fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Câu hỏi về thừa kế có yếu tố nước ngoài

Thừa kế là một trong những chế định quan trọng trong quan hệ pháp luật dân sự Việt Nam. Và trên thực tế hiện nay, việc người thừa kế tranh chấp di sản của người chết để lại là một vấn đề khá phổ biến, trong đó thừa kế có yếu tố nước ngoài cũng là một vấn đề mà được rất nhiều người quan tâm. Vậy pháp luật quy định như thế nào về thừa kế có yếu tố nước ngoài? Kính mời bạn đọc cùng Học viện Đào tạo pháp chế ICA cùng tìm hiểu về nội dung này thông qua nội dung bài viết “Câu hỏi về thừa kế có yếu tố nước ngoài” dưới đây.

Thế nào là thừa kế có yếu tố nước ngoài?

Thừa kế có yếu tố nước ngoài là trường hợp phân chia di sản thừa kế mà tại đó, đương sự là người nước ngoài hoặc tài sản thừa kế đang ở nước ngoài. Hay nói cách khác, thừa kế có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.

Khoản 2 Điều 663 Bộ luật dân sự 2015 quy định quan hệ có yếu tố nước ngoài như sau:

“2. Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;

b) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;

c) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài”.

Theo đó, quan hệ có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau:

– Trường hợp 1: Quan hệ có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài. Tức một bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài và một bên là cá nhân, pháp nhân Việt Nam.

– Trường hợp 2: Trong quan hệ dân sự, các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hay chấm dứt quan hệ đó lại được thực hiện tại nước ngoài.

– Trường hợp 3: Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.

Áp dụng pháp luật khi thừa kế có yếu tố nước ngoài

Điều 680 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thừa kế có yếu tố nước ngoài như sau:

“Điều 680. Thừa kế

1. Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.

2. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”.

Theo đó, thừa kế có yếu tố nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết. Người để lại di sản có quốc tịch nước nào thì áp dụng pháp luật thừa kế của nước đó. Các vấn đề mà pháp luật sẽ điều chỉnh trong quan hệ thừa kế là: thời điểm, địa điểm mở thừa kế, xác định hàng thừa kế, quyền và nghĩa vụ của người thừa kế; xác định di sản thừa kế, ai không có quyền thừa kế.

Đối với quyền thừa kế là bất động sản thì được xác định theo luật của nước có bất động sản.

Câu hỏi về thừa kế có yếu tố nước ngoài

Câu hỏi về thừa kế có yếu tố nước ngoài

Câu hỏi số 1:

Bố, mẹ nuôi có được hưởng di sản thừa kế từ người đã chết hay không?

Điểm a, khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”;

 Và Điều 653 luật này quy định:

“Điều 653. Quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ

Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này”.

Theo đó, cha, mẹ nuôi thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết nên nếu tại thời điểm điểm người chết mà cha, mẹ nuôi còn sống thì được hưởng di sản thừa kế.

Câu hỏi số 2:

Thời hiệu chia di sản thừa kế đối với bất động sản là bao nhiêu năm?

Khoản 1 Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 quy định thời hiệu thừa kế như sau:

“Điều 623. Thời hiệu thừa kế

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:…”

Căn cứ quy định pháp luật nêu trên, thời hiệu để phân chia di sản thừa kế đối với bất động sản là 30 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Câu hỏi số 3:

Người có quốc tịch Việt Nam lập di chúc ở nước ngoài thì di chúc được xác định theo pháp luật nước nào?

Điều 681 Bộ luật dân sự 2015 quy định về di chúc như sau:

“Điều 681. Di chúc

1. Năng lực lập di chúc, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc được xác định theo pháp luật của nước mà người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc.

2. Hình thức của di chúc được xác định theo pháp luật của nước nơi di chúc được lập. Hình thức của di chúc cũng được công nhận tại Việt Nam nếu phù hợp với pháp luật của một trong các nước sau đây:

a) Nước nơi người lập di chúc cư trú tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;

b) Nước nơi người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;

c) Nước nơi có bất động sản nếu di sản thừa kế là bất động sản”.

Căn cứ quy định pháp luật nêu trên, di chúc được lập ở nước nào thì hình thức của di chúc được xác định theo pháp luật của nước đó. Hình thức của di chúc cũng được công nhận tại Việt Nam nếu phù hợp với pháp luật của một trong các nước sau đây:

– Nước nơi người lập di chúc cư trú tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;

– Nước nơi người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;

– Nước nơi có bất động sản nếu di sản thừa kế là bất động sản.

Trên đây là nội dung tư vấn về chủ đề: “Câu hỏi về thừa kế có yếu tố nước ngoài”. Hi vọng bài viết hữu ích với bạn đọc.

Câu hỏi thường gặp:

Trường hợp nào vẫn được hưởng thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc?

Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Trường hợp nào không được hưởng thừa kế theo pháp luật?

Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.
Sơ đồ bài viết