fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài giảng môn học Luật Tố tụng dân sự chương I

Bài giảng môn học Luật Tố tụng dân sự chương I: Khái niệm và các nguyên tắc cơ bản giúp sinh viên nắm vững nền tảng lý thuyết về Luật Tố tụng dân sự Việt Nam. Nội dung tập trung vào việc định nghĩa luật tố tụng dân sự, phân tích vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật, và giải thích chi tiết các nguyên tắc cơ bản như nguyên tắc bình đẳng, quyền tranh tụng, và nguyên tắc đảm bảo xét xử công bằng. Đây là tài liệu hữu ích cho việc học tập và nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực pháp lý.

Bài giảng môn học Luật Tố tụng dân sự chương I

Chương 1: Khái niệm và các nguyên tắc cơ bản của Luật Tố tụng dân sự Việt Nam

I. Khái niệm luật tố tụng dân sự

1. Khái niệm

– Là 1 ngành luật trong hệ thống PL VN, bao gồm hệ thống quy phạm PL điều chỉnh các quan hệ XH giữa tòa án, VKS, cơ quan thi hành án dân sự, những người tham gia tố tụng, những người liên quan phát sinh trong quá trình tố tụng dân sự (TTDS).

– [Vụ việc dân sự] = [vụ án dân sự] + [việc dân sự]

+ vụ án dân sự (VADS): là việc tòa án thụ lý để giải quyết tranh chấp dân sự, VD tranh chấp về đất đai, tài sản

+ việc dân sự: là việc tòa án thụ lý để xử lý các yêu cầu dân sự, VD yêu cầu tòa án xác nhận người thân mất tích, yêu cầu tòa án công nhận quan hệ huyết thống

Tại sao phải phân chia là vụ án dân sự và việc dân sự ?

Vì thủ tục tố tụng đối với mỗi loại là khác nhau.

– Quá trình tố tụng dân sự:

+ khởi kiện

+ hòa giải

+ xét xử sơ thẩm

+ phúc thẩm

+ giám đốc thẩm

+ tái thẩm

Chú ý: theo quy định của Luật TTDS 2015 thì [thi hành án] cũng là 1 giai đoạn của quá trình TTDS, nhưng với môn học TTDS thì quá trình tố tụng sẽ kết thúc tại tòa án, việc thi hành án là nội dung của môn học khác.

Bài giảng môn học Luật Tố tụng dân sự chương I
Bài giảng môn học Luật Tố tụng dân sự chương I

2. Đối tượng điều chỉnh của luật TTDS

– Quan hệ giữa các cơ quan tiến hành TTDS với nhau: gồm tòa án, VKS

Chú ý: nếu theo quan điểm của Luật TTDS thì [thi hành án] cũng là 1 giai đoạn của quá trình TTDS nên cơ quan tiến hành tố tụng sẽ có thêm Cơ quan thi hành án dân sự.

– Quan hệ giữa cơ quan tiến hành TTDS với những người tham gia TTDS.

Những người tham gia TTDS gồm:

+ đương sự: nguyên đơn, bị đơn, người có quyền và nghĩa vụ liên quan

+ người đại diện của đương sự

+ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (chú ý: không được nhầm lẫn với “người bào chữa” ntrong TT hình sự)

+ người làm chứng

+ người giám định

+ người định giá, thẩm định giá tài sản

+ người phiên dịch

– Quan hệ giữa cơ quan tiến hành tố tụng, những người tham gia TTDS với những người liên quan.

Ví dụ: A khởi kiện ly hôn B, tài sản của A và B là ngôi nhà xây trên đất của C và D. Khi đó:

+ A là nguyên đơn

+ B là bị đơn

+ C, D là người có quyền và nghĩa vụ liên quan

+ UBND địa phương nơi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là người liên quan

3. Phương pháp điều chỉnh

– Phương pháp mệnh lệnh: tòa án có quyền ra các bản án, quyết định buộc các chủ thể khác phải thực hiện

– Phương pháp tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự

II. Quan hệ pháp luật TTDS

1. Khái niệm

– Là quan hệ XH giữa tòa án, VKS, cơ quan thi hành án dân sự, những người tham gia tố tụng và những người liên quan phát sinh trong quá trình TTDS và được các quy phạm PL TTDS điều chỉnh

– Đặc điểm:

+ tòa án là chủ thể đặc biệt của quan hệ PL TTDS: tính đặc biệt của tòa án thể hiện ở:

  • Tòa án có quyền ra Quyết định, bản án bắt buộc các chủ thể khác phải thực hiện
  • Tất cả các quan hệ PL TTDS đều xoay quanh tòa án.

VD: A cho B vay tiền, đây là quan hệ PL dân sự, chỉ xoay quanh A và B, không liên quan đến các chủ thể khác; nếu đến hạn mà B không trả được A thì A sẽ khởi kiện B ra tòa án, khi đó sẽ phát sinh mối quan hệ giữa A với tòa án, tòa án sẽ gọi B đến và sẽ làm phát sinh quan hệ giữa B và tòa án, nếu hợp đồng đồng vay không phải bằng tiếng Việt thì sẽ phát sinh quan hệ giữa tòa án với người phiên dịch, nếu A và B có tranh chấp về chữ ký trong hợp đồng vay thì sẽ phát sinh quan hệ giữa tòa án với người giám định, …

+ quan hệ PL TTDS phát sinh trong quá trình TTDS và do luật TTDS điều chỉnh.

VD: A kiện B ra tòa, trong quá trình tố tụng A ủy quyền cho C, khi đó quan hệ giữa A và C không phải là quan hệ PL TTDS (mặc dù quan hệ giữa A và C phát sinh trong quá trình TTDS nhưng quan hệ giữa A và C được điều chỉnh bằng hợp đồng ủy quyền giữa A và C và đây là quan hệ dân sự, được điều chỉnh bằng PL dân sự). Chú ý: quan hệ giữa B với C vẫn là quan hệ TTDS, quan hệ giữa tòa án với C cũng là quan hệ TTDS

+ quan hệ PL TTDS phát sinh, tồn tại trong 1 thể thống nhất.

VD: A kiện B ra tòa, nếu chỉ có A ra tòa án thì vụ án không thể giải quyết, tòa án sẽ phải gọi B, người đại diện, người làm chứng, … đến tòa để giải quyết ==> tạo thành 1 thể thống nhất, không thể tách riêng từng bộ phận

Lưu ý: cần nắm rõ 3 đặc điểm này để phân biệt quan hệ PL dân sự và quan hệ PL TTDS

2. Thành phần của quan hệ PL TTDS

– Chủ thể:

+ Cơ quan tiến hành tố tụng

+ Người tham gia tố tụng

– Khách thể: là việc giải quyết quan hệ PL nội dung tranh chấp giữa các đương sự hay quan hệ PL nội dung chứa đựng những sự kiện pháp lý mà tòa án có nhiệm vụ xác định.

Trong thực tế, khách thể biểu hiện bằng tên của vụ án, hay bản án. VD: vụ án tranh chấp quyền thừa kế (thì ở đây “tranh chấp quyền thừa kế” là khách thể).

Lưu ý: Trong TTDS thì việc xác định khách thể của quan hệ PL TTDS, hay nói cách khác xác định tên của vụ việc có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó quan trọng như việc định tội trong TT hình sự, nếu xác định sai sẽ dẫn đến áp dụng quy phạm PL sai.

VD: A kiện đòi B 100 triệu ==> xác định  khách thể ?

Trả lời: dữ kiện chưa đủ để xác định khách thể, có thể có các trường hợp:

+ nếu 100 triệu là số tiền B vay của A thì khách thể là Tranh chấp về hợp đồng vay

+ nếu 100 triệu là số tiền B phải trả cho A vì B đã gây thiệt hại cho A thì khách thể là Tranh chấp về bồi thường thiệt hại

+ nếu 100 triệu là số tiền B còn thiếu A khi A chuyển nhượng đất cho B thì khách thể là Tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất

+ nếu 100 triệu là số tiền thừa kế lẽ ra A được hưởng nhưng B giữ không chuyển cho A thì khách thể là Tranh chấp về thừa kế

– Nội dung: gồm quyền và nghĩa vụ của các chủ thể khi tham gia quan hệ PL TTDS

III. Các nguyên tắc cơ bản của luật TTDS

– Ý nghĩa của các nguyên tắc của luật TTDS:

+ các quy phạm PL trong luật TTDS không được trái với các nguyên tắc này

+ trong hoạt động TTDS thì mọi hành động của các chủ thể không được trái với các nguyên tắc này, hay nói cách khác những nguyên tắc này là kim chỉ nam cho mọi hành động của các chủ thể trong quá trình tố tụng

– Có thể chia làm 2 nhóm nguyên tắc:

+ nhóm nguyên tắc chung: gồm các nguyên tắc cũng có trong luật tố tụng hình sự, tố tụng hành chính, …

+ nhóm nguyên tắc đặc trưng: chỉ có trong PL TTDS, gồm các Điều 4, 5, 6, 8, 10

1. Nguyên tắc tuân thủ PL trong TTDS (Điều 3)

– Bảo đảm mọi hoạt động tố tụng của các chủ thể trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự phải tuân thủ triệt để PL TTDS

Pháp luật TTDS gồm có:

+ luật TTDS

+ các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC

– Mọi hành vi vi phạm PL đều bị xử lý theo quy định của PL.

Thực tế: hiện nay ở các Tòa án có quy định bất thành văn: nếu trong nhiệm kỳ (5 năm) mà tổng số án mà 1 thẩm phán xét xử bị hủy hoặc phải sửa do lỗi chủ quan trên tổng số án đã xét xử vượt quá 1.16% thì sẽ không được tái nhiệm (2 vụ sửa = 1 vụ hủy)

==> tòa án rất cẩn thận với quy trình tố tụng (rất ít sai sót về thủ tục tố tụng)

2. Nguyên tắc quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (Điều 4)

– Các cá nhân, cơ quan, tổ chức do luật TTDS quy định có quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác

– Tòa án không được từ chối giải quyết VVDS vì lý do chưa có luật để áp dụng: đây là nguyên tắc đột phá của PL tố tụng

==> mục đích để bảo vệ quyền con người theo thông lệ quốc tế. Tư tưởng chung là “trong mọi trường hợp, tòa án phải đứng ra để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

==> là 1 bước để tiến tới áp dụng án lệ

3. Nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự (Điều 5)

– Các đương sự có quyền tự quyết định việc khởi kiện, yêu cầu hay không khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết VVDS

– Ngoại lệ: ví dụ như việc xác định cha/mẹ cho con thì ngoài người con, cha/mẹ yêu cầu thì người thân, hoặc cơ quan đoàn thể (như Hội phụ nữ, Cơ quan bảo vệ trẻ em, …) cũng có quyền yêu cầu tòa án xác minh để đảm bảo lợi ích đứa trẻ.

Ví dụ đứa trẻ (dưới 14 tuổi) bị bạo hành, vì chưa đủ năng lực hành vi nên cơ quan đoàn thể có quyền yêu cầu tòa án can thiệp để bảo vệ đứa trẻ

– Đương sự có quyền tự quyết định việc khởi kiện ai, về vấn đề gì, có quyền thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu, có quyền thỏa thuận về giải quyết VVDS, có quyền kháng cáo bản án, quyết định của tòa án.

VD: Xác định bị đơn trong quan hệ vay có bảo lãnh: A vay tiền ngân hàng, B dùng tài sản của mình để bảo lãnh cho A, đến hạn A không trả được, ngân hàng sẽ kiện ai ?

Trả lời: trong trường hợp này thì việc kiện ai, về vấn đề gì là quyền tự định đoạt của ngân hàng, ví dụ:

+ nếu ngân hàng khởi kiện tranh chấp về hợp đồng vay ==> ngân hàng sẽ kiện A, còn B sẽ tham gia với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan

+ nếu A bỏ trốn, mà B từ chối nghĩa vụ bảo lãnh ==> ngân hàng sẽ kiện B về tranh chấp hợp đồng bảo lãnh

– Mọi hành vi định đoạt của đương sự phải tự nguyện, không vi phạm điều PL cấm và trái đạo đức XH

– Tòa án chỉ xem xét, giải quyết trong phạm vi yêu cầu của đương sự, trừ trường hợp do PL quy định

VD: khi chia đất thừa kế, dù các bên có thỏa thuận chia mảnh đất như thế nào thì Tòa án cũng sẽ yêu cầu người nhận được phần đất bên ngoài sẽ phải dành 1 phần đất làm lối đi cho người nhận phần đất bên trong (quyền địa dịch),

VD: A và B có con là C 6 tuổi, A và B xin ly hôn, không yêu cầu chia tài sản và quyền nuôi con ==> Tòa án vẫn can thiệp để bảo đảm quyền và lợi ích cho C

4. Nguyên tắc cung cấp chứng cứ và chứng minh trong TTDS (Điều 6)

– Đương sự có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh cho những yêu cầu và phản đối của mình. Cơ quan tổ chức khởi kiện cũng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh.

==> do đó, ai là người đưa ra yêu cầu hoặc phản đối yêu cầu thì người đó có nghĩa vụ phải chứng minh

Câu hỏi: tại sao trong hình sự thì đương sự không có nghĩa vụ phải chứng minh như đối với dân sự ?

Trả lời: Vì trong hình sự là NN buộc tội đương sự phạm tội (tức là gây nguy hiểm cho xã hội) ==> NN phải đưa ra chứng cứ và chứng minh. Còn trong dân sự thì các đương sự tranh chấp với nhau, tòa án chỉ là nơi phân xử dựa trên chứng cứ và chứng minh của các bên. (“Việc dân sự cốt ở hai bên”)

– Đương sự có nghĩa vụ chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ đó.

Ví dụ hậu quả: chịu án phí, bồi thường thiệt hại về tinh thần, uy tín cho bên bị khởi kiện, …

– Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong những trường hợp do luật TTDS quy định

5. Nguyên tắc trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức (Điều 7)

– Cá nhân, cơ quan, tổ chức lưu trữ, quản lý chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ cho đương sự, Toà án chứng cứ trong vụ án mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đó đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, Toà án.

– Trong trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự, Toà án biết và nêu rõ lý do của việc không cung cấp được chứng cứ.

6. Nguyên tắc bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của đương sự (Điều 8)

– Mọi công dân đều bình đẳng trước PL, trước Toà án không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp.

– Mọi cơ quan, tổ chức đều bình đẳng không phụ thuộc vào hình thức tổ chức, hình thức sở hữu và những vấn đề khác.

– Các đương sự đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong TTDS, Toà án có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.

7. Nguyên tắc bảo đảm quyền bảo vệ của đương sự (Điều 9)

– Đương sự có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ luật sư hay người khác có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật này bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình

– Quyền bảo vệ của đương sự được bảo đảm trong mọi VVDS và trong mọi giai đoạn TTHS

– Quyền bảo vệ của đương sự gắn liền với trách nhiệm của tòa án bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền đó

8. Nguyên tắc hòa giải trong TTDS (Điều 10)

– Hòa giải được áp dụng đối với hầu hết VVDS trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, trừ trường hợp không hòa giải được hoặc không được hòa giải.

Chú ý phân biệt:

+ không được hòa giải: tức là PL cấm hòa giải (có sự vi phạm PL, ví dụ A mua USD ngoài “chợ đen”, xảy ra tranh chấp, trường hợp này sẽ không được hòa giải vì việc mua bán USD ngoài “chợ đen” là vi phạm PL)

+ không hòa giải được: PL cho hòa giải nhưng không hòa giải được. Ví dụ tranh chấp ly hôn giữa A và B nhưng A đang chấp hành hình phạt tù, khi đó mặc dù luật quy định được phép hòa giải nhưng không thể thực hiện việc hòa giải (do không thể đảm bảo A ra khỏi tù có chạy trốn hay không)

+ hòa giải không được: hay hòa giải không thành

– Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện để các đương sự tự thỏa thuận với nhau về giải quyết VVDS

– Tòa án có trách nhiệm đảm bảo việc hòa giải đúng quy định của PL, tự nguyện, không vi phạm điều PL cấm và không trái đạo đức XH

9. Nguyên tắc hội thẩm nhân dân tham gia xét xử VADS (Điều 11)

– Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử sơ thẩm VADS, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn.

Chú ý: Hội thẩm nhân dân không tham gia giải quyết việc dân sự

– Khi tham gia xét xử, hội thẩm nhân dân ngang quyền với thẩm phán

10. Nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân xét xử VADS, thẩm phán giải quyết việc dân sự độc lập và chỉ tuân theo PL (Điều 12)

– Khi xét xử VADS, thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập (với các yếu tố bên ngoài và bên trong)

+ độc lập với các yếu tố bên ngoài là:

  • Độc lập với các cơ quan lãnh đạo của đảng
  • Độc lập với VKS: lưu ý: trong dân sự, tòa án độc lập tuyệt đối với VKS (VKS chỉ thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân thủ PL của tòa án và các chủ thể khác), khác với trong hình sự là độc lập tương đối (quy định Tòa án không được xét xử vượt quá mức cao nhất mà VKS đề nghị, nếu tòa án xét xử vượt quá mức này thì phải gửi lại hồ sơ về VKS và CQĐT)
  • Độc lập với các phương tiện thông tin đại chúng
  • Độc lập với bất kỳ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào

+ độc lập với các yếu tố bên trong là:

  • Tòa án cấp dưới độc lập với Tòa án cấp trên và với TANDTC
  • Các thành viên trong Hội đồng xét xử độc lập với nhau

– Khi xét xử VADS, thẩm phán và Hội thẩm nhân dân chỉ tuân theo PL (PL tố tụng và PL nội dung)

– Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, hội thẩm nhân dân, việc giải quyết việc dân sự của thẩm phán dưới bất kỳ hình thức nào.

Tham khảo trọn bộ bài giảng các môn học Luật Tố tụng dân sự: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-to-tung-dan-su?ref=lnpc

Mời bạn xem thêm:

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.