fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bộ câu hỏi trắc nghiệm môn Luật sở hữu trí tuệ

Bộ câu hỏi trắc nghiệm môn Luật sở hữu trí tuệ là tài liệu lý tưởng dành cho sinh viên và chuyên gia pháp lý muốn nắm vững kiến thức về quyền sở hữu trí tuệ. Với bộ câu hỏi được thiết kế tỉ mỉ và đa dạng, bạn sẽ có cơ hội kiểm tra và củng cố hiểu biết về các quy định liên quan đến bản quyền, sáng chế, nhãn hiệu, và kiểu dáng công nghiệp. Tài liệu này không chỉ hỗ trợ ôn tập hiệu quả mà còn giúp chuẩn bị tốt cho các kỳ thi và nâng cao khả năng ứng dụng pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Bộ câu hỏi trắc nghiệm môn Luật sở hữu trí tuệ

Câu hỏi 1: Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện nào sau đây:

A. Tính mới

B. Trình độ sáng tạo

C. Khả năng áp dụng công nghiệp

D. Cả 3 điều kiện trên

Đáp án: D. Theo điều 58, Luật SHTT 2005, sửa đổi 2019

Câu hỏi 2: Nhóm học thuyết nào sau đây giải thích cho việc cần thiết phải bảo hộ các sáng chế?

A. Thuyết phần thưởng, thuyết khuyến khích, thuyết hợp đồng.

B. Thuyết bảo hộ, thuyết luật tự nhiên, thuyết báo hiệu.

C. Thuyết bảo hộ, thuyết phần thưởng, thuyết khuyến khích.

D. Thuyết bảo hộ, thuyết phần thưởng, thuyết báo hiệu.

Đáp án A: Một số học thuyết giải thích cho việc cần thiết phải bảo hộ các sáng chế là: Thuyết phần thưởng, thuyết khuyến khích, thuyết hợp đồng hoặc bộc lộ, thuyết luật tự nhiên, thuyết báo hiệu.

Câu hỏi 3: Nhận định nào sau đây là đúng: 

A. Người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển giao quyền sử dụng đó cho một người khác theo 1 hợp đồng thứ cấp.

B. Người được chuyển giao quyền sử dụng không được chuyển nhượng quyền đó cho người khác kể cả trường hợp chuyển nhượng cùng với cơ sở kinh doanh của mình.

C. Quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuộc dạng không độc quyền. 

D. Cả 3 đáp án đều đúng.

Đáp án C: Căn cứ pháp lý: Đáp án A, B, D sai theo điểm c, khoản 1, điều 146, Luật SHTT 2005, sửa đổi 2019. Đáp án C đúng theo điểm a, khoản 1, điều 146, Luật SHTT 2005, sửa đổi 2019.

Câu hỏi 4: Tính mới của sáng chế bị mất khi:

A. Đơn đăng ký sáng chế được nộp khi người trong nhóm nghiên cứu bộc lộ công khai trước đó 11 tháng 5 ngày

B. Sáng chế được tiết lộ công khai bằng lời nói tại Mỹ trước ngày nộp đơn đăng ký tại Việt Nam

C. Sáng chế được công khai dưới hình thức văn bản cho từng người trong nhóm nghiên cứu trước ngày nộp đơn đăng ký.

D. Cả ba đáp án trên đều sai

Đáp án B: Căn cứ khoản 1,2,3 điều 60, Luật SHTT 2005, sửa đổi 2019. chọn B theo khoản 1 điều 60:

“1. Sáng chế được coi là có tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên.”

=> sáng chế đã được công khai tại nước ngoài (mỹ) và dưới hình thức lời nói

Câu hỏi 5: Đáp án nào sau đây là đúng 

A. Quyền tác giả chỉ tập trung bảo hộ hình thức thể hiện của đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, không bảo hộ nội dung ý tưởng. 

B. Quyền sáng chế chỉ tập trung bảo hộ nội dung ý tưởng của đối tượng bảo hộ, không bảo hộ hình thức thể hiện 

C. Cả 2 đáp án trên đều sai

D. Cả 2 đáp án trên đều đúng

Đáp án: D. 

Nguyên tắc bảo hộ tác phẩm của quyền tác giả có đề cập: chỉ bảo hộ hình thức thể hiện ý tưởng, không bảo hộ nội dung của tác phẩm. Nếu muốn đăng kí quyền cho “nội dung ý tưởng”, chúng ta sẽ phải đăng kí dưới mục sáng chế. Vì vậy, cần phân biệt “hình thức thể hiện” và “nội dung ý tưởng” của đối tượng được bảo hộ. 

