Bài giảng môn học Luật dân sự 2 chương XI: Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng tập trung vào việc phân tích các quy định pháp luật liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Nội dung bài giảng giúp sinh viên hiểu rõ hơn về khái niệm, điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường, cũng như các nguyên tắc và phương thức tính toán thiệt hại. Đây là một chủ đề quan trọng nhằm trang bị kiến thức pháp lý cơ bản để xử lý những tình huống thực tế về tranh chấp và bồi thường trong lĩnh vực dân sự.
Bài giảng môn học Luật dân sự 2 chương XI
1. Khái niệm về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
– Các khái niệm đồng nghĩa:
+ trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng
+ trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng
+ nghĩa vụ bồi thường ngoài hợp đồng
– Khái niệm: là trách nhiệm của cá nhân, pháp nhân phải bồi thường vì hành vi của mình hoặc tài sản của mình gây ra.
– Trách nhiệm = bắt buộc phải bồi thường: thông thường các bên sẽ thỏa thuận để bên gây ra thiệt hại tự nguyện bồi thường theo yêu cầu của người bị hại, nếu không thỏa thuận được thì mới bị cưỡng chế thực hiện bồi thường.
Chú ý: cho dù người gây ra thiệt hại có bị chết thì vẫn phải bồi thường bằng tài sản của mình, bồi thường xong mới được chia thừa kế. VD lái xe gây tai nạn, lái xe chết, nhưng vẫn phải bồi thường, vì hành vi gây ra thiệt hại diễn ra khi anh vẫn còn sống.
– Thời điểm phát sinh trách nhiệm: là thời điểm bắt đầu có hành vi gây thiệt hại.
– Hình thức BTTH: khắc phục thiệt hại, sửa chữa, thay thế, hoặc bồi thường bằng khoản tiền
– Chủ thể nhận bồi thường:
+ người bị hại,
+ người được cấp dưỡng: là thân nhân của người bị hại mà người bị hại đang nuôi dưỡng, cấp dưỡng (con nhỏ, cha mẹ già)
+ người thân thích: nhận bồi thường về tổn thất tinh thần khi thiệt hại đến tính mạng của người bị hại
+ người đã bỏ tiền ra cứu chữa, chăm sóc cho nạn nhân: có quyền đòi người gây thiệt hại thanh toán chi phí
2. Đặc điểm của trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng
– Phát sinh giữa các chủ thể không có quan hệ hợp đồng, hoặc có hợp đồng nhưng không liên quan đến hành vi gây thiệt hại.
VD: thuê thợ điện lạnh đến nhà để sửa tủ lạnh, thợ sửa lợi dụng sơ hở của chủ nhà ăn trộm điện thoại ==> có hợp đồng (sửa tủ lạnh) nhưng hợp đồng không liên quan đến hành vi gây thiệt hại (ăn trộm điện thoại)
VD: A vào cửa hàng của B mua chiếc lọ thủy tinh:
+ trường hợp 1: A hỏi giá, B nói 500k, A nói đắt, đang xem kỹ chiếc lọ thì làm rơi, lọ vỡ
+ trường hợp 2: A hỏi giá, B nói 500k, A mặc cả 400k, B đồng ý, A làm rơi, lọ vỡ
Hỏi A phải bồi thường bao nhiêu ?
+ với trường hợp 1, hợp đồng chưa giao kết, A sẽ phải bồi thường chiếc lọ theo giá thị trường của chiếc lọ đó
+ với trường hợp 2, hợp đồng đã giao kết, A sẽ phải bồi thường 400k
– Nếu PL quy định thì ngay cả không có lỗi vẫn phải bồi thường: là trường hợp cha mẹ BTTH do con chưa thành niên gây ra, hoặc chủ gia súc BTTH do gia súc của mình gây ra (như trâu bò húc người)
Trừ trường hợp:
+ bất khả kháng, không lường trước được, hoặc có lường trước được nhưng không thể ngăn chặn được;
+ do nạn nhân cố ý, VD vì muốn tự tử nên cố ý chạy ra đường đâm vào xe ô tô
Chú ý: luật Dân sự 2015 có những thay đổi rất cơ bản về tính chịu trách nhiệm của NN:
+ trước kia, chỉ dân phải chịu trách nhiệm bồi thường, NN được miễn hầu hết trách nhiệm, VD cây cối của dân đổ, gãy rơi vào xe người khác thì phải bồi thường, nhưng nếu cây của NN thì không phải bồi thường; dân săn bắn voi rừng thì lập tức bị khép tội, trong khi voi rừng xuống phá nhà cửa, thậm chí làm chết người thì dân không được ai bồi thường (trong khi đó là lỗi của NN vì không quản lý được)
+ luật Dân sự 2015 quy định NN cũng phải chịu trách nhiệm như người dân, VD dân có quyền kiện nếu cơ quan NN không làm tròn bổn phận của mình, như không cung cấp đủ nước sạch, đủ điện, …
– Trách nhiệm BTTH phát sinh giữa người phải bồi thường và người bị hại.
Chú ý: người phải bồi thường có thể không phải là người gây ra thiệt hại (như đã phân tích ở trên). VD lái xe cơ quan gây thiệt hại, thì cơ quan sẽ bồi thường chứ không phải lái xe (sau đó cơ quan có thể yêu cầu lái xe bồi thường lại cho cơ quan)
– Trách nhiệm mang tính chất tài sản: cưỡng chế tài sản của bên gây ra thiệt hại để BTTH cho bên bị hại
– Không áp dụng chế độ miễn trách nhiệm bồi thường: khi đã gây ra thiệt hại thì bắt buộc phải bồi thường (việc các bên dân sự có thể thỏa thuận với nhau không cần bồi thường là việc riêng, việc thỏa thuận cá nhân, còn với cơ quan NN thì vẫn bắt bồi thường, tòa án cũng sẽ yêu cầu bồi thường)
3. Điều kiện phát sinh
Có 4 điều kiện phát sinh:
+ có thiệt hại thực tế xảy ra
+ có lỗi của người gây thiệt hại
+ có hành vi trái PL
+ có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái PL và thiệt hại xảy ra
a. Có thiệt hại thực tế xảy ra
– Thiệt hại phải xảy ra trên thực tế, có thể tính toán được thì mới có thể yêu cầu bồi thường.
– Theo tính chất, chia thành 2 loại thiệt hại:
+ thiệt hại trực tiếp: mất mát, hư hỏng tài sản, các chi phí để ngăn chặn, khắc phục các thiệt hại
+ thiệt hại gián tiếp: thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút, lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất
Chú ý: thiệt hại phải có cơ sở xác định chắc chắn, không chấp nhận suy đoán.
VD: xe ô tô đâm chết con bò, chủ con bò bảo đây là con bò cái, nó sẽ sinh ra bê con, nên phải bồi thường cả con bò và con bê ==> không có cơ sở chắc chắn
– Theo đối tượng thiệt hại, chia thành:
+ thiệt hại vật chất: tính toán cụ thể bằng tiền hoặc hiện vật
+ thiệt hại về sức khỏe: là việc bị giảm sút % sức khỏe, thiệt hại gồm chi phí chữa bệnh, thu nhập bị mất, bị giảm sút + bồi thường thiệt hại tinh thần (do thỏa thuận hoặc bằng tối đa 30 tháng lương tối thiểu)
+ thiệt hại về tính mạng: chi phí cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc trước khi chết, chi phí mai táng, chi phí cấp dưỡng cho những người phụ thuộc của người bị hại + bồi thường thiệt hại tinh thần cho những người ở hàng thừa kế thứ 1 của người chết (do thỏa thuận hoặc bằng tối đa 60 tháng lương tối thiểu)
+ thiệt hại về danh dự, uy tín: gồm chi phí để hạn chế, khắc phục + thiệt hại tinh thần (do thỏa thuận hoặc bằng tối đa 10 tháng lương tối thiểu, luật Dân sự 2015 quy định 50 tháng lương tối thiểu)
+ thiệt hại về cơ hội kinh doanh: VD mất hợp đồng (mới có trong Luật Dân sự 2015)
b. Có lỗi của người gây ra thiệt hại
– Lỗi là thái độ tâm lý của người có hành vi gây thiệt hại, phản ánh nhận thức của người đó đối với hành vi và hậu quả của hành vi mà họ thực hiện
– Tuy nhiên, trong dân sự thì dù có lỗi hay không có lỗi, nếu đã gây ra thiệt hại thì đều phải bồi thường, việc xác định mức độ lỗi chỉ nhằm mục đích xem có thể giảm nhẹ trách bồi thường hay không.
– Các loại lỗi:
+ cố ý: trực tiếp / gián tiếp
+ vô ý: vì quá tự tin / do cẩu thả
+ ngoài ra dân sự còn phân biệt:
- Lỗi vô ý nặng: biết có khả năng xảy ra hậu quả cao
- Lỗi vô ý nhẹ: khó xảy ra hậu quả hoặc cho rằng không thể xảy ra
VD: người đi xe máy vào đường ngược chiều, xe ô tô đâm phải ==> có lỗi của cả 2 ==> cần xác định lỗi nặng / nhẹ của mỗi người để bồi thường thiệt hại
Việc đánh giá nặng hay nhẹ có thể dựa vào khả năng hành vi có lỗi đó gây ra thiệt hại, VD giờ tan tầm mà đi ngược chiều thì khả năng gây thiệt hại lớn, còn nếu đi ngược chiều vào 1h chiều thì khả năng đó là nhỏ
==> tòa án có thể căn cứ vào lỗi nặng hay nhẹ để tăng / giảm mức bồi thường cho chủ thể
– Trách nhiệm BTTH không cần lỗi: trường hợp trách nhiệm dân sự do nguồn nguy hiểm cao độ, công trình xây dựng, cây xanh, …
c. Có hành vi trái PL
– Là trái quy định của ngành luật mà hành vi xâm phạm đối tượng thuộc phạm vi của ngành luật điều chỉnh sự kiện đó, hoặc trái thuần phong mỹ tục
VD: đi sai đường là vi phạm quy định của luật Giao thông; nhà bị đổ là vi phạm luật xây dựng; đánh nhau gây hậu quả là vi phạm luật hình sự; thủ quỹ thụt két cơ quan là vi phạm PL về tài chính kế toán
VD: đòi nợ bằng cách mang quan tài đặt trước cửa nhà người nợ là trái thuần phong mỹ tục
– Thông thường, hành vi trái PL là có lỗi. Tuy nhiên, trong trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc tình thế cấp thiết thì hành vi trái PL không bị coi là có lỗi
d. Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và hậu quả xảy ra
– Nguyên nhân: phải là hành vi trái PL. Cần xem xét đâu là nguyên nhân chính.
VD: gây tai nạn giao thông có thể do lỗi của người lái xe, của phương tiện giao thông, hoặc do đường xá, do thời tiết, …
– Hậu quả thiệt hại:
+ 1 hậu quả có thể do nhiều nguyên nhân
+ nguyên nhân chính là do hành vi trái PL
+ các nguyên nhân khác là điều kiện để xảy ra thiệt hại: điều kiện là sự tác động, ảnh hưởng đến nguyên nhân, làm cho hậu quả xảy ra trong 1 hoàn cảnh cụ thể (còn gọi là nguyên nhân khách quan khác)
4. Nguyên tắc bồi thường (Điều 605)
– Nguyên tắc bồi thường thiệt hại:
+ Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
+ Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
+ Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Toà án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
– Các trường hợp bồi thường:
+ bồi thường toàn bộ thiệt hại: khi người gây ra thiệt hại phải bồi thường tất cả thiệt hại do hành vi trái PL của mình gây ra, áp dụng khi:
- Người gây thiệt hại có lỗi cố ý: khi đó dù thiệt hại có lớn hơn khả năng kinh tế của họ thì vẫn phải bồi thường
- Người gây thiệt hại có lỗi vô ý và họ có khả năng (về tài sản) để bồi thường toàn bộ
- Người gây thiệt hại có lỗi vô ý, thiệt hại xảy ra lớn hơn khả năng kinh tế của họ, nhưng về lâu dài họ có khả năng kinh tế để thực hiện việc bồi thường
+ bồi thường 1 phần thiệt hại: mức bồi thường nhỏ hơn thiệt hại đã gây ra, được áp dụng khi đủ 2 yếu tố:
- Về mặt chủ quan: do lỗi vô ý
- Về mặt khách quan: xét về hoàn cảnh hiện tại cũng như lâu dài, người gây thiệt hại không có khả năng kinh tế để bồi thường toàn bộ thiệt hại
+ thay đổi mức bồi thường thiệt hại: căn cứ vào điều kiện thực tế của các bên, thời giá thị trường. VD khi phải bồi thường lâm vào hoàn cảnh quá khó khăn (do mất mùa, thiên tai, …), hoặc người được bồi thường đã hồi phục sức khỏe, có thu nhập trở lại (với trường hợp người bị hại mất sức lao động)
5. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân (Điều 606)
– Người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
– Người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.
Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của cha mẹ.
– Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
6. Thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm (Điều 612)
– Thời điểm tính bắt đầu bồi thường là thời điểm gây thiệt hại
– Trường hợp thiệt hại về sức khỏe:
+ nếu người bị hại mất hoàn toàn khả năng lao động, và trước khi bị gây thiệt hại họ có khả năng lao động và có thu nhập: được bồi thường khoản tiền bằng với thu nhập thực tế của người bị hại trước khi bị gây thiệt hại phạm sức khỏe cho đến lúc chết.
+ nếu người bị hại mất khả năng lao động, nhưng trước đó họ chưa có khả năng lao động và chưa có thu nhập: được hưởng khoản tiền cấp dưỡng cho đến lúc chết
+ nếu người bị hại còn khả năng lao động nhưng bị giảm sút: được hưởng khoản tiền chênh lệch trong thu nhập cho đến lúc chết.
– Trường hợp thiệt hại về tính mạng thì sẽ bồi thường cho nhân thân người bị thiệt hại: nhân thân ở đây là những người mà người bị thiệt hại về tính mạng có trách nhiệm nuôi dưỡng, cấp dưỡng (con nhỏ, cha mẹ già)
+ người được cấp dưỡng là người chưa thành niên, hoặc người chưa sinh ra nhưng đã thành thai trước khi người bị thiệt hại chết (con sắp sinh của người bị thiệt hại): được hưởng khoản tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ 18 tuổi
+ người được cấp dưỡng đã thành niên nhưng không còn khả năng lao động: được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến lúc chết
7. Phương thức bồi thường thiệt hại
– Là cách thức mà người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại thực hiện để bù đắp các tổn thất về vật chất và tinh thần cho người bị thiệt hại hoặc thân nhân của người bị thiệt hại.
– Phương thức bồi thường sẽ do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định theo 1 trong 2 cách:
+ bồi thường 1 lần: thường áp dụng với bồi thường cho thiệt hại về tài sản, hoặc thiệt hại về sức khỏe nhưng sau đó hồi phục
+ bồi thường nhiều lần theo định kỳ: thường áp dụng với trường hợp cấp dưỡng
Tuy nhiên, trong thực tế, Tòa án và các bên thường chọn phương thức bồi thường 1 lần, để giải quyết nhanh chóng và triệt để, trách được tình trạng cố ý chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm.
8. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại (Điều 607)
– Thời hiệu là 2 năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm.
– Cần xác định thời điểm gây thiệt hại:
+ xâm phạm 1 lần: VD gây tai nạn ==> thời điểm bắt đầu thời hiệu là ngày gây ra tai nạn
+ xâm phạm liên tục trong 1 khoảng thời gian: VD nhà máy, xưởng sản xuất gây ô nhiễm trong 1 khoảng thời gian ==> thời điểm bắt đầu thời hiệu là ngày chấm dứt hành vi xâm phạm.
Chú ý:
+ Sau khi các bên thỏa thuận bồi thường, thường lập thành hợp đồng cam kết bồi thường (hay Biên bản cam kết bồi thường), khi đó trách nhiệm bồi thường chuyển thành nghĩa vụ của hợp đồng bồi thường
Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Luật dân sự 2: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-dan-su-2?ref=lnpc
Mời bạn xem thêm: