“Bài giảng môn học Luật Đầu tư chương I” cung cấp cái nhìn tổng quan về những vấn đề chung trong Luật Đầu tư, bao gồm khái niệm, nguyên tắc cơ bản, vai trò của luật đầu tư trong phát triển kinh tế – xã hội. Nội dung bài giảng giúp người học nắm vững các loại hình đầu tư, quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư, cùng những quy định pháp lý về môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Bài giảng môn học Luật Đầu tư chương I
Chương 1: Những vấn đề chung về Luật đầu tư
I. Khái quát về đầu tư
1. Khái niệm đầu tư
– Khái niệm (khoản 5 Điều 3 luật Đầu tư 2014): Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư.
– Chú ý: từ luật đầu tư 2014 đã tách riêng đầu tư kinh doanh và đầu tư công. Khái niệm đầu tư công được nêu trong luật Đầu tư công 2014 (Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.)
Trong phạm vi môn học này cũng như phạm vi của Luật đầu tư 2014 chỉ nghiên cứu đầu tư kinh doanh của tư nhân, tức là mục đích chính là để kiếm lợi nhuận (khác với đầu tư công với nhà đầu tư là NN thì mục đích là phi lợi nhuận).
Câu hỏi: Nhà đầu tư và chủ đầu tư có khác nhau không ?
Trả lời: Khác nhau:
+ nhà đầu tư là chủ thể được xác định trong Luật Đầu tư 2014. Nhà đầu tư tự bỏ vốn của mình để thực hiện hoạt động kinh doanh.
+ chủ đầu tư là chủ thể quy định trong Luật Đầu tư công 2014, trong đó chủ đầu tư là cơ quan NN hoặc được ủy quyền. Chủ đầu tư thay mặt NN quản lý hoạt động đầu tư công (chứ không tự bỏ vốn của mình như nhà đầu tư)
2. Đặc điểm
– Chủ thể: là nhà đầu tư. Nhà đầu tư có thể là tổ chức hay cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh. Gồm 3 loại:
+ nhà đầu tư trong nước: cá nhân có quốc tịch VN, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông
+ nhà đầu tư nước ngoài: cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo PL nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại VN
+ tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài làm thành viên, cổ đông (thường gọi là các doanh nghiệp FDI)
Như vậy, nhà đầu tư chủ yếu là thương nhân (vì PL VN quy định thương nhân phải có đăng ký kinh doanh), ngoài ra còn có nhà đầu tư là cá nhân.
Câu hỏi: Tại sao phải phân biệt nhà đầu tư trong nước và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, có phải đã vi phạm luật quốc tế ? (không phân biệt đối xử với công dân, tổ chức nước ngoài)
Trả lời: mặc dù VN đã cam kết không phân biệt đối xử với công dân, tổ chức nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, tuy nhiên do hiện tại nền kinh tế VN vẫn là nền kinh tế kém phát triển, các nhà đầu tư VN còn rất non trẻ so với các nhà đầu tư nước ngoài, nên NN vẫn có các quy định nhằm bảo hộ nền kinh tế và các nhà đầu tư trong nước. Điều này vẫn phù hợp với thông lệ quốc tế khi nền kinh tế yếu hơn có quyền “chậm mở cửa” cho đến khi bắt kịp với các nước khác. Thực tế tại VN thì các quy định về đầu tư như quy định cấp Giấy chứng nhận đầu tư, … hầu như chỉ dành cho nhà đầu tư có yếu tố nước ngoài.
– Mục đích: chủ yếu là kinh doanh và lợi nhuận
– Nội dung của hoạt động đầu tư:
+ lập dự án đầu tư: tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể, trong khoảng thời gian xác định.
+ thực hiện thủ tục đầu tư với NN (nếu có)
+ triển khai dự án đầu tư
– Kết quả có thể là lợi nhuận hoặc rủi ro. Rủi ro có thể là: không thực hiện được dự án, thực hiện dự án không thành công, thực hiện thành công nhưng không đem lại lợi nhuận như kỳ vọng, …
3. Phân loại
– Căn cứ vào mục đích, có thể chia thành:
+ đầu tư phi lợi nhuận: dành ít nhất 51% lợi nhuận để tái đầu tư (doanh nghiệp xã hội)
+ đầu tư kinh doanh: mục đích chính là lợi nhuận
– Căn cứ vào nguồn vốn:
+ đầu tư trong nước: là đầu tư của các nhà đầu tư VN tại VN
+ đầu tư nước ngoài: đầu tư nước ngoài vào VN, và đầu tư VN ra nước ngoài
Chú ý: còn có khái niệm đầu tư quốc tế, khác với đầu tư nước ngoài ở góc nhìn đầu tư từ 1 quốc gia, còn đầu tư quốc tế liên quan đến các hiệp định, hiệp ước thương mại giữa các quốc gia
– Căn cứ tính chất quản lý của nhà đầu tư:
+ đầu tư trực tiếp: bỏ vốn, đồng thời quản lý dự án. Có 3 hình thức:
- Thành lập tổ chức kinh tế: thường là doanh nghiệp. VD các cổ đông góp vốn thành lập công ty cổ phần và cùng nhau kinh doanh
- Góp vốn: phần vốn góp đủ lớn để kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp
- Hợp đồng: hiện VN đang có 2 dạng là:
- Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BBC): là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.
- Hợp đồng đối tác công tư (PPP): là hợp đồng được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện dự án đầu tư
+ đầu tư gián tiếp: góp vốn, nhưng không quản lý dự án. Có 2 hình thức:
- Mua cổ phiếu của công ty chỉ để kiếm lợi nhuận (từ cổ tức hoặc bán lại sau đó), không tham gia quản lý
- Đầu tư thông qua các quỹ ủy thác đầu tư, các định chế tài chính
Trong môn học này, chủ yếu nghiên cứu về đầu tư trực tiếp.
– Căn cứ vào luật đầu tư:
+ đầu tư vào tổ chức kinh tế
+ đầu tư theo hợp đồng
+ đầu tư thực hiện dự án
II. Khái quát về pháp luật đầu tư
1. Khái niệm và đặc điểm
– PL đầu tư là tập hợp, tổng thể các quy phạm PL do NN ban hành hoặc thừa nhận, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tổ chức, thực hiện và quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh.
Lưu ý: “thừa nhận” ở đây không bao gồm các tập quán đầu tư (như với các ngành luật khác) vì VN hiện không có tập quán đầu tư. Do đó “thừa nhận” ở đây được hiểu là là những quy định của luật pháp quốc tế, được nội luật hóa trong PL đầu tư.
– Đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh:
+ với quan hệ giữa cơ quan NN và nhà đầu tư ==> phương pháp điều chỉnh là Mệnh lệnh hành chính (chủ yếu trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư)
+ với quan hệ giữa các nhà đầu tư với nhau ==> phương pháp điều chỉnh là Thỏa thuận (VD các nhà đầu tư cùng nhau góp vốn thành lập tổ chức kinh tế, …)
– Chủ thể của luật đầu tư:
+ nhà đầu tư
+ cơ quan có thẩm quyền: Quốc hội, Chính phủ, các bộ, UBND cấp tỉnh, ban quản lý khu chế xuất, khu kinh tế, …
– Nội dung cơ bản:
+ quy định về chính sách đầu tư (Điều 5 luật Đầu tư, với tư tưởng chủ đạo là mở rộng quyền tự do kinh doanh để phù hợp với xu thế hội nhập với nền kinh tế thế giới):
(1) Nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm.
(2) Nhà đầu tư được tự chủ quyết định hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật này và quy định khác của PL có liên quan; được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ, sử dụng đất đai và tài nguyên khác theo quy định của PL
(3) NN công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư.
(4) NN đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư; có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế.
(5) NN tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến đầu tư kinh doanh mà VN là thành viên
+ quy định về đảm bảo đầu tư, ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư
+ quy định về các hình thức đầu tư, thủ tục đầu tư tại VN
+ quy định đầu tư ra nước ngoài
+ quản lý NN về đầu tư
Chú ý: trong thực tế có những quan hệ đầu tư vừa được điều chỉnh bởi Luật đầu tư 2014, vừa được điều chỉnh bởi Luật đầu tư công 2014, ví dụ quan hệ trong Hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), tức là quan hệ giữa những nhà đầu tư với các cơ quan NN có thẩm quyền hợp tác với nhau trên cơ sở hợp đồng.
2. Nguồn của PL đầu tư và nguyên tắc áp dụng
– Văn bản PL quốc gia:
+ luật Khuyến khích đầu tư trong nước 1994, sửa đổi 1998
+ luật Đầu tư nước ngoài tại VN 1996, sửa đổi bổ sung 2000
+ luật Đầu tư 2005
+ luật Đầu tư 2014
+ Nghị định 118/2015 về hướng dẫn luật Đầu tư 2014
– Điều ước quốc tế:
+ các điều ước song phương
+ các điều ước đa phương
Chú ý: VN hiện chưa có “tập quán về đầu tư” nên không có nguồn là tập quán đầu tư
– Nguyên tắc áp dụng: (Điều 4 luật Đầu tư)
(1) Hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ quy định của Luật này và luật khác có liên quan.
(2) Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và luật khác về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật này, trừ trình tự, thủ tục đầu tư kinh doanh theo quy định tại Luật chứng khoán, Luật các tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật dầu khí.
(3) Trường hợp điều ước quốc tế mà VN là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó.
(4) Đối với hợp đồng trong đó có ít nhất một bên tham gia là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này, các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng việc áp dụng PL nước ngoài hoặc tập quán đầu tư quốc tế nếu thỏa thuận đó không trái với quy định của PL VN
Câu hỏi: Từ các mô tả hoạt động sau, nhận diện các hình thức đầu tư
(1) Cty Cocacola của Mỹ đầu tư 200 triệu USD vào VN để xây dựng nhà máy sản xuất, chi phí lắp đặt công nghệ, thuê lao động gồm lao động phổ thông và lao động cấp cao (quản lý).
(2) Cty Việt Thái (sở hữu Highland coffee) mua 100% cổ phần Phở 24 với giá 20 triệu USD, sau đó bán lại 50% cổ phần cho Jollibee của Philipin với giá 2 triệu USD
(3) Chị Hạnh ký hợp đồng ủy thác đầu tư 5 tỷ cho công ty quản lý quỹ Vietinbank Capital để công ty này thực hiện việc đầu tư vốn vào các công ty
(4) VNPT ký thỏa thuận hợp tác với Telstra của Úc với tổng mức đầu tư từ Úc là 240 triệu USD với mục đích tạo dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, phát triển mạng lưới viễn thông trên cả nước
(5) Tập đoàn TH của VN ký thỏa thuận với tỉnh Matxcơva của Nga để triển khai dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp với số vốn đầu tư 2.7 tỷ USD
Trả lời:
(1) Chủ thể đầu tư: là nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể là công ty Cocacola của Mỹ. Hình thức: đầu tư trực tiếp, có thể theo 1 trong 3 hình thức (thành lập tổ chức kinh tế, góp vốn, hợp đồng)
(2) Chủ thể đầu tư: công ty Việt Thái của VN, Jollibee của Philipin. Hình thức: đầu tư trực tiếp vào tổ chức kinh tế
(3) Chủ thể đầu tư: chị Hạnh, với hình thức: đầu tư gián tiếp; Vietinbank Capital với hình thức đầu tư có thể trực tiếp, có thể gián tiếp
(4) Chủ thể đầu tư: VNPT và Telstra, trong đó Telstra đầu tư theo hình thức hợp đồng BBC
(5) Chủ thể đầu tư: tập đoàn TH, hình thức là đầu tư ra nước ngoài, và là đầu tư trực tiếp
Tham khảo trọn bộ bài giảng các môn học Luật Đầu tư: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-dau-tu?ref=lnpc
Mời bạn xem thêm: