Sơ đồ bài viết
Mâu thuẫn giữa người sử dụng lao động và người lao động luôn có thể xảy ra trong mối quan hệ lao động. Tùy từng trường hợp khác nhau mà những mâu thuẫn này có thể dẫn đến xung đột lao động, khi tranh chấp xảy ra thì không biết giải quyết như thế nào. Qua bài viết dưới đây, Học viện đào tạo pháp chế ICA sẽ giúp bạn tìm hiểu tranh chấp lao động là gì? và lấy ví dụ bài tập tình huống giải quyết tranh chấp lao động cụ thể để các bạn có thể hiểu rõ hơn về tranh chấp lao động nhé
Tranh chấp lao động là gì?
Theo khoản 1 Điều 179 Bộ luật Lao động 2019:
Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động. Tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau, tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.
Các loại tranh chấp lao động
Tại Khoản 2 Điều 179 Bộ luật Lao động 2019 quy định các loại tranh chấp lao động, bao gồm:
* Tranh chấp lao động cá nhân giữa:
– Người lao động với người sử dụng lao động;
– Người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
– Người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
* Tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động
Điều 180 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động như sau:
– Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thỏa thuận của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
– Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật.
– Công khai, khách quan, minh bạch, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật.
– Sự tham gia của đại diện các bên cần được đảm bảo trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
– Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.
Bài tập tình huống giải quyết tranh chấp lao động
Công ty TNHH An Thy có trụ sở đóng tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Tháng 10 năm 2022, công ty tiến hành sáp nhập phòng bảo vệ và phòng lao công. Việc sát nhập này công ty đã cho 5 nhân viên đang làm việc ở phòng bảo vệ nghỉ việc. Sau đó công ty An Thy đã thuê hoàn toàn dịch vụ bảo vệ của công ty khác.
Khi chấm dứt hợp đồng, Công ty An Thy không có chế độ trợ cấp gì cho người lao động mà chỉ hỗ trợ cho những người lao động một (01) tháng lương để đi tìm công việc mới (những lao động đã làm việc cho công ty từ năm 2015). Những người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động không đồng ý nên đã gửi đơn lên cơ quan có thẩm quyền về tranh chấp lao động yêu cầu giải quyết tranh chấp. Câu hỏi:
- Công ty An Thy có được chấm dứt hợp đồng lao động với 5 người lao động không?
- Hãy tư vấn cho công ty những thủ tục cần thiết để chấm dứt hợp đồng
Trả lời:
Câu 1: Công ty An Thy có được chấm dứt hợp đồng lao động với 5 người lao động không?
Công ty An thy có thể chấm dứt hợp đồng lao động với 5 nhân viên. Căn cứ pháp lý:
Điều 34 Bộ luật lao động 2019 quy định về các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động:
Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật này.
Theo khoản 3 Điều 42 Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu công nghệ hoặc vì lý do kinh tế :
“Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.”
Những trường hợp sau đây được coi là thay đổi cơ cấu, công nghệ:
a) Thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động;
b) Thay đổi quy trình, công nghệ, máy móc, thiết bị sản xuất, kinh doanh gắn với ngành, nghề sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động;
c) Thay đổi sản phẩm hoặc cơ cấu sản phẩm.
Những trường hợp sau đây được coi là vì lý do kinh tế:
a) Khủng hoảng hoặc suy thoái kinh tế;
b) Thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước khi cơ cấu lại nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế.
Trong trường hợp này, công ty An Thy có thay đổi cơ cấu, công nghệ, sáp nhập, hợp nhất chia tách doanh nghiệp, thì có thể chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động và cần tuân thủ nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật lao động 2019.
Cụ thể, bên công ty An Thy đã có sự thay đổi cơ cấu lao động:
+ bên công ty M tiến hành sáp nhập phòng bảo vệ và phòng quản trị, sau đó thuê toàn bộ dịch vụ bảo vệ khác; tức là có sự thay đổi cơ cấu tổ chức ( khi sáp nhập lại 2 phòng) và tổ chức lại lao động cho 6 lao động kia nghỉ và thay dịch vụ bảo vệ mới. Việc thay đổi này có thể suy đoán là do mục đích thu hẹp phòng ban, đảm bảo phát triển của công ty , hay muốn thay đổi cơ cấu bảo vệ bằng dịch vụ chuyên nghiệp hơn và phục vụ cho sự phát triển của công ty.
Câu 2: Hãy tư vấn cho công ty An Thy những thủ tục cần thiết để chấm dứt hợp đồng
Để có thể chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp này, người sử dụng lao động cần những thủ tục như sau:
Thứ nhất, Trao đổi với tổ chức đại diện và thông báo đến cơ quan có thẩm quyền
Công ty An Thy cho thôi việc đối với nhiều người lao động (5 người) theo quy định tại Khoản 3 Điều 42 này thì phải tiến hành trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.
Thứ hai, Cần phải lập phương án sử dụng lao động
Công ty An Thy phải xây dựng phương án sử dụng lao động bao gồm những nội dung theo quy định tại Điều 44 Bộ luật lao động 2019, trong đó phải có danh sách và số lượng người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động với công ty An Thy (có đầy đủ thông tin của 5 người lao động bị chấm dứt HĐLĐ)
* Khi chấm dứt hợp đồng lao động theo khoản 10 điều 34 Bộ luật lao động năm 2019, NSDLĐ cần thực hiện các thủ tục quy định tại Điều 42 của Bộ luật lao động.
Thứ ba, công ty An Thy phải tiến hành trả trợ cấp mất việc làm cho 5 người lao động theo quy định tại Điều 47 Bộ luật lao động 2019.
+ Nếu có chỗ làm việc mới thì phải ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng,
+ Nếu người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động.
Thứ tư, công ty An Thy phải tiến hành thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của 5 người lao động bị chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật lao động 2019
Thứ năm, công ty An Thy phải hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và các giấy tờ khác mà công ty An Thy đã giữ lại của 5 lao động trên theo khoản 3 Điều 48 BLLĐ 2012: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.”
Trên đây chúng tôi đã thông tin tới bạn đọc về vấn đề tranh chấp lao động và có đưa ra bài tập tình huống giải quyết tranh chấp lao động. Hy vọng kiến thức chúng tôi chia sẻ có ích cho bạn đọc!
Câu hỏi thường gặp
Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm:
1. Tranh chấp lao động phát sinh trong quá trình thương lượng tập thể;
2. Khi một bên từ chối thương lượng hoặc không tiến hành thương lượng trong thời hạn theo quy định của pháp luật.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền bao gồm:
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền bao gồm:
– Hòa giải viên lao động;
– Hội đồng trọng tài lao động;
– Tòa án nhân dân.
– Tranh chấp lao động tập thể về quyền phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.