fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài tập tình huống luật hình sự có lời giải

Dưới đây là bài tập tình huống luật hình sự (có lời giải) thường gặp trong các bài thi của các trường đào tạo Luật. Học viện đào tạo pháp chế ICA tổng hợp lại để các bạn sinh viên có thể tham khảo, từ đó nâng cao kiến thức và biết cách vận dụng quy định pháp luật để giải quyết các tình huống thực tế.

Tình huống 1:

A là chủ kiêm lái xe chở xăng dầu. A ký hợp đồng với công ty X vận chuyển dầu chạy máy cho công ty. Sau vài lần vận chuyển, A đã học được thủ đoạn lấy bớt dầu vẫn chuyển của công ty X như sau:

Khi nhận được dầu A chạy xe tới điểm thu mua dầu của B và nhanh chóng rút dầu ra bán cho B mỗi lần 200 lít. Sau đó A đổ đầy nước vào chiếc thùng phi đúng 200 lít. Đến địa điểm giao hàng, chiếc xe được cân đúng trọng lượng quy định nên được nhập dầu vào kho. Trong thời gian chờ đợi cân trọng lượng của xe sau khi giao dầu, A đã bí mật đổ hết số nước đã chất lên xe để khi cân chỉ còn đúng trọng lượng của xe.

Bằng thủ đoạn trên A đã nhiều lần lấy dầu được thuê vận chuyển với tổng trị giá là 100 triệu đồng thì bị phát hiện.

Câu hỏi:

  1. Anh (chị) hãy xác định tội danh cho hành vi của A?
  2. B có phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi tiêu thụ dầu của A không? Nếu có thì tội danh cho hành vi của B là gì?

Đáp án:

1. Anh (chị) hãy xác định tội danh cho hành vi của A?

Trường hợp 1: Hành vi của A cấu thành Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 BLHS 2015):

Về dấu hiệu pháp lý: Điều 175 BLHS quy định tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản bao gồm 2 trường hợp:

  • Thứ nhất, bằng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn, chiếm đoạt tài sản của người khác đã được giao cho mình trên cơ sở hợp đồng vay mượn, thuê,…
  • Thứ hai, sử dụng tài sản của người khác đã được giao cho mình trên cơ sở hợp đồng vay, mượn, thuê,… vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

* Khách thể của tội phạm:

Khách thể của tội phạm của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản luôn là tài sản, giống như các tội có tính chất chiếm đoạt khác, tuy nhiên, tội phạm này không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu, đây là điểm khác biệt so với các tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhắm chiếm đoạt tài sản, tội cướp giật tài sản. Trong cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản không quy định những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe là tình tiết định khung hình phạt. Vì vậy, nếu sau khi đã chiếm đoạt được tài sản mà người phạm tội bị đuổi bắt, có hành vi chống trả để tẩu thoát, gây chết người hay gây thương tích, hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác thì tùy trường hợp người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích, hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Trong tình huống trên, khách thể của tội phạm chính là lượng dầu mà A đã chiếm đoạt được sau nhiều lần thực hiện hành vi gian dối, tổng tài sản chiếm đoạt trị giá 100 triệu đồng.

Bài tập tình huống luật hình sự có lời giải

* Chủ thể của tội phạm:

Ngoài những điều kiện về tuổi và phải có năng lực trách nhiệm hình sự, tội này đòi hỏi chủ thể phải là những người đã được chủ tài sản tín nhiệm giao cho khối lượng tài sản nhất định. Cơ sở giao tài sản là hợp đồng, việc giao và nhận tài sản là hoàn toàn ngay thẳng. Chủ tài sản do tín nhiệm đã giao tài sản để người được giao sử dụng, bảo quản, vận chuyển, gia công hoặc sửa chữa,… tài sản.

Theo đề ra, vì A ký hợp đồng vận chuyển dầu nên A chắc chắn đã có bằng lái ô tô bởi vậy có thể khẳng định rằng A có đủ điều kiện về tuổi và có năng lực trách nhiệm hình sự, Trong đề cũng nêu rõ “A ký hợp đồng với công ty X vận chuyển dầu chạy máy cho công ty”, như vậy A đã được công ty X tín nhiệm, giao cho việc vận chuyển dầu chạy máy. Nếu công ty X là doanh nghiệp tư nhân thì A không có trách nhiệm quản lý tài sản, mà chỉ có trách nhiệm vận chuyển, như vậy A không có dấu hiệu chủ thể đặc biệt của tội tham ô đó là có chức vụ, quyền hạn quản lý đối với tài sản được giao.

* Mặt khách quan của tội phạm:

– Hành vi phạm tội: Hành vi phạm tội của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm đoạt toàn bộ hay một phần tài sản đã được giao trên cơ sở hợp đồng đã được ký kết giữa chủ tài sản và người có hành vi chiếm đoạt.

Hành vi chiếm đoạt ở đây là những hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết. Những hành vi đó là những hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết:

– Không trả lại tài sản bằng thủ đoạn bỏ trốn hoặc bằng thủ đoạn gian dối ( như giả tạo bị mất, đánh tráo tài sản rút bớt tài sản,… ) hoặc

– Không trả lại được tài sản do không có khả năng vì đã sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp (như dùng vào việc buôn lậu, buôn bán hàng cấm hay đánh bạc, ….)

Hành vi gian dối của A đã được miêu tả kỹ trong đề bài “Khi nhận được dầu A chạy xe tới điểm thu mua dầu của B và nhanh chóng rút dầu ra bán cho B mỗi lần 200 lít. Sau đó A đổ đầy nước vào chiếc thùng phuy không mang sẵn đúng 200 lít. Đến địa điểm giao hàng, chiếc xe được cân đúng trọng lượng quy định nên được nhập dầu vào kho. Trong thời gian chờ đợi cân trọng lượng của xe sau khi giao dầu, A đã bí mật đổ hết số nước đã chất lên xe để khi cân chỉ còn đúng trọng lượng của xe”. Ban đầu sau khi nhận được dầu thật, A bí mật đem bán, sau đó A đổ nước vào thùng với khối lượng tương đương, đem tới công ty nhập kho, cuối cùng đổ nước đi và ra khỏi kho dầu.

A đã lợi dụng sự tín nhiệm của công ty X để kiếm lừa dối, chiếm dụng lượng dầu mỗi lần vận chuyển. Giữa A và công ty X đã có hợp đồng vận chuyển “A ký hợp đồng với công ty X vận chuyển dầu chạy máy cho công ty”. A đã có hành vi gian dối, tráo đổi tài sản, cụ thể là đổi dầu bằng nước.

Đối tượng của hành vi chiếm đoạt: Đối tượng của hành vi chiếm đoạt trong tội này là những tài sản đã được giao ngay thẳng cho người phạm tội trên cơ sở hợp đồng, trong đề bài đối tượng của hợp đồng chính là 200 lít dầu mỗi lần A được thuê vận chuyển.

– Hậu quả: Hậu quả của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản mà cụ thể là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Theo khoản 1 Điều 175 BLHS thì giá trị tài sản bị chiếm đoạt từ 4 triệu đồng trở lên mới cấu thành tội phạm, còn nếu tài sản bị chiếm đoạt dưới 4 triệu đồng thì phải kèm theo điều kiện gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm mới cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trong đề bài đã cho thì hậu quả của hành vi chiếm đoạt của A đã quá rõ ràng, tổng trị giá tài sản mà A đã chiếm đoạt phi pháp có giá trị là 100 triệu đồng, thỏa mãn điểm b khoản 2 Điều 175 BLHS

* Mặt chủ quan của tội phạm:

Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý, mục đích của người phạm tội là chiếm đoạt được tài sản, mục đích cũng là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trong trường hợp đề ra thì lỗi của A là lỗi cố ý trực tiếp. Về lý trí, A nhận thức rõ hành vi chiếm đoạt dầu máy của công ty X sẽ gây thiệt hại về tài sản cho công ty, thấy trước hậu quả của hành vi chiếm đoạt trên. Về ý chí, A mong muốn hậu quả phát sinh, A mong chiếm được số dầu trên để đem bán kiếm lợi nhuận.

