fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Quy định tách thửa đất như thế nào?

Bạn đang có nhu cầu tách thửa đất nhưng chưa nắm rõ quy định mới nhất? Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin đầy đủ và chi tiết về quy định tách thửa đất theo Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn liên quan. Hãy theo dõi bài viết để có được kiến thức đầy đủ và chính xác về quy định tách thửa đất mới nhất 2024!

Tách thửa đất là gì?

Tách thửa đất là một thủ tục hành chính phổ biến trong lĩnh vực đất đai. Thủ tục tách thửa đất được thực hiện khi người sử dụng đất có nhu cầu chia tách một thửa đất thành hai hay nhiều thửa đất khác nhau. Tách thửa đất có thể được thực hiện theo yêu cầu của người sử dụng đất hoặc theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Vậy tách thửa đất là gì? Trước khi đi vào tìm hiểu nội dung khái niệm tách thửa đất, bài viết xin đề cập đến khái niệm thửa đất.

Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 có quy định về giải thích từ ngữ về thửa đất như sau:

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thửa đất là phần diện tích đất được giới hạn bởi ranh giới xác định trên thực địa hoặc được mô tả trên hồ sơ.

Theo đó, thửa đất chính là phần đất đảm bảo các tiêu chí: có ranh giới được đo đạc bởi các cơ quan địa chính có thẩm quyền, minh bạch các thông tin về vị trí hoặc mục đích sử dụng,…Từ khái niệm thửa đất là gì thì có thể hiểu tách thửa đất là việc phân chia về quyền sử dụng đất đai trên một thửa đất. Hay nói cách khác, từ một thửa đất ban đầu, có thể thuộc một hộ hoặc một cá nhân, chia ra thành nhiều phần, thuộc quyền sử dụng của nhiều hộ hoặc nhiều cá nhân khác nhau.

Điều kiện để tách thửa đất

Trong những năm gần đây, nhu cầu tách thửa đất của người dân ngày càng tăng cao, đặc biệt là tại các khu vực đô thị. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như nhu cầu xây dựng nhà ở, kinh doanh, chuyển nhượng,… Để thực hiện thủ tục tách thửa đất, người sử dụng đất cần đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Căn cứ theo quy định tại khoản 23 Điều 1 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, được bổ sung tại Khoản 23 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện tách thửa đất như sau:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai

23. Bổ sung Điều 75a như sau:

“Điều 75a. Quy định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất.”

Ngoài ra, cũng cần phải lưu ý những điều kiện sau:

– Có giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với mảnh đất đó hoặc là đảm bảo đủ điều kiện để được cơ quan nhà nước cấp giấy chứng nhận.

– Đất không thuộc một trong các trường hợp như: đang bị tranh chấp, đang bị kê biên vì mục đích thi hành án hoặc thuộc diện không được tách thửa theo một số quy định trong văn bản pháp luật.

– Đất còn thời hạn sử dụng.

– Diện tích tách phải bằng hoặc lớn hơn diện tích tách thửa tối thiểu. Về diện tích tách thửa tối thiểu, các văn bản pháp luật không quy định cụ thể mà theo Luật Đất đai, căn cứ vào thực tiễn của địa phương mà con số này có thể khác nhau.

Quy định tách thửa đất như thế nào?
Quy định tách thửa đất như thế nào?

Trình tự, thủ tục tách thửa đất

Tách thửa đất có thể mang lại nhiều lợi ích cho người sử dụng đất, như: tăng diện tích sử dụng đất, thuận lợi cho việc xây dựng nhà ở, kinh doanh,… Để thực hiện thủ tục tách thửa đất, người sử dụng đất cần thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Theo đó, để thực hiện được thủ tục tách thửa đất, người sử dụng đất cần thực hiện các bước sau:

– Bước 1: Làm hồ sơ

Theo Khoản 11 Điều 9, Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hồ sơ xin tách thửa được quy định như sau:

– Đơn đề nghị tách thửa.

– Giấy chứng nhận bản gốc về quyền sử dụng đất (sổ đỏ, sổ hồng).

– Sơ đồ kỹ thuật với các nội dung cụ thể của thửa đất đó.

Trong trường hợp thửa đất thuộc diện chuyển nhượng thì cần cả hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng và chứng minh thư, hộ khẩu cả hai bên.

– Bước 2: Nộp hồ sơ

Đối với tổ chức hoặc cơ sở tôn giáo thì hồ sơ nộp về văn phòng đăng ký đất đai. Nếu là cá nhân thì nộp tại phòng Tài nguyên môi trường cấp huyện hoặc tương đương cấp tỉnh.

– Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ

Khi hồ sơ được nộp, cơ quan tiếp nhận sẽ có nhiệm vụ kiểm tra, hồi đáp, chuyển hồ sơ tới Văn phòng đăng ký đất đai. Khi có kết quả thì trả cho người nộp.

Nếu hồ sơ chưa đủ hoặc chưa hợp lệ, trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn người nộp bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

– Trong thời hạn 12 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Phòng TN&MT có trách nhiệm thực hiện thực hiện các nhiệm vụ sau:

+ Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất.

+ Lập hồ sơ, sau đó gửi tới các cơ quan có thẩm quyền nhằm mục đích cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất mới được tách cho cá nhân, hộ gia đình hoặc tổ chức.

+ Cập nhật, chỉnh lý các nội dung mới lên hồ sơ địa chính; cơ sở dữ liệu đất đai. Sau đó, gửi Giấy chứng nhận cho bộ phận tiếp nhận để trả cho cá nhân, hộ, tổ chức.

* Trường hợp tách thửa do chuyển quyền sử dụng một phần thửa đất hoặc do giải quyết tranh chấp; khiếu nại; tố cáo, đấu giá đất hoặc do chia tách hộ gia đình, nhóm người sử dụng đất; do xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn, kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án (sau đây gọi là chuyển quyền) thì Văn phòng Đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:

+ Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;

+ Thực hiện thủ tục đăng ký biến động theo quy định đối với phần diện tích chuyển quyền; đồng thời xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với phần diện tích còn lại của thửa đất không chuyển quyền.

– Bước 4: Trả kết quả

Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai chỉnh lý; cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; chuyển Giấy chứng nhận sang Bộ phận tiếp nhận; và trả kết quả để trả cho người sử dụng đất; hoặc gửi Giấy chứng nhận cho UBND cấp xã để trao cho người sử dụng đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại cấp xã.

Sau khi thực hiện các bước trên, thửa đất sẽ được tách ra được thành hai hay nhiều thửa đất mà người sử dụng đất muốn tách.

Mời bạn xem thêm:

Câu hỏi thường gặp

Mất khoảng thời gian bao lâu để hoàn tất thủ tục tách thửa đất để bán?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, người thực hiện thủ tục tách thửa sẽ có kết quả không quá 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ, không quá 25 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn. Thời gian trên không tính các ngày nghỉ, ngày lễ, Tết, không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã; thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật; thời gian trưng cầu giám định.

Những trường hợp nào không được tách thửa đất?

– Đất thuộc diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành quyết định thu hồi.
– Đất không đảm bảo các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận hợp pháp.
– Đất thuộc diện quy hoạch và đã được cấp huyện lập kế hoạch sử dụng hàng năm.

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.
Sơ đồ bài viết