fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài giảng môn học Luật dân sự 2 chương II

Bài giảng môn học Luật dân sự 2 chương II cung cấp cái nhìn tổng quan và chi tiết về các căn cứ pháp lý để xác lập, chấm dứt nghĩa vụ dân sự, cùng những quy định về việc thực hiện và trách nhiệm đối với nghĩa vụ dân sự. Qua đó, người học sẽ nắm vững các nguyên tắc và quy định cơ bản về nghĩa vụ dân sự, từ quá trình xác lập cho đến khi hoàn tất hoặc chấm dứt, giúp hiểu rõ hơn về trách nhiệm và quyền lợi của các bên liên quan.

Bài giảng môn học Luật dân sự 2 chương II

Vấn đề 2: Căn cứ xác lập, chấm dứt nghĩa vụ dân sự, thực hiện nghĩa vụ dân sự, trách nhiệm nghĩa vụ dân sự

I. Căn cứ xác lập, chấm dứt nghĩa vụ dân sự

1. Căn cứ xác lập nghĩa vụ dân sự (Điều 281)

Nghĩa vụ dân sự được xác lập thông qua các căn cứ sau:

a. Hợp đồng dân sự

– Là sự thỏa thuận giữa 2 hay nhiều bên nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự

VD về hợp đồng làm thay đổi nghĩa vụ dân sự: 1 người ký hợp đồng thuê nhà với giá 5 tr/tháng, sau 1 năm do biến động thị trường, hai bên thỏa thuận tăng giá thuê lên 5.5tr/tháng

– Nghĩa vụ của các bên trong quan hệ nghĩa vụ phát sinh cùng với thời điểm hợp đồng có hiệu lực PL: chú ý phải xem xét kỹ điều khoản có hiệu lực của hợp đồng và tuân thủ quy định của PL.

VD: điều khoản quy định hợp đồng có hiệu lực sau 5 ngày kể từ ngày 2 bên ký, hoặc vào 1 ngày cụ thể (phải sau ngày ký HĐ)

VD: hợp đồng chuyển nhượng bất động sản thì sau khi 2 bên ký cần phải có công chứng và chứng thực của cơ quan có thẩm quyền (đây là quy định của PL)

Câu hỏi: Hai bên ký hợp đồng mua bán ma túy, phụ nữ, trẻ em. Hỏi đây có phải là hợp đồng ?

Trả lời: Đây vẫn là hợp đồng, nhưng vì hợp đồng này vi phạm theo điểm c khoản 1 điều 122 nên nó bị vô hiệu.

Câu hỏi : Nếu hợp đồng bị coi là vô hiệu thì hai bên có nghĩa vụ phải thực hiện không ?

– Hợp đồng dân sự vô hiệu không được coi là căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự, khi đó các bên có nghĩa vụ phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Chú ý: nghĩa vụ hoàn trả là theo quy định của PL, không phải do các bên thỏa thuận nên không được coi là nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng vô hiệu.

b. Hành vi pháp lý đơn phương

– Là sự thể hiện ý chí của 1 bên nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự. VD: lập di chúc, hứa thưởng

Chú ý: ý chí thể hiện phải không trái PL và đạo đức XH

c. Thực hiện công việc không có ủy quyền

– Là việc 1 người không có nghĩa vụ thực hiện công việc nhưng đã tự nguyện thực hiện công việc đó hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc khi người có công việc không biết hoặc biết nhưng không phản đối.

VD: mượn xe của người khác, phát hiện ra xe bị hỏng, đi sửa xe hộ cho chủ xe (sau đó có quyền yêu cầu chủ xe hoàn trả chi phí)

– Điều kiện:

+ người thực hiện công việc không có nghĩa vụ phải thực hiện công việc

Một người có nghĩa vụ thực hiện công việc theo các căn cứ sau:

  • theo thỏa thuận,
  • do PL quy định,
  • theo bản án của tòa hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền

+ người thực hiện công việc phải hoàn toàn tự nguyện

Tự nguyện được hiểu là sự thống nhất giữa ý chí bên trong và sự thể hiện ý chí ra bên ngoài. Trái ngược là bị ép buộc, hoặc do nhầm lẫn (VD: đi làm cỏ ruộng lúa, do nhầm lẫn nên làm cỏ cho nhà hàng xóm)

Bài giảng môn học Luật dân sự 2 chương II
Bài giảng môn học Luật dân sự 2 chương II

+ người thực hiện công việc phải hoàn toàn vì lợi ích của người có công việc

Lưu ý: nếu công việc không được thực hiện thì có thể sẽ có thiệt hại xảy ra với người có công việc

VD: nhà hàng xóm phơi thóc, lại đi vắng, trời sắp mưa, sang thu dọn thóc hộ

+ người có công việc không biết hoặc biết nhưng không phản đối.

– Nghĩa vụ của người có công việc và người thực hiện công việc

+ Nghĩa vụ của người thực hiện công việc không có ủy quyền (Điều 595):

  • thực hiện công việc phù hợp với khả năng, điều kiện của mình.
  • phải thực hiện công việc như công việc của chính mình; nếu biết hoặc đoán biết được ý định của người có công việc thì phải thực hiện công việc phù hợp với ý định đó.
  • phải báo cho người có công việc được thực hiện về quá trình, kết quả thực hiện công việc nếu có yêu cầu, trừ trường hợp người có công việc đã biết hoặc người thực hiện công việc không có uỷ quyền không biết nơi cư trú của người đó.
  • trong trường hợp người có công việc được thực hiện chết thì người thực hiện công việc không có uỷ quyền phải tiếp tục thực hiện công việc cho đến khi người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện đã tiếp nhận.
  • trong trường hợp có lý do chính đáng mà người thực hiện công việc không có uỷ quyền không thể tiếp tục đảm nhận công việc thì phải báo cho người có công việc được thực hiện, người đại diện hoặc người thân thích của người này hoặc có thể nhờ người khác thay mình đảm nhận việc thực hiện công việc.

+ Nghĩa vụ của người có công việc (Điều 596):

  • phải tiếp nhận công việc khi người thực hiện công việc không có uỷ quyền bàn giao công việc và thanh toán các chi phí hợp lý mà người thực hiện công việc không có uỷ quyền đã bỏ ra để thực hiện công việc, kể cả trong trường hợp công việc không đạt được kết quả theo ý muốn của mình.
  • phải trả cho người thực hiện công việc không có uỷ quyền một khoản thù lao khi người này thực hiện công việc chu đáo, có lợi cho mình, trừ trường hợp người thực hiện công việc không có uỷ quyền từ chối.

d. Chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản không có căn cứ PL (Điều 599 -> 603)

Lưu ý: xem lại phần Chiếm hữu / Sử dụng không có căn cứ PL trong Dân sự 1

– Nghĩa vụ:

+ liên quan đến tài sản gốc: người chiếm hữu, sử dụng, được lợi về tài sản không có căn cứ PL phải hoàn trả lại tài sản gốc

+ với hoa lợi, lợi tức: (VD: trâu, bò, gà đẻ con)

  • Nếu ngay tình: được hưởng hoa lợi, lợi tức cho đến khi biết hoặc phải biết về việc chiếm hữu, sử dụng, được lợi là không có căn cứ PL
  • Nếu không ngay tình: phải trả lại toàn bộ

e. Gây thiệt hại do hành vi trái PL

– Điều kiện:

+ phải có thiệt hại xảy ra: 2 loại:

  • Thiệt hại vật chất
  • Thiệt hại tinh thần

+ hành vi gây thiệt hại phải là hành vi trái PL, thể hiện bởi:

  • Hành động
  • Không hành động: không cứu giúp người khác trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

+ có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại phát sinh

– Bồi thường thiệt hại:

+ do vi phạm hợp đồng

+ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

f. Những căn cứ khác do PL quy định

– Là các trường hợp nghĩa vụ dân sự phát sinh theo bản án của tòa án hoặc quyết định của cơ quan NN có thẩm quyền

VD: người nhận di sản thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

Câu hỏi: Hợp đồng dân sự là 1 loại nghĩa vụ dân sự, đúng hay sai ?

Trả lời: Sai. Vì hợp đồng dân sự (và 6 loại trên) chỉ là căn cứ để xác lập nghĩa vụ dân sự chứ không phải là nghĩa vụ dân sự.

2. Căn cứ chấm dứt nghĩa vụ dân sự

a. Nghĩa vụ được hoàn thành (Điều 375)

– Trường hợp 1: hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ

– Trường hợp 2: bên có nghĩa vụ mới thực hiện được 1 phần, phần còn lại được bên có quyền miễn

b. Theo thỏa thuận của các bên (Điều 377)

– Là trường hợp nghĩa vụ chưa hoàn thành nhưng bên có quyền và bên có nghĩa vụ thỏa thuận về việc chấm dứt nghĩa vụ

c. Bên có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên có nghĩa vụ

– Việc miễn hay không miễn phụ thuộc vào ý chí của người có quyền.

Lưu ý: miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho người khác nhưng không được làm ảnh hưởng đến lợi ích của người khác. VD: A gây tai nạn cho B làm B mất khả năng lao động, B có thể miễn việc bồi thường của A đã gây ra thiệt hại cho bản thân mình, nhưng B không thể miễn cho trách nhiệm bồi thường để nuôi dưỡng con chưa thành niên của A.

d. Nghĩa vụ được thay thế bằng nghĩa vụ dân sự khác (Điều 379)

– Bên có quyền và bên có nghĩa vụ cùng nhau thỏa thuận, thống nhất để thay thế 1 nghĩa vụ dân sự này bằng 1 nghĩa vụ dân sự khác. VD: A vay tiền của B, A đến hạn không trả được, A và B thỏa thuận A sẽ làm việc cho B để trừ nợ.

– Khi đó, nghĩa vụ cũ chấm dứt, nghĩa vụ dân sự mới phát sinh.

Lưu ý: trong 1 số trường hợp không được quyền thay thế nghĩa vụ (khoản 3 Điều 379: Trong trường hợp nghĩa vụ dân sự là nghĩa vụ cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các nghĩa vụ khác gắn liền với nhân thân không thể chuyển cho người khác được thì không được thay thế bằng nghĩa vụ khác.)

e. Nghĩa vụ được bù trừ (Điều 380)

– Điều kiện để bù trừ nghĩa vụ:

+ cả 2 bên cùng có nghĩa vụ đối với nhau

+ các nghĩa vụ về tài sản cùng loại (có thể quy ra tiền, không nhất thiết phải cùng 1 loại tài sản)

+ các nghĩa vụ đều cùng đến hạn

– Các trường hợp không được bù trừ nghĩa vụ dân sự: (Điều 381)

+ nghĩa vụ đang có tranh chấp

+ nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín

+ nghĩa vụ cấp dưỡng

+ các trường hợp khác do PL quy định

VD: A bán đất cho B, đồng thời A cũng đang nợ B một khoản tiền, khi đó A và B thỏa thuận bù trừ nghĩa vụ cho nhau, nếu có chênh lệch thì bên nhận chênh lệch nhiều hơn sẽ hoàn trả lại cho bên kia.

VD: A làm việc tại Công ty N, A do không cẩn thận đã làm hỏng một thiết bị đắt tiền của công ty, công ty N bỏ tiền ra để sửa chữa thiết bị đó, sau đó Công ty N trừ dần vào tiền lương của A.

f. Bên có quyền và bên có nghĩa vụ hòa nhập làm 1 (Điều 282)

– Ban đầu, bên có quyền và bên có nghĩa vụ là các chủ thể khác nhau, sau đó bên có quyền và bên có nghĩa vụ lại là cùng 1 chủ thể theo một cách nào đó.

VD: sáp nhập, thừa kế

VD: Công ty B nợ công ty A 2 tỷ, sau đó công ty A sáp nhập công ty B, khi đó công ty B không còn, và công ty A vừa có quyền vừa có nghĩa vụ với khoản nợ 2 tỷ, do đó nghĩa vụ mặc nhiên được chấm dứt

Chú ý: trường hợp công ty A hợp nhất với công ty B thì sẽ trở thành công ty AB, tức là tạo thành 1 chủ thể mới, khi đó nghĩa vụ trả nợ của công ty B với công ty có thể vẫn còn (tùy theo quan điểm)

VD: A là bố, B là con, B vay của A một khoản tiền, A chết, di chúc để lại toàn bộ tài sản cho B, khi đó B vừa có quyền và vừa có nghĩa vụ đối với khoản tiền đó ==> triệt tiêu nghĩa vụ

Chú ý: trường hợp chị A vay của anh B một khoản tiền, sau đó chị A và anh B kết hôn, thì nghĩa vụ trả tiền của chị A với anh B vẫn còn (anh B không đòi nữa thì đó là trường hợp miễn nghĩa vụ dân sự)

g. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự đã hết (Điều 283)

– Thời hiện miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ

– Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự phải có tính liên tục kể từ thời điểm nghĩa vụ bắt đầu đến khi chấm dứt

VD: nếu gặp gia súc bị thất lạc, sau khi nuôi giữ 6 tháng mà không có người đến nhận, thì gia súc đó thuộc về người đó

h. Bên có nghĩa vụ là cá nhân chết hoặc là pháp nhân, chủ thể khác chấm dứt mà nghĩa vụ phải do chính những chủ thể đó thực hiện (Điều 384)

Câu hỏi: Nếu 1 bên chủ thể trong quan hệ nghĩa vụ dân sự chết, thì nghĩa vụ mặc nhiên chấm dứt, Đúng hay Sai?

Trả lời: Người có nghĩa vụ chết không đương nhiên làm nghĩa vụ chấm dứt. Nghĩa vụ chỉ chấm dứt trong trường hợp nghĩa vụ phải do chính người có nghĩa vụ thực hiện

VD: A bán cho B chiếc xe máy, B đã trả tiền, đang chờ A giao xe máy thì A chết, khi đó những người thừa kế của A sẽ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ giao chiếc xe máy cho B

VD: Cô A đến gặp ông họa sỹ nổi tiếng B và thỏa thuận ông họa sỹ B sẽ tự tay vẽ bức chân dung cho cô A, đang vẽ dở thì ông B chết, khi đó nghĩa vụ chấm dứt vì theo thỏa thuận chính ông B phải là người thực hiện nghĩa vụ (vì người thừa kế không thể tiếp tục thực hiện nghĩa vụ)

– Trường hợp 1: Bên có nghĩa vụ chính là người phải thực hiện nghĩa vụ theo PL.

VD cấp dưỡng: anh A và chị B ly hôn, anh A có nghĩa vụ cấp dưỡng để chị B nuôi con đến khi đủ 18 tuổi, đến khi đứa con 14 tuổi thì anh A chết, khi đó nghĩa vụ cấp dưỡng cũng chấm dứt theo cho dù anh A có người thừa kế thì người thừa kế không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đó.

– Trường hợp 2: Bên có nghĩa vụ và bên có quyền thỏa thuận về việc nghĩa vụ phải do chính người có nghĩa vụ thực hiện. Thường là những công việc phải do “nghệ nhân” hoặc người có năng lực đặc biệt thực hiện (mà người khác không thể thực hiện được).

VD: anh A đến cửa hàng cắt may và thỏa thuận rõ bộ quần áo phải do chính tay người chủ cửa hàng thực hiện (không để người khác thực hiện), khi đang làm dở thì người chủ cửa hàng cắt may chết, khi đó nghĩa vụ chấm dứt.

– Trường hợp 3: Người có quyền chính là người được tiếp nhận các lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ mà người có quyền chết thì nghĩa vụ cũng chấm dứt

VD: Ông A thuê cô y tá đến chăm sóc cho mình trong 12 tháng, chăm sóc được 3 tháng thì ông A chết, khi đó nghĩa vụ chăm sóc của cô ý tá cũng chấm dứt

i. Phá sản (Điều 387)

– Là trường hợp pháp nhân chấm dứt do tuyên bố phá sản, khi đó sẽ chấm dứt nghĩ vụ dân sự trong những trường hợp mà PL về phá sản quy định.

VD: công ty A ký hợp đồng lao động 3 năm với anh B, làm được 1 năm thì công ty A phá sản, khi đó hợp đồng lao động với anh B mặc nhiên chấm dứt

j. Vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ dân sự không còn và được thay thế bằng nghĩa vụ dân sự khác (Điều 386)

– Vật đặc định là vật duy nhất, không thể thay thế, VD đồ cổ, kỷ vật. Khi đó sẽ được thỏa thuận để thay thế bằng nghĩa vụ dân sự khác

Chú ý: khi vật đặc định không còn thì chỉ là chấm dứt nghĩ vụ giao đúng vật, không phải là chấm dứt toàn bộ nghĩa vụ dân sự (hai bên thỏa thuận bồi thường thiệt hại hoặc thay thế bằng vật khác)

II. Thực hiện nghĩa vụ dân sự

1. Khái niệm

– Là việc 1 bên chuyển giao vật, trả tiền, giao giấy tờ có giá, thực hiện 1 công việc, hoặc không thực hiện 1 công việc nhằm thỏa mãn lợi ích cho bên kia

2. Nguyên tắc thực hiện nghĩa vụ dân sự (Điều 283)

– Bên có nghĩa vụ dân sự phải thực hiện nghĩa vụ của mình một cách:

+ trung thực: các bên phải nói rõ cho nhau về tình trạng và đặc tính của đối tượng, nếu che dấu khuyết tật nhằm mục đích tư lợi mà gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường

+ theo tinh thần hợp tác: trong quá trình thực hiện nghĩa vụ, các bên cần tương trợ, giúp đỡ và thông tin cho nhau để đảm bảo lợi ích các bên trong quan hệ nghĩa vụ dân sự

+ đúng cam kết: đúng đối tượng, đúng thời gian, đúng địa điểm, … như đã cam kết

+ không trái pháp luật, đạo đức xã hội.

3. Nội dung thực hiện nghĩa vụ dân sự

a. Thực hiện nghĩa vụ dân sự đúng địa điểm (Điều 284)

– Theo thỏa thuận

– Nếu không có thỏa thuận thì:

+ nếu đối tượng của nghĩa vụ dân sự là bất động sản thì phải giao tại nơi có bất động sản

+ nếu là động sản thì giao tại nơi cư trú hoặc trụ sở của bên có quyền

Khi bên có quyền thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở thì phải báo cho bên có nghĩa vụ và phải chịu chi phí tăng lên do việc thay đổi nơi cư trú hoặc trụ sở, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

b. Thực hiện nghĩa vụ dân sự đúng thời hạn (Điều 285, 286, 287, 288)

– Thực hiện đúng thời hạn được hiểu là bên có nghĩa vụ thực hiện theo đúng nghĩa vụ vào thời gian mà các bên đã thỏa thuận

– Nếu các bên không thỏa thuận về thời hạn thì bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện bất kỳ lúc nào, và bên có nghĩa vụ cũng được thực hiện bất kỳ lúc nào nhưng phải báo trước cho nhau 1 khoảng thời gian hợp lý

Lưu ý: trường hợp thực hiện nghĩa vụ trước và sau thời hạn:

+ trước thời hạn: phải được bên có quyền đồng ý và tiếp nhận sự thực hiện, khi đó nghĩa vụ dân sự được coi là thực hiện đúng thời hạn

+ sau thời hạn: nếu bên có nghĩa vụ không thể thực hiện nghĩa vụ đứng thời hạn thì cần thỏa thuận với bên có quyền để kéo dài thời hạn, khi đó nghĩa vụ được hoàn thành trong thời hạn kéo dài cũng được coi là thực hiện đúng thời hạn

c. Thực hiện đúng đối tượng

– Đối tượng gồm:

+ vật

+ công việc: thực hiện / không thực hiện

– Trong nghĩa vụ chuyển giao vật, phân biệt thành 2 trường hợp:

+ vật cùng loại

+ vật đặc định: phải giao đúng vật đã thỏa thuận

d. Thực hiện nghĩa vụ dân sự thông qua người thứ 3 (Điều 293)

– Khi được bên có quyền đồng ý, bên có nghĩa vụ có thể uỷ quyền cho người thứ ba thay mình thực hiện nghĩa vụ dân sự nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm với bên có quyền, nếu người thứ ba không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.

Câu hỏi: Phân biệt việc chuyển giao nghĩa vụ dân sự với việc thực hiện nghĩa vụ dân sự thông qua người thứ ba

+ VD chuyển giao nghĩa vụ dân sự: A cho B vay 500 triệu, B không trả mà thỏa thuận với A chuyển giao việc trả nợ cho C, khi đó nghĩa vụ trả nợ 500 triệu được chuyển cho C, B không còn nghĩa vụ đó nữa. Nếu C không trả được nợ thì A cũng không được quyền đòi B

+ VD thực hiện nghĩa vụ dân sự thông qua người thứ 3: A cho B vay 500 triệu, B phải đi công tác đúng vào thời điểm phải trả nợ cho A, B đưa 500 triệu cho C và nhờ C trả giúp cho A, khi đó nghĩa vụ trả nợ của B vẫn còn, nếu C không đưa 500 triệu cho A thì A có quyền đòi B (thực chất ở đây có 2 hợp đồng: hợp đồng vay nợ, và hợp đồng ủy quyền)

e. Thực hiện nghĩa vụ dân sự có điều kiện (Điều 294)

– Là trường hợp các bên đã thỏa thuận hoặc PL đã quy định về các sự kiện là điều kiện để thực hiện nghĩa vụ, theo đó bên có nghĩa vụ chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi sự kiện đó đã phát sinh

VD: mua sổ số, bên phát hành sổ số chỉ phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền thưởng khi bên mua sổ số trúng giải

VD: bên bán bảo hiểm chỉ phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm xảy ra

f. Thực hiện nghĩa vụ dân sự có đối tượng tùy ý lựa chọn (Điều 295)

– Là trường hợp đối tượng của nghĩa vụ dân sự là 1 trong nhiều tài sản hoặc công việc khác nhau mà bên có nghĩa vụ có thể tùy ý lựa chọn để thực hiện nghĩa vụ.

VD: bên mua thỏa thuận có thể trả bằng tiền mặt VNĐ, ngoại tệ, hay bằng vàng

g. Thực hiện nghĩa vụ dân sự thay thế được (Điều 296)

– Khi bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ ban đầu thì có thể thực hiện 1 nghĩa vụ khác nếu được bên có quyền chấp nhận.

VD vay tiền không trả được thì có thể thực hiện một số công việc khác

Chú ý: phân biệt với việc thực hiện nghĩa vụ dân sự có đối tượng tùy ý lựa chọn (Điều 295) là các đối tượng của nghĩa vụ được thỏa thuận ngay từ đầu

h. Thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng rẽ (Điều 297)

– Là trường hợp nhiều người cùng thực hiện 1 nghĩa vụ dân sự nhưng được xác định là nghĩa vụ riêng rẽ thì mỗi người chỉ phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình, không cần quan tâm đến việc thực hiện nghĩa vụ của người khác.

i. Thực hiện nghĩa vụ dân sự liên đới (Điều 298, 299)

– Nghĩa vụ dân sự liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

– Trong trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.

– Trong trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ.

– Trong trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ.

j. Thực hiện nghĩa vụ dân sự chia được theo phần (Điều 300)

– Là trường hợp đối tượng của nghĩa vụ dân sự có thể được thực hiện theo từng phần, miễn là tổng hợp lại đúng với đối tượng đã thỏa thuận.

VD: A mua của B 100 tấn gạo và thỏa thuận trong vòng 5 ngày phải giao đủ hàng, mỗi ngày B giao cho A 20 tấn và sau 5 ngày B giao cho A đủ 100 tấn gạo

k. Thực hiện nghĩa vụ dân sự không chia được theo phần (Điều 301)

– Là trường hợp đối tượng của nghĩa vụ dân sự không thể chia được, khi đó bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ cùng một lúc.

VD: A đặt hàng B may 1 bộ vec-ton thì B không thể chỉ giao áo hoặc quần được mà phải giao đủ cả áo + quần vec-ton thì mới hoàn thành nghĩa vụ.

III. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự

1. Khái niệm, đặc điểm

– Khi một nghĩa vụ dân sự được xác lập thì các bên phải thực hiện nghĩa vụ đó, nếu 1 bên vi phạm (không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ) thì sẽ phải chịu hậu quả.

– Khái niệm: Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự là sự quy định của PL về việc người vi phạm nghĩa vụ buộc phải tiếp tục thực hiện đúng nghĩa vụ và bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của mình gây ra cho phía bên kia.

– Đặc điểm:

+ trách nhiệm dân sự là 1 loại trách nhiệm pháp lý, nên có các đặc điểm chung của trách nhiệm pháp lý:

  • chỉ được áp dụng khi có hành vi vi phạm PL
  • là 1 hình thức cưỡng chế của NN và do cơ quan NN có thẩm quyền áp dụng
  • luôn mang đến 1 hậu quả bất lợi cho người có hành vi vi phạm pháp luật

+ đặc điểm riêng:

  • Biểu hiện của hành vi vi phạm PL trong trách nhiệm dân sự là việc không thực hiện, thực hiện không đúng, hoặc không đầy đủ nghĩa vụ
  • Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự luôn gắn liền với tài sản: vì khách thể trong quan hệ nghĩa vụ dân sự luôn mang tính chất tài sản, do đó trách nhiệm dân sử của người vi phạm là bù đắp lợi ích vật chất cho bên bị vi phạm
  • Trách nhiệm dân sự được áp dụng với người có hành vi vi phạm, nhưng cũng có thể được áp dụng đối với người khác (trong trường hợp người đại diện cho người chưa thành niên)
  • Hậu quả bất lợi mà người vi phạm nghĩa vụ phải gánh chịu là việc bắt buộc phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại cho người bị vi phạm.

2. Phân loại trách nhiệm dân sự

– Trách nhiệm dân sự gồm 2 loại:

+ Trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ dân sự: người vi phạm nghĩa vụ phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo yêu cầu của bên có quyền, nếu không thực hiện thì bên có quyền có quyền yêu cầu cơ quan NN có thẩm quyền áp dụng những biện pháp cưỡng chế bắt buộc. Loại trách nhiệm này gồm:

  • Trách nhiệm dân sự do không thực hiện nghĩa vụ giao vật (Điều 303)
  • Trách nhiệm dân sự do không thực hiện nghĩa vụ phải thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc (Điều 304)
  • Trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự (Điều 305)
  • Trách nhiệm dân sự do chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự (Điều 306)

+ Trách nhiệm bồi thường thiệt hại (Điều 307): xuất hiện khi hành vi vi phạm nghĩa vụ đã gây ra thiệt hại, căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại:

  • Có hành vi trái PL: là hành vi không thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, ngoại trừ 2 trường hợp nghĩa vụ dân sự không thể thực hiện được do:
    • lỗi của người có quyền
    • sự kiện bất khả kháng
  • Có thiệt hại xảy ra trong thực tế: gồm 2 loại
    • Thiệt hại trực tiếp: tài sản bị mất, bị hủy hoại, hư hỏng, giảm sút giá trị
    • Không thu được hoa lợi, lợi tức vì tài sản bị hủy hoại
  • Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm PL và thiệt hại xảy ra
  • Có lỗi của người vi phạm nghĩa vụ dân sự (Điều 308): gồm 2 loại
    • Lỗi cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra
    • Lỗi vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

Chú ý: cần phân biệt trách nhiệm và nghĩa vụ. VD: A cho B vay 100 triệu từ ngày 1/1 đến ngày 30/1, trong khoảng thời gian đó B có nghĩa vụ phải trả tiền cho A, đến quá ngày 30/1 mà B không trả được nợ thì gọi là B có trách nhiệm trả tiền cho A.

==> nghĩa vụ là sự thỏa thuận, trách nhiệm xuất hiện khi có sự vi phạm

– Trách nhiệm được hình thành trên cơ sở có sự vi phạm nghĩa vụ:

+ không thực hiện nghĩa vụ

+ thực hiện nghĩa vụ không đúng

+ thực hiện nghĩa vụ không đầy đủ

IV. Thay đổi chủ thể trong nghĩa vụ dân sự

1. Chuyển giao quyền yêu cầu

– VD: A cho B vay 100 triệu, khi đó A là người có quyền đòi nợ và B là người có nghĩa vụ trả nợ. A chuyển giao quyền đòi nợ cho C, khi đó C là người có quyền đối với khoản nợ 100 triệu của B, và B có nghĩa vụ phải trả cho C mà không cần phải trả cho A, tức là nghĩa vụ dân sự của B với A chấm dứt và chuyển thành nghĩa vụ của B với C. Khi B không trả được nợ thì A cũng không có quyền đòi B mà chỉ có C mới có quyền đòi B.

– Việc chuyển quyền có thể bằng văn bản hoặc bằng lời nói, trừ trường hợp PL có quy định khác.

A có thể chuyển quyền cho C mà không cần hỏi ý kiến của B. A phải thông báo việc chuyển quyền cho B bằng văn bản. Nếu A không thông báo cho B thì B có quyền từ chối nghĩa vụ với C là người thế quyền.

– Chú ý: không được chuyển giao quyền yêu cầu nếu quyền đó gắn với nhân thân của bên có quyền như quyền yêu cầu cấp dưỡng, quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín

– Phân biệt Chuyển giao quyền yêu cầu với Thực hiện quyền yêu cầu thông qua người thứ ba:

 Chuyển giao quyền yêu cầuThực hiện quyền yêu cầu thông qua người thứ ba
Tên gọiNgười thế quyềnNgười được ủy quyền yêu cầu
Nội dungChuyển quyền yêu cầu từ người này sang người khácỦy quyền cho người thứ ba nhân danh mình thực hiện quyền yêu cầu đối với người có nghĩa vụ
Tư cách tham giaNgười thế quyền là người có quyền thực sự đối với nghĩa vụ của bên có nghĩa vụNgười được ủy quyền chỉ được nhân danh người có quyền để yêu cầu
Cơ sở thực hiệnVăn bản chuyển giao quyềnHợp đồng ủy quyền
Phạm vi quyền yêu cầuToàn bộ nghĩa vụ dân sựYêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi được ủy quyền
Sự ràng buộc nghĩa vụNgười có nghĩa vụ chỉ chịu trách nhiệm trước người thế quyềnNgười có nghĩa vụ chịu trách nhiệm trước người được ủy quyền và người có quyền
Biện pháp bảo đảm kèm theo (nếu có)Chuyển cho người thế quyền và người thế quyền trở thành bên nhận bảo đảm mớiVẫn giữ nguyên tại người có quyền, không được chuyển cho người được ủy quyền

2. Chuyển giao nghĩa vụ

– VD: A cho B vay 100 triệu, khi đó A là người có quyền đòi nợ và B là người có nghĩa vụ trả nợ. B thỏa thuận với A là C sẽ thay B trả nợ cho A, khi đó C là người có nghĩa vụ trả nợ 100 triệu cho A, và B không còn nghĩa vụ phải trả nợ cho A nữa, tức là nghĩa vụ dân sự của B với A chấm dứt và chuyển thành nghĩa vụ của C với B. Khi CB không trả được nợ thì A cũng không có quyền đòi B mà chỉ có quyền đòi C.

– Việc chuyển nghĩa vụ có thể bằng văn bản hoặc bằng lời nói, trừ trường hợp PL có quy định khác.

Việc chuyển giao nghĩa vụ thực chất là thỏa thuận tay ba, B bắt buộc phải được sự đồng ý của A mới có thể chuyển giao nghĩa vụ cho C.

– Phân biệt Chuyển giao nghĩa vụ với Thực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba:

 Chuyển nghĩa vụThực hiện nghĩa vụ thông qua người thứ ba
Tên gọiNgười thế nghĩa vụNgười được ủy quyền thực hiện nghĩa vụ
Nội dungChuyển nghĩa vụ từ người này sang người khácỦy quyền cho người thứ ba nhân danh mình thực hiện nghĩa vụ đối với người có quyền
Tư cách tham giaNgười thế nghĩa vụ là người có nghĩa vụ thực sự đối với bên có quyềnNgười được ủy quyền chỉ được nhân danh người có nghĩa vụ để thực hiện nghĩa vụ theo sự ủy quyền
Phạm vi nghĩa vụToàn bộ nghĩa vụ dân sựYêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi được ủy quyền
Sự ràng buộc nghĩa vụNgười thế nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm trước người có quyềnNgười có nghĩa vụ vẫn phải chịu trách nhiệm trước người có quyền nếu người thế nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ

Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Luật dân sự 2: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-dan-su-2?ref=lnpc

Mời bạn xem thêm:

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.