Khi phân tích đề bài rất có thể có sự nhầm lẫn, cho rằng hành vi của A cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.Vì giữa tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản có 1 điểm khác nhau cơ bản đó là thời điểm phát sinh ý định chiếm đoạt, nếu như A trước khi ký hợp đồng vận chuyển dầu cho công ty X đã có ý định chiếm đoạt tài sản thì chắc chắn A phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, còn nếu sau khi A có được lượng dầu một cách hợp pháp (thông qua hợp đồng vận chuyển) mới nảy sinh ý định chiếm đoạt thì hành vi của A cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Có thể thấy trong đề nêu rằng “Sau vài lần vận chuyển, A đã học được thủ đoạn lấy bớt dầu vẫn chuyển của công ty X” mặt khác, hợp đồng vận chuyển dầu nhiều lần thì thường là hợp đồng vận chuyển dài hạn, nên ý định phạm tội của A có thể coi là phát sinh sau khi ký được hợp đồng. Tuy nhiên, nếu ý định này phát sinh trước khi ký hợp đồng, hoặc hợp đồng vận chuyển dầu được ký mỗi lần trước khi vận chuyển thì hành vi của A cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Về cơ bản thì khung hình phạt của A là không thay đổi “bị phạt tù từ 2 đến 7 năm”.

Trường hợp 2: Hành vi của A cấu thành tội tham ô tài sản (Điều 353 BLHS 2015):

Về dấu hiệu pháp lý (cấu thành tội phạm)

* Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội tham ô là chủ thể đặc biệt: chỉ những người mang dấu hiệu chủ thể đặc biệt đó làm dấu hiệu có chức vụ quyền hạn quản lý tài sản mới có thể là chủ thể của tội này, những người không có chức vụ quyền hạn chỉ có  thể là đồng phạm tham ô với vai trò là người xúi giục, tổ chức hay giúp sức.

Chủ thể của tội tham ô là người có trách nhiệm quản lý tài sản, trách nhiệm này có thể có được do có chức vụ hoặc do đảm nhiệm những chức trách công tác nhất định, trách nhiệm quản lý tài sản cần được phân biệt với trách nhiệm bảo vệ đơn thuần của người làm công việc bảo vệ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước hay hợp tác xã. Người có chức vụ quyền hạn là người do bổ nhiệm,do bầu cử ,do hợp đồng hoặc do hình thức khác có hưởng lương hoặc không hưởng lương được giao thực hiện nhiệm vụ nhất định có quyền hạn. Cho nên ở đây A thông qua hợp đồng đã được công ty X giao cho nhiệm vụ và quyền hạn trong việc vận chuyển xăng dầu. A được đảm nhiệm công việc có tính độc lập đó là công việc tạo ra cho người được giao (tuy không có trách nhiệm quản lí tài sản) mối quan hệ cũng như trách nhiệm với khối lượng tài sản nhất định trong khoảng thời gian nhất định. Ở đây công ty X đã giao cho anh A một mình vận chuyển chuyển chuyến hàng, không có người áp tải. (Trong trường hợp những thùng dầu A chở được một cơ quan dùng dây chì buộc lại với nhau thì cơ quan đó mới là người quản lý tài sản, và khi đó A phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như đã nêu ở phần a.1).

Khi A có trách nhiệm quản lý lượng dầu máy thì A là người có thẩm quyền, bởi vậy A thỏa mãn dấu hiệu chủ thể đặc biệt của tội tham ô tài sản.

* Về mặt khách quan:

Người phạm tội có hành vi chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý bằng thủ đoạn lợi dụng chức vụ quyền hạn.

Hành vi phạm tội của tội tham ô trước hết là hành vi chiếm đoạt, đối tượng của hành vi chiếm đoạt là những tài sản mà người phạm tội được giao quển lý, người phạm tội đã lợi dụng trách nhiệm quản lý tài sản được giao mà chiếm đoạt tài sản mình đang quản lý. Người phạm tội tham ô có thể dùng những thủ đoạn khác nhau để chiếm đoạt được tài sản, xét đến cùng thì những thủ đoạn đó thực chất đều là sử dụng chức vụ quyền hạn được giao như phương tiện, điều kiện để có thể dễ dàng biến tài sản được giao thành tài sản của mình.

Trong vụ án đề ra, hành vi của A là hành vi gian dối, với những thủ đoạn đã phân tích như trong phần a.1.

* Khách thể của tội phạm:

Khách thể của tội tham ô tài sản là những quan hệ xã hội xã hội chủ nghĩa đảm bảo sự hoạt động đúng đắn và uy tín của cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Hoạt động đúng đắn của các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội là hoạt động theo đúng các quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Hành vi của A

Về mặt chủ quan của tội phạm không có gì khác biệt so với phần a.1.

Điểm khác biệt giữa Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Tội tham ô chính là dấu hiệu về chủ thể. Nếu như A có trách nhiệm quản lý tài sản thì hành vi của A cấu thành tội tham ô tài sản.

Hành vi của A thỏa mãn Điểm d Khoản 2 Điều 353 BLHS về tội tham ô tài sản.

