Sơ đồ bài viết
Quy định thanh toán trong hợp đồng là một nội dung không thể thiếu trong hợp đồng. Việc quy định cụ thể và chi tiết về thời hạn thanh toán, địa điểm, phương thức, hậu quả của việc chậm thanh toán, hay các chế tài trong trường hợp chậm thanh toán là rất cần thiết. Trong bài viết này, Học viện đào tạo pháp chế ICA sẽ trình bài về quy định thanh toán trong hợp đồng sẽ giúp bạn đọc giải đáp những thắc mắc.
Nội dung quy định thanh toán trong hợp đồng
Theo quy định tại điều 398 Bộ luật dân sự năm 2015 về nội dung của hợp đồng dịch vụ như sau:
- Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.
- Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:
- Đối tượng của hợp đồng;
- Số lượng, chất lượng;
- Giá, phương thức thanh toán;
- Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
- Quyền, nghĩa vụ của các bên;
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
- Phương thức giải quyết tranh chấp.
Như vậy, hợp đồng có thể có những điều khoản nêu trên. Bên cạnh đó, tuỳ vào mục đích giao kết hợp đồng là gì mà các bên có thể điều chỉnh các điều khoản cho phù hợp với mục đích và mong muốn của mình trong giao dịch.
Phương thức thanh toán
Các bên cần thỏa thuận rõ ràng phương thức thanh toán để tránh rủi ro pháp lý, Theo quy định của điều 433 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về phương thức thanh toán như sau:
- Phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận hoặc do người thứ ba xác định theo yêu cầu của các bên.
- Trường hợp pháp luật quy định phương thức thanh toán phải theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thỏa thuận của các bên phải phù hợp với quy định đó.
- Trường hợp không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về phương thức thanh toán thì phương thức thanh toán được xác định theo tập quán tại địa điểm và thời điểm giao kết hợp đồng.
Đối với hợp đồng dịch vụ có yếu tố nước ngoài các bên có thể áp dụng phương thức mang tính chất chuyên nghiệp hơn và có sự hỗ trợ từ bên thứ ba – thường là các tổ chức tín dụng, ngân hàng như:
- Chuyển tiền bằng điện tín
- Chuyển tiền bằng thư
- Phương thức thanh toán nhờ thu
- Phương thức tín dụng chứng từ
- Một số phương thức khác theo tập quán thanh toán quốc tế.
Giá trị thanh toán, đơn vị tiền tệ thanh toán
Theo quy định tại Điều 433 Bộ luật dân sự 2015
- Giá do các bên thỏa thuận hoặc do người thứ ba xác định theo yêu cầu của các bên.
- Trường hợp pháp luật quy định giá phải theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thỏa thuận của các bên phải phù hợp với quy định đó.
Bên cạnh đó điều 86 Luật thương mại 2005 cũng có quy định về giá dịch vụ như sau:
Trường hợp không có thoả thuận về giá dịch vụ, không có thoả thuận về phương pháp xác định giá dịch vụ và cũng không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá dịch vụ thì giá dịch vụ được xác định theo giá của loại dịch vụ đó trong các điều kiện tương tự về phương thức cung ứng, thời điểm cung ứng, thị trường địa lý, phương thức thanh toán và các điều kiện khác có ảnh hưởng đến giá dịch vụ.
Đối với đơn vị tiền tệ thanh toán tại Điều 22 Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH năm 2013 hợp nhất pháp lệnh ngoại hối do văn phòng quốc hội ban hành có quy định các giao dịch thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam các bên sẽ thỏa thuận là đồng Việt Nam. Tuy nhiên có một số trường hợp đặc biệt theo quy định pháp luật các bên có thể dùng ngoại hối để thanh toán.
Thời gian thanh toán
Theo quy định tại điều 519 Bộ luật dân sự 2015 và điều 87 Luật thương mại 2005 về thời hạn thanh toán dịch vụ như sau:
- Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ theo thỏa thuận.
- Bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ tại địa điểm thực hiện công việc khi hoàn thành dịch vụ, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp không có thỏa thuận và giữa các bên không có bất kỳ thói quen nào về việc thanh toán thì thời hạn thanh toán là thời điểm việc cung ứng dịch vụ được hoàn thành.
Như vậy, tùy vào trường hợp mà các bên thỏa thuận về thời hạn thanh toán, nếu các bên không thoả thuận thì các bên có thể áp dụng theo quy định pháp luật.
Hóa đơn thanh toán
Theo quy định tại điểm b khoản 2 điều 3 Thông tư 39/2014/TT-BTC (có hiệu lực đến 30/06/2022) hướng dẫn thi hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ do bộ trưởng bộ tài chính ban hành
- Tổ chức, cá nhân khai, tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp khi bán hàng hóa, dịch vụ trong nội địa, xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu, xuất khẩu hàng hóa, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài (mẫu số 3.2 Phụ lục 3 và mẫu số 5.2 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này).
- Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, xuất khẩu hàng hóa, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài, trên hóa đơn ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan” (mẫu số 5.3 Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này).
Cơ chế giải quyết khi phát sinh tranh chấp về thanh toán
Thương lượng và hoà giải
- Thương lượng: các bên trong hợp đồng tự đàm phán để đưa ra phương án xử lý. Phương pháp này không có chế tài bắt buộc phải thực hiện nên sẽ có nhiều rủi ro khi bên kia không thực hiện theo kết quả thương lượng.
- Tự hoà giải: Việc tổ chức và giám sát do các bên tự quy định không có sự trợ giúp của bất kỳ tổ chức hoặc người hòa giải thứ ba nào.
- Hòa giải quy chế: Do một tổ chức, hoặc một trung tâm hòa giải chuyên nghiệp thực hiện, các bên phải tuân theo những nguyên tắc hòa giải riêng của tổ chức hòa giải đó. Về mặt pháp lý quyết định của Hòa giải không có hiệu lực bắt buộc thi hành.
Giải quyết tranh chấp thông qua Trọng tài thương mại
Căn cứ theo Điều 5 Luật trọng tài thương mại 2010, điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài gồm:
- Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài.
- Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
Khi đã có đủ các điều kiện để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài như có thỏa thuận trọng tài có hiệu lực thì các bên thực hiện các bước theo trình tự tố tụng trọng tài quy định tại điều 30,31,35,37,38 Luật trọng tài thương mại 2010
Giải quyết tranh chấp thông qua tòa án
Đây là hình thức mang tính cưỡng chế cao nhất, được tiến hành thông qua cơ quan tư pháp đó là toà án. Căn cứ theo Điều 683 Bộ luật dân sự năm 2015, theo đó:
- Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này.
- Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng. Do đó, khi có tranh chấp, Tòa án sẽ xác định dựa vào luật mà các bên thỏa thuận áp dụng.
- Ưu điểm: Quyết định của Tòa án sẽ được đảm bảo việc thi hành; giải quyết được chính xác, khách quan, công bằng cho các bên, đúng với quy định của pháp; Chi phí thấp hơn so với trọng tài.
Mời bạn xem thêm bài viết:
- Khoá học hợp đồng: Thiết kế, Soạn thảo và Rà soát
- Khoá học soạn thảo hợp đồng
- Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Câu hỏi thường gặp
Trong hợp đồng cần quy rõ thời hạn thanh toán. Nếu là hợp đồng thương mại thì phải có các điều khoản quy định về thời gian bên mua thanh toán cho bên bán. Hoặc nếu là hợp đồng lao động thì là thời gian bên sử dụng lao động thanh toán tiền công cho bên lao động; nếu là hợp đồng thuê tài sản thì bên đi thuê thanh toán cho bên cho thuê…
Bên cạnh thời hạn thanh toán các điều khoản thanh toán trong hợp đồng về đồng tiền thanh toán cũng rất quan trọng. Do giá trị của các đồng tiền khác nhau nên các bên cần thống nhất về đồng tiền thanh toán là tiền Việt Nam Đồng, tiền Yên Nhật, tiền Đô La Mỹ, tiền Tệ Trung Quốc…