fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Các chế định luật hiến pháp Việt Nam hiện hành

Hiến pháp là văn bản pháp lý cao nhất, đóng vai trò là cơ sở pháp lý của hệ thống pháp luật và hoạt động nhà nước ở Việt Nam. Chế định luật Hiến pháp Việt Nam hiện hành, được thông qua vào năm 2013, đại diện cho sự tiến bộ, đổi mới và sự phát triển của quốc gia trong bối cảnh thế giới đương đại. Hiến pháp này không chỉ là tuyên ngôn về đường lối, chính sách của nhà nước mà còn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, cũng như quyền và nghĩa vụ của công dân.

Các chế định luật hiến pháp Việt Nam hiện hành

2.1 Lời nói đầu

Lời nói đầu của Hiến pháp (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở kế thừa lời nói đầu của Hiến pháp hiện hành, nhưng có chắt lọc, lựa chọn ý tứ, từ ngữ để nêu bật được một cách ngắn gọn tinh thần, nội dung của Hiến pháp, đã phản ánh được lịch sử hào hùng của dân tộc và những mốc lịch sử quan trọng, những thành quả cách mạng đã đạt được và thể hiện ý chí, quyết tâm của nhân dân ta, thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng, xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

2.2 Bản chất Nhà nước và nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước

Điều 2 của Hiến pháp (sửa đổi) kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992 thể hiện rõ bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; khẳng định nền tảng vững chắc của chính quyền nhân dân là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; quy định rõ nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước, nhấn mạnh cơ chế kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp tại khoản 3 Điều 2. Quy định “kiểm soát quyền lực” là một nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền, là một vấn đề mới trong tổ chức quyền lực của Nhà nước ta. Nguyên tắc này đã được thể hiện trong các Chương V, VI, VII, VIII và IX của Hiến pháp. Đây là cơ sở hiến định để tiếp tục thế chế hóa trong các quy định của các luật có liên quan.

2.3 Về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam 

Điều 4 của Hiến pháp (sửa đổi) là kế thừa quy định tại Điều 4 của Hiến pháp năm 1992, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta và đã bổ sung quy định về bản chất của Đảng, đó là: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”. Chính do bản chất và nền tảng tư tưởng của Đảng như vậy nên nhân dân ta thừa nhận vai trò lãnh đạo nhà nước và xã hội của Đảng. Hiến pháp đã bổ sung vào Điều 4 quy định về trách nhiệm của Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Các chế định luật hiến pháp Việt Nam hiện hành
Các chế định luật hiến pháp Việt Nam hiện hành

2.4 Về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 

Hiến pháp (sửa đổi) đã thể hiện một cách khái quát nhất về vị trí, vai trò quan trọng và chức năng cơ bản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là sự kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992 đã bổ sung và thể hiện rõ hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tố quốc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2.5 Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân 

Với những nội dung quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại Chương II để khẳng định tầm quan trọng của quyền con người, quyền cơ bản của công dân thể hiện nhất quán đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Hiến pháp (sửa đổi) đã ghi nhận các quyền cơ bản của con người về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa theo các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Hiến pháp (sửa đổi) tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992; đồng thời, bổ sung một số quyền mới là thành tựu của gần 30 năm đổi mới đất nước; thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân.

2.6 Về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các thành phần kinh tế

Để bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế nước ta, Hiến pháp (sửa đổi) đã quy định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, khẳng định vai trò của Nhà nước và kinh tế nhà nước trong việc định hướng, điều tiết sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quy định như vậy không ảnh hưởng đến sự vận hành của nền kinh tế thị trường và vị trí, vai trò của các thành phần kinh tế khác  (Điều 51).

2.7 Về thu hồi đất

Trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, việc phải thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội là vẫn cần thiết. Tuy nhiên, để tránh tình trạng thu hồi đất tràn lan, tùy tiện, Hiến pháp (sửa đổi) đã quy định việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế – xã hội phải gắn trực tiếp với các mục tiêu vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 54).

2.8 Về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc

Về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Hiến pháp (sửa đổi) về cơ bản vẫn kế thừa các quy định của Hiến pháp hiện hành, khẳng định bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và là quyền cao quý của công dân. Tuy nhiên, do nội hàm bảo vệ Tổ quốc rộng lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội. Vì vậy, Hiến pháp (sửa đổi) đã quy định khái quát “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân” tại Điều 64; còn những vấn đề về quốc phòng, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội thì được quy định tại các điều 65, 66, 67, 68 và trong các nội dung khác của Hiến pháp (sửa đổi)  (Điều 64).

2.9 Về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội

– Hiến pháp (sửa đổi) tiếp tục khẳng định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Về ngân sách nhà nước, Quốc hội nhận thấy, việc nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương về ngân sách là cần thiết để địa phương chủ động trong việc triển khai ngân sách nhằm hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế – xã hội của mình. Tuy nhiên, việc tách bạch hoàn toàn giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương là không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay ở nước ta. Nhà nước Việt Nam là thống nhất, tài chính nhà nước và ngân sách nhà nước là thống nhất trong quản lý, Quốc hội đại diện cho cử tri cả nước. Do đó Hiến pháp (sửa đổi) vẫn tiếp tục khẳng định, việc quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước vẫn thuộc trách nhiệm của Quốc hội  (Điều 70, Điều 74).

– Do vị trí của đại sứ là đại diện đặc mệnh toàn quyền của nước ta ở nước ngoài nên việc quy định Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn để Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cử, triệu hồi đại sứ là cần thiết. Hiến pháp (sửa đổi) đã kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 về vấn đề này và quy định như vậy cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngoài ra, với tư cách là cơ quan thường trực của Quốc hội, Hiến pháp (sửa đổi) cũng giao cho Ủy ban thường vụ Quốc hội thẩm quyền “Quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”. Theo Hiến pháp hiện hành thẩm quyền này thuộc Chính phủ.

2.10  Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước

– Hiến pháp (sửa đổi) tiếp tục khẳng định, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh. Tuy nhiên, Hiến pháp (sửa đổi) đã làm rõ thẩm quyền của Chủ tịch nước trong từng lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và quy định mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp. Đồng thời, đã làm rõ hơn vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước trong việc quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đôc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam…; cùng với đó là bổ sung quy định thẩm quyền của Hội đồng quốc phòng và an ninh do Chủ tịch nước làm Chủ tịch quyết định việc lực lượng vũ trang nước ta tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới  (Điều 88).

2.11 Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 

– Hiến pháp (sửa đổi) tiếp tục quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bổ sung chức năng thực hiện quyền hành pháp cho Chính phủ. Theo đó, Chính phủ được quy định những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể để thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về các lĩnh vực của đời sống; kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, thông tin, truyền thông, đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

– Về thẩm quyền và trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Hiến pháp (sửa đổi) phân định rõ hơn thẩm quyền và trách nhiệm của tập thể Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ (Điều 96, Điều 98).

2.12 Về Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân

Hiến pháp (sửa đổi) đã quy định Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp; Viện kiểm sát nhân dân thực hành quvền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; đồng thời quy định một cách tổng quát về mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động của Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, làm cơ sở hiến định cho việc tiếp tục đổi mới hoạt động tư pháp, phù hợp với yêu cầu của Nhà nước pháp quyền  (Chương VIII). 

2.13 Về chính quyền địa phương 

Hiến pháp sửa đổi kế thừa và phát triển từ các quy định về đơn vị hành chính của Hiến pháp hiện hành, nhằm đảm bảo sự ổn định, thống nhất và đồng bộ trong hệ thống hành chính ở Việt Nam. Bên cạnh việc duy trì các quy định cũ, Hiến pháp mới còn bổ sung các quy định liên quan đến các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, cũng như các đơn vị hành chính tương đương với quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Các điều chỉnh được thực hiện nhằm khắc phục hạn chế trong quá trình thành lập, sáp nhập, phân chia hay điều chỉnh các đơn vị hành chính.

Về tổ chức chính quyền địa phương, Hiến pháp sửa đổi đưa ra khung khái quát cho việc tổ chức chính quyền tại các đơn vị hành chính của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cụ thể, chính quyền địa phương sẽ bao gồm hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân, được tổ chức theo phương thức phù hợp với các đặc điểm của nông thôn, đô thị, hải đảo và các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, theo quy định của luật. Chi tiết về cách thức tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân tại các đơn vị hành chính sẽ được quy định cụ thể trong Luật tổ chức chính quyền địa phương (Chương IX).

2.14 Về Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước 

Nhằm thể hiện đầy đủ, sâu sắc hơn chủ quyền nhân dân, tạo cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình, thể chế hóa một trong những chủ trương của Đảng là “tăng cường hình thức dân chủ trực tiếp theo hướng hoàn thiện chế định bầu cử…”. Hiến pháp (sửa đổi) đã quy định tổng quát về Hội đồng bầu cử quốc gia, còn những vấn đề cụ thể về tổ chức và hoạt động của Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ do luật định (Chương X).

Hiến pháp (sửa đổi) cũng quy định một thiết chế hiến định độc lập là Kiểm toán Nhà nước phù hợp với thực tiễn hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.

>>> Xem thêm: Khoá học hợp đồng: Thiết kế, Soạn thảo và Rà soát

Mời bạn xem thêm:

Câu hỏi thường gặp:

Tội nào là tội nặng nhất theo Hiến pháp 2013?

Điều 44 Hiến pháp 2013 quy định như sau:
Điều 44.
Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc.
Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất.
Như vậy, phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất theo Hiến pháp 2013.

Mức hình phạt tội phản bội Tổ quốc theo Điều 108 Bộ luật Hình sự?

Mức hình phạt tội phản bội Tổ quốc theo Điều 108 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.
Sơ đồ bài viết