Sơ đồ bài viết
Việc nhầm lẫn giữa tội phạm và các yếu tố cấu thành tội phạm đã không phải chuyện xa lạ, bởi việc nhầm lẫn này xảy ra ở rất nhiều người. Việc hiểu rõ về các yếu tố cấu thành tội phạm có ý nghĩa lớn trong việc định tội và phân biệt các loại tội phạm với nhau, để có thể truy cứu trách nhiệm thì bên cạnh việc xác định tội phạm thôi là chưa đủ mà sẽ cần phải biết đến các yếu tố cấu thành tội phạm đó. Dưới đây là nội dung Phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm mà Học viện đào tạo pháp chế ICA gửi đến bạn đọc. Hi vọng những thông tin mà chúng tói chia sẻ sẽ mang lại nhiều điều hữu ích.
Căn cứ pháp lý
Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017
Cấu thành tội phạm là gì?
Cấu thành tội phạm là tổng hợp những dấu hiệu cần và đủ, đặc trưng cho tội phạm cụ thể được quy định trong luật.
Trong đó, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.
Phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm
Mặc dù mỗi tội phạm có thể khác nhau về tính chất và mức độ thể hiện, nhưng trong tất cả các tội phạm có thể rút ra được bốn yếu tố cấu thành chung nhất mà bất kỳ một tội phạm nào cũng phải có, đó là:
– Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội phạm là người thực hiện hành vi phạm tội. Người phạm tội (chủ thể của tội phạm) phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi nhất định mà Bộ luật hình sự quy định đối với mỗi loại tội phạm.
– Khách thể của tội phạm: Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội bị tội phạm xâm hại. Nếu quan hệ xã hội không bị xâm hại thì không có hành vi nguy hiểm cho xã hội và tất yếu không có tội phạm. Do đó, khi đề cập đến tội phạm thì trước tiên cần phải xác định quan hệ xã hội mà luật hình sự bảo vệ bị xâm hại.
– Mặt khách quan của tội phạm: Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện bên ngoài của tội phạm, bao gồm: hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả của hành vi nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả, công cụ, phương tiện, hoàn cảnh phạm tội… Thông qua biểu hiện bên ngoài ở mặt khách quan của tội phạm có thể đánh giá được tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm. Mặt khách quan của tội phạm bao gồm:
+ Hành vi: Hành vi là dấu hiệu bắt buộc ở tất cả các tội phạm. Hành vi bao gồm hành vi hành động (ví dụ: hành vi của tội giết người, tội cướp tài sản,…) và hành vi không hành động (ví dụ: hành vi của tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng,…)
+ Hậu quả: Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc ở tất cả tội phạm. Ví dụ, tội hiếp dâm thì hậu quả không phải là dấu hiệu định tội, tội vứt bỏ con mới đẻ thì hậu quả là dấu hiệu định tội.
+ Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của tội phạm.
– Mặt chủ quan của tội phạm: Mặt chủ quan của tội phạm là những biểu hiện tâm lý bên trong của tội phạm được phản ánh qua hình thức động cơ, mục đích của tội phạm. Mặt chủ quan của tội phạm bao gồm:
+ Lỗi: Lỗi là dấu hiệu bắt buộc ở tất cả các tội phạm. Lỗi bao gồm:
Lỗi cố ý trực tiếp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;
Lỗi cố ý gián tiếp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
Lỗi vô ý vì quá tự tin: Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
Lỗi vô ý do cẩu thả: Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Ý nghĩa của cấu thành tội phạm
Từ việc phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm ta thấy được ý nghĩa của nó như:
+ Cấu thành tội phạm là một trong những điều kiện quan trọng nhất để định tội danh chính xác. Nếu hành vi nguy hiểm cho xã hội cụ thể nào không có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm được quy định trong pháp luật hình sự thì không thể đặt ra vấn đề định tội danh.
+ Cấu thành tội phạm là cơ sở pháp lý cần và đủ để truy cứu trách nhiệm người phạm tội. Các cơ quan tư pháp hình sự khi có đầy đủ cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội. Việc xác định đã có tội phạm được thực hiện chỉ có ý nghĩa khi hành vi nguy hiểm cho xã hội của chủ thể có đầy đủ các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm tương ứng.
+ Cấu thành tội phạm là yếu tố để đảm bảo cho các quyền con người và tự do của công dân trong lĩnh vực tư pháp hình sự đồng thời hỗ trợ việc tuân thủ pháp luật và củng cố trật tự pháp luật trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Việt Nam hiện nay.
+ Cấu thành tội phạm là căn cứ để người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng lựa chọn đúng loại và mức hình phạt đối với người thực hiện hành vi phạm tội.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về nội dung “Phân tích các yếu tố cấu thành tội phạm“. Hi vọng bài viết mang lại thông tin hữu ích với bạn đọc.
Câu hỏi thường gặp:
Có hai loại chủ thể của tội phạm:
– Chủ thể thường: chỉ cần đáp ứng các hành vi phạm tội cụ thể của các tội phạm tương ứng.
– Chủ thể đặc biệt: chủ thể phải đáp ứng một số điều kiện đặc biệt kèm theo hành vi phạm tội tương ứng.
Căn cứ Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định có 4 loại tội phạm sau đây:
– Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
– Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
– Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
– Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.