Sơ đồ bài viết
Bạn đang tìm kiếm tài liệu ôn tập hiệu quả cho môn Luật Hình sự 2 phần các tội phạm? Đừng bỏ lỡ tổng hợp đề thi Luật Hình sự 2 phần các tội phạm (tiếp) với đầy đủ dạng bài tập và câu hỏi từ cơ bản đến nâng cao. Bộ tài liệu không chỉ giúp bạn nắm vững các quy định pháp luật mà còn rèn luyện kỹ năng phân tích tình huống thực tế. Hãy khám phá ngay để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi và đạt kết quả cao!
Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Luật Hình sự: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-hinh-su-1?ref=lnpc
Tổng hợp đề thi môn Luật hình sự 2 (tiếp)
Đề thi môn Luật hình sự 2 (phần các tội phạm) – Đề số 4
- Thời gian làm bài: 90 phút
- Sinh viên được sử dụng: văn bản quy phạm pháp luật
I – Nhận định (4 điểm)
Các nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích tại sao?
1. Từ chối giao trả lại tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên do ngẫu nhiên có được là hành vi chiếm đoạt tài sản (1 điểm).
Gợi ý đáp án: Nhận định Sai. Vì, từ chối giao trả lại tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên do ngẫu nhiên có được sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định pháp luật thì đó là hành vi chiếm giữ trái phép tài sản theo quy tại Điều 176 BLHS.
2. Hàng giả chỉ là đối tượng tác động của các tội phạm quy định tại Điều 192, 193, 194, 195 BLHS (1 điểm).
Gợi ý đáp án: Nhận định Sai. Vì, hàng giả có 2 loại:
– Hàng giả về nội dung, tức là hàng hoá không có giá trị sử dụng hoặc công dụng theo quy định của pháp luật hiện hành là đối tượng tác động của các tội phạm quy định tại Điều 192, 193, 194, 195 BLHS.
– Hàng giả về hình thức, tức là hàng giả về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý không thuộc đối tượng tác động Điều 192, 193, 194, 195 BLHS mà thuộc đối tượng của Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226 BLHS).
– Trong trường hợp, vừa giả về nội dung và vừa giả về hình thức thì phải định tội danh theo nguyên tắc phạm nhiều tội. Khi đó, hàng giả trong trường hợp này sẽ là đối tượng tác động của Điều 226 BLHS và một trong các Điều 192, 193, 194, 195 BLHS.
3. Dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản mà dẫn đến hậu quả chết người là hành vi cấu thành hai tội: Tội cướp tài sản (Điều 168 BLHS) và Tội giết người (Điều 123 BLHS) (1 điểm).
Gợi ý đáp án: Nhận định Sai. Vì:
– Nếu một người dùng vũ lực chiếm đoạt tài sản dẫn đến nạn nhân chết nhưng hành vi dùng vũ lực là hành vi cố ý gây thương tích thì cấu thành một tội: Tội cướp tài sản (điểm c khoản 4 Điều 168 BLHS) với hỗn hợp lỗi.
– Nếu một người dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản mà hành vi dùng vũ lực là hành vi tước đoạt tính mạng người khác một cách trái pháp luật thì cấu thành hai tội: Tội cướp tài sản (Điều 168 BLHS) và Tội giết người (Điều 123 BLHS).
4. Tình tiết “giết 02 người trở lên” luôn đòi hỏi phải có hậu quả hai người chết trở lên
Gợi ý đáp án: Nhận định Sai. Vì:
– Nếu người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp thì phải có hậu quả hai người chết trở lên mới là “giết 02 người trở lên”.
– Nếu người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp thù thì không cần phải có hậu quả hai người chết trở lên, chỉ cần người phạm tội có ý định giết 02 người trở lên và thực hiện hành vi phạm tội cũng được coi là “giết 02 người trở lên”.
II. Bài tập
Bài tập 1:
Chiều 28-10, A đi mua dây thép chì về giăng xung quanh ruộng dưa deo (gần đường đi, không có bờ rào bao quanh) rồi nối với nguồn điện 220V của gia đình để diệt chuột. Khoảng 20 giờ cùng ngày, A về nhà ăn cơm. Đúng lúc này, anh T. ở cùng thôn đi bắt rắn ngang qua không may vướng phải dây thép và bị điện giật chết.
Hãy xác định hành vi của A có phạm tội không? Vì sao?
Gợi ý đáp án:
A phạm Tội giết người (Điều 123 BLHS). Vì, thoả mãn các dấu hiệu pháp lý sau đây:
– Khách thể: Quan hệ nhân thân. Đối tượng tác động: Con người đang sống (anh T.)
– Mặt khách quan:
+ Hành vi: A đã sử dụng điện trái phép tước đoạt tính mạng anh T. một cách trái pháp luật thông quy tình tiết anh nối nguồn điện 220V với dây chì thép giăng xung quanh ruộng dưa leo (gần đường đi, không có bờ rào) để diệt chuột dẫn đến việc anh T. không may vướng dây thép và bị điện giật chết.
+ Hậu quả: Anh T. chết.
+ Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả: Hành vi sử dụng điện trái phép của A dẫn đến hậu quả là chết người (anh T.).
– Chủ thể: A là chủ thể thường, đủ tuổi chịu TNHS và có NLTNHS.
– Mặt chủ quan: Lỗi cố ý gián tiếp: A nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Tình huống trên có sự tranh chấp tội danh giữa Tội giết người (Điều 123 BLHS) và Tội vô ý làm chết người (Điều 128 BLHS). Đối với hành vi sử dụng điện trái phép để diệt chuột thì sẽ có hai trường hợp:
– Trường hợp 1, nếu người sử dụng điện mắc ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không xảy ra,… nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về Tội vô ý làm chết người (Điều 128 BLHS).
– Trường hợp 2, nếu người mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo điện), biết việc mắc điện trong trường hợp mày là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về Tội giết người (Điều 123 BLHS).
Xét tình tiết vụ án, A không thoả mãn dấu hiệu Điều 128 BLHS. Do, A mắc điện ở địa điểm ở đây là gần đường đi, sẽ có nhiều người qua lại; A không chí không có làm biển báo nguy hiểm (dù ở địa điểm này việc có hay không biển báo nguy hiểm là không cần thiết và A cũng không có sự canh gác nghiêm ngặt (bỏ về nhà ăn cơm). Tình huống trên, A hoàn toàn toàn biết được hậu quả chết người có thể xảy ra, có ý thức bỏ mặc hậu quả xảy và trên thực tế đã xảy ra hậu quả chết người. Chính vì thế, tội danh của A đối với vụ án trên là Tội giết người (Điều 123 BLHS).
Bài tập 2:
Thấy nhiều người đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa tại vỉa hè trước cửa quán nước, A sà vào chơi rồi nhận cầm cái xóc và kéo 3 người vào nhà B chơi tiếp. B đứng ngoài trông xe, bán hàng phục vụ con bạc. Khi công an đến, B báo hiệu cho các con bạc bỏ chạy. A chạy thoát, sau đó đầu thú. Tổng số tiền đánh bạc trong vụ án được xác định là 5.4 triệu đồng.
Anh (chị) hãy xác định hành vi trên của A và B có phạm tội không? Nếu có thì phạm tội gì? Vì sao?
Gợi ý đáp án:
A và B phạm Tội đánh bạc (Điều 321 BLHS).
Giả sử, “nhiều người đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa tại vỉa hè trước quán nước” cùng với A và 3 người A kéo vào là tổng cộng có 10 người trở lên. Khi đó, B phạm Tội gá bạc (Điều 322 BLHS).
1. A phạm Tội đánh bạc (Điều 321 BLHS). Vì, thỏa mãn các dấu hiệu pháp lý sau đây:
– Khách thể: Trật tự công cộng, trật tự trị an xã hội; đồng thời ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình người phạm tội.
– Mặt khách quan: Hành vi: A đánh bạc trái phép dưới hình thức xóc đĩa với tổng số đánh bạc trên 5 triệu đồng thông qua tình tiết A thấy nhiều người đánh bạc tại vỉa hè trước của quán nước, A sà vào chơi rồi nhận cầm cái xóc với tổng số tiền đánh bạc là 5.4 triệu đồng. B tạo điều kiện vật chất và tinh thần cho người phạm tội thông qua tình tiết trông xe, bán hàng phục vụ con bạc và thông báo cho các con bạc khi công an tới.
– Chủ thể: A là chủ thể thường, đủ tuổi chịu TNHS và có NLTNHS. B là đồng phạm với vai trò là người giúp sức do tạo điều kiện vật chất và tinh thần cho các con bạc (như đã phân tích ở hành vi khách quan).
– Mặt chủ quan: Lỗi cố ý trực tiếp: A nhận thức hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
2. B phạm Tội gá bạc (Điều 322 BLHS). Vì, thỏa mãn các dấu hiệu pháp lý sau đây:
– Khách thể: Trật tự công cộng, trật tự trị an xã hội; đồng thời ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình người tham gia đánh bạc.
– Chủ thể: A là chủ thể thường, đủ tuổi chịu TNHS và có NLTNHS.
– Mặt chủ quan: Lỗi cố ý trực tiếp: A và B nhận thức hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
– Mặt khách quan: Hành vi: B cho phép 10 người trở lên sử dụng điện điểm do mình sở hữu để đánh bạc trong cùng một lúc với tổng số tiền đánh bạc từ 5 triệu đồng trở lên thông qua tình tiết nhiều người đánh bạc tại hình thức xóc dĩa tại vỉa hè trước quán nước của B và A sà vào chơi rồi nhận cầm cái đồng thời kéo 3 người nữa vào nhà B chơi tiếp.
Xét tình huống:
– A còn có hành vi “kéo 3 người vào nhà B chơi tiếp” có dấu hiệu của Tội tổ chức đánh bạc (Điều 322 BLHS), tuy nhiên A chỉ có hành vi tổ chức cho 3 người nên không đáp ứng đủ số lượng con bạc tham gia vào hành vi tổ chức đánh bạc của A do đó không thể cấu thành tội này.
– Tình tiết vụ án không xác định “nhiều người đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa tại vỉa hè trước quán nước” là bao nhiêu người. Do đó, để cấu thành Tội gá bạc (Điều 322 BLHS) thì với tổng số tiền là 5.4 triều đồng phải kèm theo điều kiện “nhiều người đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa tại vỉa hè trước quán nước” cùng với A và 3 người A kéo vào phải từ 10 người trở lên. Nếu trong trường hợp, tổng số lượng “nhiều người đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa tại vỉa hè trước quán nước” cùng với A và 3 người A kéo vào dưới 10 người thì B chỉ phạm Tội đánh bạc (Điều 321 BLHS) với vai trò đồng phạm (người giúp sức) do có hành vi tạo điều kiện vật chất và tinh thần như cho các con bạc thực hiện hành vi trước quán nước của mình, bán hành phục vụ con bạc và thông báo khi công an tới. B sẽ không phạm Tội gá bạc (Điều 322 BLHS) .
Đề thi môn Luật hình sự 2 (phần các tội phạm) – Đề số 5
- Thời gian làm bài: 90 phút
- Sinh viên được sử dụng: văn bản quy phạm pháp luật
I – Nhận định (4 điểm)
Các nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích tại sao?
1. Hành vi vô ý gây hậu quả chết người không chỉ cấu thành các tội được quy định tại Điều 98, 99 BLHS (1 điểm).
Gợi ý đáp án: Nhận định Đúng. Nếu người phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà dẫn đến hậu quả làm chết người. Thì hành vi làm vô ý trong tội này không chỉ cấu thành tội được quy định tại Điều 98, 99 BLHS mà là Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác.
2. Dùng tiền giả để trao đổi lấy hàng hoá là hành vi cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS).
Gợi ý đáp án: Nhận định Sai. Vì, nếu người phạm tội sử dụng tiền giả để trao đổi lấy hàng hoá thì người phạm tội bị xử lý hình sự về cả Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 174 BLHS) và Tội lưu hành tiền giả (Điều 207 BLHS).
3. Không phải mọi hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy đều cấu thành tội tàng trữ trái phép chất ma túy theo Điều 194 BLHS (1 điểm).
Gợi ý đáp án: Nhận định Đúng. Nếu hành vi tàng trữ trái phép chất ma tuý nhằm mục đích sản xuất, vận chuyển,.. thì cấu thành các tội đó.
4. Mọi hành vi không trả lại tài sản sau khi đã vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng mà tài sản có giá trị từ 4 triệu đồng trở lên đều cấu thành Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 BLHS) (1 điểm).
