fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài giảng môn học Luật dân sự 1 chương I

Bài giảng môn học Luật dân sự 1 chương I cung cấp kiến thức nền tảng về các quy định chung trong Bộ luật Dân sự, bao gồm các nguyên tắc cơ bản, đối tượng điều chỉnh và nguồn của luật dân sự. Thông qua bài giảng này, sinh viên sẽ nắm vững khái niệm về chủ thể, nghĩa vụ, quyền dân sự, cũng như các yếu tố quan trọng khác trong quan hệ pháp luật dân sự. Đây là nội dung quan trọng giúp người học xây dựng nền tảng vững chắc để hiểu rõ các chương tiếp theo trong quá trình nghiên cứu môn Luật dân sự.

Bài giảng môn học Luật dân sự 1 chương I

Chương 1: Khái niệm chung về luật dân sự Việt Nam

1. Khái niệm luật dân sự

“Dân sự” được hiểu đơn giản là “sự việc của người dân”

Quan hệ XH gồm nhiều loại: quan hệ tình cảm, tín ngưỡng, đạo đức, .. và quan hệ PL.

Quan hệ PL chia thành:

  • Công pháp: hình sự, nhà nước, tố tụng, hành chính, …
  • Tư pháp: dân sự, kinh tế, lao động, hôn nhân gia đình, …

Không phải nước nào cũng có Bộ luật Dân sự: VD những nước theo hệ thống Common Law (nguồn cơ bản là án lệ), ở đó họ có luật theo từng lĩnh vực cụ thể như Luật hợp đồng, luật thừa kế, luật bồi thường,

Các nước theo hệ thống “civil law” (nguồn cơ bản là văn bản PL) (gồm các nước châu Âu lục địa) thì các quan hệ dân sự được pháp điển hóa thành luật gốc là Luật Dân sự. Việt Nam là 1 nước theo hệ thống “civil law”

Luật dân sự theo nghĩa rộng: là tập hợp các quy tắc, quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác

Luật dân sự theo nghĩa hẹp: là 1 ngành luật trong hệ thống PL VN, là tổng hợp các quy phạm PL điều chỉnh các quan hệ tài sản mang tính chất hàng hóa – tiền tệ và các quan hệ nhân thân trên cơ sở bình đẳng, độc lập của các chủ thể khi tham gia vào các quan hệ đó.

Luật dân sự được coi là Hiến pháp của ngành luật tư, là cơ sở để xây dựng các ngành luật tư khác. VD luật kinh tế, luật lao động, luật thương mại, luật đất đai, luật hôn nhân gia đình, … đều là chi tiết hóa luật dân sự

Khi áp dụng, nếu luật chuyên ngành quy định thì sẽ áp dụng luật chuyên ngành, nếu không quy định thì sẽ áp dụng các quy tắc chung trong luật dân sự.

2. Đối tượng điều chỉnh của luật dân sự

Gồm 2 đối tượng:

  • Quan hệ tài sản: có quan hệ vật quyền, và quan hệ trái quyền
  • Quan hệ nhân thân: có quan hệ nhân thân phi tài sản và quan hệ nhân thân gắn với tài sản

Cơ sở: tài sản là vật chất, nhân thân là ý thức, thế giới chỉ chia thành vật chất và ý thức nên trong XH chỉ có 2 nhóm quan hệ là quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân.

Tuy nhiên không phải luật dân sự điều chỉnh toàn bộ quan hệ tài sản hay toàn bộ quan hệ nhân thân mà chỉ điều chỉnh 1 nhóm quan hệ trong đó. (để lại cho các luật khác điều chỉnh)

a. Quan hệ tài sản

ĐN: là quan hệ giữa chủ thể này với chủ thể khác có liên quan đến tài sản.

Chủ thể là người hoặc tổ chức.

Bài giảng môn học Luật dân sự 1 chương I
Bài giảng môn học Luật dân sự 1 chương I

Đặc điểm:

  • Các quan hệ tài sản luôn liên quan đến tài sản (Điều 163: Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản)
  • Tồn tại khách quan và gắn liền với phương thức sản xuất nhất định
  • Quan hệ tài sản do luật dân sự điều chỉnh do các chủ thể xác lập và mang ý chí của chủ thể tham gia vào quan hệ (chứ không phải do NN áp đặt như trong luật Hình sự, Hành chính)
  • Quan hệ tài sản mang tính hàng hóa tiền tệ và sự đền bù tương đương: trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, khi một bên được trao một lợi ích vật chất thì phải trao lại cho bên kia một lợi ích vật chất tương đương.

