Sơ đồ bài viết
khi sinh viên theo học tại các trường đại học, yêu cầu về chương trình giảng dạy phải khoa học và mang lại hiệu quả và phù hợp với chuyên ngành của sinh viên. Hiện nay hình thức đào tạo theo tín chỉ đã dần trở nên phổ biến, thay vì hình thức đào tại theo học phần trước đây, hình thức này đang được đông đảo các trường lựa chọn. Vậy sẽ học bao nhiêu tín chỉ mới được ra trường? Bạn đọc hãy cùng Học viện đào tạo pháp chế ICA tìm hiểu về vấn đề này tại nội dung bài viết dưới đây nhé!
Căn cứ pháp lý
Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT
Tín chỉ được hiểu là gì?
Tín chỉ được hiểu là đại lượng xác định khối lượng kiến thức, kỹ năng mà sinh viên tích lũy được trong 15 giờ tín chỉ. Theo đó tín chỉ là đại lượng đo thời lượng học tập của sinh viên, được phân thành ba loại theo các hình thức dạy – học và được xác định như sau:
- Một giờ tín chỉ lên lớp bằng 01 tiết lên lớp và 02 tiết tự học
- Một giờ tín chỉ thực hành bằng 02 tiết thực hành và 01 tiết tự học
- Một giờ tín chỉ tự học bắt buộc bằng 03 tiết tự học bắt buộc nhưng được kiểm tra đánh giá.
Giá tiền học phí trên mỗi tín chỉ sẽ tùy thuộc và mỗi trường đại học, có trường thấp và có trường lại cao.
Hiện nay tại hầu hết các trường đại học hiện nay đều sử dụng hình thức đào tạo theo tín chỉ “lấy người học làm trung tâm”, việc học theo tín chỉ đã không còn xa lạ với sinh viên.
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về tín chỉ được đưa ra. Hiện nay, ở Việt Nam tín chỉ được hiểu và có những đặc điểm như sau:
+ Tín chỉ là đơn vị dùng để đo lường khối lượng học tập.
+ Một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết, 30 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận, bằng 60 giờ thực tập tại cơ sở hoặc bằng 45 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn, đồ án hoặc khoá luận tốt nghiệp.
+ Đào tạo theo tín chỉ không tổ chức theo năm học mà theo học kỳ, một năm có thể có 2-3 kỳ do người học lựa chọn hoặc do nhà trường tổ chức.
+ Để tiếp thu được một tín chỉ sinh viên phải dành ít nhất 30 giờ chuẩn bị ngoài giờ lên lớp.
+ Chương trình đào tạo của ngành học không tính theo năm mà tính theo sự tích lũy kiến thức và số tín chỉ của sinh viên. Một số trường hiện nay khi sinh viên tích lũy đủ số tín chỉ quy định cho một ngành học thì được cấp bằng tốt nghiệp đại học, được ra trường trước thời hạn chứ không nhất thiết học 4 năm.
+ Thực hiện đăng ký tín chỉ học trước mỗi kỳ
+ Mỗi môn học sẽ có số tín chỉ khác nhau, có 2-3 tín chỉ hoặc thậm chí 4-5 tín chỉ.
+ Lịch học các môn do sinh viên tự lựa chọn và sắp xếp sao cho phù hợp và đảm bảo đủ sĩ số lớp học sẽ được mở lớp.
Bao nhiêu tín chỉ mới được ra trường?
Theo Khoản 2 Điều 7 Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT (Có hiệu lực từ 07/08/2021) quy định về khối lượng học tập, trong đó có quy định như sau:
Khối lượng học tập tối thiểu của một chương trình đào tạo phải phù hợp với yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam, cụ thể như sau:
– Chương trình đào tạo đại học: 120 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành;
– Chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7: 150 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành; hoặc 30 tín chỉ đối với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành;
– Chương trình đào tạo thạc sĩ: 60 tín chỉ đối với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành;
…
Như vậy, theo quy định nêu trên đối với chương trình đào tạo đại học thì sinh viên phải hoàn thành tối thiểu 120 tín chỉ, đồng thời cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành.