Gợi ý đáp án: Nhận định Sai. Vì, để hành vi không trả lại tài sản sau khi đã vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng mà tài sản có giá trị từ 4 triệu đồng trở lên cấu thành Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 175 BLHS) thì phải thoả mãn một trong bốn dấu hiệu sau đây:
– Gian dối để chiếm đoạt tài sản.
– Bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó.
– Đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả tài sản.
– Sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến tình trạng không có khả năng trả lại.
II – Bài tập (6 điểm)
Hãy giải quyết các tình huống sau:
Bài tập 1: (3 điểm)
Vào lúc 2 giờ sáng ngày 15/11/2011, do thiếu tiền trả nợ, A đã lẻn vào nhà chị X lấy một chiếc máy tính xách tay trị giá 7 triệu đồng. Nghe tiếng động, chị X tỉnh dậy giằng lại được máy tính, A bỏ chạy thì bị chị X đuổi theo. A rút dao trong người ra đâm vào tay chị X làm chị bị thương với tỷ lệ thương tật là 15%. Trên đường bỏ chạy, A bị bắt.
Hãy xác định tội danh đối với hành vi của A trong vụ án này và giải thích tại sao?
Gợi ý đáp án:
A phạm Tội trộm cắp tài sản (Điều 173 BLHS) và Tội cố ý gây thương tích (Điều 134 BLHS).
1. Tội cố ý gây thương tích (Điều 134 BLHS). Vì, thỏa mãn các dấu hiệu pháp lý sau đây:
– Khách thể: Sức khỏe. Đối tượng tác động: Con người đang sống (anh X).
– Chủ thể: A là chủ thể thường, đủ tuổi chịu TNHS và có NLTNHS.
– Mặt khách quan:
+ Hành vi: A có hành vi tác động trái phép đến thân thể anh X thông qua tình tiết A dùng dao đâm vào tay chị X.
+ Hậu quả: Gây thiệt hại về thể chất (thương tích 15%)
+ Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả: Hành vi tác động trái phép đến thân thể dẫn đến thiệt hại về thể chất với thương tích 15%
– Mặt chủ quan: Lỗi cố ý trực tiếp: A nhận thức hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
2. Tội trộm cắp tài sản (Điều 173 BLHS). Vì, thỏa mãn các dấu hiệu pháp lý sau đây:
– Khách thể: Quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân. Đối tượng tác động: Tài sản (chiếc máy tính xách tay trị giá 7 triệu đồng) và con người đang sống (chị X).
– Chủ thể: A là chủ thể thường, đủ tuổi chịu TNHS và có NLTNHS.
– Mặt khách quan:
+ Hành vi: A đã có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2 triệu đồng trở lên của X và hành hung để tẩu thoát thông qua tình tiết A lẻn vào nhà chị X lấy một chiếc máy tính xách tay trị giá 7 triệu đồng và sau khi bị chị X phát hiện, A đã dùng dao đâm vào tay chị để chạy thoát.
+ Hậu quả: Gây thiệt hại về tài sản (7 triệu đồng) và sức khỏe (tỷ lệ thương tật 15%).
+ Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả: Hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản và hành hung để tẩu thoát của A đã gây thiệt hại về tài sản và sức khoẻ của chị X.
– Mặt chủ quan: Lỗi cố ý trực tiếp: A nhận thức hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
Bên cạnh đó cũng có một số quan điểm cho rằng đây là: Tội trộm cắp tài sản chuyển hoá => Cướp tài sản. Còn quan điểm của bạn là như thế nào? Hãy phản hồi ở dưới bài viết.
Bài tập 2: (2 điểm)
Năm 2005, UBND tỉnh Y có quyết định bãi bỏ việc thu tiền nghĩa vụ lao động công ích và nghĩa vụ lao động hai năm đối với thanh niên chưa đủ điều kiện đi làm nghĩa vụ quân sự. Trong thời gian này, A là xã đội trưởng xã N, vẫn tiếp tục thu tiền trên của những thanh niên trong xã. Từ năm 2005 đến lúc bị phát hiện năm 2007, A đã thu được hơn 41 triệu đồng của 50 thanh niên trong xã và chiếm giữ tiêu xài hết.