Bộ câu hỏi trắc nghiệm môn Luật sở hữu trí tuệ
Bộ câu hỏi trắc nghiệm môn Luật sở hữu trí tuệ

Câu hỏi 6: Em A học sinh của Trường Trung học phổ thông X đã tham gia cuộc thi  khoa học sáng tạo cấp tỉnh. Sản phẩm A đem tới là mô hình “cầu trượt tự động” dành cho trẻ em. Nhờ có sự kết hợp của ròng rọc và các thanh lăn phía trong ròng rọc để tạo bề mặt phẳng, người ngồi phía trên cao sẽ tự động được đưa xuống thấp. Cầu trượt thiết kế với góc 45 độ tạo độ dốc thoải, đảm bảo an toàn cho người chơi. Thầy X cho rằng ròng rọc luôn được dùng để vận chuyển đồ rất hữu ích trong ngành công nông nghiệp. Thầy X dành lời khen cho A đã biết vận dụng sáng tạo ròng rọc để trở thành mô hình trò chơi cho trẻ em. Phương án nào sau đây đúng? 

A: Sáng tạo của A về mô hình trò chơi trẻ em thuộc các đối tượng được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế.

B: Giải pháp của A không đảm bảo có trình độ sáng tạo, không được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền sáng chế.

C: Tất cả phương án trên sai.

D: Sáng tạo của A là một phát minh

Đáp án B: A sai vì Theo khoản 2, điều 59, Luật SHTT 2005, sửa đổi 2019 về đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế: là những đối tượng không đáp ứng đủ điều kiện để được bảo hộ dưới danh nghĩa SC (theo quy định tại Điều 58, Luật SHTT 2005, sửa đổi 2019): “Sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính”.

– Đối tượng này không mang ý nghĩa của một giải pháp kỹ thuật có thể ứng dụng vào công nghiệp trong thực tiễn. Vậy nên, đây cũng là loại hình không được bảo hộ dưới danh nghĩa là sáng chế.

B đúng vì 

Thầy X cho rằng ròng rọc luôn được dùng để vận chuyển đồ rất hữu ích trong ngành công nông nghiệp. Theo quy định của điều 61 Luật Sở hữu trí tuệ có thể thấy do phát hiện của A dựa trên giải pháp kỹ thuật có sẵn trước đó mà cải tiến đi làm sáng tạo hơn, hữu ích hơn chứ chưa phải là một bước tiến sáng tạo vượt trội hơn hẳn. Nên giải pháp kỹ thuật của A về trò chơi trẻ em đặc biệt không được coi là có trình độ sáng tạo.

Điều này liên quan đến điều kiện bảo hộ đối với sáng chế (điều 58, Luật SHTT 2005, sửa đổi 2019). Trong đó, sáng chế phải đảm bảo có trình độ sáng tạo, có tính mới và khả năng áp dụng công nghiệp mới được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền sáng chế.

=> Giải pháp kỹ thuật về cầu trượt trẻ em của A không được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền sáng chế do không đảm bảo có trình độ sáng tạo.

D sai vì sáng tạo của A là một giải pháp kỹ thuật, không nên gọi là phát minh. Bởi phát minh là từ chỉ việc tìm ra những sự vật, hiện tượng, quy luật có sẵn trong tự nhiên nhưng trước đó con người chưa biết tới. Còn giải pháp kỹ thuật là sản phẩm sáng tạo của con người, không hề có sẵn trong tự nhiên. Đây là một thành quả lao động sáng tạo trí tuệ được coi là một giải pháp kỹ thuật.

Câu hỏi 7: Tháng 4/2015, anh Khánh Tú ở Hà Nội phát minh ra loại máy có khả năng cắt tỉa cây cảnh chạy bằng năng lượng mặt trời. Anh đã được cấp bằng sáng chế và phát minh này được bảo hộ tại Việt Nam. Tháng 10/2015, anh Minh ở Kon Tum nhận thấy công việc cắt tỉa cây cảnh mất nhiều thời gian nên đã nghĩ ra ý tưởng chế tạo một chiếc máy để giúp công việc cắt tỉa cây trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn. Sau khi thành công chế tạo một chiếc máy có công dụng cắt tỉa cây cảnh, sử dụng năng lượng mặt trời, anh Minh nhận thấy phát minh của mình rất hữu ích nên đã làm thêm vài chiếc để tặng cho hàng xóm xung quanh. Tuy nhiên, chiếc máy mà anh Minh phát minh giống với sáng chế của anh Tú (hiện đang trong thời hạn bảo hộ tại Việt Nam) mặc dù trước đó anh Minh không hề tham khảo thông tin và biết về sáng chế của Khánh Tú. 

A. Chỉ xâm phạm khi anh Minh bán sản phẩm máy cắt tỉa cây cảnh đó trên thị trường để thu lợi nhuận.

B. Không xâm phạm vì không biết gì về thông tin sáng chế của Khánh Tú

C. Chưa đủ căn cứ để xác định anh Minh có xâm phạm hay không

D. Có xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế của Khánh Tú

Đáp án:  D

Căn cứ theo Điều 5, Văn bản hợp nhất 04/VBHN-BKHCN năm 2019 hợp nhất Nghị định hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ quy định về căn cứ xác định hành vi xâm phạm.

Theo đó hành vi của anh Minh bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi có đủ các căn cứ quy định tại điều 5 luật này, cụ thể:

+ Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ: sáng chế của Khánh Tú hiện đang trong thời hạn bảo hộ tại Việt Nam.

+ Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét:

Điều 8 Văn bản hợp nhất 04/VBHN-BKHCN năm 2019 quy định về yếu tố xâm phạm quyền sở hữu đối với sáng chế. Theo tình huống, sáng chế của anh Minh giống với máy cắt tỉa cây cảnh chạy bằng năng lượng mặt trời đang được bảo hộ của anh Tú.

-> Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét, cụ thể đối tượng bị xem xét ở đây là sáng chế của anh Minh (theo điểm a khoản 1 điều 8 Luật này).

+ Người thực hiện hành vi bị xem xét là anh Minh không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các Điều 25, 26, 32, 33, khoản 2 và khoản 3 Điều 125, Điều 133, Điều 134, khoản 2 Điều 137, các Điều 145, 190 và 195 của Luật Sở hữu trí tuệ.

+ Hành vi bị xem xét xảy ra tại Kon Tum, Việt Nam.

=> Đủ căn cứ để xác định hành vi vi phạm của anh Minh

Như vậy, mặc dù anh Minh không hề biết về thông tin sáng chế của Khánh Tú và không đem bán với mục đích thương mại nhưng việc anh Minh tự tạo ra máy cắt tỉa cây cảnh chạy bằng năng lượng mặt trời giống với sáng chế hiện đang trong thời hạn bảo hộ tại Việt Nam của Khánh Tú thì đây vẫn được coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế (căn cứ theo khoản 1, điều 126, Luật SHTT 2005, sửa đổi 2019).  

Câu hỏi 8: Anh A làm ở bộ phận nghiên cứu và phát triển của một công ty cổ phần D chuyên về mỹ phẩm cho phái nữ. Nhiều năm nay, anh vẫn cố gắng để nghiên cứu tìm ra phương pháp giúp cung cấp collagen cho cơ thể sao cho hiệu quả nhất, dễ hấp thụ nhất. Sau nhiều năm nghiên cứu, anh nhận thấy rằng, chỉ chiết xuất các collagen từ tự nhiên rồi đưa trực tiếp vào cơ thể là chưa đủ, bởi collagen là một phần tử lớn, cơ thể rất khó mà hấp thu, từ đó việc cung cấp collagen không hiệu quả. Anh nảy ra ý tưởng gắn collagen vào các vi khuẩn lợi cho sức khoẻ có ở trong sữa chua, làm ra loại sữa chua collagen theo công nghệ đặc biệt của anh. Anh nhờ một người bạn là B đồng nghiệp thiết kế quy trình thử nghiệm để tạo ra một mẫu thử nghiệm. Thử nghiệm thành công, A muốn đăng ký bảo hộ cho sáng chế sữa chua collagen của mình nhưng B không đồng ý. B cho rằng anh cũng có công đóng góp để tạo nên sản phẩm này. Hai bên đã xảy ra tranh chấp. Phát biểu nào sau đây đúng?

A. A và B có thể coi là đồng sáng chế

B. Chỉ A là chủ sở hữu sáng chế về sữa chua collagen

C. A là không chủ sở hữu sáng chế bởi sữa chua collagen không được đối tượng được bảo hộ sáng chế

D. A không là chủ sở hữu sáng chế, sáng chế này thuộc về công ty cổ phần nơi làm việc của A. 

Đáp án D

Thứ nhất, B chỉ là người nghe A trình bày về ý tưởng sữa chua collagen và giúp A tạo nên mẫu thử => A,B không là đồng sáng chế. Theo Khoản 1, Điều 122, Luật SHTT 2005, sửa đổi bổ sung năm 2019

Thứ hai, Sữa chua collagen là một sản phẩm, giúp cung cấp collagen và giúp cơ thể tiếp nhận hiệu quả collagen, áp dụng công nghệ đặc biệt của A và sản phẩm này hoàn toàn có thể sản xuất công nghiệp được. Nên đây được coi là sáng chế. Căn cứ vào Khoản 1, Điều 58, Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2019

Thứ ba, Căn cứ theo khoản 1, điều 122, LSHTT 2005, sửa đổi bổ sung 2019 thì A là tác giả sáng chế vì A là người trực tiếp tạo ra đối tượng bảo hộ là sữa chua collagen => A có quyền nhân thân đối với sáng chế theo khoản 2 và có quyền tài sản theo khoản 3 Điều 122. Công ty D đã trả thù lao, tạo điều kiện, đầu tư cho A để A làm công việc nghiên cứu tạo các sản phẩm mới cho công ty => Công ty D là chủ sở hữu sáng chế và có quyền tài sản đối với sáng chế sữa chua collagen.

Câu hỏi 9: Anh A và anh B cùng làm việc tại một công trường. Trong những ngày hè nóng bức, anh A đã nghĩ ra được một chiếc áo, trong đó có các miếng đá giữ lạnh, giúp cơ thể không bị ảnh hưởng bời thời tiết. Điểm mấu chốt của sản phẩm này là anh có bọc bên ngoài những miếng đá bằng những miếng khăn ướt sáng màu. Anh A đã tạo ra được 1 chiếc cho mình và chia sẻ cho anh B cùng biết. Sau 1 vài tuần, thấy chiếc áo quá tiện lợi, anh B đã gợi ý cho anh A đi đăng ký bằng độc quyền sáng chế để được bảo hộ và tạo thêm lợi nhuận.

Vậy gợi ý của anh B có khả thi không?

A. Không được cấp bằng, vì thiếu tính mới

B. Không được cấp bằng, vì thiếu tính sáng tạo

C. Không được cấp bằng, vì thiếu khả năng áp dụng công nghiệp

D. Được cấp bằng.

Đáp án B

– Tính mới: Căn cứ theo khoản 2, điều 60 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi 2019 thì việc anh A chỉ chia sẻ với một số lượng người hạn chế ( anh B -1 người), anh B cũng giữ bí mật về sáng chế nên sáng chế được coi là chưa mất đi tính mới

– Khả năng áp dụng công nghiệp: Sản phẩm của anh A có thể được chế tạo, sản xuất hàng loạt, nên điều kiện về khả năng áp dụng công nghiệp thỏa mãn ( điều 62, Luật SHTT 2005, sửa đổi 2019)

– Tính sáng tạo: Sản phẩm của anh A không đảm bảo có trình độ sáng tạo, bởi lẽ việc bọc những miếng đá bằng những tấm vải sáng màu giúp đá giữ được lạnh lâu hơn là hiểu biết trung bình, đa số mọi người đều biết. Căn cứ theo khoản 1, điều 61 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi 2019, thì sản phẩm của anh A không thể xem là một bước tiến sáng tạo. Vì vậy điều kiện về trình độ sáng tạo không thỏa mãn => không được cấp bằng.

Câu hỏi 10: Ngày 16/01/2017 anh A nộp đơn đăng ký độc quyền sáng chế đối với sản phẩm máy cắt tỉa đa năng, trong quá trình thụ lý đơn thì 09/07/2017 anh A rút đơn đăng ký vì cho rằng sáng chế trên có đưa vào sản xuất cũng gây khó khăn vì nguyên liệu đầu vào hạn chế. Ngày 25/12/2017 anh B cũng nghiên cứu và chế tạo thành công máy cắt tỉa đa năng (nghiên cứu độc lập với A). Ngày 10/01/2018 anh B nộp đơn đăng ký tại cục Sở hữu trí tuệ thì bị người có thẩm quyền của cục từ chối với lý do sáng chế trên không có tính mới vì anh A đã bộc lộ ngày 16/01/2017. Hãy chọn đáp án đúng:

Việc từ chối của cục Sở hữu trí tuệ là sai và anh B hoàn toàn được cấp bằng độc quyền sáng chế

Việc từ chối của cục Sở hữu trí tuệ là đúng vì sản phẩm của anh B không có tính mới

Chưa đủ căn cứ để xác minh sản phẩm của anh B có tính mới hay không

Tất cả đáp án trên đều sai

Đáp án A

Việc bộc lộ phải hiểu rằng sáng chế đó đã được công khai cho người khác biết, việc công khải phải bằng sử dụng, mô tả bằng văn bản và hình thức khác. (Theo khoản 1, điều 60, Luật SHTT 2005, sửa đổi 2019)

Việc anh A nộp đơn sau đó hủy bỏ, có thể thấy các vấn đề sau

Thứ nhất, việc anh A nộp đơn cũng có thể xem là mô tả bằng văn bản vì đó là các giấy tờ gửi lên cho cục đăng ký Sở hữu trí tuệ, tuy nhiên việc này đang trong giai đoạn thụ lý nên không thể xem là bộc lộ công khai các văn bản đó ra công chúng. 

Thứ hai, A chỉ mới nộp đơn, tức sản phẩm chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng nào (sản xuất, khai thác, quảng cáo…) nên không thể xem là đã bị bộc lộ.

Thứ ba, các hình thức khác: anh A ngoài việc nộp đơn, đơn còn đang trong quá trình thụ lý nên không thể xem đây là việc công khai bộc lộ ở các hình thức khác.

Do đó, hoàn toàn có thể khẳng định rằng anh A chưa hề bộc lộ sáng chế của mình. Từ đó sáng chế của B hoàn toàn có thể coi là có tính mới và việc Việc từ chối của cục Sở hữu trí tuệ là sai với quy định của pháp luật

Khóa học tìm hiểu môn Luật Sở hữu trí tuệ online của Học viện đào tạo pháp chế ICA cung cấp cái nhìn toàn diện và sâu sắc về lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Đây là cơ hội để sinh viên luật, cử nhân luật, và các cá nhân có nhu cầu học hỏi và nâng cao kiến thức trong lĩnh vực này.

Link đăng ký khoá học: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-so-huu-tri-tue?ref=lnpc

Mời bạn xem thêm:

Câu hỏi thường gặp:

Quyền tác giả bảo vệ những loại tác phẩm nào? Nêu ví dụ về các loại tác phẩm được bảo vệ theo quyền tác giả.

Quyền tác giả bảo vệ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học mà người sáng tạo đã công bố hoặc chưa công bố. Quyền này bao gồm quyền của tác giả đối với bản quyền của tác phẩm và quyền kiểm soát việc sao chép, phân phối và công khai tác phẩm.
Các loại tác phẩm được bảo vệ theo quyền tác giả bao gồm:
Tác phẩm văn học: Ví dụ như tiểu thuyết, truyện ngắn, bài thơ, và kịch bản.
Tác phẩm âm nhạc: Bao gồm các bản nhạc, lời bài hát, và các sáng tác âm nhạc khác.
Tác phẩm nghệ thuật: Chẳng hạn như tranh, tượng, và các hình thức nghệ thuật tạo hình.
Tác phẩm điện ảnh và truyền hình: Ví dụ như phim, video, và các chương trình truyền hình.
Phần mềm máy tính: Các chương trình phần mềm và mã nguồn.

Quy trình đăng ký sáng chế gồm những bước nào?

Quy trình đăng ký sáng chế thường bao gồm các bước sau:
Tìm kiếm sơ bộ: Trước khi nộp đơn đăng ký, tiến hành tìm kiếm để đảm bảo rằng sáng chế của bạn là mới và chưa được cấp bằng sáng chế.
Chuẩn bị tài liệu: Soạn thảo tài liệu đăng ký, bao gồm đơn đăng ký sáng chế, mô tả chi tiết về sáng chế, bản vẽ minh họa (nếu có), và các tài liệu liên quan.
Nộp đơn đăng ký: Nộp đơn đăng ký sáng chế tới cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia hoặc khu vực (ví dụ: Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam).
Xét nghiệm đơn: Cơ quan đăng ký sẽ tiến hành xét nghiệm để kiểm tra tính mới, tính sáng tạo, và khả năng ứng dụng công nghiệp của sáng chế.
Công bố và thẩm định: Sau khi đơn được chấp nhận, sáng chế sẽ được công bố để nhận sự phản hồi từ cộng đồng và các chuyên gia. Tiếp theo, sẽ có bước thẩm định chi tiết về sáng chế.
Cấp bằng sáng chế: Nếu sáng chế đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, cơ quan sở hữu trí tuệ sẽ cấp bằng sáng chế, xác nhận quyền độc quyền của bạn đối với sáng chế.

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.
Sơ đồ bài viết