2. B có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi tiêu thụ dầu của A.

Việc B có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không thì có thể chia ra những trường hợp như sau:

Thứ nhất, nếu B hoàn toàn không biết gì về hành vi chiếm đoạt của A, không biết số dầu A bán cho mình là bất hợp pháp, và không có bất kỳ thỏa thuận nào với A thì B không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi tiêu thụ dầu của A. Trong cấu thành của mọi vi phạm pháp luật thì yếu tố lỗi là yếu tố không thể thiếu. Lỗi là thái độ tâm lý của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý. Trong trường hợp thứ nhất này, B không hề có lỗi trong việc tiêu thụ dầu của A, hoàn toàn ngay tình, bởi vậy nên B không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi tiêu thụ dầu của A.

Thứ hai, nếu B hoàn toàn biết được số dầu mình mua của A là do A chiếm đoạt được một cách phi pháp, nhưng giả vờ như không biết, giữa A và B không hề có sự hứa hẹn hay thỏa thuận nào, B do ham lợi vẫn cố tình tiêu thụ dầu thì hành vi của B thỏa mãn cấu thành Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có (Điều 323 BLHS)

– Về mặt khách quan của tội phạm, hành vi của B là hành vi tiêu thụ dầu máy mà biết được đó là lượng dầu A chiếm được do phạm tội, tuy nhiên giữa A và B không có bất kỳ sự thỏa thuận nào.

– Về mặt chủ quan, B nhận thức rõ hành vi tiêu thụ dầu máy mà A chiếm đoạt được một cách phi pháp là nguy hiểm cho xã hội, lượng dầu rất lớn (200 lít dầu mỗi lần) nhưng do ham lợi nhuận, B vẫn cố tình tiêu thụ số dầu đó, B nhận thức được rõ ràng hậu quả của hành vi của mình. Lỗi của B là lỗi cố ý.

Như vậy hành vi của B sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 323 BLHS –  Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Thứ ba, nếu giữa B và A có sự thỏa thuận trước với nhau (ví dụ như A chiếm đoạt dầu để B tiêu thụ, dầu sẽ được bán cho B với giá thấp hơn giá thị trường 5%, B đảm bảo nguồn cầu cho A,.. ). A phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì hành vi của B cấu thành Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản Điều 175 – BLHS với vai trò đồng phạm của A.

* Về mặt khách quan:

– Đồng phạm đòi hỏi có ít nhất 2 người tham gia thực hiện tội phạm và họ có đủ điều kiện chủ thể của tội phạm, cả A và B đều đủ điều kiện chủ thể,

– Những người đồng phạm cùng tham gia thực hiện một tội phạm, với một trong 4 hành vi: thực hiện tội phạm hoặc tổ chức thực hiện tội phạm hoặc xúi giục người khác thực hiện tội phạm hoặc giúp sức người khác thực hiện tội phạm. A và B cùng tham gia thực hiện tội phạm, A lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt dầu máy, B phụ trách tiêu thụ.

* Về mặt chủ quan:

Cả A và B đều cố ý thực hiện hành vi phạm tội, A chiếm đoạt, B tiêu thụ giúp, vì giữa hai người đã có sự thỏa thuận với nhau nên họ còn biết và mong muốn sự cố ý tham gia của người đồng phạm kia.

– Về lý trí: A biết rõ hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt dầu máy là trái pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội, B cũng biết rõ hành vi tiêu thụ dầu của mình là gây nguy hiểm cho xã hội. Hai người cũng biết rõ hành vi cố ý của người kia.

– Về ý chí: tất nhiên cả hai người này mong muốn có hoạt động chung, và cùng mong muốn để cho hậu quả phát sinh, bởi vì nếu A chiếm đoạt được dầu thì rất  cần có nơi tiêu thụ, B cũng muốn kiếm được thêm tiền vì hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, tuy nguy hiểm nhưng chắc chắn đem lại lợi nhuận cao hơn so với bình thường.

Trường hợp đồng phạm của A và B là đồng phạm giản đơn, cả 2 người tham gia với vai trò đồng thực hành nếu phân chia theo dấu hiệu khách quan. Còn nếu chia theo dấu hiệu chủ quan thì trường hợp đồng phạm của họ là đồng phạm có dự mưu, nghĩa là đã có sự bàn bạc, thỏa thuận từ trước để thực hiện hành vi chiếm đoạt và tiêu thụ dầu nhiều lần (tổng trị giá tài sản lên tới 100 triệu).