Gợi ý đáp án:
A phạm Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355 BLHS). Vì, thỏa mãn các dấu hiệu pháp lý sau đây:
– Khách thể: Xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức, gây thiệt hại về tài sản cho người khác.
– Chủ thể: A là chủ thể đặc biệt, có chức vụ, quyền hạn (Xã Đội trưởng), đủ tuổi chịu TNHS và có NLTNHS.
– Mặt chủ quan:
+ Lỗi cố ý trực tiếp: A nhận thức hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
+ Động cơ: Vụ lợi.
– Mặt khách quan:
+ Hành vi: A đã có hành vi vượt qua phạm vi quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên của 50 thanh niên trong xã thông qua tình tiết trong vòng 02 năm, A tiếp tục thu tiền nghĩa vụ lao động công ích và nghĩa vụ lao động hai năm đối với thanh niên chưa đủ điều kiện đi làm nghĩa vụ quân sự dù UBND tỉnh Y đã bãi bỏ.
+ Hậu quả: Chiếm đoạt số tiền 41 triệu đồng của 50 thanh niên trong xã.
+ Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả: Hành vi vượt qua quyền hạn chiếm đoạt tài sản đã gây thiệt hại vật chất và cả phi vật chất.
Đề thi môn Luật hình sự 2 (phần các tội phạm) – Đề số 6
I – Nhận định (4 điểm)
Các nhận định sau đây đúng hay sai? Giải thích tại sao?
1. Cố ý tước đoạt tính mạng người khác theo yêu cầu của người bị hại là hành vi cấu thành Tội giúp người khác tự sát (Điều 131 BLHS).
Gợi ý đáp án: Nhận định Sai. Vì, người nào tạo điều kiện vật chất hoặc tinh thần cho người khác tự tước đoạt tính mạng của họ thì mới cấu thành Tội giúp người khác tự sát (Điều 131 BLHS). Còn trong trường hợp, người nào cố ý tước đoạt tính mạng người khác theo yêu cầu của người bị hại thì cấu thành Tội giết người (Điều 123 BLHS).
2. Mọi hành vi đe doạ dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản đều cấu thành Tội cướp tài sản (Điều 168 BLHS).
Gợi ý đáp án: Nhận định Sai. Vì, đối với Tội cướp tài sản (Điều 168 BLHS) thì hành vi đe doạ dùng vũ lực phải ngay tức khắc tức có sự nhanh chóng trong hành vi đe doạ và có sức mãnh liệt trong hành vi đe doạ. Nếu hành vi đe doạ dùng vũ lực không ngay tức khắc thì cấu thành Tội cưỡng đoạt tài sản (Điều 170 BLHS).
3. Rừng chỉ là đối tượng tác động của các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
Gợi ý đáp án: Nhận định Sai. Vì:
– Nếu rừng trồng được Nhà nước bỏ vốn ra trồng thì rừng sẽ là đối tượng tác động của các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế.
– Nếu rừng trồng của hộ cá nhân, gia đình, tổ chức được Nhà nước giao đất bỏ vốn ra trồng:
+ Trong trường hợp, người khai thác, huỷ hoại là cá nhân, gia đình, tổ chức được Nhà nước giao đất (chủ rừng trồng) thì xử lý theo Điều 243 BLHS hoặc Điều 232 BLHS tức rừng trồng là đối tượng tác động của chương trật tự quản lý kinh tế,
+ Trong trường hợp, người khai thác, huỷ hoại là người khác không phải chủ rừng trồng thì rừng trồng sẽ là đối tượng tác động của chương sở hữu.
4. Chủ thể Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần (Điều 259 BLHS) là bất kỳ người nào có NLTNHS và đạt độ tuổi luật định.
Gợi ý đáp án: Nhận định Sai. Vì, chủ thể của Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần (Điều 259 BLHS) là chủ thể đặc biệt tức là người ngoài hai dấu hiệu có NLTNHS và đạt độ tuổi luật định thì còn phải có trách nhiệm trong quản lý chất ma tuý, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.
II – Bài tập (6 điểm)
Hãy giải quyết các tình huống sau:
Bài tập 1: (3 điểm)
Trưa 06/02, A phó trưởng công an xã T nhận tin báo tại khu vực bãi đất trống thuộc địa bàn ấp 7 có một đám đông tụ tập đá gà ăn tiền. Ngay sau đó, A thành lập một tổ công tác đi giải tán đám cờ bạc này. Đến nơi, A dùng súng K54 bắn chỉ thiên một phát khiến đám đông chạy toán loạn. A chạy bộ đuổi theo, bắn một phát thẳng vào đám đông làm anh X chết tại chỗ. Sau đó, A về trụ sở công an xã giao nộp súng và đến công an huyện đầu thú.
Hãy xác định tội danh đối với hành vi của A trong vụ án này và giải thích tại sao?
Gợi ý đáp án:
A phạm Tội giết người (Điều 123 BLHS). Vì, thoả mãn các dấu hiệu pháp lý sau đây:
– Khách thể: Quyền sống. Đối tượng tác động: Con người đang sống (anh X).
– Chủ thể: A là chủ thể thường, đủ tuổi chịu TNHS và có NLTNHS.
– Mặt chủ quan: Lỗi cố ý gián tiếp: A nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
– Mặt khách quan:
+ Hành vi: A đã thực hiện hành vi sử dụng vũ khí quân dụng bừa ẩu trong khi thi hành công vụ và đã làm chết anh X do dùng vũ lực ngoài trường hợp pháp luật cho phép thông qua tình tiết A – Phó trưởng công an xã thành lập một tổ công tác đi giải tán một đám cờ bạc ở địa bàn ấp 7; đến nơi, anh đã dùng súng bắn chỉ thiên, đuổi theo đám đông bỏ chạy và bắn thẳng vào đám đông bỏ chạy làm anh X chết.
+ Hậu quả: Anh X chết.
+ Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả: Hành vi bắn thẳng vào đám đông dẫn đến hậu quả anh X trúng đạn và chết tại chỗ.
Bài tập 2: (3 điểm)
Ngày 13/02, A (đang công tác tại đội cảnh sát trật tự – cơ động Công an quận X, TP. HCM) và tám đồng bọn đi trên bốn xe gắn máy đến khu vực chợ thuộc quận Y chiếm đoạt tài sản của những người đang chơi tài xỉu. Khi thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, A mặc thường phục nhưng mang theo còng số 8, cùng đồng bọn trang bị gậy ma trắc ập đến. A hô lớn: “Cảnh sát đây, yêu cầu mọi người ngồi yên, giơ hai tay lên đầu”. Tiếp đó, A móc súng bắn đạn cao su chĩa vào đầu người làm “cái” yêu cầu toàn bộ con bạc phải móc hết tài sản mang theo (tiền, bạc, điện thoại, đồng hồ, vàng vòng,…) bỏ ra ngoài để “kiểm tra”. A và đồng bọn gom tất cả tài sản của con bạc trị giá hơn 10 triệu đồng cho vào túi rồi sau đó chia cho nhau.
Anh (chị) hãy xác định hành vi của A và đồng bọn có phạm tội hay không? Nếu có phạm tội gì? Tại sao?
Gợi ý đáp án:
A và đồng bọn phạm Tội cướp tài sản (Điều 168 BLHS). Vì, thỏa mãn các dấu hiệu pháp lý sau đây:
– Khách thể: Quan hệ sở hữu và quan hệ nhân thân. Đối tượng tác động: Tài sản (hơn 10 triệu đồng) và con người.
– Mặt khách quan: Hành vi: A và đồng bọn đã thực hiện hành vi đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thông qua tình tiết A dùng súng bắn đạn cao su chĩa vào đầu người làm “cái” nhằm uy hiếp tinh thần và yêu cầu toàn bộ con bạc phải móc hết tài sản mang theo bỏ ra ngoài để “kiểm tra” nhằm gom hết tài sản của con bạc chia cho các đồng bọn.
– Mặt chủ quan:
+ Lỗi cố ý trực tiếp: A nhận thức hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.
+ Mục đích: Chiếm đoạt tài sản.
– Chủ thể: A là chủ thể thường, đủ tuổi chịu TNHS và có NLTNHS. Đồng bọn của A là đồng phạm với vai trò là người thực hành bằng hành vi trực tiếp thực hiện tội phạm thông qua tình tiết đồng bọn của A được trang bị gây ma trắc để cùng A đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhầm mục đích chiếm đoạt tài sản các con bạc.
Mời bạn xem thêm: