fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài tập về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường gặp và lời giải

Hiện nay bên cạnh sự phát triển về mọi mặt kinh tế đời sống xã hội thì vấn đề về an ninh trật tự xã hội được quan tâm, chú trọng nhiều tới. Đặc biệt là thời gian hiện nay hàng loạt những vi phạm về pháp luật hình sự diễn ra thường xuyên, một trong những quyền được pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng bảo vệ, tránh sự xâm hại của những hành vi vi phạm đó là quyền sở hữu. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là một trong những tội phạm thường xuyên xảy ra. Nội dung bài viết dưới đây, Học viện đào tạo pháp chế ICA sẽ chia sẻ đến bạn đọc Bài tập về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường gặp và lời giải, mời bạn đọc tham khảo:

Căn cứ pháp lý

Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017

Bài tập về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường gặp và lời giải

Bài tập 1:

Nhận thấy rằng trong khu phố cổ có nhiều người đến tham quan cần phải gửi xe nên A đã rủ B, C, D lấy dây thừng thắt vào các cây bên vỉa hè làm bãi nhận trông giữ xe đạp, xe máy. Sau khi nhận được 4 chiếc xe máy và 3 chiếc xe đạp gửi vào bãi, 4 người này nhanh chóng dắt 4 chiếc xe máy để tẩu tán, để lại 3 chiếc xe đạp. Biết 4 chiếc xe máy này có giá trị trên là 120 triệu đồng.

1. Xác định tội danh của A, B, C, D trong trường hợp này.

2. Nếu B, C chỉ mới 15 tuổi thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội này hay không

Lời giải:

1. Hành vi của A,B,C và D đủ yếu tố cấu thành tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể:

Khách thể của tội phạm

– Khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân mà cụ thể ở đây là quyền sở hữu xe máy của những người gửi xe cho A, B, C và D

Mặt khách quan của tội phạm

– Về mặt khách quan, người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối làm cho người có tài sản tin là sự thật nên đã tự nguyện giao tài sản cho người có hành vi gian dối để họ chiếm đoạt tài sản.

– Hai dấu hiệu đặc trưng của tội phạm này là thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt. Trong đó thủ đoạn gian dối là điều kiện, là cơ sở tạo nên lòng tin ở người quản lý tài sản. Người phạm tội chiếm đoạt được tài sản thì được coi là tội phạm hoàn thành. Chiếm đoạt được tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội  được người bị hại giao tài sản hoặc nếu người phạm tội đang là người chiếm giữ tài sản thì bằng thủ đoạn gian dối người phạm tội giữ lại được tài sản mà đáng ra phải giao lại cho người bị lừa dối thì coi là chiếm đoạt được tài sản.

– Trong trường hợp này, rõ ràng rằng A, B, C, D đã dùng thủ đoạn gian dối để lừa đảo mọi người đó là tự nhận mình là người trông giữ xe. Sau khi nhận được tài sản từ họ giao cho thì A, B, C và D đã có hành vi chiếm đoạt cụ thể là nhanh chóng dắt 4 chiếc xe tẩu tán.

Bài tập về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường gặp và lời giải

Chủ thể của tội phạm

– Chủ thể của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Mặt chủ quan của tội phạm

– Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Trong trường hợp này, cả 4 người đều nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi gian dối, trái pháp luật nhưng vẫn quyết phạm tội đến cùng, mong muốn hậu quả của hành vi xảy ra đó là chiếm đoạt được xe máy của người gửi.

2. Nếu B và C chỉ mới 15 tuổi thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định của Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”

Như vậy, theo quy định nêu trên nếu B, C chỉ mới 15 tuổi thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội này.

Bài tập 2:

A là sinh viên năm hai của một trường Đại học tại Hà Nội và ở tại ký túc xá khu B của trường. A thường gửi xe mô tô tại nhà giữ xe số 1 của ký túc xá.

Trong một lần khi gửi xe A phát hiện xe Honda Lead của chị X còn gắn chìa khoá trên ổ khoá, A lấy chìa khoá mang về phòng cất giấu. Khoảng 10 ngày, A nhặt được 01 phiếu giữ xe gắn máy của nhà giữ xe nói trên mang số 312 nên A cất giữ với ý định khi có cơ hội sẽ lấy trộm xe của chị X.

Khoảng 6 giờ ngày 22/8/2022 khi thấy nhà giữ xe chỉ có 01 bảo vệ mà sinh viên ra vào đông nên A dùng phiếu giữ xe nhặt được lấy xe của chị X ra khỏi nhà giữ xe và chạy về quê tại cất giấu.

Đến ngày 14/9/2022 A dùng xe trên chở bạn gái đi trên đường thì bị anh C là bạn chị X phát hiện trình báo Công an.

Kết quả định giá của Hội đồng định giá tài sản xác định: Xe mô tô hiệu Honda Lead nêu trên có trị giá 25.000.000 đồng.

Hỏi: Trong trường hợp này A phạm tội gì (Trộm cắp hay lừa đảo)? theo điều khoản nào của Bộ luật hình sự?

Lời giải:

– A phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 174 Bộ luật hình sự. Vì A đã có ý thức chiếm đoạt tài sản là chiếc xe Honda Lead của chị X từ trước nên A lấy chìa khóa xe của chị X khi chị X bỏ quên mang về phòng chờ thời cơ chiếm đoạt và khi có thời cơ A đã có hành vi gian dối là dùng một phiếu giữ xe nhặt được không phải là phiếu của xe Honda Lead, lợi dụng lúc đông người ra vào và chỉ có 01 bảo vệ giữ xe để lấy xe Honda Lead ra khỏi bãi gửi xe. Hành vi gian dối thể hiện ở việc A dùng phiếu giữ xe không phải là phiếu xe của xe Honda Lead để lấy xe. Vì vậy, hành vi  của A đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Bài tập 3: Vì muốn có tiền đánh bạc nên A có đến nhà B mượn xe máy và nói rằng mượn xe để đi thăm người ốm. B cho A mượn xe thì A đến quán mua bán xe máy xe máy cũ và bán xe này được 5 triệu.

Hỏi: Hành vi của A đã phạm tội gì?

Lời giải: Trong trường hợp này, A có hành vi dùng thủ đoạn gian dối (giả vờ mượn xe máy của B để thăm người ốm) làm cho B là người sở hữu xe máy tưởng thật và giao xe cho mượn. Khi nhận được xe cho mượn thì A đi bán xe để lấy tiền đánh bạc. Hành vi này của A là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, do đó A đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thể hiện ở hành vu duy nhất đó là hành vi chiếm đoạt nhưng chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối. Trong đó thủ đoạn gian dối là điều kiện để thực hiện hành vi chiếm đoạt.

Bài tập 4: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 100 triệu đi tù bao nhiêu năm?

Khoản 2,3,4,5 Điều 174 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định như sau:

“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

  1. a) Có tổ chức;
  2. b) Có tính chất chuyên nghiệp;
  3. c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
  4. d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

  1. e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
  2. g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
  3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
  4. a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
  5. b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
  6. c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
  7. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
  8. a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
  9. b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
  10. c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
  11. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

Như vậy, nếu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 100 triệu có thể sẽ phải ngồi tù từ 2 năm. Cụ thể:

  • Bị phạt tù 2 năm đến 7 năm nếu lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 50 triệu đến dưới 200 triệu.
  • Bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm nếu lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 200 triệu đến dưới 500 triệu.
  • Bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản (theo khoản 5 điều này).

Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về nội dung Bài tập về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường gặp và lời giải. Hi vọng bài viết hữu ích với bạn đọc.

Câu hỏi thường gặp:

Người dưới 16 tuổi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng có phải chịu trách nhiệm hình sự?

Căn cứ điều 12 bộ luật hình sự 2015; Người dưới 16 tuổi khi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là bao lâu?

Theo quy định hiện hành, thời hiệu đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định là 01 năm.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.
Sơ đồ bài viết