fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài giảng môn học Luật Lao động chương IX

Bài giảng môn học Luật Lao động chương IX: Đình công và giải quyết đình công mang đến cái nhìn toàn diện về một trong những biện pháp phản đối phổ biến của người lao động trong trường hợp quyền lợi của họ bị xâm phạm. Chương này sẽ giúp bạn hiểu rõ về các điều kiện, quy trình và quy định pháp lý liên quan đến đình công, đồng thời chỉ ra các hình thức giải quyết đình công một cách hợp pháp và hiệu quả.

Bài giảng môn học Luật Lao động chương IX

Chương 9: Đình công và giải quyết đình công

Văn bản pháp luật:

+ Chương 14 Bộ luật Lao động 2012

+ Nghị định 41/2013 về doanh nghiệm cấm đình công

+ Nghị định 95/2013 về xử phạt vi phạm trong luật lao động (trong đó có đình công)

I. Đình công

1. Khái quát về đình công

a. Khái niệm (khoản 1 Điều 209)

– Đình công một là hình thức đấu tranh kinh tế xã hội, là một cách phản ứng của tập thể lao động khi có bất đồng với NSDLĐ.

– Khái niệm: Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

Chú ý: ở châu Á, VN là 1 trong những nước đầu tiên đưa đình công vào luật quốc gia (từ bộ luật lao động 1994) và được quốc tế đánh giá cao. Khái niệm về đình công mà VN đưa ra cũng tương đồng với thế giới.

– Phân biệt đình công với các khái niệm:

+ lãn công: người lao động nghỉ việc lẻ tẻ, làm việc lơ là, cầm chừng, chiếu lệ đối phó… không tuân thủ kỷ luật, không sử dụng hết thời gian, công suất máy móc. Lãn công không phải là quyền của NLĐ, NLĐ thực hiện lãn công một cách tự phát, không có tổ chức và điều hành bởi bất kỳ ai, NSDLĐ có thể xử lí kỉ luật lao động đối với các lao động lãn công vì đó cũng là 1 trong những biểu hiện của các hình thức vi phạm kỉ luật lao động

+ bãi công

+ ngừng việc tập thể

+ biểu tình

b. Dấu hiệu nhận biết đình công

– Là sự ngừng việc tạm thời và triệt để của nhiều NLĐ

Bài giảng môn học Luật Lao động chương IX
Bài giảng môn học Luật Lao động chương IX

+ “tạm thời”: luật không quy định là bao lâu, tuy nhiên khi đình công thì công đoàn (hoặc đại diện khác của NLĐ) phải thông báo cho NSDLĐ và cơ quan chức năng về thời điểm bắt đầu đình công và dự kiến sẽ đình công bao lâu. (lịch sử đình công ở VN chưa có cuộc đình công nào kéo dài quá 1 tuần)

==> một người, hay 1 số người tự ý bỏ việc một thời gian thì không phải là đình công

+ “triệt để”: là ngừng việc hoàn toàn (khác với lãn công, VD xưởng sản xuất có 100 người, thì 10 người ngừng làm việc, 90 người còn lại vẫn làm việc bình thường, sau đó đe dọa nếu không đáp ứng yêu cầu thì sẽ tăng số người ngừng làm việc)

– Phải có sự tự nguyện của NLĐ: NLĐ phải tự nguyện tham gia, mọi sự lôi kéo, bắt buộc đình công đều trái PL

Chú ý: ở VN có sự lôi kéo, cưỡng bức đình công (thường do “vô sản lưu manh” (theo C.Mac) thực hiện), thậm chí đe dọa chủ doanh nghiệp, một nguyên nhân là luật VN chưa hình sự hóa đình công trái luật.

– Luôn có tính tập thể: tập thể lao động là tập hợp có tổ chức của NLĐ cùng làm việc cho 1 NSDLĐ hoặc trong 1 bộ phận thuộc cơ cấu tổ chức của NSDLĐ. (Điều 3 khoản 3).

Như vậy có thể đình công của toàn bộ NLĐ trong doanh nghiệp, hoặc của NLĐ trong 1 xưởng sản xuất, 1 chi nhánh.

==> số NLĐ chỉ là thiểu số người lao động trong doanh nghiệp vẫn có thể đình công. VD doanh nghiệp có 5 xưởng sản xuất, mỗi xưởng có 200 người, 1 xưởng đình công, mặc dù chỉ chiếm 1/5 tổng số NLĐ trong doanh nghiệp nhưng vẫn được coi là đình công.

– Phải có tính tổ chức: thể hiện ở trình tự, thủ tục mà 1 cuộc đình công phải tuân theo, người lãnh đạo đình công là công đoàn.

