fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài giảng môn học Công pháp quốc tế chương I

Bài giảng môn học Công pháp quốc tế chương I cung cấp cái nhìn tổng quan về khái niệm, lịch sử hình thành và phát triển của Luật Quốc tế. Chương này giúp người học hiểu rõ bản chất, vai trò và tầm quan trọng của Luật Quốc tế trong việc điều chỉnh các quan hệ giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế. Đồng thời, bài giảng còn khám phá quá trình hình thành và những bước phát triển chính của Luật Quốc tế qua các giai đoạn lịch sử, từ khi xuất hiện các quy tắc sơ khai đến hệ thống pháp luật toàn cầu ngày nay.

Bài giảng môn học Công pháp quốc tế chương I

Chương 1: Khái niệm, lịch sử hình thành và phát triển của Luật Quốc tế

I. Khái niệm

1. Định nghĩa

NN ra đời để thực hiện 02 chức năng:

  • Đối nội: thực hiện các chức năng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, điều chỉnh các quan hệ giữa các cá nhân và pháp nhân, giữa cá nhân với NN trong phạm vi lãnh thổ quốc gia ==> sử dụng hệ thống PL quốc gia
  • Đối ngoại: quan hệ với các quốc gia khác, các tổ chức quốc tế ==> sử dụng hệ thống PL quốc tế

ĐN: Công pháp Quốc tế, hay Luật Quốc tế được hiểu là hệ thống các nguyên tắc, quy phạm PL do các quốc gia và các chủ thể khác của luật Quốc tế thỏa thuận xây dựng nên trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng nhằm điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh giữa các quốc gia và các chủ thể đó trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế.

2. Các đặc trưng cơ bản của luật Quốc tế

a. Về đối tượng điều chỉnh

Luật Quốc tế chỉ điều chỉnh mối quan hệ giữa các quốc gia và các chính phủ, không điều chỉnh các mối quan hệ giữa các cá nhân và pháp nhân có yếu tố nước ngoài.

VD: người VN kết hôn với người nước ngoài, doanh nghiệp VN ký kết hợp đồng với doanh nghiệp nước ngoài đều không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật Quốc tế (mà thuộc đối tượng điều chỉnh của luật hôn nhân gia đình, luật thương mại, ở mục có yếu tố nước ngoài)

Chú ý: trong một số trường hợp đặc biệt thì cá nhân hay pháp nhân có thể tham gia vào quan hệ PL luật Quốc tế, VD trong liên minh EU cho phép cá nhân có quyền khởi kiện các quốc gia, chẳng hạn khi quốc gia đó không đảm bảo quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên cá nhân hay pháp nhân đó không được coi là chủ thể của luật Quốc tế

b. Về chủ thể

Một thực thể được coi là chủ thể của luật Quốc tế nếu thỏa mãn các yếu tố:

  • Có tham gia vào các quan hệ PL quốc tế
  • Có quyền và khả năng gánh vác nghĩa vụ quốc tế một cách độc lập
  • Có khả năng gánh vác các trách nhiệm pháp lý quốc tế phát sinh từ chính hành vi của chủ thể đó

Chủ thể của luật Quốc tế bao gồm:

  • Các quốc gia
  • Các tổ chức quốc tế liên chính phủ
  • Các dân tộc đang đấu tranh giành quyền tự quyết
  • Một số chủ thể đặc biệt: Hồng Kông, Macau, Đài Loan, tòa thánh Vatican, …

(1) Chủ thể: Quốc gia

Là chủ thể cơ bản và chủ yếu của luật Quốc tế

Một thực thể được coi là 1 quốc gia khi có đủ 04 yếu tố:

  • Có lãnh thổ xác định
  • Có dân cư ổn định
  • Có bộ máy quyền lực NN (chính phủ)
  • Có khả năng độc lập khi tham gia vào các quan hệ PL quốc tế

Chủ quyền quốc gia: là thuộc tính chính trị, pháp lý tự nhiên, vốn có của quốc gia, bao gồm quyền tối cao của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ và quyền độc lập trong quan hệ quốc tế.

Tức là khi đã là quốc gia thì sẽ có chủ quyền, được thể hiện qua 2 khía cạnh:

  • Quyền tối cao trong phạm vi lãnh thổ: quốc gia có toàn quyền thiết lập thể chế chính trị, chế độ xã hội, có toàn quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trong phạm vi lãnh thổ của mình mà không bị các quốc gia khác tác động
  • Quyền độc lập trong quan hệ quốc tế: có toàn quyền trong việc quyết định sẽ quan hệ với ai, ký kết các điều ước quốc tế nào, ở lĩnh vực nào, mức độ đến đâu, … hoàn toàn chỉ phụ thuộc vào ý chí của quốc gia đó mà không bị tác động của bên ngoài

Chú ý: chủ quyền dân tộc là khái niệm hẹp hơn so với chủ quyền quốc gia, chủ quyền dân tộc là việc dân tộc tự quyết định vận mệnh của mình.

Chú ý: Đài Loan không phải là quốc gia vì Đài Loan không có lãnh thổ xác định (về mặt pháp lý thì đảo Đài Loan vẫn thuộc về Trung Quốc), mặc dù 3 yếu tố còn lại đều đáp ứng.

Đôi khi vẫn gặp thông tin “Vatican là quốc gia nhỏ nhất thế giới”, tuy nhiên thực chất Vatican không phải là 1 quốc gia, vì không có lãnh thổ xác định (vẫn thuộc Italia). Mặt khác, dân cư Vatican không ổn định, vì khi 1 người từ 1 quốc gia đến Vatican làm việc (VD mục đích tôn giáo) thì ngay lập tức họ được cấp quốc tịch Vatican trong khi quốc tịch của họ vẫn còn, và khi kết thúc công việc, họ rời khỏi Vatican thì ngay lập tức cũng không còn quốc tịch Vatican. Ngoài ra Vatican cũng không có bộ máy quyền lực NN, mà chỉ có các thiết chế tôn giáo. Tuy nhiên Vatican vẫn có tư cách độc lập khi tham gia vào các quan hệ PL quốc tế.

Chú ý: vấn đề công nhận quốc gia. Hiện vẫn còn có tranh luận về việc 1 thực thể đáp ứng đầy đủ 4 yếu tố trên thì có được coi là quốc gia không, việc không được các quốc gia khác công nhận sẽ ra sao (VD trường hợp VN năm 1945 chưa được quốc gia nào công nhận, đến tận năm 1979 mới được gia nhập Liên hợp quốc) ? Hiện có 2 học thuyết:

  • Thuyết Cấu thành: 1 thực thể khi đã có đủ 4 yếu tố trên sẽ trở thành 1 quốc gia khi được hầu hết các quốc gia khác công nhận
  • Thuyết Tuyên bố: 1 thực thể đáp ứng đủ 4 yếu tố trên thì sẽ thành 1 quốc gia, không cần biết các quốc gia khác có công nhận hay không (quan điểm của VN theo thuyết Tuyên bố)
Bài giảng môn học Công pháp quốc tế chương I
Bài giảng môn học Công pháp quốc tế chương I

Công nhận: là hành vi chính trị pháp lý của quốc gia nhằm công nhận chủ thể mới ra đời của luật Quốc tế, thể hiện quan điểm muốn thiết lập quan hệ một cách toàn diện và đầy đủ với chủ thể / quốc gia đó.

Tính chính trị và tính pháp lý của việc công nhận quốc gia thể hiện ở:

Việc công nhận hay không công nhận 1 quốc gia không có ý nghĩa quyết định tới tư cách chủ thể luật Quốc tế của quốc gia mới ra đời. (==> tính pháp lý)

Tuy nhiên việc không được công nhận sẽ có ảnh hưởng đến việc quan hệ quốc tế của quốc gia đó. VD trường hợp VN do không được công nhận nên không thể tham gia Liên hợp quốc (cho đến năm 1979, trước đó VN được xếp vào nhóm “các dân tộc đang đấu tranh giành quyền tự quyết”)

