Sơ đồ bài viết
Công chứng viên là một trong những nghề đang gây sốt hiện nay khi nhận được đông đảo sự quan tâm của các bạn trẻ. Bạn có mơ ước trở thành công chứng viên và không biết phải bắt đầu từ đâu, học như thế nào. Điều kiện để làm công chứng viên là gì? Học công chứng viên mấy năm? Đây có lẽ là những câu hỏi mà rất nhiều bạn trẻ cũng đang thắc mắc. Để giải đáp những vướng mắc trên, kính mời bạn đọc cùng Học viện đào tạo pháp chế ICA tìm hiểu ngay nhé.
Điều kiện để hành nghề công chứng viên
Đầu tiên, để trở thành công chứng viên, bắt buộc bạn phải là công dân Việt Nam, được đào tạo và có bằng cử nhân luật; có đủ sức khỏe và tư cách đạo đức tốt.
Thứ hai, tham gia khóa đào tạo nghề công chứng
Theo Điều 9 Luật Công chứng 2014 người có bằng cử nhân luật được tham dự khóa đào tạo nghề công chứng tại cơ sở đào tạo nghề công chứng. Thời gian đào tạo nghề công chứng là 12 tháng. Người hoàn thành chương trình đào tạo nghề công chứng được cơ sở đào tạo nghề công chứng cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng.
Tuy nhiên, một số người được miễn đào tạo nghề công chứng nếu một người đã là luật sư; thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên có thời gian hành nghề từ 05 năm trở lên hoặc người đã là giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật; thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật thì được miễn đào tạo nghề công chứng nhưng phải tham gia khóa bồi dưỡng kỹ năng hành nghề công chứng và quy tắc đạo đức hành nghề công chứng tại cơ sở đào tạo nghề công chứng trước khi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên. Thời gian bồi dưỡng nghề công chứng là 03 tháng (theo Điều 10 Luật Công chứng 2014).
Thứ ba, tập sự hành nghề công chứng
Sau khi có giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng hoặc giấy chứng nhận bồi dưỡng nghề công chứng thì người muốn hành nghề công chứng phải tập sự hành nghề tại một tổ chức hành nghề công chứng. Người tập sự có thể tự liên hệ với một tổ chức hành nghề công chứng đủ điều kiện nhận tập sự về việc tập sự tại tổ chức đó; trường hợp không tự liên hệ được thì đề nghị Sở Tư pháp ở địa phương nơi người đó muốn tập sự bố trí tập sự tại một tổ chức hành nghề công chứng đủ điều kiện nhận tập sự. Người tập sự phải đăng ký tập sự tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi có tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự. Thời gian tập sự hành nghề công chứng là 12 tháng đối với người có giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng và 06 tháng đối với người có giấy chứng nhận bồi dưỡng nghề công chứng. Thời gian tập sự hành nghề công chứng được tính từ ngày đăng ký tập sự. Hướng dẫn về tập sự hành nghề công chứng được quy định tại Thông tư 04/2015/TT-BTP.
Thứ tư, bổ nhiệm công chứng viên
Người đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 8 của Luật này có quyền đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm công chứng viên. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên được gửi đến Sở Tư pháp nơi người đề nghị bổ nhiệm công chứng viên đã đăng ký tập sự hành nghề công chứng.
Học công chứng viên mấy năm?
Thời gian theo học để trở thành nghề công chứng không phải là khoảng thời gian ngắn cũng không phải là khoảng thời gian quá dài.
Để trở thành công chứng viên, trước tiên, bạn phải có bằng cử nhân Luật. Các trường đào tạo cử nhân luật thời gian học thông thường là 04 năm.
Tiếp đến, khi đã hoàn thành và có bằng cử nhân Luật, phải đi làm và đủ điều kiện về kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp luật với thời gian tối thiểu là 05 năm. Trong khoảng thời gian này, bạn có thể tận dụng thời gian vừa đi làm để có kinh nghiệm, vừa đăng ký tham gia khoá đào tạo nghề công chứng tại Học viện Tư pháp với thời gian đào tạo là 12 tháng. Tiếp theo, bạn sẽ phải tham gia tập sự ít nhất 12 tháng tại các tổ chức hành nghề công chứng.
Như vậy, hành trình để đến với công việc là một công chứng viên cũng không phải khoảng thời gian quá dài nếu bạn có sự kiên trì và nỗ lực. Bạn cần khoảng thời gian tối thiểu cho công việc này là 09 năm.
Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm làm công chứng viên
Luật Công chứng 2014 quy định hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng tại khoản 2 Điều 12, bao gồm các loại giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị bổ nhiệm công chứng viên theo mẫu được Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;
- Phiếu lý lịch tư pháp;
- Bản sau bằng cử nhân luật hoặc bằng thạc sĩ luật, tiến sĩ luật;
- Giấy tờ chứng minh về thời gian công tác pháp luật;
- Bản sao giấy chứng nhận tốt nghiệp khoá đào tạo nghề công chứng. Đối với các trường hợp được miễn đào tạo nghề công chứng thì phải có bản sao giấy chứng nhận hoàn thành khoá bồi dưỡng nghề công chứng và các giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề công chứng;
- Bản sao giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề công chứng;
- Giấy chứng nhận sức khoẻ do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp.
Khi bạn đáp ứng đầy đủ điều kiện để làm công chứng viên thì bạn gửi 01 bộ sồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên đến Sở Tư pháp nơi người đó đề nghị bổ nhiệm công chứng viên đã đăng ký tập sự hành nghề công chứng.
Những trường hợp không được làm nghề công chứng viên
Bên cạnh những tiêu chuẩn và điều kiện đủ tư cách hành nghề công chứng viên thì pháp luật cũng quy định cụ thể với những trường hợp không được làm công chứng viên.
Điều 13 Luật Công chứng 2014 quy định những trường hợp không được bổ nhiệm công chứng viên như sau:
- Trường hợp 1, những người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đã bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về tội phạm do vô ý mà chưa được xóa án tích hoặc về tội phạm do cố ý.
- Trường hợp 2, những người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
- Trường hợp 3, những người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Trường hợp 4, Cán bộ bị kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm, công chức, viên chức bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sỹ quan, hạ sỹ quan, công nhân, viên chức trong đơn vị thuộc Công an nhân dân bị kỷ luật bằng hình thức tước danh hiệu quân nhân, danh hiệu Công an nhân dân hoặc đưa ra khỏi ngành.
- Trường hợp 5, những người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư do bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách của Đoàn luật sư, người bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư mà chưa hết thời hạn 03 năm kể từ ngày quyết định thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư có hiệu lực hoặc kể từ ngày chấp hành xong quyết định tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư.
Như vậy, nếu nằm trong những trường hợp nêu trên thì bạn sẽ không được làm trong vị trí công chứng viên theo quy định pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn về chủ đề: “Học công chứng viên mấy năm”. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn đọc.
Câu hỏi thường gặp:
Không. Theo quy định tại Điểm k khoản 1 Điều 7 Luật Công chứng 2014, các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó, nghiêm cấm: “Công chứng viên đồng thời hành nghề tại hai tổ chức hành nghề công chứng trở lên hoặc kiêm nhiệm công việc thường xuyên khác”.
Các hình thức hành nghề của công chứng viên bao gồm:
a) Công chứng viên của các Phòng công chứng;
b) Công chứng viên hợp danh của Văn phòng công chứng;
c) Công chứng viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại Văn phòng công chứng.