Chú ý: “đền bù”  ><  “bồi thường”

Chú ý: không phải tất cả các quan hệ tài sản đều mang tính đền bù tương đương, VD quan hệ tặng cho, thừa kế hoàn toàn không có sự “đền bù tương đương”, tuy nhiên 2 quan hệ này vẫn thuộc đối tượng điều chỉnh của luật dân sự.

Các quan hệ tài sản được luật dân sự điều chỉnh:

  • Quan hệ sở hữu
  • Quan hệ nghĩa vụ và hợp đồng, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
  • Quan hệ thừa kế
  • Quan hệ về chuyển quyền sử dụng đất

b. Quan hệ nhân thân

ĐN: là quan hệ giữa chủ thể này với chủ thể khác có liên quan đến giá trị nhân thân, hay còn gọi là lợi ích tinh thần

Đặc điểm:

  • Luôn xuất phát từ lợi ích tinh thần hay lợi ích giá trị nhân thân
  • Luôn gắn liền với chủ thể và về nguyên tắc không thể chuyển giao được: tuy nhiên trong BLDS vẫn có những giá trị nhân thân được cho phép chuyển giao, VD quyền sở hữu trí tuệ,
  • Lợi ích tinh thần trong quan hệ nhân thân không mang tính giá trị, không xác định được bằng tiền
  • Mang tính tuyệt đối: quyền nhân thân không thể bị tước đoạt, bị hạn chế, trừ trường hợp PL quy định khác

Câu hỏi: quan hệ cấp dưỡng là quan hệ tài sản hay quan hệ nhân thân?

Trả lời: là quan hệ tài sản, vì quan hệ giữa người cấp dưỡng và người được cấp dưỡng đã có lợi ích vật chất

Phân loại quan hệ nhân thân:

  • Quan hệ nhân thân phi tài sản: họ tên, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư, …
  • Quan hệ nhân thân gắn với tài sản: quyền tác giả đối với tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học, quyền tác giả đối với đối tượng sở hữu công nghiệp, …

Các quyền nhân thân được quy định trong bộ luật dân sự: gồm 26 quyền (Mục 2 BLDS 2005)

Chỉ những giá trị nhân thân nào được PL ghi nhận mới được coi là quyền nhân thân. VD quyền hiến mô, tạng hiện tại chưa được coi là quyền nhân thân do luật dân sự hiện tại là Luật dân sự 2005 chưa quy định vấn đề này

3. Phương pháp điều chỉnh

Phương pháp điều chỉnh của luật dân sự là những cách thức, biện pháp, mà NN tác động lên các quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân làm cho các quan hệ này phát sinh, thay đổi, chấm dứt theo ý chí của NN

Các đặc điểm của phương pháp điều chỉnh luật dân sự:

  • Đảm bảo các chủ thể độc lập về tổ chức và tài sản, bình đẳng về địa vị pháp lý
  • Đảm bảo sự thỏa thuận
  • Đảm bảo quyền tự định đoạt
  • Đảm bảo chủ thể được quyền khởi kiện, chịu trách nhiệm chủ yếu bằng tài sản

Câu hỏi:

(1) Phân biệt PL dân sự, khoa học dân sự, môn học dân sự

(2) Phân biệt giá trị nhân thân, quan hệ nhân thân, quyền nhân thân

(3) Sự đền bù tương đương là đặc trưng của:

a. Mọi quan hệ dân sự

b. Một số quan hệ dân sự

c. Hầu hết các quan hệ tài sản do luật dân sự điều chỉnh

Trả lời: (3) Khẳng định c là chính xác nhất. Khẳng định a sai vì quan hệ tặng cho hay thừa kế là quan hệ dân sự nhưng không có sự đền bù tương đương

Câu hỏi: Các khẳng định sau là Đúng hay Sai:

(1) Việc xử phạt người vi phạm giao thông là quan hệ tài sản do luật dân sự điều chỉnh

(2) Bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến danh dự, uy tín, nhân phẩm là quan hệ tài sản do luật dân sự điều chỉnh

(3) BLDS điều chỉnh cả các quan hệ hôn nhân gia đình, thương mại, lao động.

(4) Mọi quan hệ hôn nhân gia đình, thương mại, lao động đều do BLDS điều chỉnh

(5) Chỉ những quan hệ nào được quy định trong BLDS mới thuộc phạm vi điều chỉnh của luật dân sự

(6) Công ty X thỏa thuận dùng hình ảnh của diễn viên A là quan hệ nhân thân

(7) Mọi quyền nhân thân đều không thể chuyển giao

(8) Mọi thông tin riêng tư liên quan đến cá nhân đều là bí mật đời tư

(9) Nhận trông giữ tài sản không lấy thù lao thì không phải quan hệ tài sản

(10) Quan hệ chuyển quyền sử dụng đất là quan hệ tài sản do luật dân sự điều chỉnh

(11) Quyền tác giả là quyền nhân thân do luật dân sự điều chỉnh

Trả lời:

(1) Sai. Vì quan hệ đó không mang tính chất hàng hóa – tiền tệ, phương pháp điều chỉnh cũng không phải là bình đẳng hay thỏa thuận, mà là quan hệ do NN áp đặt ý chí của mình lên người dân nhằm mục đích là quản lý trật tự trong giao thông. Đây là quan hệ pháp luật hành chính

(2) Đúng. Đây là quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

(3) Đúng.

(4) Sai. BLDS chỉ quy đỉnh những điểm chung nhất, chi tiết được thể hiện trong các luật chuyên ngành, và khi áp dụng thì nếu có luật chuyên ngành điều chỉnh thì áp dụng luật chuyên ngành trước, chỉ khi luật chuyên ngành không điều chỉnh mới áp dụng BLDS

(5) Sai.

(6) Sai. Đây là quan hệ tài sản, vì có sự thỏa thuận, trả tiền theo hợp đồng

(7) Sai. Về nguyên tắc thì quyền nhân thân là không thể chuyển giao, nhưng có những ngoại lệ như quyền sở hữu trí tuệ: một sáng chế thuộc sở hữu của 1 người thì người đó có quyền ủy quyền cho người khác công bố, hay sử dụng, hay bán sáng chế

(8) Sai.

(9) Sai. Đây là quan hệ tài sản, nhưng quan hệ này không mang tính chất đền bù tương đương (giống như quan hệ tặng cho tài sản). Quan hệ này là 1 dạng hợp đồng, mặc dù không có thù lao, do đó là quan hệ tài sản. Giải thích cách khác: đây không thể là quan hệ nhân thân, do đó phải là quan hệ tài sản.

(10) Đúng. Đây là 1 dạng hợp đồng chuyển nhượng

(11) Đúng. Đây là quyền nhân thân gắn với tài sản

Câu hỏi: Trong các quan hệ dưới đây, quan hệ nào là quan hệ tài sản do luật dân sự điều chỉnh:

(1) Quan hệ bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác

(2) UBND cấp huyện giao đất cho cá nhân và hộ gia đình

(3) Cha mẹ cấp dưỡng cho con cái khi cha mẹ có quyết định ly hôn của tòa án

(4) Quan hệ hoàn trả tài sản khi có hành vi trái PL chiếm đoạt tài sản của người khác

Trả lời:

(1) Đúng

(2) Sai. Quan hệ này không có tính bình đẳng (người dân không thể thỏa thuận với UBND mà phải theo quy định của NN). Đây là quan hệ hành chính, có tình mệnh lệnh – phục tùng

(3) Theo nghĩa rộng thì Đúng, nhưng theo nghĩa hẹp thì quan hệ này đã có luật Hôn nhân gia đình điều chỉnh, nên sẽ áp dụng luật Hôn nhân gia đình mà không áp dụng luật Dân sự

(4) Đúng. Vì có mang tính chất hàng hóa – tiền tệ, tính đền bù tương đương, có sự thỏa thuận, bình đẳng

Câu hỏi: Các khẳng định sau là Đúng hay Sai

(1) Hợp đồng sử dụng các tác phẩm nghệ thuật là quan hệ nhân thân

(2) Quyền tài sản đối với sáng chế là quan hệ nhân thân do luật dân sự điều chỉnh

(3) Bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm là quan hệ nhân thân

(4) Quan hệ tài sản phải là quan hệ trong đó có đối tượng là tài sản

Trả lời:

(1) Sai.

(2)

(3) Sai. Đây là quan hệ tài sản

(4) Sai. Vì đối tượng của quan hệ tài sản không bắt buộc phải là tài sản, chỉ cần là quan hệ liên quan đến tài sản (theo Định nghĩa), VD hợp đồng dịch vụ là quan hệ tài sản nhưng đối tượng không phải tài sản

Câu hỏi: Những quan hệ nào thuộc đối tượng điều chỉnh của luật dân sự:

(1) Nghĩa vụ nộp thuế

(2) Phạt vi phạm hành chính

(3) Giao kế hoạch khai thác than

(4) Tịch thu hàng buôn lậu qua biên giới

(5) Thanh toán tiền mua nhà, cho thuê

Trả lời:

(1) Sai. Vì là quan hệ không bình đẳng

(2) Sai. Vì thuộc luật hành chính

(3) Sai. Vì quan hệ không bình đẳng

(4) Sai. Vì quan hệ không bình đẳng

(5) Đúng

4. Nguồn của luật dân sự

Theo nghĩa rộng: là ý chí của giai cấp thống trị được đưa lên thành luật

Theo nghĩa hẹp: là những văn bản PL do cơ quan NN có thẩm quyền ban hành, theo trình tự thủ tục nhất định, chứa đựng quy phạm PL dân sự, nhằm điều chỉnh các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân.

Các loại nguồn của luật dân sự:

  • Hiến pháp
  • Bộ luật dân sự: là nguồn chủ yếu, quan trọng nhất của luật dân sự
  • Các luật chuyên ngành: Hôn nhân gia đình, Đất đai, Thương mại, Cư trú, Nhà ở, Môi trường, …
  • Một số Nghị định, Thông tư, Văn bản hướng dẫn, …

5. Quy phạm PL luật dân sự

Khái niệm: là ý chí của NN được chứa đựng trong các văn bản PL, quy định về cách xử sự chuẩn mực mà các chủ thể phải tuân theo khi tham gia các quan hệ dân sự hoặc trong hoàn cảnh đã được PL dự liệu.

“Cách xử sự chuẩn mực” gồm:

  • Hành vi được phép thực hiện
  • Hành vi phải thực hiện
  • Hành vi không được thực hiện
  • Phương thức phải tuân theo

Cấu tạo: gồm 3 bộ phận giả định, quy định, chế tài

Phân loại:

Quy phạm định nghĩa: là quy phạm nêu ra khái niệm và phạm vi giới hạn của 1 vấn đề nhất định. VD: Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự (Điều 388)

Quy phạm nguyên tắc: chỉ nêu ra nguyên tắc, không có chế tài

Quy phạm điều chỉnh: là quy phạm có số lượng nhiều nhất trong BLDS, có đủ cả 3 bộ phận

  • Quy phạm mệnh lệnh: nêu ra cách xử sự duy nhất và bắt buộc các thủ thể phải tuân theo. VD hợp đồng mua bán phải được công chứng, chứng thực…; thế chấp quyền sử dụng đất phải đăng ký …
  • Quy phạm tùy nghi: cho phép các chủ thể được lựa chọn cách xử sự phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của mình để thực hiện quan hệ dân sự. Đây là quy phạm thể hiện rõ nét nhất các đặc trưng của luật dân sự, đó là nguyên tắc tự do, tự nguyện, tự định đoạt trên cơ sở bình đẳng, các bên thể hiện được ý chí của mình.
    • Quy phạm tùy nghi lựa chọn: đưa ra một số cách xử sự và cho phép các chủ thể lựa chọn 1 trong số đó. VD tài sản cầm cố có thể do bên nhận cầm cố giữ hoặc người thứ 3 giữ
    • Quy phạm tùy nghi thỏa thuận: cho phép các chủ thể thỏa thuận cách thức xử sự khi tham gia quan hệ dân sự. VD: hình thức hợp đồng do các bên tự thỏa thuận, địa điểm thực hiện nghĩa vụ do các bên tự thỏa thuận

6. Các nguyên tắc điều chỉnh của luật dân sự

Các nguyên tắc mang tính pháp chế chung:

  • Nguyên tắc tôn trọng lợi ích của NN, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác
  • Nguyên tắc tuân thủ PL (Điều 11)
  • Nguyên tắc hòa giải: trong quan hệ dân sự, việc hoà giải giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật được khuyến khích. Không ai được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực khi tham gia quan hệ dân sự, giải quyết các tranh chấp dân sự.