Việc 1 quốc gia mới ra đời cũng không đặt ra nghĩa vụ cho các quốc gia đã tồn tại phải tiến hành công nhận quốc gia đó. (==> tính chính trị)

==> việc 1 quốc gia công nhận 1 quốc gia khác (mới thành lập) phụ thuộc vào lợi ích của việc công nhận quốc gia đó (nếu tôi công nhận anh thì tôi sẽ được lợi gì và có thể có bất lợi gì)

VD với trường hợp Đài Loan hiện nay, rất nhiều quốc gia đã công nhận Đài Loan là 1 quốc gia (các quốc gia phương Tây), trong khi cũng có nhiều quốc gia khác không coi Đài Loan là 1 quốc gia (các quốc gia chịu ảnh hưởng của Trung Quốc như VN, Lào, Campuchia, …)

Các thể loại công nhận: 2 thể loại

  • Công nhận quốc gia: quốc gia được thành lập theo 2 con đường:
  • Cách cổ điển: có 1 vùng lãnh thổ, con người đến ở, xã hội hình thành và phát triển đến mức thành lập quốc gia. (Hiện nay thì không còn quốc gia nào hình thành bằng con đường này, lý do vì tất cả các vùng lãnh thổ trên thế giới đều thuộc về 1 quốc gia nào đó)
  • Thông qua cách mạng xã hội: ví dụ VN năm 1945 được hình thành sau CM tháng 8 (trước đó được xếp vào nhóm Các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập) ==> đặt ra vấn đề công nhận từ các quốc gia khác
  • Công nhận chính phủ: chính phủ là đại diện cho quốc gia, việc công nhận 1 chính phủ tức là thừa nhận sự hơp pháp của chính phủ đó. Vấn đề công nhận chính phủ thường được đặt ra khi chính phủ được thành lập theo con đường không hợp hiến (de-facto), tức là chính phủ vi hiến (không được thành lập theo Hiến pháp của quốc gia đó, VD gần đây chính phủ quân sự ở Thái Lan được thành lập sau cuộc đảo chính). Ngược lại là chính phủ hợp hiến (được thành lập theo Hiến pháp) thì sẽ không đặt ra vấn đề phải công nhận.

Điều kiện để 1 chính phủ vi hiến được công nhận:

  • Chính phủ đó được đa số cư dân quốc gia đó thừa nhận, ủng hộ
  • Chính phủ đó phải đã và đang thiết lập quyền kiểm soát một cách thực sự trên toàn bộ phạm vi lãnh thổ quốc gia đó
  • Chính phủ đó phải có khả năng kiểm soát lãnh thổ quốc gia đó 1 cách lâu dài

Cách thức công nhận: thông thường nhất là gửi điện chúc mừng Chính phủ

Các hình thức công nhận: 03 hình thức

  • Công nhận de-jure: là hình thức công nhận đầy đủ, chính thức và toàn diện nhất, thể hiện mong muốn thiết lập quan hệ toàn diện, chính thức và đầy đủ giữa 2 quốc gia
  • Công nhận de-facto: là hình thức công nhận chính thức nhưng chưa đầy đủ, thể hiện thái độ thận trọng của quốc gia công nhận đối với các diễn biến tiếp theo của chủ thể mới (tức là công nhận từng phần, có thể dẫn tới công nhận de-jure hoặc không công nhận nữa)
  • Công nhận ad-hoc: tức là công nhận theo vụ việc. Chưa công nhận nhưng trong từng vụ việc cụ thể thì sẽ công nhận. VD chỉ công nhận là quốc gia trong hợp tác thương mại

Các phương pháp công nhận: 2 phương pháp

  • Công nhận minh thị: là hình thức công nhận công khai, minh bạch, như gửi điện chúc mừng, tuyên bố, hoặc bằng các văn bản thể hiện rõ ràng việc công nhận quốc gia đó
  • Công nhận mặc thị: không công nhận một cách công khai, mà bằng những hành động cụ thể để có thể duy diễn rằng đã công nhận

Kế thừa quốc gia: là việc 1 quốc gia thay thế cho 1 quốc gia khác trong vấn đề thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý quốc tế.

Kế thừa quốc gia được đặt ra khi có sự thay đổi về chủ quyền quốc gia một cách tuyệt đối, gồm:

  • Thành lập quốc gia sau cách mạng xã hội, VD Liên Xô
  • Thành lập quốc gia sau cách mạng giải phóng dân tộc như VN, Lào, Campuchia
  • Thành lập quốc gia sau khi chia tách, sáp nhập

Nội dung kế thừa:

  • Kế thừa về lãnh thổ quốc gia: kể cả trường hợp lãnh thổ quốc gia bị chiếm đóng bất hợp pháp thì quốc gia kế thừa vẫn có chủ quyền với phần lãnh thổ đó
  • Kế thừa về tài sản quốc gia
  • Kế thừa quyền và nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế: các quốc gia mới thành lập có quyền kế thừa hoặc không kế thừa các điều ước quốc tế mà quốc gia trước đây tham gia, có thể kế thừa toàn bộ hoặc kế thừa có chọn lọc những điều ước quốc tế phù hợp với quốc gia mới thành lập. Tuy nhiên theo Công ước Viên 1978 thì với điều ước quốc tế về Biên giới lãnh thổ thì quốc gia mới thành lập bắt buộc phải kế thừa.

Thực tế: năm 1945 Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, trong đó tuyên bố “bãi bỏ tất cả các điều ước quốc tế mà Pháp đã ký liên quan đến VN”, nhưng đến năm 1999, khi đàm phán với Trung Quốc về việc phân chia biên giới trên bộ thì VN lại đề nghị 2 bên tuân thủ theo Hiệp ước Pháp – Thanh 1858 về phân định biên giới trên bộ Việt Nam – Trung Quốc

Kế thừa về quy chế thành viên trong các điều ước quốc tế: chưa có quy định cụ thể, hiện thay thông thường các tổ chức quốc tế sẽ kết nạp quốc gia mới thành lập như 1 thành viên mới

(2) Chủ thể: các tổ chức quốc tế liên chính phủ

Là chủ thể hạn chế và phái sinh.

Câu hỏi: Vì sao nói quyền năng của tổ chức quốc tế liên chính phủ là hạn chế và phái sinh ?

Khác với chủ thể quốc gia là loại chủ thể cơ bản và chủ yếu của luật Quốc tế, vì tất cả các quan hệ PL quốc tế ban đầu đều do các quốc gia đặt ra, các quốc gia đóng vai trò trung tâm trong PL quốc tế, quốc gia là thực thể có quyền năng cơ bản và đầy đủ nhất (xuất phát từ thuộc tính chủ quyền quốc gia), cứ có đầy đủ 4 yếu tổ là trở thành quốc gia và có đầy đủ quyền năng tham gia vào các quan hệ luật quốc tế mà chỉ phụ thuộc vào ý chí của chính quốc gia đó.

Tổ chức quốc tế liên chính phủ không có quyền năng như quốc gia, mà quyền năng chủ thể của tổ chức liên chính phủ do các quốc gia thành viên tự hạn chế 1 phần quyền năng chủ thể của mình để trao cho tổ chức quốc tế liên chính phủ để đại diện cho các quốc gia thành viên để tham gia các quan hệ PL quốc tế. Do đó quyền năng của tổ chức quốc tế không phải do tự thân mà có ==> quyền năng phái sinh.

Khác với quốc gia có thể tham gia bất kỳ quan hệ quốc tế trên bất kỳ lĩnh vực nào (chính trị, quân sự, kinh tế, tôn giáo, văn hóa, …), thì 1 tổ chức quốc tế chỉ tham gia vào 1 hoặc 1 số lĩnh vực nhất định, ví dụ WTO chỉ tham gia trên lĩnh vực thương mại, NATO chỉ hoạt động trên lĩnh vực quân sự, Liên hợp quốc chỉ hoạt động trên lĩnh vực duy trì hòa bình và an ninh trên thế giới, ASEAN chỉ hoạt động trên lĩnh vực kinh tế và chính trị. Quyền năng của tổ chức quốc tế khi tham gia quan hệ quốc tế hoàn toàn phụ thuộc vào các quốc gia thành viên ==> quyền năng hạn chế.

