fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài giảng môn học Luật hình sự 2 chương VI

Bài giảng môn học Luật hình sự 2 chương VI cung cấp kiến thức chi tiết về Các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt, một trong những nhóm tội phạm phổ biến và phức tạp trong Luật hình sự. Nội dung chương này đề cập đến các hành vi phạm tội như trộm cắp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và các tội khác liên quan đến hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác. Bài giảng giúp người học hiểu rõ yếu tố cấu thành tội phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và hình phạt cụ thể theo quy định pháp luật hiện hành.

Bài giảng môn học Luật hình sự 2 chương VI

Chương 6: Các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt

I. Khái niệm chung

– Là những tội xâm phạm sở hữu bằng việc chiếm đoạt, trong cấu thành tội phạm có dấu hiệu chiếm đoạt.

– Chiếm đoạt: là hành vi cố ý chuyển dịch trái PL tài sản đang thuộc sự quản lý của chủ tài sản thành tài sản của mình.

– Khách thể: là quan hệ sở hữu về tài sản của người khác, một số tội xâm phạm quan hệ nhân thân của người có tài sản (tính mạng, sức khỏe, tự do thân thể của con người như tội Cướp tài sản, Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản)

– Đối tượng tác động: là tài sản đang có chủ, tức là tài sản vẫn còn nằm trong sự chiếm hữu quản lý của chủ tài sản. Tài sản có thể là vật, tiền, lương thực, gia súc,…

Chú ý: Một số tài sản có tính chất đặc biệt hoặc thuộc đối tượng NN cấm thì không thuộc đối tượng của tội này mà là đối tượng của tội khác, VD ma túy, vũ khí, công trình điện, công trình thông tin liên lạc…

– Hành vi phạm tội:

+ về thực tế: làm cho chủ tài sản bị mất hẳn khả năng thực hiện quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình

+ về pháp lý: không làm chủ tài sản mất quyền sở hữu đối với tài sản, mà chỉ làm mất khả năng thực hiện quyền sở hữu

+ những hành vi này được thực hiện dưới các hình thức khác nhau: có thể công khai (cướp, cướp giật), có thể lén lút (trộm cắp)

– Lỗi của người phạm tội: cố ý trực tiếp, người phạm tội biết tài sản đã có chủ nhưng vẫn mong muốn biến tài sản đó thành của mình

Chú ý: trong các cấu thành tội phạm của các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt, dấu hiệu chiếm đoạt có thể là:

+ mục đích chiếm đoạt, không đòi hỏi phải có hành vi chiếm đoạt: trong tội dùng vũ lực để chiếm đoạt, bắt cóc con tin để chiếm đoạt

+ hành vi chiếm đoạt: như hành vi cướp giật,

+ hành vi chiếm đoạt được: tức là đã lấy được tài sản, làm chủ được tài sản

==> để biết khi nào tội phạm hoàn thành

Bài giảng môn học Luật hình sự 2 chương VI
Bài giảng môn học Luật hình sự 2 chương VI

II. Các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt 1 cách công khai

1. Tội cướp tài sản (Điều 133)

– Là dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.

– Khách thể: xâm phạm 2 quan hệ XH:

+ quan hệ nhân thân: tính mạng, sức khỏe

+ quan hệ sở hữu: quyền sở hữu tài sản

– Đối tượng của tội phạm: là con người và tài sản. Tuy nhiên đối tượng chính là tài sản, còn việc tác động đến con người chỉ là điều kiện để có thể chiếm đoạt tài sản

– Mặt khách quan: có 3 dạng hành vi:

+ dùng vũ lực: phải tác động vào người

+ đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc: kể cả trường hợp dùng súng giả, gậy nhựa đe dọa nhưng người bị hại vẫn tưởng thật thì vẫn bị coi là phạm tội này

+ hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được: ví dụ sử dụng thuốc ngủ, thuốc mê để lừa người bị hại uống (như hòa vào cốc nước, tẩm vào khăn tay đưa cho lau mặt)

Chỉ cần thực hiện 1 trong 3 hành vi trên là đủ để cai là tội phạm hoàn thành, không cần hậu quả có cướp được không ==> cấu thành hình thức

– Chủ thể: đủ 14 tuổi, có năng lực trách nhiệm hình sự

– Mặt chủ quan:

+ lỗi cố ý trực tiếp

+ mục đích: là chiếm đoạt tài sản

Chú ý: tình huống chuyển hóa từ tội Cướp giật sang tội Cướp tài sản: ví dụ A cướp giật túi xách của B, nhưng B cầm chắc quá nên A không giật được, khi đó A dùng vũ lực (rút dao ra dọa) uy hiếp B để lấy túi xách

Tình huống chuyển hóa từ trộm cắp tài sản sang tội Cướp tài sản: ví dụ A đột nhập vào nhà B để trộm cắp tài sản thì B về, A liền dùng vũ lực với B để lấy tài sản

Chú ý: tình huống người phạm tội ban đầu không có mục đích chiếm đoạt tài sản, ví dụ như hãm hiếp nạn nhân (hay trả thù nạn nhân), làm nạn nhân chết hoặc ngất đi, khi đó phát hiện thấy nạn nhân có tài sản liền lấy tài sản đó ==> thực tế xét xử: quy 2 tội: giết người và cướp tài sản (vì theo tòa rất khó để xác định được mục đích ban đầu của người phạm tội)

Tuy nhiên, theo lý luận thì không thể áp tội cướp tài sản vì ban đầu không có mục đích cướp.

Chú ý: nếu cướp mà vô ý làm chết người thì bị xử theo khung 4, còn nếu cố ý giết người để cướp tài sản thì sẽ bị xử 2 tội là giết người và cướp tài sản

Ghi chú:

+ Gây hậu quả nghiêm trọng khi làm chết 1 người

+ Gây hậu quả rất nghiêm trọng khi làm chết 2 người

+ Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khi làm chết từ 3 người trở lên

2. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 134)

– Là bắt cóc người khác làm con tin nhằm chiếm đoạt tài sản

– Khách thể: quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản

– Mặt khách quan:

+ hành vi bắt cóc con tin

+ hành vi đe dọa chủ tài sản

Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có hành vi bắt cóc và hành vi đe dọa chủ tài sản phải giao tài sản, không bắt buộc phải chiếm được tài sản

– Mặt chủ quan:

+ lỗi của người phạm tội: cố ý trực tiếp

+ mục đích của người phạm tội là chiếm đoạt tài sản

Chú ý: trường hợp nợ không trả, chủ nợ bắt cóc người thân của con nợ để đòi nợ, thực tế xét xử vẫn coi đây là tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản ==> có phần chưa hợp lý hoàn toàn khi không bảo vệ chủ nợ ==> có ý kiến đề xuất trường hợp bắt cóc người thân để đòi nợ thì chỉ xử về tội Bắt giữ người trái luật

3. Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 135)

– Là hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản

– Hành vi phạm tội:

+ đe dọa sẽ dùng vũ lực

+ hành vi khác uy hiếp tinh thần, VD đe dọa hủy hoại tài sản của người bị đe dọa, dọa loan tin về đời tư

Chú ý: hành vi phạm tội không làm tê liệt ý chí người bị đe dọa mà chỉ khống chế ý chí của họ, người bị đe dọa vẫn có sự lựa chọn, cân nhắc để đưa ra quyết định

4. Tội cướp giật tài sản (Điều 136)

– Là hành vi nhanh chóng chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai

– Hành vi phạm tội: là hành vi chiếm đoạt tài sản, có 2 dấu hiệu:

+ dấu hiệu công khai: không cần che dấu, lén lút

+ dấu hiệu nhanh chóng: lợi dụng sự sơ hở của chủ sở hữu tài sản, hoặc người phạm tội cố tình tạo ra tình huống để chủ tài sản sơ hở, VD tạo ra vụ va chạm, giả vờ mua hàng

Chú ý: người phạm tội có thể dùng thủ đoạn gian dối, vũ lực không đáng kể để tiếp cận đối tượng và nhanh chóng chiếm đoạt

Chú ý: dấu hiệu nhanh chóng chỉ là nhanh chóng chiếm đoạt, không nhất thiết phải nhanh chóng tẩu thoát, VD trường hợp cướp giật tài sản rồi chuyền tay cho đồng bọn tẩu thoát còn bản thân vẫn đứng yên tại chỗ; hoặc cướp giật của người đang ngồi trên ô tô, tàu hỏa, biết rõ nạn nhân không thể nhảy xuống tàu, xe đang chạy nên không cần tẩu thoát

– Trường hợp hành hung để tẩu thoát: là trường hợp người phạm tội đã có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để chống lại việc bắt giữ để tẩu thoát. Chú ý phân biệt với hành vi dùng vũ lực để cướp giật sẽ chuyển hóa thành tội Cướp tài sản (Điều 133)

5. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản (Điều 137)

– Là lợi dụng chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản để công nhiên chiếm đoạt tài sản của họ

– Hành vi phạm tội: chiếm đoạt tài sản của người khác 1 cách công khai, có 2 đặc điểm:

+ có tính công khai: không cần che dấu, cho chủ tài sản biết hành vi chiếm đoạt của mình

+ hành vi xảy ra trong hoàn cảnh chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản. Chú ý: hoàn cảnh không có điều kiện ngăn cản phải không do người phạm tội gây ra.

VD: hôi của, chiếm đoạt tài sản của người bị tai nạn giao thông, thấy người bị bệnh nằm liệt giường bèn vào nhà lấy tài sản, thấy người thợ điện đang sửa điện trên cột điện liền lấy xe máy để ở dưới chân cột điện,

– Tài sản bị chiếm đoạt phải có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên.

III. Các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt một cách lén lút

1. Tội trộm cắp tài sản (Điều 138)

– (đây là tội có tỷ lệ xét xử cao nhất, chiếm đến 70% số vụ án hình sự trên cả nước)

– Là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có chủ

– Hành vi phạm tội: là hành vi chiếm đoạt tài sản đang có chủ 1 cách lén lút

Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản:

+ với tài sản nhỏ, gọn, dễ cất dấu để trong người thì được coi là chiếm đoạt được khi người phạm tội đã giấu tài sản ở trong người. VD đến nhà người khác lấy trộm ví, điện thoại, nhẫn, … dấu vào túi mình, dù chưa ra khỏi nhà nạn nhân

+ với tài sản không thể dấu trong người thì được coi là chiếm đoạt được khi đã mang chúng ra khỏi nơi cất giữ. VD đã mang ti ti, tủ lạnh, xe máy, trâu bò, … ra khỏi nhà, chuồng, …

+ với tài sản được để ở những nơi không hình thành khu vực bảo quản tài sản riêng, như tài sản của cơ quan tổ chức, cá nhân để trên đường (VD vật tư, thiết bị của công trường xây dựng) thì được coi là chiếm đoạt được khi đã dịch chuyển tài sản đó khỏi vị trí ban đầu

Hành vi lén lút: là việc chiếm đoạt tài sản mà không để chủ tài sản biết hành vi đó đang xảy ra. Chú ý: chỉ cần không để chủ tài sản biết, không cần che dấu hành vi đối với người khác, VD biết chủ nhà đi vắng, mang xe ô tô đến tận cửa nhà để lấy trộm tài sản trong nhà, người ngoài nhìn vào tưởng chủ nhà đang chuyển đồ

– Đối tượng của tội trộm cắp: tài sản đang có chủ:

+ tài sản đang ở trong sự chiếm hữu của người khác (chủ tài sản hoặc người quản lý tài sản)

+ tài sản đang còn nằm trong khu vực quản lý, bảo quản của chủ tài sản

– Việc lấy tài sản của mình hoặc đang do mình quản lý hoặc tài sản không có chủ, chưa có chủ thì không phải thuộc tội này, trừ trường hợp lấy tài sản của mình nhằm gây thiệt hại cho người khác thì vẫn bị coi là phạm tội trộm cắp tài sản, VD cho người khác mượn xe máy, rồi lợi dụng lúc người đó sơ hở lấy trộm chính chiếc xe đó và bắt đền người đó.

+ trường hợp lấy tài sản đang trong sự quản lý của mình, VD khách hàng gửi ô tô, lợi dụng thay phụ tùng thì sẽ quy tội Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

+ tài sản thuộc quyền quản lý của mình, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm lấy làm của riêng, thì sẽ bị quy tội Tham ô tài sản.

+ lấy tài sản chưa có chủ, tức là tài sản chưa có người quản lý, tài sản bị thất lạc, hoặc tài sản đó chưa bị phát hiện vì bị chôn dấu, vùi lấp, theo PL thì tài sản đó thuộc về NN thì sẽ bị quy tội Chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 141)

+ trường hợp tài sản có chủ, nhưng chủ tài sản không cất giữ, bảo quản, người khác nhìn vào không có bất cứ dấu hiệu nào là tài sản đang có chủ, thì hành vi lấy tài sản đó sẽ bị quy tội Chiếm giữ trái phép tài sản

– Tài sản bị chiếm đoạt phải có từ giá trị từ 2 triệu trở lên.

Chú ý: trường hợp gia súc như trâu, bò trong thực tế rất phức tạp.

Tình huống: A bán 1 con trâu trong đàn trâu nhà mình cho B là người cùng thôn, do tập quán chăn thả gia súc tự do trên cánh đồng nên con trâu A đã bán cho B vẫn theo đàn cũ về nhà A. B kiện A tội trộm cắp, ra tòa. Tòa yêu cầu chủ con trâu phải mô tả chi tiết về con trâu, vì A là chủ con trâu lâu hơn nên nắm rõ các đặc điểm con trâu đó hơn B, nên tòa xử con trâu thuộc về A.

Vấn đề 5: Các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt (tiếp)

2. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139)

– Là tội bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác.

– Hành vi phạm tội: gồm 2 hành vi:

+ lừa dối: cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật. Thủ đoạn lừa dối có thể được thực hiện qua lời nói hoặc việc làm dưới những hình thức khác nhau

+ chiếm đoạt: ở tội lừa đảo là hành vi nhận tài sản từ người bị lừa dối hoặc là hành vi giữ lại tài sản đáng lẽ phải giao cho người bị lừa dối

Hai hành vi này có quan hệ chặt chẽ: hành vi lừa dối là điều kiện để hành vi chiếm đoạt xảy ra, hành vi chiếm đoạt là mục đích và kết quả của hành vi lừa dối

– Lỗi cố ý trực tiếp

– Tài sản bị chiếm đoạt: có giá trị từ 2 triệu

3. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140)

– Chủ thể: có sự đặc biệt hơn các tội khác

+ dấu hiệu chung: đủ tuổi, có năng lực TNHS

+ dấu hiệu riêng: là người đã được chủ tài sản tín nhiệm giao cho tài sản. Cơ sở cho việc giao tài sản là hợp đồng, việc giao và nhận tài sản là ngay tình, chủ tài sản do tín nhiệm đã giao tài sản để người được giao sử dụng, bảo quản, vận chuyển, gia công, sửa chữa, … ==> tức là tài sản đang ở trong sự chiếm hữu hợp pháp của người phạm tội

– Hành vi phạm tội: là hành vi chiếm đoạt 1 phần hay toàn bộ tài sản đã được giao trên cơ sở hợp đồng đã được ký kết giữa chủ tài sản và người phạm tội

– Đối tượng của hành vi chiếm đoạt là tài sản đã được giao ngay tình cho người phạm tội trên cơ sở hợp đồng

– Hành vi chiếm đoạt có 2 dạng:

+ không trả lại tài sản: bằng thủ đoạn bỏ trốn hoặc bằng thủ đoạn gian dối như giả bị mất, đánh tráo, rút bớt

+ không trả lại được tài sản do không có khả năng trả vì đã sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp như đánh bạc, cho vay nặng lãi, …

– Tài sản bị chiếm đoạt phải có giá trị từ 2 triệu.

– Phân biệt với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

+ ở tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản: có ý định chiếm đoạt từ trước, thực hiện hành vi lừa dối, sau đó là hành vi chiếm đoạt tài sản

+ ở tội Lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: thời điểm nhận tài sản chưa có ý định chiếm đoạt, sau đó mới nảy sinh hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản

Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Luật hình sự 2: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-hinh-su-2?ref=lnpc

Mời bạn xem thêm:

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.