Sơ đồ bài viết
Bài giảng môn học Tư pháp quốc tế chương II tập trung làm rõ về các chủ thể tham gia vào các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trong hệ thống Tư pháp quốc tế. Chương này giúp sinh viên hiểu rõ đặc điểm, quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể, bao gồm cá nhân, pháp nhân, nhà nước và các tổ chức quốc tế khi tham gia vào quan hệ pháp lý quốc tế. Việc nắm vững kiến thức về các chủ thể là nền tảng giúp sinh viên đánh giá và xử lý các tình huống pháp lý phức tạp, đa chiều trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Bài giảng môn học Tư pháp quốc tế chương II
Chương 2: Chủ thể của tư pháp quốc tế
Chương này sẽ nghiên cứu các chủ thể của tư pháp quốc tế, gồm :
+ người nước ngoài
+ pháp nhân nước ngoài
+ quốc gia nước ngoài
+ tổ chức quốc tế
Câu hỏi : Vậy người Việt Nam, pháp nhân Việt Nam có phải là chủ thể của Tư pháp quốc tế, nếu có thì tại sao lại không nghiên cứu ?
Trả lời : Vì người Việt Nam, pháp nhân Việt Nam là các chủ thể đương nhiên của TPQT khi tham gia vào quan hệ TPQT. Ngoài ra, người Việt Nam, pháp nhân Việt Nam đã được nghiên cứu trong rất nhiều các ngành luật khác (hiến pháp, dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình, thương mại, …) nên trong TPQT sẽ chỉ tập trung nghiên cứu người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài.
I. Người nước ngoài
1. Khái niệm
– Người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam.
– Phân loại người nước ngoài:
+ căn cứ vào quốc tịch:
- Người nước ngoài có 1 quốc tịch nước ngoài
- Người nước ngoài có nhiều quốc tịch nước ngoài
- Người không quốc tịch
Chú ý: với trường hợp người có nhiều quốc tịch trong đó có quốc tịch VN như trường hợp người VN định cư ở nước ngoài nhưng vẫn chưa từ bỏ quốc tịch VN, thì khi tham gia vào quan hệ dân sự theo nghĩa rộng với công dân, pháp nhân VN, họ sẽ có tư cách gì ? Trước khi Luật dân sự 2015 có hiệu lực (ngày 01/01/2017) thì quan hệ đó là quan hệ có yếu tố nước ngoài. Sau ngày 1/1/2017 thì sẽ tùy thuộc vào lựa chọn của người có nhiều quốc tịch đó:
- Nếu họ đưa ra bằng chứng họ có quốc tịch VN ==> quan hệ đó không có yếu tố nước ngoài (không thuộc phạm vi điều chỉnh của TPQT)
- Nếu họ đưa ra bằng chứng họ có quốc tịch nước ngoài ==> quan hệ đó là quan hệ có yếu tố nước ngoài (thuộc phạm vi điều chỉnh của TPQT)
+ căn cứ vào nơi cư trú:
- Địa điểm cư trú: người nước ngoài trong lãnh thổ VN / người nước ngoài ngoài lãnh thổ VN
- Thời hạn cư trú: người nước ngoài tạm trú / người nước ngoài thường trú
+ căn cứ vào quy chế pháp lý mà họ được hưởng:
- Được miễn trừ ngoại giao: đối với người nước ngoài có thân phận ngoại giao
- Điều ước quốc tế mà VN ký kết: ví dụ như lưu học sinh
- Làm ăn sinh sống lâu dài tại VN: (tuy nhiên PL VN chưa nêu rõ bao lâu thì được coi là “lâu dài” ==> gây tranh cãi trong thực tế)
– Năng lực chủ thể:
+ năng lực pháp luật: là khả năng được hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ mà PL quy định
+ năng lực hành vi: là khả năng bằng hành vi thực hiện các quyền và nghĩa vụ mà PL quy định
– Năng lực PL dân sự của cá nhân: (Điều 673 Luật dân sự 2015):
+ Năng lực PL dân sự của cá nhân được xác định theo PL của nước mà người đó có quốc tịch.
+ Người nước ngoài tại VN có năng lực PL dân sự như công dân VN, trừ trường hợp PL VN có quy định khác
– Năng lực hành vi dân sự của cá nhân: (Điều 674 Luật dân sự 2015):
+ Năng lực hành vi dân sự của cá nhân được xác định theo PL của nước mà người đó có quốc tịch, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
+ Trường hợp người nước ngoài xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại VN, năng lực hành vi dân sự của người nước ngoài đó được xác định theo PL VN.
+ Việc xác định cá nhân bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự tại VN theo PL VN.
– Ví dụ: 1 cậu bé 15 tuổi người Nga theo bố mẹ sang VN làm việc từ khi còn nhỏ, cậu bé thành thạo tiếng Nga (là tiếng mẹ đẻ) và cũng rất giỏi tiếng Việt. Cậu bé ký hợp đồng dịch thuật với 1 công ty VN với mức thù lao là 10 đồng. Sau khi xong việc thì công ty kia chỉ trả cậu bé 3 đồng với lý do cậu bé vẫn là “trẻ con”, không thể trả với mức dành cho chuyên gia được. Cậu bé không đồng ý và tranh chấp xảy ra. Tại tòa, công ty kia viện lý do cậu bé chưa đủ năng lực chủ thể để ký hợp đồng nên coi hợp đồng đã ký là vô hiệu. Tòa sẽ xử thế nào ?
Trả lời: Giữa VN và Nga có Hiệp định tương trợ tư pháp, trong Điều 19 của Hiệp định này quy định: Năng lực hành vi của cá nhân được xác định theo PL của Bên ký kết mà người đó là công dân. Do đó để xác định năng lực chủ thể của cậu bé người Nga kia thì sẽ áp dụng PL của Nga. Nếu luật của Nga quy định độ tuổi đủ năng lực để ký hợp đồng lao động là 15 tuổi thì hợp đồng với công ty VN là có hiệu lực, và công ty VN phải thực hiện đúng cam kết đã ký trong hợp đồng. Còn nếu luật Nga quy định độ tuổi đủ năng lực để ký hợp đồng lao động là trên 15 tuổi thì hợp đồng ký với công ty VN là vô hiệu.
– Căn cứ xác định PL áp dụng đối với người không quốc tịch, người có nhiều quốc tịch (Điều 672 Luật dân sự 2015):
+ Trường hợp PL được dẫn chiếu đến là PL của nước mà cá nhân có quốc tịch nhưng cá nhân đó là người không quốc tịch thì PL áp dụng là PL của nước nơi người đó cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Nếu người đó có nhiều nơi cư trú hoặc không xác định được nơi cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì PL áp dụng là PL của nước nơi người đó có mối liên hệ gắn bó nhất.
+ Trường hợp PL được dẫn chiếu đến là PL của nước mà cá nhân có quốc tịch nhưng cá nhân đó là người có nhiều quốc tịch thì PL áp dụng là PL của nước nơi người đó có quốc tịch và cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Nếu người đó có nhiều nơi cư trú hoặc không xác định được nơi cư trú hoặc nơi cư trú và nơi có quốc tịch khác nhau vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì PL áp dụng là PL của nước mà người đó có quốc tịch và có mối liên hệ gắn bó nhất.
Trường hợp PL được dẫn chiếu đến là PL của nước mà cá nhân có quốc tịch nhưng cá nhân đó là người có nhiều quốc tịch, trong đó có quốc tịch Việt Nam thì pháp luật áp dụng là pháp luật Việt Nam.
2. Chế độ pháp lý dành cho người nước ngoài
– Chế độ đối xử quốc gia (NT – National Treatment): người nước ngoài được hưởng các quyền và nghĩa vụ như với công dân nước sở tại (tức là không phân biệt đối xử giữa người nước ngoài với công dân nước mình), ngoại trừ:
+ các quyền và nghĩa vụ liên quan đến chính trị, an ninh của quốc gia (như sẽ không có quyền bầu cử, ứng cử, tham gia các lực lượng vũ trang …)
+ hạn chế một số quyền dân sự như không được làm nhà báo, tổng biên tập báo in, báo hình, nghề khắc dấu, công chứng viên, …
– Chế độ tối huệ quốc (MFN-Most Favoured Nation): người nước ngoài được hưởng các quyền ngang bằng với các quyền mà nước sở tại dành cho người nước ngoài của bất kỳ nước thứ 3 nào (tức là không phân biệt đối xử giữa người nước ngoài với nhau). Chế độ MFN chỉ được áp dụng trong thương mại quốc tế, không áp dụng trong dân sự. Tại sao ? Vì các vấn đề thương mại (chủ yếu là thuế, bảo hộ mậu dịch) là thống nhất trên toàn thế giới, trong khi các vấn đề dân sự lại mang tính văn hóa, xã hội theo đặc thù mỗi quốc gia, VD sẽ không đặt ra vấn đề MFN trong lĩnh vực hôn nhân gia đình.
Hiện nay hầu hết các nước đều có chế độ MFN cho các đối tác của mình, do đó MFN không còn là chế độ “ưu đãi nhất” nữa mà trở thành một tiêu chuẩn trong quan hệ quốc tế. Vì thế ở Mỹ gọi chế độ này là PNTR – chế độ thương mại bình thường vĩnh viễn.
– Chế độ đãi ngộ đặc biệt: người nước ngoài được NN sở tại dành cho những ưu tiên, ưu đãi đặc biệt mà có thể chính công dân nước sở tại cũng không được hưởng, VD ưu đãi miễn trừ dành cho viên chức ngoại giao, ưu đãi dành cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài
– Chế độ có đi có lại: 1 quốc gia sẽ dành các chế độ pháp lý nhất định cho người nước ngoài tương ứng như công dân của mình đã được hưởng tại nước ngoài đó (tức là nếu nước A dành chế độ NT cho công dân nước B thì nước B cũng dành chế độ NT cho công dân nước A). Tuy nhiên do các quốc gia có chế độ chính trị xã hội và trình độ phát triển khác nhau, nên có 2 hình thức của chế độ có đi có lại:
+ có đi có lại thực chất: nước A dành cho thể nhân và pháp nhân của nước B những quyền, nghĩa vụ, ưu đãi như thế nào thì nước B cũng dành cho thể nhân và pháp nhân nước A những quyền, nghĩa vụ, ưu đãi đúng như thế. Chế độ có đi có lại thực chất này chỉ được áp dụng ở những nước có cùng chế độ chính trị xã hội và cùng trình độ phát triển
+ có đi có lại hình thức: nước A dành cho thể nhân và pháp nhân của nước B chế độ pháp lý nào (chế độ đối xử quốc gia hoặc chế độ tối huệ quốc) thì nước B cũng dành cho thể nhân và pháp nhân của nước A chế độ pháp lý như thế. Chế độ có đi có lại hình thức này phù hợp với hầu hết các quan hệ giữa các nước trên thế giới, VN cũng áp dụng hình thức này. Ví dụ ở các nước tư bản có chế độ sở hữu tư nhân về đất đai, còn ở VN thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do đó mặc dù công dân VN ở Mỹ có quyền được sở hữu đất đai, nhưng công dân Mỹ ở VN thì không thể sở hữu đất đai ở VN, vì chính công dân VN cũng không được hưởng quyền đó.
Chế độ báo phục quốc (còn gọi là “trả đũa”): nếu 1 quốc gia đơn phương có hành vi gây thiệt hại cho quốc gia khác hoặc công dân quốc gia khác thì quốc gia bị thiệt hại đó được phép sử dụng các biện pháp “trả đũa” lại.
3. Địa vị pháp lý của người nước ngoài tại Việt Nam
– Quyền cư trú: người nước ngoài có quyền cư trú trên lãnh thổ VN như công dân VN, trừ những khu vực không cho phép người nước ngoài cư trú như khu vực liên quan đến bí mật quốc gia, an ninh quốc phòng
– Quyền hành nghề: người nước ngoài được quyền tự do chọn nghề nghiệp trong khuôn khổ PL, người nước ngoài không được phép hành nghề trong lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc phòng, bí mật quốc gia, không được làm công chức, viên chức nhà nước, không được hành nghề công chứng, nghề khắc dấu, không được làm Tổng biên tập báo chí, Tổng giám đốc đài phát thanh, truyền hình, …
– Quyền sở hữu và thừa kế: như công dân VN
– Quyền được học tập: trẻ em, công dân nước ngoài được đảm bảo quyền được học tập tại VN như công dân VN, trừ một số trường liên quan đến an ninh, quốc phòng
– Quyền tác giả và sở hữu công nghiệp
– Các quyền và nghĩa vụ trong hôn nhân và gia đình
– Quyền bảo vệ sức khỏe
– Quyền tố tụng dân sự
II. Pháp nhân nước ngoài
1. Khái niệm
– Pháp nhân là 1 tổ chức do NN thành lập hoặc thừa nhận và có tư cách pháp lý để tham gia vào các quan hệ PL
– Pháp nhân nước ngoài là pháp nhân mang quốc tịch nước ngoài
– Chú ý: công ty 100% vốn nước ngoài tại VN là pháp nhân VN, không phải pháp nhân nước người. VD Coca Cola Việt Nam, Toyota Việt Nam, …
Văn phòng đại diện, Chi nhánh tại VN của các doanh nghiệp nước ngoài không phải là pháp nhân nước ngoài, vì Văn phòng đại diện, Chi nhánh không phải là pháp nhân, mà chỉ có chức năng đại diện cho doanh nghiệp nước ngoài
(sự khác nhau lớn nhất giữa chi nhánh và văn phòng đại diện là Chi nhánh có quyền kinh doanh, Văn phòng đại diện không có quyền kinh doanh)
– Xác định quốc tịch của pháp nhân: các nước có căn cứ riêng để xác định quốc tịch của pháp nhân, có thể căn cứ vào:
+ nơi thành lập: theo luật của Anh, Mỹ
+ nơi kinh doanh chủ yếu: theo luật của Pháp, Đức
+ nơi đặt trụ sở chính: theo luật của Nga, các nước Đông Âu
– Tại VN, quốc tịch của pháp nhân được quy định tại Khoản 1 Điều 676 Luật dân sự 2015: Quốc tịch của pháp nhân được xác định theo pháp luật của nước nơi pháp nhân thành lập.
Câu hỏi: Có tình trạng pháp nhân không có quốc tịch không ?
Trả lời: Không thể xảy ra hiện tượng pháp nhân không có quốc tịch, vì pháp nhân phải do 1 nhà nước “sinh ra”. Với cá nhân thì có thể xảy ra hiện tượng cá nhân không có quốc tịch vì cá nhân do bố mẹ sinh học sinh ra, mà có thể xảy ra trường hợp cả bố và mẹ của cá nhân đó đều không có quốc tịch.
Câu hỏi: Có thể xảy ra việc pháp nhân có nhiều quốc tịch ?
Trả lời: Không thể xảy ra hiện tượng 1 pháp nhân có nhiều quốc tịch
——————–
Ngày 16/02/2017
Giảng viên: cô Nguyễn Hồng Bắc (TS)
(tiếp bài trước)
2. Xác định quốc tịch của pháp nhân
– Ở VN, quốc tịch của pháp nhân được xác định theo PL của nơi thành lập pháp nhân (khoản 1 Điều 676 Luật dân sự 2015)
– Mục đích của việc xác định quốc tịch của pháp nhân: nhằm xác định luật của nước mà pháp nhân có quốc tịch để xem xét luật đó điều chỉnh các vấn đề:
+ tư cách chủ thể của pháp nhân
+ cơ cấu tổ chức nội bộ của pháp nhân
+ tài sản của pháp nhân khi giải thể
+ chấm dứt hoạt động của pháp nhân
Ở VN, những điều này được quy định tại Khoản 2 Điều 676 Luật dân sự 2015: Năng lực PL dân sự của pháp nhân; tên gọi của pháp nhân; đại diện theo PL của pháp nhân; việc tổ chức, tổ chức lại, giải thể pháp nhân; quan hệ giữa pháp nhân với thành viên của pháp nhân; trách nhiệm của pháp nhân và thành viên của pháp nhân đối với các nghĩa vụ của pháp nhân được xác định theo PL của nước mà pháp nhân có quốc tịch.
3. Địa vị pháp lý của pháp nhân
– Đặc điểm: pháp nhân nước ngoài cùng lúc chịu sự điều chỉnh của 2 hệ thống PL:
+ hệ thống PL của nước sở tại
+ hệ thống PL của nước mà pháp nhân có quốc tịch
– Chế độ pháp lý của pháp nhân nước ngoài:
+ chế độ đãi ngộ quốc gia
+ chế độ tối huệ quốc
+ chế độ đãi ngộ đặc biệt: áp dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài
+ chế độ có đi có lại và báo phục quốc
(giống như trong phần Chế độ pháp lý của cá nhân nước ngoài)
Đối xử quốc gia | Đối xử tối huệ quốc | |
Phạm vi áp dụng | Tất cả các quan hệ của TPQT: dân sự, hôn nhân gia đình, lao động, thương mại, tố tụng dân sự | Chủ yếu trong thương mại và hàng hải |
Được ghi nhận trong | Pháp luật quốc gia, Điều ước quốc tế | Điều ước quốc tế |
Chủ thể áp dụng | Thể nhân nước ngoài là chủ yếu, cũng có thể áp dụng cho pháp nhân nước ngoài | Chủ yếu là pháp nhân nước ngoài, cũng có thể áp dụng cho thể nhân nước ngoài |
Mối quan hệ giữa ai với ai | Giữa thể nhân và pháp nhân nước ngoài với thể nhân và pháp nhân nước sở tại | Giữa thể nhân và pháp nhân các nước ngoài cùng cư trú trên nước sở tại với nhau |
III. Quốc gia nước ngoài
1. Quốc gia – chủ thể đặc biệt của tư pháp quốc tế
– Vì sao quốc gia là chủ thể đặc biệt của tư pháp quốc tế ? Bởi vì 2 lý do:
+ vì quốc gia chỉ tham gia vào 1 số ít quan hệ đặc biệt thuộc đối tượng điều chỉnh của TPQT, như quan hệ thừa kế với tài sản không có người thừa kế; quốc gia phát hành trái phiếu quốc tế; quốc gia tham gia vào ký kết 1 số hợp đồng
VD: 1 công dân VN sinh sống tại Mỹ và sở hữu tài sản tại Mỹ, khi chết người này không có người thừa kế ==> tài sản đó thuộc về NN VN
+ quốc gia được miễn trừ tư pháp khi tham gia vào các quan hệ trong TPQT: có điều này là xuất phát từ nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia của công pháp quốc tế (tức là không thể có chuyện 1 quốc gia xét xử 1 quốc gia khác). Nghĩa và khi tham gia vào quan hệ dân sự với 1 quốc gia, thì thể nhân hay pháp nhân nước ngoài không được phép đệ đơn kiện quốc gia đó tại bất kỳ tòa án nào, kể cả tại tòa án của chính quốc gia đó, trừ khi quốc gia đó cho phép (gọi là trường hợp quốc gia tự nguyện từ bỏ quyền miễn trừ tư pháp), các tranh chấp phải được giải quyết bằng thương lượng trực tiếp hoặc thông qua con đường ngoại giao giữa các quốc gia.
Hiện nay có 2 quan điểm về quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia:
- Miễn trừ tư pháp tuyệt đối: quốc gia khi tham gia vào quan hệ TPQT sẽ được miễn trừ tư pháp trong mọi trường hợp. Đây là quan điểm của các nước xã hội chủ nghĩa.
- Miễn trừ tư pháp tương đối: (là quan điểm của các nước tư bản chủ nghĩa) còn gọi là thuyết miễn trừ theo chức năng, theo đó có 2 trường hợp của quốc gia khi tham gia vào quan hệ TPQT:
- Quốc gia tham gia quan hệ TPQT với tư cách nhà nước: được miễn trừ tư pháp
- Quốc gia tham gia quan hệ TPQT với tư cách chủ thể của dân luật: không được miễn trừ tư pháp (VD quốc gia tiến hành trực tiếp các hoạt động thương mại, như việc quốc gia trực tiếp ký hợp đồng)
Việt Nam hiện nay đang theo hướng quốc gia được quyền miễn trừ tư pháp tương đối (theo xu thế hội nhập thế giới, bắt đầu từ 1986 khi VN bắt đầu hội nhập với khu vực và thế giới). Bởi vì khi hội nhập kinh tế thế giới, nếu bảo lưu quyền miễn trừ tư pháp tuyệt đối của quốc gia thì sẽ không có nhà đầu tư, đối tác dám hợp tác với VN. Điều này được thể hiện tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định 60-CP ngày 06/06/1997 của Chính phủ: Tài sản của Nhà nước CHXHCN VN được hưởng quyền miễn trừ tư pháp, nếu sử dụng vào mục đích kinh doanh thì không được hưởng quyền miễn trừ tư pháp.
2. Nội dung của quyền miễn trừ tư pháp quốc gia
a. Quyền miễn trừ về xét xử
– Nếu không có sự đồng ý của quốc gia, thì không thể có cơ quan, tổ chức nào được khởi kiện quốc gia trước tòa án nước ngoài
– Nếu tòa án nước ngoài xét xử quốc gia thì bản án đó sẽ không có giá trị pháp lý
– Quốc gia không thể bị xét xử trước bất kỳ tòa án nước ngoài nào
Chú ý: “quốc gia” ở đây hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm quốc gia, chính phủ, các cơ quan, bộ phận của quốc gia
b. Quyền miễn trừ thi hành án
– Nếu không có sự đồng ý của quốc gia thì không có cơ quan, tổ chức nào buộc quốc gia phải thi hành án chống lại quốc gia đó (đây là trường hợp quốc gia đó chấp nhận tham gia xét xử với tư cách bị đơn)
c. Quyền miễn trừ để đảm bảo trình tự sơ bộ vụ kiện
– Nếu quốc gia đồng ý cho tòa án nước ngoài xét xử vụ tranh chấp mà quốc gia là bị đơn, thì tòa án nước ngoài được xét xử, nhưng không được phép áp dụng các biện pháp cưỡng chế đảm bảo sơ bộ với đơn kiện hoặc bảo đảm thi hành phán quyết của tòa.
Tòa án nước ngoài chỉ được phép áp dụng các biện pháp cưỡng chế đó nếu quốc gia cho phép.
d. Quyền miễn trừ tài sản quốc gia ở nước ngoài
– Nếu không có sự đồng ý của quốc gia thì không có cơ quan, tổ chức nào được bắt giữ, tịch thu, kê biên, bán đấu giá, … tài sản của quốc gia đó.
– Tài sản quốc gia ở nước ngoài:
+ tài sản mà quốc gia giao quyền quản lý cho cơ quan đại diện quốc gia ở nước ngoài: như trụ sở, trang thiết bị, hồ sơ tài liệu của đại sứ quán, lãnh sự quán
+ tài sản khác: tài sản của chính quyền cũ để ở nước ngoài mà nay chính quyền mới kế thừa; tài sản của thể nhân, pháp nhân đã được quốc hữu hóa nhưng vẫn còn để ở nước ngoài; tài sản quốc gia mang ra nước ngoài để triển lãm, trưng bày;…
Câu hỏi: Có khi nào quốc gia bị đưa ra xét xử hay bị cưỡng chế thi hành án ?
Trả lời: Có. Đó là trường hợp quốc gia tự nguyện từ bỏ (một phần hoặc toàn bộ) quyền miễn trừ tư pháp. Có 2 cách thể hiện việc quốc gia từ bỏ quyền miễn trừ tư pháp:
+ thể hiện rõ ràng bằng văn bản (gọi là từ bỏ minh thị): ví dụ tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định 60-CP ngày 06/06/1997 của Chính phủ: Tài sản của Nhà nước CHXHCN VN được hưởng quyền miễn trừ tư pháp, nếu sử dụng vào mục đích kinh doanh thì không được hưởng quyền miễn trừ tư pháp.
+ không thể hiện bằng văn bản, nhưng qua hành động có thể suy diễn được (gọi là từ bỏ mặc thị): ví dụ trong Điều 14 Luật đầu tư 2014: Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam. Ở đây không tuyên bố rõ ràng từ bỏ quyền miễn trừ tư pháp nhưng thông qua hành động chấp nhận thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài hoặc Tòa án thì đã “ngầm” từ bỏ quyền miễn trừ tư pháp của quốc gia (hay cơ quan NN).
Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Tư pháp quốc tế: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-tu-phap-quoc-te?ref=lnpc
Mời bạn xem thêm: