phù hợp hơn ở thời điểm hiện tại để gia tăng sự chấp nhận đối với nguyên tắc về quyền tự định đoạt của các bên trong hợp đồng thương mại quốc tế và phát triển các cơ chế pháp lý được thiết kế phù hợp áp dụng nguyên tắc này một cách hài hòa và khả thi. Vì Các quy tắc có tác động tới cải cách pháp luật, chúng nên khuyến khích sự hài hòa hóa giữa các quốc gia trong giải quyết vấn đề này và có thể nhờ đó dẫn đến hoàn cảnh phù hợp cho một văn kiện có tính ràng buộc.

Trong khi việc thông qua các nguyên tắc không có tính ràng buộc như vậy là cách thức mới đối với Hội nghị La Hay, các văn kiện dạng này lại khá phổ biến. Trên thực tế, Các quy tắc đã bổ sung vào số lượng ngày càng lớn các văn kiện không có tính ràng buộc của các tổ chức khác đã đạt được thành công trong xây dựng và hài hòa hóa pháp luật. Xem, ví dụ, tác động của các quy tắc của UNIDROIT và PECL trong phát triển pháp luật về hợp đồng.

Câu hỏi thường gặp

Mục đích của quy tắc thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng

Mục đích chủ yếu của Các quy tắc là tăng cường quyền tự định đoạt của các bên và bảo đảm pháp luật được các bên lựa chọn có phạm vi áp dụng rộng nhất, tuân theo những giới hạn được xác định rõ ràng

Thực trạng ghi nhận quyền lựa chọn pháp luật trong TPQT Việt Nam

Cụ thể, theo khoản 1 Điều 769 BLDS, “quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng được xác định theo pháp luật của nước nơi thực hiện hợp đồng, nếu không có thoả thuận khác”. Với quy định này, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng được điều chỉnh bởi pháp luật do các bên lựa chọn và chỉ khi nào không có sự lựa chọn hợp pháp của các bên thì hệ thống pháp luật của nơi thực hiện hợp đồng mới được sử dụng. Hướng ghi nhận quyền LCPL như trên trong lĩnh vực hợp đồng cũng tồn tại trong văn bản khác ở Việt Nam. Chẳng hạn, theo khoản 2 Điều 14 Luật Trọng tài thương mại, “đối với tranh chấp có YTNN, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn”. Đối với động sản trên đường vận chuyển, BLDS hiện hành cũng quy định theo hướng chấp nhận sự LCPL của các bên tại khoản 2 Điều 776 theo đó “quyền sở hữu đối với động sản trên đường vận chuyển được xác định theo pháp luật của nước nơi động sản được chuyển đến, nếu không có thoả thuận khác”.

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.
Sơ đồ bài viết