Sơ đồ bài viết
Tình huống 1:
Anh Nguyễn Văn H (40 tuổi), định cư ở Mỹ và có quốc tịch Việt Nam. Tại Mỹ, anh có đứng tên sở hữu một căn chung cư. Năm 2022, anh cùng vợ và các con về Việt Nam nhưng không may bị tai nạn chết. Do anh H mất không để lại di chúc nên di sản được chia theo pháp luật. Tài sản của anh H để lại là: một căn chung cư ở tại Mỹ, một thửa đất tại Ba Đình, Hà Nội và một sổ tiết kiệm 5 tỷ đồng nằm trong ngân hàng BIDV.
Hỏi: Trong trường hợp này, tài sản thừa kế của anh B được giải quyết phân chia như thế nào?
Trả lời:
Anh H chết không để lại di chúc nên tài sản của anh H để lại được chia theo pháp luật.
Điều 680 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
“Điều 680. Thừa kế
1. Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.
2. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”.
Đối với tài sản là thửa đất tại Ba Đình, Hà Nội và sổ tiết kiệm 5 tỷ đồng được áp dụng phân chia theo pháp luật Việt Nam về phân chia di sản thừa kế theo pháp luật. Tại đây, sẽ xác định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của anh H gồm: bố, mẹ, vợ, các con của anh H. Tài sản của anh H sẽ được chia đều cho các đồng thừa kế.
Đối với di sản là căn hộ chung cư tại Mỹ, đây là bất động sản do đó, việc phân chia di sản là bất động sản này sẽ được tuân theo pháp luật của nước Mỹ.
Tình huống 2:
Anh A là người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam. A có các tài sản xe ô tô, căn nhà chung cư tại Việt Nam. Vợ của anh A đang sống tại nước ngoài. Anh A bị tai nạn và qua đời. Vợ anh A làm thủ tục và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ tiến hành thủ tục để phân chia di sản thừa kế này.
Hỏi: Trong trường hợp này, pháp luật được áp dụng như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định pháp luật dân sự Việt Nam, Điều 680 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
“Điều 680. Thừa kế
1. Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.
2. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”.
Theo đó, nguyên tắc phân chia di sản thừa kế (luật nội dung) sẽ được áp dụng theo quy định pháp luật của nước mà anh A có quốc tịch., còn các thủ tục về hình thức (luật hình thức) sẽ tuân thủ theo quy định pháp luật Việt Nam.
Tình huống 3:
Chị M có quốc tịch Việt Nam, sinh sống và làm việc tại Úc. Trước khi chết, chị có viết di chúc để lại toàn bộ tài sản là căn nhà chung cư tại Úc và thửa đất tại Việt Nam cho chồng chị là anh N là công dân nước Úc. Chị M vẫn còn bố mẹ đẻ ở Việt Nam.
Hỏi: chia di sản của chị M để lại như thế nào?
Trả lời:
Chị M chết có để lại di chúc thì di sản của chị M sẽ được chia theo di chúc.
Chị M có quốc tịch Việt Nam nên về nguyên tắc phân chia di sản thừa kế sẽ được áp dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 644 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
“Điều 644. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:
a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này”.
Theo đó, mặc dù chị M lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho chồng của chị là anh N, tuy nhiên, bố mẹ chị M vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba của một người thừa kế theo pháp luật.
Về thủ tục hưởng thừa kế, đối với thửa đất tại Việt Nam sẽ áp dụng pháp luật Việt Nam. Đối với căn nhà chung cư tại Úc thì thủ tục chia thừa kế được thực hiện theo quy định pháp luật của nước Úc theo Điều 680 Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 680. Thừa kế
1. Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết.
2. Việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản được xác định theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó”.
Tình huống 4:
Ông A là người Việt đã thôi quốc tịch Việt Nam và có quốc tịch Mỹ. Ngày 15/02/2020, ông A chết tại bang Texas vì mắc bệnh Covid 19. Trong tin nhắn gửi qua điện thoại cho anh P là con trai của ông A, với nội dung là để lại cho anh P căn nhà tại TP. Hạ Long (sổ đỏ đứng cả tên của bố mẹ anh P, mẹ anh P đã chết từ năm 2006, nhà có trước khi ông A có quốc tịch Mỹ), đồng thời dặn anh P có trách nhiệm thanh toán nợ cho hai người bạn của ông A tại Việt Nam, số tiền không nhiều so với giá trị tài sản. Nhà anh P có 4 anh em, 3 người còn lại khi biết nội dung tin nhắn, các anh chị đều không đồng ý.
Hỏi: Trong trường hợp trên áp dụng pháp luật nào để giải quyết?
Trả lời:
Ông A đã thôi quốc tịch Việt Nam thì ông A không còn là công dân Việt Nam và được coi là người nước ngoài. Theo quy định luật nhà ở năm 2014 thì người nước ngoài chỉ được sở hữu căn hộ chung cư. Tuy nhiên, ông A đã đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước thời điểm thôi quốc tịch Việt Nam. Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam hiện nay không có quy định về việc tước quyền của ông A với tài sản đó nên ông A vẫn còn quyền sở hữu đối với tài sản nhà ở sau khi xin thôi quốc tịch Việt Nam.
Trước khi chết, ông A có gửi tin nhắn qua điện thoại cho anh P với nội dung là để lại cho anh P căn nhà tại TP. Hạ Long, đồng thời dặn anh P có trách nhiệm thanh toán nợ cho hai người bạn của ông A tại Việt Nam. Để xác định tin nhắn điện thoại có được coi là di chúc hợp pháp không sẽ phải áp dụng quy định pháp luật của nước Mỹ (vì ông A đã thôi quốc tịch Việt Nam và đang có quốc tịch Mỹ).
Còn việc thực hiện quyền thừa kế sẽ được xác định theo pháp luật của nước Việt Nam, vì bất động sản ở Việt Nam.
Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề: “Bài tập tình huống thừa kế có yếu tố nước ngoài“. Hi vọng bài viết hữu ích với bạn đọc.
Câu hỏi thường gặp:
Thừa kế có yếu tố nước ngoài nếu có một trong các điều kiện sau:
a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;
b) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;
c) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
Trường hợp không áp dụng pháp luật nước ngoài nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam;
b) Nội dung của pháp luật nước ngoài không xác định được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật tố tụng.