Bài giảng môn học Luật dân sự 1 chương XII tập trung vào nội dung quan trọng của thừa kế theo di chúc. Đây là chương học giúp sinh viên hiểu rõ các quy định pháp luật về quyền lập di chúc, hiệu lực của di chúc, và cách thức phân chia di sản thừa kế. Qua đó, người học sẽ nắm vững các kiến thức nền tảng để áp dụng vào các bài tập và tình huống thực tế liên quan đến luật thừa kế.
Bài giảng môn học Luật dân sự 1 chương XII
Chương XII: Thừa kế theo di chúc
1. Khái niệm thừa kế theo di chúc và di chúc
a. Khái niệm thừa kế theo di chúc
Là việc thừa kế di sản của người chết trên cơ sở dịch chuyển di sản của người chết sang cho những người còn sống theo ý chí của người đó thể hiện trong di chúc.
b. Di chúc
Là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết
Đặc điểm:
- Di chúc là hành vi pháp lý đơn phương của người lập di chúc
- Di chúc phải chứa đựng nội dung liên quan đến phân chia di sản
Chú ý: phân biệt di huấn với di chúc:
- Di huấn: là lời răn dạy của người chết để lại cho con cháu, họ hàng, không nhằm chia tài sản
- Di chúc: bắt buộc phải có nội dung phân chia tài sản
Chú ý: nói “di chúc của bác Hồ” mặc dù trong bản “di chúc” đó không hề có nội dung phân chia tài sản là cách nói ước lệ.
Phân loại di chúc:
- Do 1 người lập
- Do 2 người lập: chỉ chấp nhập trường hợp duy nhất là vợ chồng cùng lập
2. Điều kiện có hiệu lực của di chúc
(1) Người lập di chúc phải có năng lực hành vi dân sự
Người đã thành niên: từ đủ 18 tuổi, trừ trường hợp ngưới đó bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng làm chủ nhận thức và hành vi
Từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi: được lập di chúc nếu có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ (khoản 2 điều 647). Chú ý: đồng ý ở đây là việc cho lập / không cho lập, còn nội dung vẫn do người lập di chúc quyết định. Và chỉ cần hoặc cha, hoặc mẹ đồng ý là đủ, không cần cả bố và mẹ cùng đồng ý.
(2) Người lập di chúc phải hoàn toàn tự nguyện
Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép
Tình huống: A có 2 con gái, A tằng tựu với bồ và bồ sinh được 1 con trai là T, A lập di chúc để lại tài sản cho T, sau khi A chết thì phát hiện ra T không phải là con của A. Trường hợp này T có được nhận di sản không ?
Trả lời: nếu A biết T không phải con mình mà vẫn di chúc để lại thừa kế cho T thì T vẫn được nhận di sản. Còn nếu A không biết T không phải con mình, tức là A bị lừa, A nghĩ rằng để lại tài sản cho con mình nhưng đó không phải là con mình ==> T không được nhận di chúc.
(3) Nội dung, mục đích của di chúc không trái PL, đạo đức XH
VD:
Lập di chúc để lại toàn bộ di sản của mình cho một tổ chức phản động ==> di chúc vô hiệu (trái PL)
Lập di chúc nói yêu cầu người con trai phải bỏ vợ thì sẽ được nhận di sản, nếu không sẽ chuyển hết cho tổ chức từ thiện ==> di chúc vô hiệu (trái đạo đức XH)
(4) Hình thức của di chúc không trái quy định của PL, có 2 hình thức di chúc
Di chúc miệng (Điều 651)
- Phải bị cái chết đe dọa tức thì mà không thể lập di chúc bằng văn bản
- Phải có ít nhất 2 người làm chứng ghi chép lại
- Phải công chứng, chứng thực bản ghi chép đó trong vòng 5 ngày
Câu hỏi: vì sao hình thức của di chúc phải chặt chẽ như vậy, hơn cả hợp đồng ?
Trả lời: vì với hợp đồng là của những người còn sống lập nên, nên hoàn toàn có thể hỏi lại để làm rõ, còn với di chúc, nhất là di chúc miệng của người cận kề cái chết thì không thể hỏi lại được ==> cần phải chặt chẽ để tránh tranh chấp sau này.
Câu hỏi: một người cận kề cái chết, lập di chúc miệng xong, nhưng không chết, hỏi di chúc miệng đó (đã được công chứng, chứng thực) có còn hiệu lực không ?
Trả lời: Nếu sau 3 tháng người đó vẫn sống minh mẫn sáng suốt, thì di chúc miệng đó vô hiệu. Trường hợp sống được nhưng trong tình trạng sống thực vật, không biết gì hết thì di chúc miệng đó vẫn có hiệu lực
Di chúc bằng văn bản có 4 loại: (Điều 650)
- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng
- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng
- Di chúc bằng văn bản có công chứng, chứng thực
- Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực
Điều kiện của người làm chứng:
Điều 654: Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
(1) Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
(2) Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
(3) Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.
3. Quyền và hạn chế quyền của người lập di chúc
a. Quyền của người lập di chúc
Quyền chỉ định người thừa kế
Truất quyền hưởng di sản thừa kế của người thừa kế
Phân định di sản thừa kế
Dành 1 phần di sản để thờ cúng, di tặng
Giao nghĩa vụ cho người thừa kế
Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản
Sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc
Chú ý: tước quyền thừa kế >< truất quyền thừa kế
+ tước quyền thừa kế: do PL quy định tại Điều 643
+ truất quyền thừa kế: do ý chí của người viết di chúc, người viết di chúc không cần phải nêu lý do trong di chúc về việc truất quyền thừa kế (nếu viết lý do cũng không vấn đề gì)
Câu hỏi: ông A có 1 tỷ, khi chết lập di chúc để lại toàn bộ cho con trai là C, đồng thời yêu cầu con trai trả khoản nợ 3 tỷ cho A, hỏi ông A có được quyền lập di chúc đó hay không ?
Trả lời: di chúc giao nghĩa vụ cho người thừa kế là hoàn toàn hợp pháp, còn việc người con trai trả nợ được bao nhiêu hoàn toàn do ý chí của người con trai, theo PL quy định anh ta chỉ phải chịu trách nhiệm 1 tỷ, nhưng nếu trả hơn cũng không sao.
Câu hỏi: di chúc của 2 vợ chồng thì việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ thực hiện như thế nào ?
Trả lời: A và vợ là B cùng lập di chúc để lại toàn bộ tài sản 600 triệu cho C là con, khi muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế hay hủy bỏ thì cần sự đồng ý của cả A và B. Trường hợp A chết trước mà B muốn sửa di chúc, ví dụ không muốn cho C nhận di sản, thì B chỉ được quyền sửa trong phạm vi tài sản của mình, ở đây là 300 triệu, B chỉ có thể sửa di chúc không cho C nhận 300 triệu là phần di sản của mình, còn khoản 300 triệu của A thì C vẫn được nhận, B không thể can thiệp vào quyền của A đã ghi trong di chúc.
b. Hạn chế quyền của người lập di chúc (Điều 669)
Những người sau đây luôn được hưởng ít nhất 2/3 một suất thừa kế theo luật trong trường hợp họ không được hưởng hoặc được hưởng ít hơn 2/3:
- Bố mẹ
- Vợ chồng
- Con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động
Công thức tính 2/3 một suất thừa kế theo điều 669:
((2/3) x [tổng di sản thừa kế]) / [nhân suất]
Nhân suất trừ những người sau đây:
- Người chết trước hoặc người chết cùng thời điểm nhưng không có người thừa kế thế vị
- Người không được hưởng di sản thừa kế theo Điều 643
- Người từ chối nhận di sản thừa kế
VD: A có vợ là B, các con C, D, E, F, H ; A có bố mẹ là A1 và A2 ; A có bồ là M và có con chung là N.
C chết trước A, C có con là C1 và C2 ; D không được hưởng thừa kế theo điều 643 ; E từ chối không nhận di sản của A ; F đã thành niên, còn H lúc đó 8 tuổi
A nghi ngờ H không phải con mình nên lập di chúc truất quyền thừa kế của B, của H
Di sản của A là 2100 triệu
Hỏi: B và H có được hưởng di sản không ?
Trả lời: B và H có được hưởng di sản theo Điều 669, cụ thể ở đây di sản được chia cho A1, A2, B, (C1 và C2), F, H, N ; do C chết nên không được nhận di sản mà chuyển suất của C sang người thừa kế thế vị của C, ở đây là C1 và C2 sẽ cùng được hưởng di sản của C. Như vậy số nhân suất thừa kế của A là 7, và mỗi suất thừa kế của A sẽ là [2100 / 7] = 300 triệu, B và H mỗi người được nhận (2/3) x 300 = 200 triệu
VD: A có vợ B, có 1 con là C, A để lại 600 triệu, A lập di chúc truất quyền hưởng di sản của B.
Theo điều 669, B vẫn được hưởng (2/3) x [600 / 2] = 200 triệu
Khi đó, C được nhận 600 – 200 = 400 triệu
4. Hiệu lực pháp luật của di chúc
Di chúc phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế
Chú ý: thời điểm mở thừa kế là thời điểm người viết di chúc chết, còn thời điểm công bố di chúc có thể sau đó (có thể sau nhiều tháng)
Như vậy di chúc phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm người viết di chúc chết
Câu hỏi: Di chúc hợp pháp và di chúc phát sinh hiệu lực có đồng nhất không ?
Trả lời: Không đồng nhất.
VD: A di chúc để lại toàn bộ tài sản cho con là B và C, nhưng B chết trước A, B chưa có vợ con, C lại là người giết A. Khi đó C không được hưởng di chúc theo điều 643, di chúc của A là hợp pháp nhưng không thể có hiệu lực.
VD: A di chúc để lại cho con là C ngôi nhà, nhưng ngôi nhà bị lũ cuốn đi mất. Đó cũng là trường hợp di chúc hợp pháp nhưng không thể phát sinh hiệu lực.
Di chúc không có hiệu lực toàn bộ hoặc 1 phần trong các trường hợp (khoản 2 điều 667):
- Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc
- Cơ quan, tổ chức được chỉ định là người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế.
–Di chúc không có hiệu lực PL, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực.
Khi di chúc có phần không hợp pháp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực của các phần còn lại thì chỉ phần đó không có hiệu lực PL.
Khi một người để lại nhiều bản di chúc đối với một tài sản thì chỉ bản di chúc sau cùng có hiệu lực PL
Tình huống: A viết di chúc khi con dâu đang mang thai, trong đó có nội dung “Nếu con dâu sinh con trai thì được hưởng toàn bộ tài sản, nếu sinh con gái thì được hưởng 1/2 tài sản của A”. Khi A chết rồi, cô con dâu sinh đôi 1 trai 1 gái. Hỏi chia tài sản thế nào ?
Trả lời: Nếu di chúc có nội dung không lý giải được thì coi như không có di chúc và sẽ chia theo PL
5. Di sản dùng vào việc thờ cúng, di tặng
Điều 670: Di sản dùng vào việc thờ cúng
Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thoả thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng.
Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo PL
Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.
Điều 671: Di tặng
Di tặng là việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác. Việc di tặng phải được ghi rõ trong di chúc.
Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này.
VD: A có di sản 400 triệu và 1 chiếc nhẫn kim cương trị giá 200 triệu, tuy nhiên A nợ 300 triệu, A lập di chúc để lại cho 2 con là C và D toàn bộ số tiền, riêng chiếc nhẫn kim cương di tặng cho vợ là B.
Khi đó C và D phải chịu nghĩa vụ tài sản thay cho A, tức là mỗi người phải bỏ ra (300 / 2 = 150 triệu) để trả nợ, do đó chỉ còn nhận 200 – 150 = 50 triệu.
Trường hợp số nợ của A lên đến 500 triệu, C và D đã dùng toàn bộ tiền thừa kế là 400 triệu vẫn không đủ trả nợ, khi đó bắt buộc B phải bán chiếc nhẫn kim cương để bù vào 100 triệu còn thiếu.
- Chú ý:
Nghĩa vụ tài sản do người thừa kế thực hiện trước, nếu không đủ mới tính đến người được di tặng. - Một người vừa có thể được thừa kế, vừa có thể được di tặng, nhưng khi đó trong di chúc phải ghi rõ phần nào là thừa kế, phần nào là di tặng để còn thực hiện nghĩa vụ tài sản (nếu có)
Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Luật Dân sự 1: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-dan-su-1?ref=lnpc
Mời bạn xem thêm: