fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Tốt nghiệp ngành luật thì sẽ trở thành luật sư?

Tốt nghiệp ngành luật liệu có trở thành luật sư? Đây là một câu hỏi phổ biến nhưng không phải ai cũng hiểu rõ. Mặc dù tốt nghiệp ngành luật là bước đầu tiên và cần thiết, nhưng để trở thành luật sư thực thụ, bạn cần phải trải qua quá trình đào tạo nghiệp vụ, tập sự và kiểm tra khắt khe. Hãy cùng khám phá những bước cụ thể để biến giấc mơ luật sư thành hiện thực. Tham khảo thêm trong bài viết “Tốt nghiệp ngành luật thì sẽ trở thành luật sư?” của Học viện đào tạo pháp chế ICA.

Tiêu chuẩn để trở thành luật sư

Theo Điều 10 và Điều 11 Luật Luật sư năm 2006, một luật sư cần đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện hành nghề như sau:

Là công dân Việt Nam.

Trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt. Những trường hợp không đáp ứng tiêu chuẩn này bao gồm:

  • Đã bị kỷ luật mà quyết định kỷ luật chưa chấm dứt hiệu lực hoặc bị buộc thôi việc mà chưa hết hạn 03 năm.
  • Đã bị xử lý hành chính trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, gây thiệt hại về tài sản của người khác, bảo vệ bí mật Nhà nước; cản trở, chống việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc đưa hối lộ cho người thi hành công vụ và chưa hết hạn 01 năm kể từ ngày chấp hành xong.
  • Đã bị phạt hành chính, kỷ luật hoặc chịu trách nhiệm hình sự hoặc có kết luận về các hành vi liên quan đến chiếm đoạt tài sản, trục lợi, gian lận, xâm phạm an ninh quốc gia, ứng xử, phát ngôn ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín nghề luật sư (theo khoản 2 Điều 1 Nghị định 137/2018/NĐ-CP).

Có sức khoẻ để đảm bảo hành nghề luật sư.

Có bằng cử nhân luật và đã được đào tạo nghề luật sư.

Tốt nghiệp ngành luật thì sẽ trở thành luật sư?

Theo quy định tại Luật Luật sư 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư 2012, để trở thành luật sư ở Việt Nam, bạn cần trải qua các bước sau:

Học 4 năm đại học luật

Theo Điều 10 Luật Luật sư 2006, luật sư phải có bằng cử nhân luật. Để có bằng cử nhân luật, bạn cần học tại Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc khoa luật của các trường đại học khác trên cả nước. Sau khi tốt nghiệp, bạn sẽ được cấp bằng cử nhân luật.

Tốt nghiệp ngành luật thì sẽ trở thành luật sư?
Tốt nghiệp ngành luật thì sẽ trở thành luật sư?

Học lớp đào tạo nghiệp vụ luật sư

Sau khi có bằng cử nhân luật, bạn cần được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Để được cấp chứng chỉ này, bạn phải đăng ký tham gia khóa đào tạo nghề luật sư tại Học viện Tư pháp trong thời gian 12 tháng (theo khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư 2012).

Đối tượng được miễn đào tạo nghề luật sư:

  • Đã là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên hoặc là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ luật.
  • Đã là thẩm tra viên cao cấp/chính ngành Toà án, kiểm tra viên cao cấp/chính ngành kiểm sát, chuyên viên cao cấp/chính, nghiên cứu viên cao cấp/chính, giảng viên cao cấp/chính trong lĩnh vực pháp luật.

Tập sự tại các văn phòng, công ty luật

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo nghiệp vụ luật sư và được cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp, bạn cần tiếp tục đăng ký tham gia tập sự tại các tổ chức hành nghề luật sư như văn phòng luật, công ty luật trong thời gian 12 tháng. Nếu không thỏa thuận được với các văn phòng luật, công ty luật về việc nhận tập sự, bạn có thể đề nghị Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư giới thiệu nơi tập sự.

Người hướng dẫn phải có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm luật sư và chỉ được hướng dẫn cùng lúc 03 người. Tuy nhiên, có những đối tượng được miễn hoặc giảm thời gian tập sự:

  • Được miễn: Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên cao cấp/trung cấp, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật, thẩm tra viên cao cấp Toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.
  • Giảm 2/3 thời gian tập sự (tập sự 04 tháng): Điều tra viên sơ cấp, thẩm tra viên chính Toà án, kiểm tra viên chính Kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.
  • Giảm ½ thời gian tập sự (tập sự 06 tháng): Chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên Toà án, kiểm tra viên kiểm sát từ 10 năm trở lên.

Kiểm tra kết thúc tập sự

Liên đoàn luật sư Việt Nam tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Người đạt yêu cầu sẽ được Hội đồng kiểm tra cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Kiểm tra kết thúc tập sự gồm 02 phần: thi viết và thi thực hành. Nội dung thi bao gồm kỹ năng tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật; pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Những người được miễn tập sự không phải thi kiểm tra kết quả tập sự.

Cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư

Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư có hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư. Hồ sơ gồm:

  • Đơn đề nghị cấp thẻ luật sư.
  • Phiếu lý lịch tư pháp.
  • Giấy khám sức khỏe.
  • Bằng cử nhân luật hoặc bằng thạc sĩ luật (bản sao).
  • Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư (bản sao).

Sau khi có chứng chỉ hành nghề, luật sư phải đóng phí gia nhập Đoàn luật sư. Mức phí này có thể khác nhau giữa các đoàn luật sư, ví dụ phí gia nhập Đoàn luật sư Hà Nội hiện là 10 triệu đồng.

Mời bạn xem thêm:

Câu hỏi thường gặp:

Sổ nhật ký tập sự hành nghề luật sư được dùng để làm gì?

Sổ nhật ký tập sự hành nghề luật sư được dùng làm căn cứ để đánh giá quá trình tập sự của luật sư, cụ thể:
– Người tập sự lập Sổ nhật ký tập sự hành nghề luật sư theo mẫu quy định tại Thông tư này để ghi chép các công việc thuộc nội dung tập sự mà mình thực hiện trong thời gian tập sự.
– Sổ nhật ký tập sự phải có xác nhận của luật sư hướng dẫn và tổ chức hành nghề luật sư nhận tập sự khi kết thúc quá trình tập sự.

Trách nhiệm của người tập sự hành nghề luật sư và luật sư hướng dẫn đối với Sổ nhật ký tập sự là gì?

Người tập sự hành nghề luật sư có nghĩa vụ phải lập Sổ nhật ký tập sự và báo cáo quá trình tập sự.
Luật sư hướng dẫn cũng có nghĩa vụ phải theo dõi, giám sát việc thực hiện các công việc của người tập sự do mình phân công, xác nhận vào Sổ nhật ký tập sự của người tập sự.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.
Sơ đồ bài viết