Nguyên tắc tôn trọng đạo đức truyền thống tốt đẹp (Điều 8)

Các nguyên tắc mang bản chất của luật dân sự: là nhóm quy tắc quan trọng nhất, là tư tưởng định hướng cho các quy tắc khác, trong trường hợp không có quy phạm cụ thể thì các bên cũng phải xử sự theo đúng các nguyên tắc này:

  • Nguyên tắc tự do, tự nguyện, cam kết, thỏa thuận (Điều 4)
  • Nguyên tắc bình đẳng (Điều 5)
  • Nguyên tắc thiện chí, trung thực (Điều 6)
  • Nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự (Điều 9)

7. Áp dụng các hình thức thực hiện PL dân sự

Gồm các hình thức:

Tuân theo PL

Thi hành PL

Sử dụng PL

Áp dụng PL dân sự: là hoạt động cụ thể của cơ quan NN có thẩm quyền căn cứ vào các quy định đã có sẵn của PL dân sự để giải quyết các sự kiện thực tế xảy ra nhằm đưa ra các quyết định phù hợp.

Chú ý: trong các Hợp đồng thường thấy có “Căn cứ bộ luật dân sự …” thì đây là việc sử dụng PL dân sự, không phải là áp dụng luật dân sự. Chỉ cơ quan NN có thẩm quyền (chủ yếu là Tòa án, hoặc có thể là UBND) mới có quyền áp dụng PL dân sự.

Cơ quan NN có thẩm quyền áp dụng luật dân sự bằng cách đưa ra các văn bản áp dụng PL dân sự, có nội dung là 1 trong 3 nhóm sau:

  • Công nhận hay bác bỏ quyền dân sự. VD như quyền sở hữu, tòa án ra văn bản công nhận / bác bỏ quyền sở hữu của một người đối với 1 tài sản
  • Xác lập 1 nghĩa vụ cho 1 chủ thể: VD yêu cầu bồi thường
  • Áp dụng biện pháp cưỡng chế: VD tịch thu, phạt vi phạm, quyết định bán đấu giá tài sản

8. Áp dụng tập quán, áp dụng tương tự và án lệ trong lĩnh vực dân sự (Điều 3)

Lý do áp dụng:

  • Do lỗ hổng của PL
  • Do sự lạc hậu của PL

a. Áp dụng tập quán

Là việc cơ quan NN có thẩm quyền căn cứ vào tập quán của địa phương hoặc của dân tộc để giải quyết các tranh chấp phát sinh mà trong PL dân sự chưa có quy phạm PL điều chỉnh quan hệ đó

Điều kiện áp dụng tập quán:

  • Tranh chấp cần giải quyết phải thuộc đối tượng điều chỉnh của luật dân sự.
  • Chưa có các quy định của PL điều chỉnh trực tiếp các tranh chấp này
  • Tranh chấp đó đã có tập quán đang được thừa nhận và áp dụng
  • Tập quán đó không được trái PL và đạo đức XH

b. Áp dụng tương tự quy định của PL

Là việc cơ quan NN có thẩm quyền căn cứ vào những quy phạm PL dân sự đã có để giải quyết tranh chấp đang xảy ra mà tranh chấp đó có tính chất tương tự với quan hệ dân sự được điều chỉnh bằng các quy phạm PL dân sự đó.

VD: hiện nay trong BLDS đã có các quy phạm PL để giải quyết tranh chấp trong hợp đồng cho vay nhưng chưa có quy phạm PL để giải quyết các tranh chấp từ hụi, họ, vì thế khi cần giải quyết các tranh chấp về họi, họ thì cơ quan NN có thẩm quyền có thể áp dụng các quy định của PL về hợp đồng cho vay để giải quyết vì quan hệ về hụi, họ có tính chất tương tự quan hệ về cho vay.

VD: Điều 625 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu súc vật  khi súc vật gây ra thiệt hại cho chủ thể khác, với trường hợp nuôi trăn, rắn, cá sấu là loại bò sát (không phải súc vật) gây hại cho chủ thể khác, do chưa có quy định về bồi thường thiệt hại do bò sát nuôi gây ra, nên có thể áp dụng Điều 625.

Điều kiện áp dụng:

  • Quan hệ đang tranh chấp phải thuộc phạm vi điều chỉnh của luật dân sự
  • Có các quy định điều chỉnh trực tiếp quan hệ dân sự có tính chất tương tự với quan hệ đang cần giải quyết
  • Trong luật dân sự hiện hành không có quy phạm nào điều chỉnh trực tiếp quan hệ đang tranh chấp
  • Không có tập quán để áp dụng hoặc không thể áp dụng tập quán
  • Quy định tương tự không được trái PL và đạo đức XH

Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Luật Dân sự 1: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-dan-su-1?ref=lnpc

Mời bạn xem thêm:

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.