Bài giảng môn học Luật hôn nhân và gia đình chương III đi sâu vào các quy định pháp lý liên quan đến kết hôn và điều kiện kết hôn theo pháp luật Việt Nam. Nội dung chương này giúp người học hiểu rõ các quy định về độ tuổi, điều kiện sức khỏe, sự tự nguyện, cũng như các trường hợp cấm kết hôn và hủy kết hôn trái pháp luật. Bài giảng cung cấp kiến thức quan trọng để nắm vững quy trình pháp lý và đảm bảo quyền lợi của các bên trong quan hệ hôn nhân, giúp sinh viên áp dụng hiệu quả trong thực tiễn.
Bài giảng môn học Luật hôn nhân và gia đình chương III
Chương 3: Kết hôn
1. Khái niệm
– Kết hôn là việc nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng và tuân theo các điều kiện kết hôn và thủ tục kết hôn.
Đám cưới là nghi lễ nhằm mục đích thông báo sự kiện 2 bên nam nữ trở thành vợ chồng của nhau.
– Dưới góc độ pháp lý, kết hôn được hiểu là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ vợ chồng, phải thỏa mãn 2 yếu tố:
+ phải thể hiện được ý chí của cả nam và nữ mong muốn được kết hôn với nhau
+ phải được NN thừa nhận
– Nhà nước quản lý việc kết hôn thông qua việc cấp Giấy chứng nhận kết hôn
– Quyền kết hôn là quyền nhân thân, không thể chuyển giao.
2. Điều kiện kết hôn
Các điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 8:
– Nữ từ đủ 18, nam từ đủ 20, không quy định tuổi tối đa
– Phải có sự tự nguyện của cả 2 bên, không bên nào được ép buộc hay lừa dối bên nào, không ai được cưỡng ép hay cản trở
+ tự nguyện kết hôn được thể hiện bằng dấu hiệu khách quan: hai bên nam, nữ phải đồng thời có mặt tại cơ quan NN có thẩm quyền để đăng ký kết hôn (không thể ủy quyền cho người khác)
+ cưỡng ép kết hôn: là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác kết hôn trái ý muốn của họ, VD cha mẹ cưỡng ép con phải kết hôn với người mà con không mong muốn
+ cản trở kết hôn: là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn, VD cha mẹ không muốn cho con gái lấy chồng nhà nghèo nên cố tình thách cưới thật cao
+ lừa dối kết hôn: là 1 trong 2 bên nói sai sự thật về người đó làm cho người kia lầm tưởng mà kết hôn, VD nói dối chưa có vợ / chồng để kết hôn; hoặc nói dối về tình trạng sức khỏe như bị nhiễm HIV nhưng nói dối là không mắc
Chú ý: nếu lừa dối về điều kiện kinh tế, bằng cấp, địa vị xã hội thì không bị coi là vi phạm điều kiện kết hôn tự nguyện.
– Người kết hôn không phải là người mất năng lực hành vi dân sự: để xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi phải có quyết định của Tòa án tuyên bố bị mất năng lực hành vi
==> như vậy, người bị mất năng lực hành vi vẫn có thể kết hôn nếu thời điểm đăng ký kết hôn chưa có quyết định của Tòa án về tình trạng mất năng lực hành vi dân sự
– Hai người phải khác giới tính (Điều 8, khoản 2)
NN không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính nhưng không cấm họ sống chung
– Việc kết hôn không vi phạm điều cấm (khoản 2 Điều 5)
+ kết hôn giả tạo: là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình
+ cấm người đang có vợ / chồng kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác
+ cấm kết hôn giữa những người có cùng dòng máu trực hệ trong phạm vi 3 đời
+ cấm kết hôn giữa cha mẹ nuôi với con nuôi, giữa những người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng
– Việc kết hôn phải được cơ quan có thẩm quyền công nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (Điều 9)
Chú ý: với trường hợp kết hôn với người nước ngoài, có thể xảy ra tình huống vênh nhau về luật, VD ở VN quy định nam phải đủ 20 tuổi mới được kết hôn, trong khi nước khác quy định đủ 18 tuổi ==> các nước phải ký kết với nhau hiệp định tương trợ pháp lý để thỏa thuận với nhau. ==> và khi đó việc kết hôn sẽ tuân theo các quy tắc trong hiệp định của 2 bên.
– Với trường hợp đã ly hôn, muốn quay trở lại với nhau thì phải đăng ký kết hôn, và PL chỉ coi là vợ chồng từ ngày có đăng ký kết hôn lại
– Với người theo đạo, hoặc theo quy định của dân tộc thiểu số, mà có nghi thức kết hôn theo quy định riêng (VD được ghi vào sổ hôn nhân của nhà thờ Thiên chúa) thì nghi thức kết hôn đó không có giá trị trước PL, các bên chỉ được PL coi là vợ chồng khi đăng ký kết hôn tại cơ quan NN có thẩm quyền.
– Điều kiện về hình thức : việc kết hôn phải được cơ quan có thẩm quyền NN cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
3. Kết hôn trái PL và hủy việc kết hôn trái PL
a. Khái niệm kết hôn trái PL (khoản 6 điều 3)
– Là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan NN có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo Điều 8 Luật HNGĐ.
– Chú ý: cần phân biệt “kết hôn trái PL” với “chung sống với người khác như vợ chồng trái PL”
+ kết hôn trái PL: đã đăng ký kết hôn nhưng vi phạm điều kiện kết hôn
+ chung sống với người khác như vợ chồng trái PL: người đã có vợ / chồng lại chung sống với người khác như vợ / chồng
– Về hành vi “chung sống với người khác như vợ chồng”, có 3 trường hợp:
+ chung sống như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, được công nhận là vợ chồng
+ chung sống như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, bị coi là trái PL và bị xử lý
+ chung sống như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, không bị coi là trái PL và không bị xử lý
b. Hủy việc kết hôn trái PL
– là việc Tòa án tuyên bố hủy bỏ việc kết hôn do vi phạm các điều kiện kết hôn (giấy Chứng nhận đăng ký kết hôn bị hủy)
– là biện pháp xử lý có ý nghĩa như chế tài của luật HNGĐ áp dụng đối với trường hợp kết hôn trái PL, NN không thừa nhận có quan hệ vợ chồng trong kết hôn trái PL, buộc 2 bên phải chấm dứt hành vi chung sống như vợ chồng trái PL đó
– Căn cứ để hủy việc kết hôn trái PL:
+ do tảo hôn: một trong 2 bên chưa đủ tuổi theo quy định
+ kết hôn do bị cưỡng ép, bị lừa dối
+ kết hôn với người bị mất năng lực hành vi dân sự
+ kết hôn giữa những người cùng giới tính
+ kết hôn giữa những người cùng dòng máu trực hệ, có họ trong phạm vi 3 đời
+ cha mẹ nuôi kết hôn với con nuôi, giữa người đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ mẹ, kế với con riêng của chồng
c. Người có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái PL (Điều 10)
– Người bị cưỡng ép, bị lừa dối kết hôn: tức là nạn nhân của việc kết hôn trái PL
– Vợ / chồng của người đang có vợ / chồng mà kết hôn với người khác
– Cha mẹ, con, người giám hộ, người đại diện theo PL khác của người kết hôn trái PL
– Cơ quan quản lý NN về gia đình
– Cơ quan quản lý NN về trẻ em
– Hội liên hiệp phụ nữ VN (từ cấp huyện trở lên)
– Bất kỳ cá nhân, tổ chức nào khi phát hiện việc kết hôn trái PL thì có quyền kiến nghị với người, tổ chức nêu trên để đề nghị họ viết đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái PL
d. Xử lý trường hợp kết hôn trái PL (Điều 11)
– Đường lối xử lý trường hợp kết hôn trái PL là rất thận trọng, nhằm đảm bảo quyền lợi của những người kết hôn và gia đình
– Trường hợp tại thời điểm yêu cầu hủy kết hôn trái PL mà cả hai bên đã đủ điều kiện kết hôn (VD đã đủ tuổi kết hôn, đã ly hôn vợ trước để kết hôn với vợ sau), khi đó nếu hai bên đều yêu cầu công nhận hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân, và quan hệ hôn nhân được xác lập (lại) từ thời điểm 2 bên đủ điều kiện kết hôn.
– Tòa án sẽ tuyên hủy đăng ký kết hôn trong 2 trường hợp sau:
+ trường hợp tại thời điểm yêu cầu hủy kết hôn trái PL mà một bên hoặc cả hai bên vẫn vi phạm điều kiện kết hôn
+ trường hợp tại thời điểm yêu cầu hủy kết hôn trái PL mà cả hai bên đã đủ điều kiện kết hôn, nhưng một bên hoặc cả 2 bên đều không yêu cầu tòa án công nhận hôn nhân
e. Hậu quả pháp lý của hủy kết hôn trái PL (Điều 12)
– Về quan hệ nhân thân: NN không thừa nhận hai người kết hôn trái PL là vợ chồng, kể từ ngày quyết định của Tòa án về việc hủy kết hôn trái PL có hiệu lực thì hai bên phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng
– Về quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa hai bên kết hôn trái PL: được giải quyết như trường hợp nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng (tức là giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo các quy định trong Bộ luật dân sự và các quy định PL có liên quan)
– Quyền và nghĩa vụ giữa cha, mẹ, con: quyền và nghĩa vụ của cha mẹ với con không phụ thuộc vào tính hợp pháp của quan hệ hôn nhân, do đó khi hủy kết hôn trái PL thì các vấn đề liên quan đến con chung sẽ được giải quyết như khi vợ chồng ly hôn. (như quy định trong Điều 81, 82, 83, 84)
f. Xử lý việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền (Điều 13)
– Là việc đăng ký kết hôn không được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn, VD UBND phường cấp đăng ký kết hôn cho A và B nhưng cả A và B đều không cư trú tại phường đó; hoặc UBND phường cấp đăng ký kết hôn cho A với người nước ngoài N, trong khi thẩm quyền cấp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài phải do UBND cấp huyện thực hiện.
– Xử lý: khi có yêu cầu, cơ quan NN có thẩm quyền thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận kết hôn theo quy định của PL về hộ tịch và yêu cầu hai bên thực hiện lại việc đăng ký kết hôn tại cơ quan NN có thẩm quyền. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ ngày đăng ký kết hôn trước.
g. Xử lý trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn (Điều 14)
– Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì:
+ không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ vợ chồng
+ quyền và nghĩa vụ với con vẫn giữ nguyên như trường hợp cha mẹ có kết hôn
+ quyền và nghĩa vụ với tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên sẽ được giải quyết theo thỏa thuận, nếu không thỏa thuận thì theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định PL khác liên quan
Chú ý: nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn trước ngày 01/01/2015 (trước ngày luật HNGĐ 2014 có hiệu lực) thì áp dụng luật HNGĐ 2000 và các văn bản hướng dẫn để giải quyết
h. Xử lý theo Bộ luật Hình sự
– Trong một số trường hợp phạm phải điều cấm, hoặc nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng có các hành vi cấu thành tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể gồm:
+ Điều 146. Tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ
+ Điều 147. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
+ Điều 148. Tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn
+ Điều 149. Tội đăng ký kết hôn trái pháp luật
+ Điều 150. Tội loạn luân
– Người bị truy cứu về các tội này (trừ Tội loạn luân) khi đã bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật (đối với Tội đăng ký kết hôn tráu PL do công chức thực hiện) về hành vi đó mà còn vi phạm.
Mức phạt là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù đến 5 năm (tội loạn luân)
Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Luật hôn nhân và gia đình: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-hon-nhan-va-gia-dinh
Mời bạn xem thêm: