fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Tình huống tranh chấp tài sản thừa kế

Tranh chấp tài sản thừa kế là tranh chấp giữa những người được hưởng thừa kế về việc chia, quản lý di sản của người để lại di sản. Để giúp bạn đọc hiểu hơn về pháp luật thừa kế cũng như những quy định pháp luật dân sự hiện hành về chia di sản thừa kế, Học viện đào tạo pháp chế ICA sẽ gửi đến quý bạn đọc bài viết tình huống tranh chấp tài sản thừa kế.

Tình huống tranh chấp tài sản thừa kế

Tình huống 1:

Ông A lập 01 bản di chúc (viết tay trên giấy A4), để lại toàn bộ tài sản của ông cho con trai anh M. Tuy nhiên bản di chúc này không được công chứng và chứng thực. Đầu năm 2022, bố anh M mất, anh trai và chị gái của anh M tranh chấp tài sản, yêu cầu chia lại tài sản do bố anh M để lại vì họ cho rằng bản di chúc do bố anh M lập không được công chứng và chứng thực nên không hợp pháp. Hỏi. Di chúc trên có hợp pháp không?

Trả lời:

Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

 b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng”

Theo quy định trên, di chúc của bố anh M được lập bằng văn bản (viết tay trên giấy A4), không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện:

– Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

– Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật (Điều 627 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hình thức của di chúc như sau: “Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng”).

Như vậy, nếu thời điểm lập di chúc của bố anh M đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định pháp luật nêu trên thì di chúc có hiệu lực pháp luật và anh M được hưởng di sản theo nội dung di chúc.

Tình huống tranh chấp tài sản thừa kế

Tình huống 2

Ngày 20/10/2021, khi đang tham gia giao thông trên đường, anh Hà có va chạm với một xe container bị thương rất nặng. Trên đường đưa anh đi cấp cứu trên xe cứu thương, anh có trăn trối lại trước 01 bác sĩ và 01 điều dưỡng viên rằng “anh có di nguyện để toàn bộ số tiền tiết kiệm anh có trong ngân hàng X cho vợ anh là bà Lan, anh để lại ngôi nhà 03 tầng tại Phường X, quận Y, tỉnh N cho chị Mỹ (người yêu cũ của anh Hà)”. Hỏi, di nguyện của anh Hà muốn hợp pháp phải thỏa mãn điều kiện nào?

Trả lời:

Điều 629 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về di chúc miệng như sau:

“1. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.

2. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ”

Khoản 5 Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng”

Như vậy, di nguyện của anh Hà trong tình huống trên hoàn toàn có thể đưa vào di chúc và đảm bảo thực hiện ở dạng di chúc miệng, nếu thỏa mãn các điều kiện sau:

Thứ nhất, người di chúc miệng (anh Hà) thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng. Hai người làm chứng phải thỏa mãn điều kiện quy định tại Điều 632 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây: 1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc. 2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc. 3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”

Thứ hai, ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.

Thứ ba, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Như vậy, nếu di chúc của anh Hà thỏa mãn các quy định trên sẽ hợp pháp và phát sinh hiệu lực sau khi anh chết.

Tình huống 3

Năm 1970, Ông L kết hôn với bà N có 03 người con là A, B và T. Năm 2019, ông L qua đời không để lại di chúc. Năm 2022, 03 người con cùng bà N có họp để thỏa thuận phân chia di sản. Thời điểm đó, di sản của ông xác định được là quyền sở hữu 02 căn nhà và 300 triệu đồng tiền mặt. Khi họp bàn những người thừa kế, bà N, anh B và anh T đều thống nhất quan điểm phân chia di sản theo hướng “02 căn nhà chia cho hai người con trai là anh B và anh T 300 triệu chia cho 04 người: bà N, anh B, anh T và chị A. Chị A không chấp nhận phương án như vậy vì cho rằng, đã là con thì phải được hưởng như nhau và yêu cầu hai người anh của mình phải thanh toán cho mình phần giá trị tài sản quy đổi thành tiền mà mình được hưởng từ 02 căn nhà. Quan điểm của chị A là đúng hay sai?

Trả lời:

Quan điểm của A trong tình huống trên là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 610 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”.

Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Chị A, anh B, anh T và bà N cùng thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông L, do đó Chị A, anh B, anh T và bà N sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau, yêu cầu của chị A xác định lại phần giá trị tài sản mà mình được hưởng từ 02 căn nhà là phù hợp.

Tình huống 4

Anh Hoàng là con trai duy nhất của ông Tân. Ngày 01/01/2022, ông Tân chết có để lại di chúc cho anh Hoàng được hưởng toàn bộ di sản thừa kế. Tuy nhiên, trước thời điểm này, do làm ăn thua lỗ nên anh Hoàng đang bị công ty A khởi kiện về hành vi vi phạm hợp đồng kinh tế. Theo đơn khởi kiện, số tiền anh Hoàng phải trả cho công ty A rất lớn. Tuy nhiên, sau khi bố anh chết, anh Hoàng đã làm thủ tục để từ chối nhận di sản thừa kế của ông. Nhận thấy có hiện tượng tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ, công ty A khởi kiện, yêu cầu bác bỏ quyền từ chối quyền hưởng di sản thừa kế của anh Hoàng. Hỏi, yêu cầu của công ty A có căn cứ pháp lý hay không?

Trả lời:

Điều 620 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“1. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

2. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

3. Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản”

Anh Hoàng hoàn toàn có quyền từ chối nhận di sản từ cha mình. Tuy nhiên, việc từ chối hưởng di sản thừa kế phải đảm bảo các điều kiện theo quy định nêu trên, cụ thể:

Thứ nhất, việc từ chối không nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

Thứ hai, việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết.

Thứ ba, việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.

Như vậy, nếu công ty A chứng minh được việc anh Hoàng từ chối quyền hưởng di sản thừa kế đang nhằm trốn tránh nghĩa vụ với công ty mình thì công ty A có thể A khởi kiện, yêu cầu bác bỏ quyền từ chối quyền hưởng di sản thừa kế của anh Hoàng.

Trên đây là nội dung tư vấn về chủ đề: “Tình huống tranh chấp tài sản thừa kế”. Hi vọng bài viết hữu ích với bạn đọc.

Phapche.edu.vn có cung cấp Khóa học kỹ năng rà soát pháp lý hợp đồng. Chúng tôi mong muốn bạn làm chủ được tình huống và bảo vệ đươjc quyền lợi của bản thân để có thể giảm thiểu mức tranh chấp thấp nhất trong các giao dịch. Đừng bỏ qua khoá học này và hãy liên hệ ngay cho chúng tôi theo số 0564.646.646

Mời bạn xem thêm:

Câu hỏi thường gặp:

Hồ sơ khai nhận di sản thừa kế gồm những giấy tờ gì?

– Các giấy tờ liên quan quyền sở hữu di sản của người mất (Giấy CNQSDĐ chẳng hạn)
– Giấy tờ tùy thân của các đồng thừa kế (CMND, hộ khẩu)
– Giấy tờ chứng minh quan hệ với người để lại di sản (khai sinh)
Khi làm thủ tục khai nhận bắt buộc phải có những người nhận thừa kế có mặt ký tên, trường hợp người nào vắng mặt thì phải có giấy ủy quyền cho người khác hoặc những người còn lại.

Niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản như thế nào?

Việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản phải được niêm yết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. 
Việc niêm yết do tổ chức hành nghề công chứng thực hiện tại trụ sở của UBND cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.
Trường hợp di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ gồm có bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện theo quy định tại Khoản này và tại UBND cấp xã nơi có bất động sản.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.
Sơ đồ bài viết