Chú ý: ở VN chỉ có duy nhất 1 công đoàn, nhưng ở các nước có rất nhiều công đoàn, người lao động có thể lựa chọn công đoàn phù hợp để tham gia

Chú ý: 1 nghịch lý là thực tế ở VN dù tất cả các cuộc đình công đều không do công đoàn lãnh đạo nhưng lại có tính tổ chức rất cao.

– Mục đích của đình công: là nhằm đạt được những yêu sách về lợi ích mà người đình công quan tâm. (khoản 2 Điều 209: Việc đình công chỉ được tiến hành đối với các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích và sau thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 206 của Bộ luật này) ==> tức là chỉ được đình công vì lợi ích, không được đình công về quyền. (rất nhiều nước phản đối điều này, nhất là những nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất tại VN)

Chú ý: ở VN cũng như trên thế giới, 1 cuộc đình công được coi là hợp pháp khi nó yêu sách lợi ích cho NLĐ, sẽ là bất hợp pháp nếu yêu sách ngoài quan hệ lao động, ví dụ như yêu sách về chính trị.

Chú ý: cuộc đình công (tự phát) gần đây về việc sửa Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội của 3000 công nhân nhà máy Pouyue (tại tp HCM) có yêu sách về quyền (cụ thể là phản đối PL về chính sách hưởng BHXH 1 lần) chứ không phải về lợi ích, về luật là bất hợp pháp. Tuy nhiên thủ tướng (Nguyễn Tấn Dũng) lại đăng đàn chấp thuận yêu sách này ==> hậu quả sẽ rất lớn vì NLĐ sẽ coi thường luật pháp, sẽ tiếp tục đình công tự phát theo ý mình

2. Các quy định về đình công theo PL VN

– Quy định về đối tượng được phép đình công: NLĐ làm việc theo hình thức HĐLĐ trong các doanh nghiệp không thuộc danh mục cấm đình công.

Như vậy:

+ cán bộ, công chức, viên chức không được phép đình công vì không làm việc theo hình thức HĐLĐ

+ NLĐ dù làm việc theo HĐLĐ nhưng không làm việc trong doanh nghiệp (như làm việc cho UBND, trường học, bệnh viện công) thì cũng không được đình công

+ doanh nghiệp phải là không thuộc doanh nghiệp cấm đình công (theo Nghị định 41/2015: Đơn vị sử dụng lao động không được đình công là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hoặc bộ phận của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có thuê mướn, sử dụng lao động theo quy định của pháp luật lao động, hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thiết yếu cho nền kinh tế quốc dân mà việc đình công có thể đe dọa đến an ninh, quốc phòng, sức khỏe, trật tự công cộng, bao gồm:

  1. a) Sản xuất điện có công suất lớn, truyền tải điện và điều độ hệ thống điện quốc gia;
  2. b) Thăm dò và khai thác dầu khí; sản xuất, cung cấp khí, gas;
  3. c) Bảo đảm an toàn hàng không, an toàn hàng hải;
  4. d) Cung cấp hạ tầng mạng viễn thông; dịch vụ bưu chính phục vụ các cơ quan nhà nước;

đ) Cung cấp nước sạch, thoát nước, vệ sinh môi trường ở các thành phố trực thuộc Trung ương;

  1. e) Trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng.)

– Quy định về thời điểm có quyền đình công: khoản 2 Điều 209: Việc đình công chỉ được tiến hành đối với các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích và sau thời hạn quy định tại khoản 3 Điều 206 của Bộ luật này (tức là sau khi giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài lao động không thành công)

Lưu ý: ở VN thì:

+ các cuộc đình công đều không qua giải quyết của Hội đồng trọng tài mà đình công luôn

+ không thể phân biệt được đình công về quyền hay vì lợi ích, hoặc quyền là lợi ích đan xen nhau ==> dự thảo Luật lao động mới đang xem xét bỏ quy định chỉ được đình công về lợi ích, cho phép đình công cả về quyền và lợi ích cho phù hợp với thế giới.

– Quy định về người lãnh đạo đình công: Điều 210:

   + Ở nơi có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công phải do Ban chấp hành công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo.

   + Ở nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công do tổ chức công đoàn cấp trên tổ chức và lãnh đạo theo đề nghị của người lao động

Chú ý: đây là 1 quy định mà ILO đánh giá rất cao về hình thức pháp lý, tuy nhiên thực tế lại trái ngược hoàn toàn. Lý do là ở nơi không có công đoàn cơ sở thì tập thể lao động sẽ phải lập ra 1 Ban đại diện, và khi đã có Ban đại diện rồi thì sẽ trực tiếp lãnh đạo đình công chứ không phải thông qua tổ chức công đoàn cấp trên nữa.

– Thủ tục chuẩn bị đình công: Điều 212, 213

Chú ý: thủ tục đình công ở VN là rất nhanh, gọn so với các nước, tổng thời gian chỉ trong vòng 1 tuần, trong khi với các nước ASEAN khác tối thiểu là 2 tuần, với các nước châu Âu phải ít nhất 2 tháng

– Tiến hành đình công: chỉ được tiến hành đình công sau khi đã thực hiện xong các thủ tục quy định trong luật (không có quy định trong luật về việc sẽ tiến hành đình công như thế nào)

– Những hành vi bị cấm thực hiện trước, trong và sau đình công: Điều 219

+ Cản trở việc thực hiện quyền đình công hoặc kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công; cản trở người lao động không tham gia đình công đi làm việc.

+ Dùng bạo lực; hủy hoại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động.

+ Xâm phạm trật tự, an toàn công cộng.

Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động, người lãnh đạo đình công hoặc điều động người lao động, người lãnh đạo đình công sang làm công việc khác, đi làm việc ở nơi khác vì lý do chuẩn bị đình công hoặc tham gia đình công. ==> đây là 1 quy định của ILO, không phân biệt đình công hợp pháp hay bất hợp pháp, giới chủ đang yêu cầu có thể xử lý kỷ luật đối với trường hợp đình công bất hợp pháp.

+ Trù dập, trả thù người lao động tham gia đình công, người lãnh đạo đình công.

+ Lợi dụng đình công để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác.

– Những trường hợp đình công bất hợp pháp (Điều 215):

+ Không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích ==> không được đình công về quyền

+ Tổ chức cho những người lao động không cùng làm việc cho một người sử dụng lao động đình công ==> không được đình công “góp”

+ Khi vụ việc tranh chấp lao động tập thể chưa được hoặc đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân giải quyết theo quy định của Bộ luật này. ==> tức là chưa qua hòa giải, qua giải quyết tại Hội đồng trọng tài

+ Tiến hành tại doanh nghiệp không được đình công thuộc danh mục do Chính phủ quy định. ==> theo Nghị định 41/2013

+ Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công.

– Doanh nghiệp không được đình công: (Nghị định 41/2013) cả ILO và luật pháp các nước đều thừa nhận đình công là quyền của người lao động, nhưng trong phạm vi nhất định sẽ không được đình công, đó là nếu đình công ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh.

– Xử lý đình công không đúng trình tự thủ tục và bồi thường thiệt hại do đình công bất hợp pháp (Điều 222, 233): khi 1 cuộc đình công được kết luận là bất hợp pháp thì người lãnh đạo đình công có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho NSDLĐ.

II. Giải quyết đình công

1. Một số vấn đề chung về giải quyết đình công

– Khái niệm: là hoạt động do Tòa án tiến hành nhằm xác định tính hợp pháp hoặc bất hợp pháp của cuộc đình công trên cơ sở các quy định của PL.

Chú ý: giải quyết đình công chỉ là xác định tính hợp pháp của cuộc đình công chứ không giải quyết yêu sách của cuộc đình công

Chú ý: thẩm quyền giải quyết đình công là của Tòa án, tuy nhiên thực tế ở VN chưa có bất kỳ cuộc đình công nào ra tòa án, mà ở các thành phố lớn, có đông công nhân đều có 1 cơ quan (không có trong luật) là Tổ công tác giải quyết đình công, do 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, thành phần gồm đại diện công đoàn, công an, các sở, … có nhiệm vụ (gần như thay cho tòa án) giải quyết các cuộc đình công. Quy trình làm việc của Tổ công tác này hoàn toàn tự phát (do không có luật quy định), tuy nhiên thực tế lại rất hiệu quả.

2. Quy định hiện hành của PL về giải quyết đình công

(Chú ý: sử dụng Luật tố tụng dân sự 2015, không dùng phần này trong Luật lao động 2012 vì đã lạc hậu)

– Chủ thể có quyền yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công:

+ công đoàn cơ sở, hoặc công đoàn cấp trên cơ sở (với nơi không có công đoàn cơ sở)

+ NSDLĐ

– Thẩm quyền xét tính hợp pháp của cuộc đình công: tòa án cấp tỉnh nơi xảy ra đình công

3. Chuẩn bị giải quyết đình công

(xem trong Luật tố tụng dân sự 2015)

4. Thủ tục giải quyết đình công

(xem trong Luật tố tụng dân sự 2015)

5. Khiếu nại về tính hợp pháp của cuộc đình công

Mời bạn xem thêm:

Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Luật lao động: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-lao-dong?ref=lnpc

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.