Sơ đồ bài viết
Khi một cá nhân chết, thông thường sẽ nảy sinh vấn đề về tranh chấp thừa kế, khi đó việc phân chia di sản thừa kế ra làm sao nhận được nhiều quan tâm. Theo quy định pháp luật hiện hành có quy định về việc thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc, pháp luật đã ghi nhận vấn đề thừa kế này từ trước và không còn quá xa lạ đối với mọi người trên thực tế. Nội dung bài viết sau, Học viện đào tạo pháp chế ICA sẽ Phân tích những nội dung chính của thừa kế theo di chúc và những quy định pháp luật có liên quan, mời bạn đọc tham khảo.
Căn cứ pháp lý
Bộ luật Dân sự năm 2015
Di chúc được hiểu là như thế nào?
Di chúc được hình thành khi một người có ý định sẽ để lại tài sản của mình cho người khác nếu họ chết đi, đó là sự thể hiện ý chí của người lập đối với khối tài sản mà mình xác lập được.
Theo Điều 646 Bộ luật dân sự 2005 quy định di chúc:
“ Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.
Và quy định về khái niệm di chúc này được kế thừa tại Điều 624 Bộ luật dân sự năm 2015. Di chúc chính là sự thể hiện ý chí của cá nhân mà không phải là của bất cứ chủ thể nào khác. Ý chí này là ý chí đơn phương của mỗi cá nhân, theo đó, người lập di chúc quyết định chuyển giao một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình cho người đã được họ xác định trong di chúc.
Quy định pháp luật về người lập di chúc như thế nào?
Theo quy định tại Điều 625 Bộ luật Dân sự năm 2015:
“Điều 625. Người lập di chúc
- Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình.
- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.”
Như vậy, người lập di chúc theo quy định pháp luật là “cá nhân” mà không phải là cơ quan, tổ chức. Căn cứ vào năng lực chủ thể của mỗi cá nhân trong việc nhận thức và thể hiện ý chí cũng như khả năng tạo lập được tài sản thuộc sở hữu của mình mà pháp luật quy định hai chủ thể là người có quyền lập di chúc gồm:
Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của BLDS 2015:
Người lập di chúc trong trường hợp này có hai điều kiện là:
- “người thành niên” và
- “minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép”
Về quy định người thành niên trong BLDS 2015, Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2015 xác định rằng “người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên”. Người thành niên luôn được coi là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp người đó bị mất năng lực hành vi dân sự (Điều 22 BLDS 2015), hạn chế năng lực hành vi dân sự (Điều 23 BLDS 2015) hoặc bị khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (Điều 24 BLDS 2015). Pháp luật trao cho chủ thể này quyền lập di chúc bởi đây là chủ thể có khả năng nhận thức, thực hiện hành vi và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc:
Người lập di chúc trong trường hợp này có điều kiện là:
- “người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi” và
- “được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc”.
Quy định này khắc phục được sự băn khoăn về việc cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về vấn đề cho lập di chúc hay đồng ý về nội dung định đoạt tài sản trong di chúc mà Điều 647 trong Bộ luật Dân sự năm 2005 chưa quy định rõ. Bên cạnh đó, quy định này căn cứ vào Điều 21 Bộ Luật Dân sự năm 2015: “Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch trừ giao dịch liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của pháp luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý”
Những người ở độ tuổi này thường chưa nhận thức đầy đủ của việc thực hiện hành vi cũng như hậu quả của việc lập di chúc, vì vậy pháp luật quy định cần phải có sự kiểm soát của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Phân tích những nội dung chính của thừa kế theo di chúc
Điều 631 BLDS 2015 quy định nôi dung di chúc như sau:
“1. Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;
b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
d) Di sản để lại và nơi có di sản.
2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, di chúc có thể có các nội dung khác.
3. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.”
So với quy định của Bộ luật Dân sự 2005, quy định về nội dung di chúc theo Bộ luật Dân sự 2015 đơn giản, linh hoạt hơn. Vì thường di chúc ngoài các nội dung chủ yếu cần phải có, thì còn có rất nhiều nội dung phong phú khác mà người lập di chúc muốn đưa vào, như những lời dặn dò tâm huyết của họ trước khi chết. Những nội dung đó pháp luật rất khó dự liệu trước nên quy định mới bỏ các nội dung không phải cơ bản như: “xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản” và “ việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ” (K1 Đ653 BLDS 2005) bởi thực tế không phải di chúc nào cũng có các điều kiện, nội dung này.
Thừa kế theo di chúc khác gì thừa kế theo pháp luật?
Cũng theo quy định của Bộ luật Dân sự, bên cạnh thừa kế theo di chúc thì còn có thừa kế theo pháp luật. Dưới đây là các tiêu chí dùng để phân biệt hai hình thức này:
Sự giống nhau
– Đều được quy định cụ thể tại Bộ luật Dân sự.
– Đều là hình thức để người thừa kế hưởng di sản do người khác để lại sau khi chết.
Sự khác nhau
Tiêu chí | Thừa kế theo di chúc | Thừa kế theo pháp luật |
Căn cứ | Chương XXII Bộ luật Dân sự | Chương XXIII Bộ luật Dân sự |
Khái niệm | Là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. | Là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế theo quy định của pháp luật. |
Người thừa kế | – Có tên trong di chúc- Không có tên trong di chúc: Cha, mẹ, vợ, chồng; Con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng không có khả năng lao động của người lập di chúc | Chia theo 03 hàng thừa kế là những người có quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng… với người có di sản. |
Hưởng di sản thế nào | Theo ý nguyện của người lập di chúc | – Người thừa kế cùng hàng hưởng phần di sản bằng nhau- Người thừa kế ở hàng sau hưởng di sản khi hàng trước đã chết, không có quyền hưởng, bị truất quyền hoặc từ chối hưởng di sản |
Người để lại di sản | – Người thành niên, minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối trong quá trình lập di chúc.- Người từ đủ 15 tuổi – chưa đủ 18 tuổi được cha mẹ/người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc. | Là bất cứ ai có di sản thừa kế mà không lập di chúc hoặc di chúc không có hiệu lực toàn bộ/một phần |
Hình thức | Do người để lại di sản lập:- Bằng văn bản- Di chúc miệng | Bằng văn bản do các đồng thừa kế lập |
Trường hợp | Người để lại di sản viết di chúc để chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi mình chết | – Không có di chúc.- Di chúc không hợp pháp.- Người thừa kế theo di chúc chết trước/chết cùng thời điểm với người lập…- Người hưởng di sản theo di chúc không có quyền hưởng/từ chối nhận di sản thừa kế… |
Thời điểm làm thủ tục | Khi người có tài sản đang còn sống, lập di chúc trước để định đoạt tài sản sau khi chết | Sau khi người để lại di sản đã chết |
Trên đây là tư vấn của Học viện đào tạo pháp chế ICA về nội dung “Phân tích những nội dung chính của thừa kế theo di chúc“. Hi vọng bài viết mang lại thông tin hữu ích với bạn đọc.
Câu hỏi thường gặp:
Di chúc có những đặc điểm riêng biệt so với các giao dịch dân sự khác ở những đặc điểm sau:
Thứ nhất, Di chúc chính là sự thể hiện ý chí đơn phương của người lập di chúc
Thứ hai, di chúc nhằm chuyển dịch tài sản cho người khác sau khi người lập di chúc chết.
Thứ ba, di chúc chỉ có hiệu lực khi người lập di chúc chết
Một bản di chúc hợp pháp cần đáp ứng các điều kiện sau:
– Người lập di chúc từ đủ 15 tuổi trở lên, minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc.
– Người lập di chúc phải hoàn toàn tự nguyện;
– Nội dung di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;
– Hình thức của di chúc phải phù hợp với quy định của pháp luật;