Cách tính điểm đại học theo tín chỉ
Cách tính điểm xếp loại học lực theo thang điểm 10
Theo hệ thống tín chỉ tại Việt Nam quy định cách xếp loại học lực đại học theo tín chỉ phụ thuộc vào điểm đánh giá bộ phận và điểm thi kết thúc học phần, tất cả sẽ được chấm theo thang điểm 10 và làm tròn đến một chữ số thập phân.Tất cả điểm của các môn sẽ được làm tròn đến một chữ số thập phân
Học lực sẽ tương ứng với thang điểm sau:
- Từ 8.0 – 10 : Giỏi
- Từ (6.5 – 7.9) : Khá
- Từ (5.0 – 6,4) : Trung bình
- Từ (3.5 – 4,9) : Yếu
Cách tính điểm xếp loại học lực theo thang điểm chữ
Việc xếp loại học lực đại học theo thang điểm chữ được đánh giá như sau:
- Điểm A từ 8.5- 10: Giỏi
- Điểm B+ từ 8.0 – 8.4: Khá giỏi
- Điểm B từ 7.0 – 7.9: Khá
- Điểm C+ từ 6.5 – 6.9: Trung bình khá
- Điểm C từ 5.5 – 6,4: Trung bình
- Điểm D+ từ 5.0 – 5.4: Trung bình yếu
- Điểm D từ 4.0 – 4.9: Yếu
- Điểm F dưới 4.0: Kém
Những sinh viên đạt điểm D ở các học phần nào thì sẽ được học cải thiện điểm của học phần đó. Nếu sinh viên bị điểm F ở học phần thì phải đăng ký học lại từ đầu theo quy định của nhà trường.
Cách tính điểm xếp loại học lực theo thang điểm 4
Để có thể tính điểm trung bình chung học kỳ và điểm trung bình chung tích lũy của mỗi sinh viên theo hệ thống tín chỉ. Thì tương ứng với mỗi mức điểm chữ của mỗi học phần sẽ được quy đổi qua điểm số như sau:
- A tương ứng với 4
- B+ tương ứng với 3.5
- B tương ứng với 3
- C+ tương ứng với 2.5
- Điểm C tương ứng với 2
- D+ tương ứng với 1.5
- D tương ứng với 1
- Điểm F tương ứng với 0
Sau mỗi học kỳ, căn cứ vào điểm trung bình chung tích lũy, học lực của sinh viên được xếp thành các loại sau:
- Xuất sắc: Điểm trung bình chung tích lũy từ 3,60 đến 4,00
- Giỏi: Điểm trung bình chung tích lũy từ 3,20 đến 3,59
- Khá: Điểm trung bình chung tích lũy từ 2,50 đến 3,19
- Trung bình: Điểm trung bình chung tích lũy từ 2,00 đến 2,49
- Yếu: Điểm trung bình chung tích lũy đạt dưới 2,00 nhưng chưa thuộc trường hợp bị buộc thôi học.
Tuy nhiên, để sinh viên đạt thành tích học lực xuất sắc và giỏi ngoài điểm trung bình tích lũy đạt được theo quy định thì có yêu cầu bắt buộc là khối lượng các học phần phải thi lại (Ở điểm F) không vượt quá 5% so với tổng số tín chỉ quy định cho toàn chương trình học của mỗi sinh viên và sinh viên không vi phạm kỷ luật trong thời gian học.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về nội dung “Bao nhiêu tín chỉ mới được ra trường?“. Hi vọng bài viết mang lại thông tin hữu ích với bạn đọc.
Câu hỏi thường gặp:
Đây là các môn học trong chương trình đào tạo chứa đựng những nội dung cần thiết cho định hướng nghề nghiệp mà sinh viên có thể lựa chọn đăng ký học. Môn học tự chọn được xếp theo từng nhóm. Sinh viên được lựa chọn các môn học này, không nằm trong khuôn khổ bắt buộc.
Căn cứ Điều 29 Thông tư 04/2022/TT-BLĐTBXH quy định thì:
+ Trước mỗi học kỳ, người học phải đăng ký học tập theo quy chế đào tạo của trường. Khối lượng học tập người học đăng ký trong mỗi học kỳ như sau:
+ Khối lượng học tập tối thiểu không nhỏ hơn 2/3 khối lượng trung bình một học kỳ theo kế hoạch học tập;
+ Khối lượng học tập tối đa không quá 3/2 khối lượng trung bình một học kỳ theo kế hoạch học tập;
+ Không quy định khối lượng học tập tối thiểu đối với học kỳ phụ.
– Người học được đăng ký học lại môn học, mô-đun có lần thi cuối đạt điểm D theo quy định tại Điều 31 của Thông tư này để cải thiện điểm trung bình chung tích lũy.
– Khối lượng đăng ký học tập của người học theo từng học kỳ được ghi vào phiếu đăng ký học do nhà trường lưu giữ