Sơ đồ bài viết
Hiện nay, nhu cầu xác thực tính pháp lý, công chứng hợp đồng, giao dịch dân sự trong đời sống của người dân rất cao, để đáp ứng nhu cầu nhiều Văn phòng công chứng cũng được thành lập. Do đó, đòi hỏi Công chứng viên phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để hành nghề và đảm bảo thực hiện đúng pháp luật. Vậy, trong quá trình trở thành công chứng viên, đào tạo công để trở thành công chứng viên thì sinh viên phải trải qua quá trình học tập và thi cử như thế nào? Học trường gì để làm công chứng viên? Kính mời bạn đọc hãy cùng Học viện đào tạo pháp chế ICA tìm hiểu về vấn đề này nhé.
Khái niệm công chứng viên
Chúng ta thường gặp những người công chứng các loại văn bản, giấy tờ tại các văn phòng công chứng. Những người làm công việc đó được gọi với tên chung là Công chứng viên.
Công chứng viên là những người chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của các loại giấy tờ, văn bản, chứng thực các văn bản được in, lập từ bản chính, chứng thực chữ ký của người có thẩm quyền ra quyết định trong các văn bản, công văn, giấy tờ.
Công chứng viên là những người có đủ tiêu chuẩn về trình độ và chuyên môn, kỹ năng về công chứng theo quy định của pháp luật, được bổ nhiệm từ Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Học trường gì để làm công chứng viên?
Luật Công chứng 2014 quy định một trong những tiêu chuẩn để trở thành công chứng viên là phải có bằng cử nhân luật. Theo đó, để trở thành công chứng viên thì bạn phải tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục có đào tạo ngành luật hoặc bằng tốt nghiệp là bằng cử nhân luật.
Ở nước ta hiện nay có rất nhiều cơ sở đào tạo ngành luật như: Trường Đại học Luật Hà Nội, trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học kinh tế-luật-Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Trường đại học luật Vinh,…đây là những cơ sở đào tạo luật uy tín và có bề dày kinh nghiệm vững chắc.
Sau khi có bằng cử nhân luật, bạn phải đăng ký tham gia khoá đào tạo công chứng viên. Ngôi trường duy nhất đào tạo công chứng viên đó là Học viện Tư Pháp thuộc Bộ Tư pháp có hai cơ sở là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Lộ trình các bước để trở thành công chứng viên
Với người đã đáp ứng đầy đủ điều kiện để trở thành công chứng viên đồng nghĩa đã thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục về chuyên môn dưới đây.
- Bước 1: Tốt nghiệp cử nhân tại các trường đào tạo luật trên cả nước
Một trong các tiêu chuẩn để bổ nhiệm công chứng viên là phải có bằng cử nhân luật nên bắt buộc để đáp ứng điều kiện trở thành công chứng viên, người này phải tốt nghiệp cơ sở đào tạo về luật.
Hiện nay, trên cả nước có rất nhiều cơ sở đào tạo luật, đáng chú ý có thể kể đến trường đại học luật Hà Nội, trường đại học Luật – đại học quốc gia Hà Nội…
- Bước 2: Tham gia khóa đào tạo hành nghề tại Học viện Tư pháp
Sau khi có bằng cử nhân luật, người đó phải tham gia khóa đào tạo nghề công chứng trong thời gian 12 tháng tại Học viện Tư pháp. Sau khóa đào tạo chuyên môn, Học viện Tư pháp cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa học cho người học.
Việc tham gia khóa đào tạo hành nghề công chứng không bị áp dụng cho tất cả các trường hợp. Cụ thể, theo Điều 10 Luật Công chứng 2014, những đối tượng sau sẽ được miễn đào tạo hành nghề công chứng:
– Người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên;
– Luật sư đã hành nghề từ 05 năm trở lên;
– Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật;
– Người đã là thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên pháp luật cao cấp.
Các trường hợp được miễn đào tạo hành nghề công chứng vẫn phải tham gia khóa bồi dưỡng kỹ năng hành nghề công chứng và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng tại Học viện Tư pháp trong 03 tháng và tập sự hành nghề.
- Bước 3: Tập sự hành nghề
Người đã hoàn thành khóa đào tạo hành nghề công chứng hoặc khóa học bồi dưỡng hành nghề công chứng đăng ký việc tập sự hành nghề với Sở Tư pháp nơi có Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng nhận tập sự.
Trường hợp không tìm được tổ chức hành nghề công chứng để tập sự hoặc gặp khó khăn trong việc tự liên lạc, người tập sự có thể liên hệ với Sở Tư pháp đại phương nơi mình muốn tập sự để được bố trí phù hợp (Khoản 1, Điều 11 Luật Công chứng 2014).
Thời gian thực tập hành nghề công chứng là 12 tháng đối với những người tốt nghiệp khóa đào tạo hành nghề công chứng, 03 tháng đối với người tốt nghiệp khóa bồi dưỡng nghề công chứng.
Người có nguyện vọng được quyền thay đổi nơi tập sự nhưng phải đảm bảo tổng thời gian tập sự tối thiểu tại mỗi tổ chức hành nghề là 03 tháng (khoản 2 Điều 3 Thông tư 04/2015/TT-BTP).
- Bước 4: Kiểm tra kết quả tập sự
Việc đăng ký kiểm tra kết quả tập sự có thể được thực hiện tại Sở Tư pháp nơi đăng ký tập sự khi có kỳ kiểm tra do Bộ Tư pháp tổ chức hoặc ngay khi người tâp sự nộp báo cáo kết quả tập sự.
Một năm, Bộ Tư pháp tổ chức 02 kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng. Trong trường hợp không đạt yêu cầu trong kỳ kiểm tra trước, người tập sự được phép đăng ký kiểm tra lại trong đợt sau nhưng tổng số lần kiểm tra tối đa chỉ 03 lần (Điều 16, Điều 17, Thông tư 04/2015/TT-BTP).
Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng được cấp giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề công chứng.
- Bước 5: Bổ nhiệm công chứng viên
Khi đạt tiêu chuẩn hành nghề và đã tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, có giấy chứng nhận hoàn thành tập sự hành nghề công chứng, người có nguyện vọng đủ điều kiện nộp hồ sơ xin bổ nhiệm công chứng viên theo quy định tại Điều 12 của Luật Công chứng 2014.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản và hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên của Sở Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định bổ nhiệm công chứng viên. Đây là thời điểm xác định một người chính thức trở thành công chứng viên.
Lưu ý: Để được bổ nhiệm công chứng viên, người đạt đủ điều kiện phải có thời gian công tác về luật là 05 năm trở lên. Do đó, để giảm bớt thời gian và nhanh chóng được bổ nhiệm, thông thường, sau khi tốt nghiệp, cá nhân nên công tác trong ngành pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn về chủ đề: “Học trường gì để làm công chứng viên?“. Hy vọng bài viết hữu ích với bạn đọc.
Câu hỏi thường gặp:
Theo quy định pháp luật, công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Lời chứng của công chứng viên đối với hợp đồng, giao dịch phải ghi rõ thời điểm, địa điểm công chứng, họ, tên công chứng viên, tên tổ chức hành nghề công chứng; chứng nhận người tham gia hợp đồng, giao dịch hoàn toàn tự nguyện, có năng lực hành vi dân sự, mục đích, nội dung của hợp đồng, giao dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ trong hợp đồng, giao dịch đúng là chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người tham gia hợp đồng, giao dịch; trách nhiệm của công chứng viên đối với lời chứng; có chữ ký của công chứng viên và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.