Tổ chức quốc tế liên chính phủ là thực thể liên kết giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế trên cơ sở 1 điều ước quốc tế nhằm hoạt động theo đúng mục đích và tôn chỉ của tổ chức đó.

Chú ý: chỉ có tổ chức quốc tế liên chính phủ mới là chủ thể của luật Quốc tế, còn tổ chức quốc tế phi chính phủ không phải là chủ thể của luật Quốc tế.

Phân biệt tổ chức quốc tế liên chính phủ và tổ chức quốc tế phi chính phủ:

 Tổ chức quốc tế liên chính phủTổ chức quốc tế phi chính phủ
Ví dụLiên hợp quốc, Liên minh Châu Âu, Khối quân sự bắc đại tây dương (NATO)Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), Hội chữ thập đỏ quốc tế
Mục đíchHoạt động vì mục đích chính trị, kinh tếPhi lợi nhuận, thường vì mục đích nhân đạo
Thành viênLà các quốc gia, trong 1 số trường hợp đặc biệt thì tổ chức liên chính phủ này có thể là thành viên của tổ chức liên chính phủ khác, VD liên minh châu Âu (EU) là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO)Thường là cá nhân, pháp nhân
Bộ máy tổ chứcCó bộ máy, cơ quan để duy trì hoạt động thường xuyên của tổ chức, thường gồm cơ quan đoàn thể, cơ quan đại diện, ủy ban thư ký, …Không có bộ máy, cơ quan như tổ chức liên chính phủ

(3) Chủ thể: các dân tộc đang đấu tranh giành quyền tự quyết

Hiện tại (năm 2016) trên thế giới chỉ còn duy nhất 1 chủ thể loại này là Palestin (liên hợp quốc đã trao cho Palesin quy chế Nhà nước quan sát viên)

Với chủ thể này, do không phải là quốc gia nên không có chủ quyền quốc gia, mà chỉ có chủ quyền dân tộc.

Chủ quyền dân tộc hạn chế so với chủ quyền quốc gia, các dân tộc đang đấu tranh giành quyền tự quyết có các quyền năng:

  • Được PL quốc tế bảo vệ
  • Được nhận trợ giúp từ các quốc gia khác
  • Có quyền đưa ra các quan điểm chính trị và tự quyết về vận mệnh dân tộc mình, trong đó có cả quyền quyết định sử dụng sức mạnh vũ trang để đấu tranh giành độc lập tự do
  • Có quyền thiết lập quan hệ với các chủ thể của luật quốc tế khác

(4) Chủ thể đặc biệt: Hồng Kông, Macau, Đài Loan, tòa thánh Vatican, …

Chú ý: riêng với trường hợp Đài Loan thì trên thế giới chưa có quan điểm thống nhất, một số quốc gia đã công nhận Đài Loan là 1 quốc gia (như các quốc gia châu Âu), một số quốc gia khác không công nhận Đài Loan là 1 quốc gia. Thực tế trong nhiều tổ chức quốc tế thì cả Đài Loan và Trung Quốc đều là thành viên (như WTO)

c. Đặc trưng về sự hình thành luật quốc tế

– Thỏa thuận là con đường duy nhất để hình thành nên các quy phạm PL quốc tế. Khác với luật quốc gia do cơ quan quyền lực NN ban hành.

Luật quốc tế đa phần gồm các quy phạm tùy nghi, khác với luật quốc gia đa phần là quy phạm mệnh lệnh. Vì luật quốc gia là ý chí của giai cấp thống trị, còn luật quốc tế được hình thành trên con đường thỏa thuận, không có quốc gia nào đứng trên quốc gia nào

– Đặc trưng về sự thực thi luật Quốc tế: luật Quốc tế khác với luật quốc gia ở chỗ luật Quốc tế không có hệ thống các cơ quan để cưỡng chế thi hành PL. Các quy phạm PL quốc tế được đảm bảo thi hành trên cơ sở cơ chế tự cưỡng chế. Tự cưỡng chế ở đây không phải là “tự tôi cưỡng chế tôi”, mà trong quan hệ giữa các chủ thể với nhau thì các chủ thể tự cưỡng chế nhau để luật quốc tế được thi hành. Có 2 hình thức tự cưỡng chế:

+ cưỡng chế riêng lẻ: trong quan hệ song phương giữa 2 quốc gia thì các quốc gia tự áp dụng các phương pháp để buộc bên kia phải thi hành

+ cưỡng chế tập thể: trong khuôn khổ các điều ước quốc tế đa phương, nếu 1 bên không tuân thủ thì các bên còn lại sẽ áp dụng các biện pháp để buộc bên đó phải tuân thủ

Khác với luật quốc gia có hệ thống các cơ quan cưỡng chế thi hành như tòa án, viện kiểm sát, công án, cảnh sát, …

Câu hỏi: với cơ chế tự cưỡng chế thì phải chăng luật quốc tế chỉ mang tính hình thức ?

Trả lời (tự trả lời): khi 1 quốc gia vi phạm luật quốc tế thì sẽ bị dư luận quốc tế lên án. Mặc dù dư luận quốc tế không có tính cưỡng chế nhưng gây ảnh hưởng lớn đối với quốc gia bị lên án (tương tự như dư luận xã hội trong quốc gia tuy không có tính cưỡng chế bắt buộc nhưng tác động lên đối tượng còn hơn của sự trừng phạt của PL). Thực tế lịch sử cho thấy trong các tranh chấp quốc tế, nhất là giữa quốc gia “nhỏ” với cường quốc, thì dù cường quốc có “thua” thì cường quốc cũng không bao giờ thừa nhận “thua”, tuy nhiên cường quốc sẽ tìm cách cách khác để “bồi thường, bù đắp” cho nước nhỏ. Ví dụ trường hợp Nicaragua kiện Mỹ năm 1986 ra Tòa án Công lý quốc tế, Mỹ bị xử thua và phải bồi thường, Mỹ tuyên bố bác bỏ phán quyết của tòa, nhưng sau đó Mỹ dùng biện pháp viện trợ như 1 cách khác để bồi thường cho Nicaragua. Hoặc với trường hợp Hội bảo vệ nạn nhân chất độc da cam của Việt Nam kiện các công ty hóa chất, quân sự của Mỹ, dù không được phía Mỹ thừa nhận, nhưng phía Mỹ thông qua nhiều tổ chức nhân đạo, giáo dục, y tế đã hỗ trợ cho VN rất nhiều (như chương trình học bổng Fullbright).

II. Quy phạm pháp luật luật Quốc tế

1. Định nghĩa

– Cũng giống như hệ thống PL quốc gia, quy phạm PL luật Quốc tế là thành tố nhỏ nhất tạo nên hệ thống PL Quốc tế

– Quy phạm PL luật Quốc tế là những quy tắc xử sự do các quốc gia và các chủ thể của luật Quốc tế thỏa thuận xây dựng nên nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa các quốc gia và các chủ thể đó.

2. Phân loại

a. Căn cứ vào giá trị hiệu lực

– Quy phạm mệnh lệnh (jus cogens): là những quy phạm mang tính chất chủ đạo, bao trùm và có giá trị bắt buộc chung đối với mọi chủ thể trong mọi lĩnh vực. Quy phạm jus cogens được coi là thước đo tính hợp pháp của tất cả các nguyên tắc và quy phạm PL luật quốc tế

– Quy phạm thông thường (hay quy phạm tùy nghi): là những quy phạm PL có giá trị pháp lý bắt buộc đối với các chủ thể luật Quốc tế, nhưng trong giới hạn cho phép thì các chủ thể có thể thỏa thuận và áp dụng khác. (khác với quy phạm mệnh lệnh là các bên không được phép thỏa thuận khác với quy định)

Chú ý: quy phạm tùy nghi trong luật quốc tế khác với quy phạm tùy nghi trong luật quốc gia. Ví dụ:

+ Các quốc gia có quyền tuyên bố lãnh hải quốc gia mình không quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở ==> quy phạm tùy nghi

+ Cấm sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế ==> quy phạm mệnh lệnh

+ Tại vùng trời quốc gia, mọi sự ra vào của tàu bay nước ngoài đều phải xin phép ==> quy phạm tùy nghi (vì các quốc gia có thể thỏa thuận với nhau về việc xin phép như thế nào)

==> phân biệt quy phạm mệnh lệnh và quy phạm tùy nghi bằng cách quy phạm mệnh lệnh không cho phép các chủ thể có bất kỳ sự thỏa thuận nào khác với quy phạm, còn quy phạm tùy nghi thì các chủ thể có thể thỏa thuận khác với quy phạm (nhưng phải trong giới hạn cho phép).

Trong hệ thống luật Quốc tế, có rất ít quy phạm mệnh lệnh mà chủ yếu là quy phạm tùy nghi (do tính chất thỏa thuận của luật quốc tế trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng giữa các quốc gia). Ngược lại với luật quốc gia thì đa phần là quy phạm mệnh mệnh, rất ít quy phạm tùy nghi.

– Quy phạm mệnh lệnh trong hệ thống luật quốc tế chỉ bao gồm 2 nhóm:

+ nhóm 7 nguyên tắc cơ bản của luật Quốc tế,

+ nhóm các quy phạm của luật Quốc tế trong vấn đề bảo đảm các quyền cơ bản của con người

b. Căn cứ vào hình thức tồn tại

– Quy phạm điều ước quốc tế: tồn tại ở dạng văn bản

– Quy phạm tập quán quốc tế: tồn tại ở dạng phi văn bản

III. Mối quan hệ giữa luật quốc tế và luật quốc gia

Trong lịch sử tồn tại 2 học thuyết chính:

– Thuyết nhất nguyên: coi PL là 1 hệ thống duy nhất, gồm 2 bộ phận là PL quốc gia và PL quốc tế. Chia làm 2 phái:

+ ưu tiên PL quốc tế

+ ưu tiên PL quốc gia

– Thuyết nhị nguyên: coi PL quốc gia và PL quốc tế là 2 hệ thống PL độc lập, trong đó PL quốc gia chỉ điều chỉnh các mối quan hệ trong nội bộ quốc gia, còn PL quốc tế điều chỉnh các mối quan hệ giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ với nhau

Cả 2 học thuyết trên đều không tiến bộ:

+ với thuyết nhất nguyên, thì nếu theo trường phái ưu tiên luật Quốc gia thì sẽ coi quyền lợi quốc gia là tối cao, khi đó luật Quốc tế không còn có giá trị nếu mâu thuẫn với luật Quốc gia. Ở nhánh còn lại, nếu coi luật Quốc tế là tối cao, thì cũng không hợp lý khi các quốc gia mạnh sẽ dễ dàng lấn át các quốc gia yếu hơn (sẽ không còn tuân thủ nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng trong quan hệ quốc tế)

+ với thuyết nhị nguyên: dễ thấy không hợp lý vì dù là luật quốc gia hay luật quốc tế thì cũng đều do 1 chủ thể là quốc gia xây dựng nên để thực hiện chức năng đối nội và đối ngoại của quốc gia, mà 2 chức năng này không thể tách rời nhau

Hiện nay, mối quan hệ giữa luật quốc tế và luật quốc gia được quan niệm như sau:

– Luật quốc tế và luật quốc gia là 2 hệ thống độc lập nhưng có mối quan hệ biện chứng với nhau:

+ luật quốc tế là cơ sở để hình thành và hoàn thiện hệ thống PL của các quốc gia. VD khi 1 quốc gia trở thành thành viên của 1 tổ chức quốc tế, thì quốc gia đó phải rà soát và điều chỉnh lại hệ thống PL của nước mình để phù hợp với luật quốc tế

+ các quy phạm PL quốc gia cũng góp phần hoàn thiện và phát triển hệ thống PL quốc tế. VD hầu hết các tiêu chuẩn về môi trường của PL quốc tế đều xuất phát từ các tiêu chuẩn về môi trường của 1 quốc gia đi tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sau đó được các nước ủng hộ và nâng lên thành luật Quốc tế

Câu hỏi: so sánh luật quốc tế và luật quốc gia

 Luật quốc giaLuật quốc tế
Phạm vi điều chỉnhMối quan hệ giữa cá nhân và pháp nhân trong phạm vi lãnh thổ quốc giaMối quan hệ giữa các quốc gia với nhau
Hình thànhLà ý chí của giai cấp thống trịHình thành bằng con đường thỏa thuận giữa các quốc gia dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện của các quốc gia
Cơ chế cưỡng chếCó hệ thống cơ quan cưỡng chế thi hành PL (tòa án, viện kiểm sát, công an, …)Không có hệ thống cơ quan cưỡng chế thi hành PL (tự cưỡng chế)
Quy phạmChủ yếu là quy phạm mệnh lệnh, rất ít quy phạm tùy nghiChủ yếu là quy phạm tùy nghi, rất ít quy phạm mệnh lệnh

Câu hỏi: nếu có 1 vấn đề phát sinh mà luật quốc gia mâu thuẫn với luật quốc tế thì sẽ xử lý thế nào ?

Trả lời: sẽ ưu tiên áp dụng PL quốc tế. Vì trong mọi văn bản PL của VN đều quy định “trong trường hợp các quy định của luật này trái với các điều ước quốc tế mà VN là thành viên thì ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế”. Đây cũng là quy định chung đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Có điều này là vì xuất phát từ 1 trong các nguyên tắc cơ bản của luật Quốc tế: nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện cam kết quốc tế, trong đó quy định “khi 1 quốc gia là thành viên của 1 tổ chức quốc tế, thì quốc gia đó phải có nghĩa vụ tận tâm, thiện chí thực hiện trung thực, đầy đủ, ngay lập tức tất cả các nghĩa vụ của mình; các quốc gia không được phép viện dẫn sự khác biệt giữa luật trong nước và luật quốc tế để từ chối thực hiện cam kết quốc tế của mình

Chú ý: cần hiểu là luật quốc tế có giá trị ưu tiên thi hành, chứ không phải luật quốc tế có giá trị pháp lý cao hơn luật quốc gia.

Câu hỏi: giữa luật quốc tế và luật quốc gia thì luật nào có giá trị pháp lý cao hơn.

Trả lời: đây là 2 hệ thống PL độc lập nên không thể so sánh hệ thống nào có giá trị pháp lý cao hơn. Trong từng trường hợp cụ thể nếu luật quốc gia và luật quốc tế cùng quy định 1 vấn đề thì sẽ ưu tiên sử dụng luật quốc tế.

Câu hỏi: nếu luật Quốc tế mâu thuẫn với Hiến pháp thì xử lý thế nào ?

Trả lời: Về mối quan hệ giữa luật Quốc tế với Hiến pháp, hiện nay các quốc gia có quan điểm khác nhau: một số quốc gia cho rằng xuất phát từ nguyên tắc tận tâm, thiện chí thực hiện cam kết quốc tế thì luật Quốc tế sẽ được ưu tiên thi hành ngay cả so với Hiến pháp; một số quốc gia khác lại coi luật Quốc tế có giá trị ưu tiên thi hành nhưng vẫn phải ở sau Hiến pháp.

Thực tế Hiến pháp của các quốc gia trên thế giới đều ghi nhận rõ ràng vị trí của luật Quốc tế so với Hiến pháp ở ngay trong văn bản Hiến pháp, trừ Việt Nam.

Lý lẽ của VN khi không đưa quy định về vị trí của luật Quốc tế trong Hiến pháp: VN có các văn bản PL quy định về việc ký kết các điều ước quốc tế (mới nhất là Luật điều ước quốc tế 2016) trong đó nêu rõ khi đàm phán để ký kết các điều ước quốc tế thì phải không được trái với Hiến pháp, do đó ở VN sẽ không có chuyện ký kết điều ước quốc tế trái với Hiến pháp VN

Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Công pháp quốc tế: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-cong-phap-quoc-te?ref=lnpc

Mời bạn xem thêm:

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.