fbpx
Học viện đào tạo pháp chế ICA
Bài tập tình huống luật hình sự

Học viện đào tạo pháp chế ICA tổng hợp một số bài tập tình huống luật hình sự có đáp án, lời giải thường gặp trong các bài thi kết thúc môn tại các trường đào tạo luật. Kính mời quý độc giả tham khảo một vài tình huống dưới đây.

Tình huống 1: Xác định tội danh

Một buổi tối, A và B rủ nhau vào rừng săn thú, mỗi người mang theo khẩu súng săn tự chế. Hai người thoả thuận người nào phát hiện có thú dữ, trước khi bắn sẽ huýt sáo 3 lần, nếu không thấy phản ứng gì thì sẽ bắn. Sau đó, họ chia nhau mỗi người đi một ngả. Khi A đi được khoảng 300m, A nghe thấy có tiếng động, cách A khoảng 25m. A huýt sáo 3 lần nhưng không nghe phản ứng gì của B. A soi đèn pin về phía có tiếng động thấy có ánh mắt của con thú phản lại nên nhằm bắn về phía con thú. Sau đó, A chạy đến thì phát hiện B đã bị trúng đạn nên A đã vội đưa B về trạm y tế xã để cấp cứu, nhưng vừa nằm lên giường trạm thì B đã chết.

Câu hỏi:

  1. Xác định tội danh của A?
  2. Giả sử B không chết mà chỉ bị thương, tỷ lệ thương tật là 29% thì A có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Tại sao?

Giải đáp:

  1. Xác định tội danh của A

Căn cứ theo dữ liệu tình huống đã cho thì xác định A phạm tội Vô ý làm chết người theo khoản 1 Điều 128 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 (BLHS):

“Điều 128. Tội vô ý làm chết người

1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Các yếu tố cấu thành tội phạm:

Về mặt khách thể của tội phạm:

Khách thể của tội vô ý làm chết người là quyền nhân thân, đây là một trong những khách thể quan trọng nhất được luật hình sự bảo vệ. Đó là quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng. Đối tượng của tội này là những chủ thể có quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng. Đó là những người đang sống, đang tồn tại trên thế giới khách quan với tư cách là con người- thực thể tự nhiên và xã hội.

Như vậy, trong tình huống này, A đã tước đoạt tính mạng của B, xâm phạm tới quan hệ nhân thân được luật hình sự bảo vệ.

Về mặt khách quan của tội phạm:

  • Hành vi khách quan của tội phạm: Người phạm tội có hành vi vi phạm quy tắc an toàn, đó là những quy tắc nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ cho con người. Trong tình huống này, A và B rủ nhau đi săn thú rừng và hai người thỏa thuận người nào phát hiện có thú dữ, trước khi bắn sẽ huýt sáo 3 lần nếu không thấy phản ứng gì thì sẽ bắn. Sau đó hai người chia nhau mỗi người đi một hướng. Và khi A nghe thấy có tiếng động, A đã huýt sáo 3 lần nhưng không nghe thấy phản ứng gì của B. A bật đèn soi về phìa có tiếng động thấy có ánh mắt con thú phản lại nên nhằm bắn về phía con thú. Sau đó, A xách súng chạy đến thì phát hiện là B đã bị trúng đạn nhưng chưa chết hẳn. A vội vã đưa B đi đến trạm y tế địa phương nhưng vừa nằm lên giường B đã chết. Như vậy, hành vi của A do không cẩn thận xem xét kỹ lưỡng trong khi đi săn nên đã để đạn lạc vào người B làm choB chết.
  • Hậu quả của tội phạm: Hành vi vi phạm trên đã gây ra hậu quả chết người. Hậu quả này là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Trong tình huống này thì hành vi của A đã gây ra hậu quả làm cho B chết.
  • Quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của tội phạm: Đây là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Người có hành vi vi phạm chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hậu quả chết người đã xảy ra, nếu hành vi vi phạm của họ đã gây ra hậu quả này hay nói cách khác là giữa hành vi vi phạm của họ và hậu quả chết người có quan hệ nhân quả với nhau. Trong tình huống này thì hậu quả chết người của B là do hành vi của A gây ra. Đó là A nhằm bắn về phía con thú nhưng đã bắn sang B, hậu quả là làm cho B chết, như vậy nguyên nhân B chết là do hành vi bắn súng  của A vào người B.

Về mặt chủ quan của tội phạm:

Chủ thể của tội vô ý làm chết người là chủ thể thường, người có năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi luật định.

  • Giả sử B không chết chỉ bị thương, tỷ lệ thương tật là 29% thì A có phải chịu trách nhiệm hình sự không? Vì sao?

Theo nội dung tình huống bài ra và hậu quả là B chỉ bị thương với tỷ lệ thương tật là 29%, xét thấy hành vi của A là đã vô ý gây thương tích cho B với lỗi vô ý vì quá tự tin. Căn cứ khoản 1 Điều 138 BLHS:

“Điều 138. Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm”.

Theo đó, A sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng A sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi của mình và phải bồi thường thiệt hại cho B.

Bài tập tình huống luật hình sự có đáp án

Tình huống 2: Cấu thành tội phạm

G, H uống rượu say, nên đã nằm ra ghế ở công viên. P đi qua thấy chị G đeo nhiều trang sức bằng vàng nên P đã lấy đi toàn bộ tài sản với trị giá 15 triệu đồng. Gần sáng, chị G tỉnh dậy mới biết mình bị mất tài sản và đi báo công an.

Câu hỏi: Hành vi của P cấu thành tội gì? Tại sao?

Giải đáp:

Căn cứ dữ liệu tình huống đã cho xác định P phạm tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017:

“Điều 173. Tội trộm cắp tài sản

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:…”

Điều 173 BLHS không mô tả những dấu hiệu của hành vi mà chỉ nêu tội danh. Trộm cắp tài sản được hiểu là hành vi lén lút lấy tài sản mà chủ sở hữu, người quản lý tài sản không biết mình bị lấy tài sản, chỉ sau khi bị lấy mất thì họ mới biết mình bị mất tài sản.

Mặt khách thể của tội phạm: Xâm phạm đến quan hệ sở hữu. Trong tình huống này, P đã có hành vi xâm hại đến tài sản của chị G, cụ thể là lấy đi toàn bộ tài sản của chị G.

Mặt khách quan của tội phạm:

Do đặc điểm của tội trộm cắp tài sản, nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng hình thức lén lút, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản, không trông giữ cẩn thận hoặc lợi dụng vào hoàn cành khách quan khác như chen lấn, xô đẩy, nhằm tiếp cận tài sản để thực hiện hành vi chiếm đoạt mà người quản lý tài sản không biết.

Để xác định hành vi trộm cắp tài sản và phân biệt tội trộm cắp với một số tội phạm khác gần kề, chúng ta có thể có một số dạng trộm cắp tài sản có tính chất đặc thù như sau:

  • Người phạm tội dùng những thủ đoạn gian dối tiếp cận tài sản để đến khi có điều kiện sẽ lén lút chiếm đoạt tài sản của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản;
  • Người phạm tội lợi dụng chỗ đông người, chen lấn xô đẩy để chiếm đoạt tài sản của người khác;
  • Người phạm tội lợi dụng người quản lý tài sản không có mặt ở nơi để tài sản hoặc người tài sản không trực tiếp quản lý nên đã chiếm đoạt. Đặc trưng hành vi chiếm đoạt của tội trộm cắp tài sản là dấu hiệu lén lút. Lén lút là dấu hiệu có nội dung trái ngược với dấu hiệu công khai ở các tội xâm phạm sở hữu khác, dấu hiệu này vừa chỉ đặc điểm khách quan của hành vi chiếm đoạt vừa chỉ ý thức chủ quan của người thực hiện hành đó. Hành vi chiếm đoạt có đặc điểm khách quan là lén lút và ý thức chủ quan của người thực hiện cũng là lén lút. Hành vi chiếm đoạt được coi là lén lút nếu được thực hiện bằng hình thức mà hình thức đó đó có khả năng không cho phép chủ tài sản biết có hành vi chiếm đoạt khi có hành vi này xảy ra. Ý thức chủ quan của người phạm tội là lén lút nếu khi thực hiện hành vi chiếm đoạt người phạm tội có ý thức che giấu hành vi đang thực hiện của mình. Việc che giấu này chỉ đòi hỏi với chủ tài sản, đối với những người khác, ý thức chủ quan của người trộm cắp tài sản vẫn là công khai. Nhưng trong thực tế, ý thức chủ quan của người phạm tội trong phần lớn vẫn là lén lút, che giấu đối với người khác.

Trong tình huống này, P đã lợi dụng lúc chị G say rượu ngủ say nên đã chiếm đoạt tài sản của chị G. Để xác định hành vi phạm tội của P  trong tình huống này ta cần xác định “tại thời điểm mất tài sản, chủ tài sản có biết hay không” là vấn đề cần thiết phải làm rõ, bởi nó liên quan đến bản chất của hành vi chiếm đoạt. Trong tình huống này, chị G là chủ tài sản, do bị say rượu nằm trên ghế đá công viên nên trong khi bị P chiếm đoạt tài sản không hề biết mình bị chiếm đoạt tài sản. Phải đến sáng hôm sau tỉnh giấc chị G mới biết mình bị mất tài sản. Như vậy, dấu hiệu “thời điểm mất tài sản” là mốc thời gian, xác định việc tài sản đã bị chiếm đoạt và không nằm trong vòng kiểm soát của chủ tài sản nữa. Tại thời điểm này, chủ tài sản (chị G) không biết việc mình bị mất tài sản và đây chính là hệ quả của hành vi “lén lút”. Bởi chỉ có “lén lút” mới làm chủ tài sản không biết mình bị mất tài sản. Mặt khác trị giá tài sản bị các đối tượng chiếm đoạt là 15 triệu đồng, thỏa mãn dấu hiệu được nêu trong Điều 173 BLHS (từ hai triệu đồng trở lên ). Hành vi của P được thực hiện do lỗi cố ý. Mục đích cuối cùng của P là mong muốn chiếm đoạt tài sản của trị G, cụ thể là số nữ trang bằng vàng trên người của chị G.

Với sự liên hệ qua lại giữa các dấu hiệu này, giúp chúng ta dễ dàng tìm ra điểm đặc trưng của tội “Trộm cắp tài sản”, từ đó ta có cơ sở để quyết định P phạm tội trộm cắp tài sản.

Căn cứ vào những phân tích trên, căn cứ vào khách thể và mặt khách quan của tội phạm ta thấy, P có đủ những dấu hiệu để cấu thành tội trộm cắp tài sản được quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS 2015.

Tình huống 3:

T lập kế hoạch và bàn bạc với M và P cướp tiền của những người mới lĩnh tiền từ Ngân hàng Đ. T phân công cho M dùng dao đe doạ người bị tấn công, còn M lao vào cướp tiền rồi lên xe máy do T đang đứng đợi sẵn.

Câu hỏi: Vậy T, M và P phạm tội gì và theo điều khoản nào của Bộ luật hình sự?

Giải đáp:

Theo quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 (BLHS) thì cướp tài sản có tổ chức được hiểu là hai hay nhiều người cố ý cùng thực hiện tội cố ý cướp tài sản mà giữa họ có sự cấu kết chặt chẽ để thực hiện tội phạm (có sự bàn bạc, chuẩn bị chu đáo, vạch trương trình kế hoạch phạm tội, phân công vai trò, vị trí của từng người), trong đó có người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Tuy nhiên không phải vụ án cướp tài sản có tổ chức nào cũng đủ những người giữ vai trò như trên, mà tuỳ từng trường hợp có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành mà không có người xúi giục hoặc người giúp sức nhưng nhất định phải có người thực hành và người tổ chức thì mới phạm tội có tổ chức.

 Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người tổ chức có thể có những hành vi như: khởi sướng việc phạm tội; vạch kế hoạch thực hiện tội phạm cũng như kế hoạch che giấu tội phạm; phân công trách nhiệm cho những người đồng phạm khác để thống nhất thực hiện tội phạm; điều khiển hành động của những người đồng phạm; đôn đốc, thúc đẩy người đồng phạm khác thực hiện tội phạm…

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm như: trực tiếp cầm dao chém người bị tấn công, trực tiếp cầm súng đe doạ người bị tấn công hay trực tiếp chiếm đoạt tài sản của người bị tấn công…

Như vậy, trong vụ án cướp tài sản trên thì có ba người đó là T, M và P cùng cố ý thực hiện tội cướp tài sản, trong đó T là người tổ chức vì là người vạch kế hoạch, chủ động bàn bạc với M và P thực hiện hành vi cướp tài sản và phân công trách nhiệm cho M và P, còn M và P là những người thực hành vì có hành vi trực tiếp dùng dao đe doạ và cướp tài sản của người bị tấn công. Do đó T, M và P đã phạm tội cướp tài sản với tình tiết có tổ chức được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 168 BLHS.

Thông tin liên hệ:

Trên đây là nội dung bài viết: “Bài tập tình huống luật hình sự có đáp án“. Hy vọng bài viết này sẽ đem lại hữu ích cho bạn đọc.

Câu hỏi thường gặp

Trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Tài sản trộm cắp dưới 2 triệu đồng thì người thực hiện hành vi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nếu người thực hiện hành vi đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội khác và thuộc các trường hợp khác theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 thì người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản giá trị dưới 2 triệu vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người là bao lâu?

Tội Giết người theo Điều 123 BLHS là tội đặc biệt nghiêm trọng nên theo Điều 27 BLHS thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội này là 20 năm được bắt đầu tính từ ngày tội phạm được thực hiện.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.
Sơ đồ bài viết