Đối với trường hợp đồng phạm giản đơn này, theo nguyên tắc chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm, thì A và B đều bị truy tố, xét xử về cùng 1 tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo điểm d khoản 2.

Thứ tư, nếu giữa B và A có sự thỏa thuận trước với nhau, A phạm tội tham ô tài sản, thì hành vi của B cấu thành Tội tham ô tài sản với vai trò đổng phạm.

* Về mặt chủ quan: không có gì khác biệt so với trường hợp thứ ba nêu trên.

* Về mặt khách quan :

– Đồng phạm đòi hỏi có ít nhất 2 người tham gia thực hiện tội phạm và họ có đủ điều kiện chủ thể của tội phạm, cả A và B đều đủ điều kiện chủ thể,

– Những người đồng phạm cùng tham gia thực hiện một tội phạm, với một trong 4 hành vi : thực hiện tội phạm hoặc tổ chức thực hiện tội phạm hoặc xúi giục người khác thực hiện tội phạm hoặc giúp sức người khác thực hiện tội phạm.

Trong đề bài ra thì A đóng vai trò người thực hành của tội tham ô, hành vi của A là lợi dụng quyền hạn quản lý tài sản bằng hành vi gian dối đã chiếm đoạt lượng dầu với tổng trị giá 100 triệu, còn B đóng vai trò người giúp sức,hành vi của B là tiêu thụ dầu giúp A.

Như vậy B phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tham ô tài sản với vai trò người giúp sức. Ngoài ra B cũng có thể là người xúi giục hoặc người tổ chức.

Tình huống 2:

A là người quốc tịch Canada. A có hành vi phạm tội giết người trên lãnh thổ Việt Nam và bị bắt tại Anh.

Câu hỏi:

a) Hành vi phạm tội của A có bị xử theo Bộ luật Hình Sự Việt Nam không?

b) Giả định A là người thuộc đối tượng được đặc miễn ngoại giao thì hành vi của A có bị coi là tội phạm không?

Giải đáp:

a) Về nguyên tắc thì A bị xử lý theo Bộ luật hình sự Việt Nam theo khoản 1 Điều 5 Bộ luật hình sự Việt Nam: Bộ luật hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tuy nhiên do A là người Canada nên việc xử lý A phải căn cứ vào khoản 2 điều 5 của Bộ luật hình sự. Nếu A là đối tượng thuộc khoản 2, điều 5 bộ luật hình sự thì vấn đề trách nhiệm hình sự của A được giải quyết bằng con đường ngoại giao: Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế, thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Như vậy, có thể A sẽ bị xử theo Bộ luật Hình sự Việt Nam.

b) Dù A là người thuộc đối tượng được đặc miễn ngoại giao thì hành vi của A vẫn bị coi là tội phạm.

Hành vi của A là tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam vì nó thoả mãn những đặc điểm của tội phạm:

  • Tính nguy nguy hiểm cho xã hội
  • Tính có lỗi
  • Tính trái pháp luật hình sự
  • Tính chịu hình phạt

Hành vi của A là tội phạm tuy nhiên do A (chủ thể của tội phạm) thuộc đối tượng được đặc miễn ngoại giao nên vấn đề trách nhiệm hình sự của A được giải quyết bằng con đường ngoại giao theo quy định tại khoản 2, điều 5 Bộ luật hình sự Việt Nam: Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng các quyền miễn trừ ngoại giao hoặc quyền ưu đãi và miễn trừ về lãnh sự theo pháp luật  Việt Nam, theo các điều ước quốc tế mà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Tình huống 3: 

Lợi dụng lúc gia đình B ngủ trưa không đóng cửa, A lẻn vào nhà B lấy chiếc xe đạp mini Nhật (trị giá khoảng hai triệu đồng). A dắt xe ra đến sân thì bị anh B phát hiện và đuổi theo giằng lại, A dùng chân đạp mạnh vào người anh B làm anh ngã ra sân. A vội lên xe và đạp ra ngoài đường để tẩu thoát nhưng đã bị mọi người bắt giữ. Anh B ngã chỉ bị xây xước. Về việc phạm tội của A có quan điểm cho rằng:

a) A phạm tội trộm cắp tài sản với tình tiết hành hung tẩu thoát (điểm d khoản 2 Điều 173 BLHS)

b) A phạm tội cướp tài sản

Theo anh (chị) quan điểm nào đúng và giải thích tại sao?

Giải đáp:

Với tình huống như đã mô tả ở trên thì A phạm tội cướp tài sản theo điều 168 BLHS.

Giải thích: Tội cướp tài sản là dùng vũ lực hoặc đe doa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.

Dấu hiệu pháp lý của tội cướp tài sản (168 BLHS)

* Khách thể:

Xâm phạm đến quyền sở hữu (chiếm hữu, sử dụng, định đoạt), xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của người khác. Như vậy, tội “Cướp tài sản” xâm phạm đồng thời hai quan hệ được luật hình sự bảo vệ là quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu.

* Mặt khách quan :

Theo quy định của điều luật, có 3 dạng hành vi khách quan được coi là hành vi phạm tội của tội cướp tài sản. Đó là: + Hành vi dùng vũ lực; + Hành vi đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc; + Hành vi làm cho người khác lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Cả ba hành vi trên đều có mục đích  nhằm chiếm đoạt tài sản.

* Chủ thể:

Là chủ thể thường chỉ đòi hỏi có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định.

* Mặt chủ quan của tội pham:

+ Lỗi của người phạm tội cướp tài sản là lỗi cố ý.

+ Mục đích của tội cướp tài sản là chiếm đoạt tài sản.

Đối chiếu và tình huống trên ta thấy mặc dù ý định ban đầu của A là thực hiện hành vi trộm cắp nhưng từ lúc A dắt xe ra bị B phát hiện và giữ lại, A dùng chân đạp mạnh và người B, làm B ngã và A đã lên xe và đạp ra ngoài đường để tẩu thoát hành vi này đã đủ cấu thành tội cướp tài sản và lúc này tội trộm cắp tài sản đã chuyển hóa thành tội cướp tài sản, đây chính là hành vi dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản. Kể cả trong trường hợp A đã chiếm đoạt được chiếc xe đạp bằng thủ đoạn của tội trộm cắp nhưng ngay sau đó đã bị phát hiện và A đã tấn công lại B bằng những thủ đoạn của tội cướp nhằm giữ bằng được chiếc xe đạp đã chiếm đoạt trước đó thì vấn bị xử tội cướp tài sản. Hành vi tấn công B dùng chân đạp mạnh vào người B làm B ngã và lên xe và đạp ra ngoài đường để tẩu thoát không thể được coi là tình tiết hành hung để tẩu thoát theo điểm d khoản 2 điều 173 BLHS được vì trường hợp hành hung để tẩu thoát là người phạm tội đã có hành vi dùng sức mạnh chống trả lại việc bắt giữ để tẩu thoát. Mục đích của việc chống trả là nhằm để tẩu thoát chứ không phải nhằm mục đích giữ bằng được tài sản vừa mới chiếm đoạt được. Mà theo mô tả trên thì A tấn công B không phải nhằm mục đích tẩu thoát mà nhằm mục đích giữ bằng được chiếc xe đạp vì vậy đây là hành vi dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản nên tội trộm cắp đã chuyển hoá thành tội cướp tài sản.

Trong tình huống trên, mặc dù A cho là lên xe đạp để tẩu thoát nhưng xe đạp là xe của ông D, việc A tẩu thoát cùng với xe đạp của người bị hại phải bị coi là chiếm đoạt tài sản chứ không thể coi là A “mượn tạm” để tẩu thoát. Ai thực hiện hành vi phạm tội xong cũng đều có mục đích tẩu thoát. Nhưng trong trường hợp này, mục đích của A không chỉ đơn thuần là tẩu thoát mà còn là chiếm đoạt.

Như vậy, qua sự phân tích và căn cứ vào hướng dẫn trên ta khẳng định rằng A phạm tội cướp tài sản theo điều 168 BLHS, (do tội Cướp tài sản là tội có cấu thành hình thức nên tội phạm đã hoàn thành từ khi A dùng chân đạp vào B để lấy cho bằng được chiếc xe), chứ không phải tội trộm cắp tài sản với tình tiết “hành hung để tẩu thoát” (điểm d khoản 2 điều 173 BLHS).

Trên đây là nội dung tư vấn về: “Bài tập tình huống luật hình sự có lời giải”. Hy vọng bài viết có ích cho bạn đọc.

Câu hỏi thường gặp:

Thế nào được coi là phạm tội chưa đạt?

Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.

Phạm tội chưa đạt có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

5/5 - (1 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.
Sơ đồ bài viết