Sơ đồ bài viết
Luật Hành chính Việt Nam là ngành luật điều chỉnh những quan hệ xã hội chủ yếu phát sinh trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Hoạt động quản lý hành chính nhà nước không thể tách rời những quan hệ xã hội mà nó hướng tới nhằm ổn định hay thay đổi, cho nên đối tượng điều chỉnh của Luật Hành chính Việt Nam không phải là bản thân quản lý hành chính nhà nước mà là những quan hệ xã hội hình thành trong quá trình hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Sau đây là nội dung Bài tập tình huống môn luật hành chính Việt Nam mà Học viện đào tạo pháp chế ICA sưu tầm gửi đến các bạn sinh viên, mời bạn đọc tham khảo.
Tình huống 1:
Chiến sỹ cảnh sát giao thông A đang thi hành công vụ, khi phát hiện B có hành vi vi phạm giao thông đã ra quyết định xử phạt người vi phạm 250.000 đồng và không lập biên bản.
Hỏi: Thủ tục xử phạt đó có hợp pháp không? Tại sao?
Trả lời:
Chiến sỹ cảnh sát giao thông A xử phạt B là đúng quy định pháp luật.
Vì theo điểm b khoản 1 Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung 2020 quy định:
“Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:
b) Phạt tiền đến1% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 củaLuật này nhưng không quá 500.000 đồng”
Tình huống 2:
Ngày 11/7/2022, các cơ quan chức năng phát hiện và lập biên bản về hành vi tàng trữ, lưu hành văn hóa phẩm độc hại của M. Đến ngày 25/10/2022 Chủ tịch ủy ban nhân dân Quận H ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm của M, bao gồm các biện pháp sau: phạt tiền và buộc tiêu hủy toàn bộ số văn hóa phẩm độc hại đó.
Hỏi: Đánh giá tính hợp pháp của Quyết định của Chủ tịch ủy ban nhân dân Quận H.
Trả lời:
Quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND quận H là hợp pháp.
Vì, thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp huyện được quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung 2020 như sau:
“Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 50.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứngchỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiềnphạt được quy định tại điểm b khoản này;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c, đ, e, h, I và k khoản 1 Điều 28 của Luật này”.
Tình huống 3:
Ông M có hành vi xây nhà trái phép từ năm 2019. Đến năm 2021, UBND Quận H mới lập biên bản xử lý vụ việc, sau đó ban hành Quyết định buộc tháo dỡ phần căn nhà xây dựng trái phép của ông M.
Hỏi: Quyết định của UBND quận H có hợp pháp không? Tại sao?
Trả lời:
Quyết định của UBND quận H hợp pháp.
Mặc dù, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung 2020 thì thời hiệu xử phạt hành chính đối với vi phạm hành chính về xây dựng là 2 năm. Trong tình huống, hành vi xây nhà trái phép đã diễn ra từ năm 2019, đến năm 2021 đã là 3 năm, quá thời hiệu áp dụng xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, quyết định của UBND quận H là quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của vi phạm hành chính quy định tại khoản b Điều28, Điều 30 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung 2020. Đối với các biện pháp khắc phục hậu quả pháp luật không quy định về thời hiệu áp dụng.
Tình huống 4:
Anh C đã trúng tuyển kỳ thi tuyển công chức và được nhận vào tập sự tại UBND huyện N. Trong thời gian tập sự, do có hành vi vi phạm pháp luật, anh C bị Chủ tịch UBND huyện ra Quyết định kỷ luật với hình thức cảnh cáo. Sau đó, Chủ tịch UBND huyện N đã ra Quyết định hủy bỏ quyết định tuyển dụng đối với anh C.
Hỏi: Quyết định hủy bỏ quyết định tuyển dụng đối với anh C đúng hay sai? Tạisao?
Trả lời:
Quyết định hủy bỏ quyết định tuyển dụng đối với C là đúng.
– Theo khoản 1 Điều 24 Nghị định 138/2020/NĐ-CP Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức:
“Điều 24. Huỷ bỏ quyết định tuyển dụng đối với người tập sự
1. Quyết định tuyển dụng bị hủy bỏ trong trường hợp người tập sự không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự hoặc có hành vi vi phạm đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.”
Trong tình huống, anh C bị xử phạt kỷ luật với hình thức cảnh cảo thì sẽ bị hủy bỏ quyết định tuyển dụng.
Tình huống 5:
Ông A là người nước ngoài, vi phạm hành chính nhiều lần bị cơ quan có thẩm quyền trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Hỏi: Đây là biện pháp xử phạt chính hay bổ sung? Tại sao?
Trả lời:
Là hình thức xử phạt chính.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi, bổ sung 2020: “Hình thức xử phạt quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này chỉ được quy định và áp dụng là hình thức xử phạt chính. Hình thức xử phạt quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này có thể được quy định là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính”.
Theo nguyên tắc áp dụng hình thử xử phạt hành chính, hình thức xử phạt bổ sung phải được áp dụng kèm theo với hình thức xử phạt chính mà không thể được áp dụng độc lập. Nên trong trường hợp trên là hình thức xử phạt chính.
Trên đây là nội dung tư vấn về chủ đề: “Bài tập tình huống môn luật hành chính Việt Nam”. Hy vọng bài viết hữu ích với bạn đọc.
Tham khảo ngay trọn bộ bài giảng ôn tập môn Luật hành chính Việt Nam: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-hanh-chinh-viet-nam?ref=lnpc
Câu hỏi thường gặp:
Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính);
đ) Trục xuất.
Các biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
b) Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;
c) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;
d) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện;
đ) Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại;
e) Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;
g) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;
h) Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng;
i) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;
k) Các biện pháp khắc phục hậu quả khác do Chính phủ quy định.