fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Câu hỏi nhận định đúng sai môn Tội phạm học phần 1 (có đáp án)

Sơ đồ bài viết

Bạn đang tìm kiếm Câu hỏi nhận định đúng sai môn Tội phạm học phần 1 (có đáp án) để ôn tập hiệu quả? Bài viết này cung cấp bộ câu hỏi kèm đáp án chi tiết, giúp bạn nắm vững kiến thức trọng tâm, chuẩn bị tốt cho kỳ thi. Cùng tham khảo ngay để củng cố hiểu biết về tội phạm học!

Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Tội phạm học: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-toi-pham-hoc?ref=lnpc

Câu hỏi nhận định đúng sai môn Tội phạm học phần 1 (có đáp án)

1. Tội phạm và tình hình tội phạm là hai khái niệm đồng nhất với nhau

=> Nhận định này sai. Theo điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS. Còn tình hình tội phạm là diễn biến và thực trạng của tội phạm đã xảy ra trong đơn vị thời gian và không gian nhất định. Vậy tội phạm và tình hình tội phạm không thể là hai khái niệm đồng nhất.

2. Tội phạm học là ngành khoa học pháp lý độc lập

=> Nhận định này sai. Trên cơ sở xác định đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, chức năng, nhiệm vụ và hệ thống tội phạm học có thể khẳng định tội phạm học là một ngành khoa học có vị trí độc lập trong hệ thống các khoa học. Nó nằm ở vị trí tiếp giáp với hai nhóm ngành khoa học là các khoa học xã hội và các khoa học pháp lý, đồng thời nó có quan hệ mật thiết với hai nhóm ngành khoa học này. Vì vậy, tội phạm học là khoa học xã hội – pháp lý chứ không phải là ngành khoa học pháp lý độc lập.

3. Nhiệm vụ của tội phạm học tại một quốc gia là không thể thay đổi

=> Nhận định này sai. Nhiệm vụ của tội phạm nói chung được xây dựng xuất phát từ nhiệm vụ, yêu cầu của công tác đấu tranh với tội phạm được đặt ra trong từng giai đoạn của từng quốc gia cũng như của từng khu vực nhất định. Vậy tùy thuộc vào mỗi giai đoạn ứng với từng nhiệm vụ, yêu cầu của công tác đấu tranh với tội phạm khác nhau thì nhiệm vụ của tội phạm học sẽ thay đổi.

4. Việc nghiên cứu, đánh giá tội phạm ẩn chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận.

=> Nhận định này sai. Việc nghiên cứu, đánh giá tội phạm ẩn còn có ý nghĩa về mặt thực tiễn thông qua các thông số như: tỷ lệ ẩn của tội phạm, độ ẩn của tội phạm và vùng ẩn của tội phạm. Nghiên cứu và xác định tình hình tội phạm ẩn đặc biệt là tên gọi của khái niệm tội phạm ẩn, định nghĩa của khái niệm, cách phân loại tội phạm ẩn, các thông số ẩn là đòi hỏi cấp thiết, có ý nghĩa về lí luận và thực tiễn. Giúp chúng ta nhận thức đúng về mặt lí luận, đánh giá đúng thực chất tình hình tội phạm ẩn đã xảy ra, xác định nguyên nhân ẩn, để từ đó có thể đưa ra các giải pháp phòng ngừa tội phạm hiệu quả.

5. Tỉ lệ ẩn của tội phạm là thông số thuộc về cơ cấu của tình hình tội phạm

=> Nhận định này sai. Thực trạng của tình hình tội phạm bao gồm hai bộ phận: số người phạm tội, số tội phạm đã xảy ra và đã bị phát hiện, xử lý (tội phạm rõ) và số người phạm tội, tội phạm đã xảy ra nhưng chưa bị phát hiện, xử lý (tội phạm ẩn) Nghiên cứu tội phạm ẩn là nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của tội phạm ẩn, trong đó có tỉ lệ ẩn. Vì vậy, tỉ lệ ẩn của tội phạm là thông số thuộc về thực trạng của tình hình tội phạm

6. Để xác định tội phạm ẩn các nhà tội phạm học thường chỉ dựa vào phương pháp phỏng vấn

=> Nhận định này sai. Phỏng vấn thuộc phương pháp điều tra để nghiên cứu về tội phạm ẩn. Ngoài phương pháp phỏng vấn còn có phương pháp điều tra, hỏi trả lời để nghiên cứu về tình hình tội phạm.

7. Những tội phạm khác nhau có độ ẩn như nhau

=> Nhận định này sai. Có 4 cấp độ đánh giá, từ cấp 1 tới cấp 4. Cấp 1 là cấp độ thấp nhất, gồm những tội phạm khi xảy ra có khả năng bộ lộ, bị phát hiện nhiều nhất như các tội gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích. Cấp 4 là cấp độ cao nhất đặc trưng bởi các tội phạm bị che giấu nhiều nhất, khó phát hiện, xử lý, thống kê nhất như các tội phạm do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện

8. Tội phạm rõ là những tội phạm chỉ bao gồm các tội phạm đã qua xét xử

=> Nhận định này sai. Tội phạm rõ chỉ bao gồm tội phạm đã được xử lí về hình sự mà trong đó có tội phạm đã được khẳng định qua bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật và được thể hiện trong thống kê tội phạm.

9. Tội phạm rõ là tội phạm đã bị xử lý về hình sự và có trong thống kê tội phạm

=> Nhận định này đúng. Trả lời tương tự câu 8.

10. Tội phạm được thống kê là tội phạm rõ

=> Nhận định này đúng. Tội phạm rõ là tội phạm đã xảy ra trên thực tế, bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự và được thể hiện trong thống kê tội phạm.

Tội phạm ẩn là các tội phạm đã thực tế xảy ra nhưng không được thể hiện trong thống kê tội phạm vì không được phát hiện, không được xử lý hoặc không được đưa vào thống kê tội phạm

11. Tội phạm rõ là tội phạm chưa bị xử lí về hình sự

=> Nhận định này sai. Tội phạm rõ chỉ bao gồm tội phạm đã được xử lí về hình sự mà trong đó có tội phạm đã được khẳng định qua bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật và được thể hiện trong thống kê tội phạm.

12. Tội phạm ẩn có thể là tội phạm đã xảy ra đã bị xử lý về hình sự và đã có trong thống kê tội phạm

=> Nhận định này sai. Tội phạm ẩn là các tội phạm đã thực tế xảy ra nhưng không được thể hiện trong thống kê tội phạm vì không được phát hiện, không được xử lý hoặc không được đưa vào thống kê tội phạm.

13. Tội phạm ẩn là tội phạm đã xảy ra nhưng không có trong thống kê tội phạm

=> Nhận định này đúng. Tội phạm ẩn là các tội phạm đã thực tế xảy ra nhưng không được thể hiện trong thống kê tội phạm vì không được phát hiện, không được xử lý hoặc không được đưa vào thống kê tội phạm.

14. Tội phạm ẩn là tội phạm chưa bị người nào phát hiện

=> Nhận định này sai. Tội phạm ẩn nhân tạo: tội phạm đã xảy ra trên thực tế, đã bị các cơ quan chức năng phát hiện nhưng không bị xử lý do có sự che đậy từ tội phạm ẩn tự nhiên khác (ẩn chủ quan); Tội phạm ẩn thống kê: tội phạm đã xảy ra trên thực tế, đã bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nhưng không đưa vào thống kê hình sự.

15. Tội phạm ẩn nhân tạo (ẩn chủ quan) do người phạm tội tạo ra

=> Nhận định này sai. Nguyên nhân chính dẫn đến tội phạm ẩn nhân tạo là có sự tham gia của con người, cụ thể là những người có quyền hạn nhất định, mặc dù tội phạm đã bị phát hiện những những chủ thể có quyền hạn này cố tình không xử lý với nhiều lí do khác nhau. Lý do để không xử lý tội phạm thực chất là do có sự tồn tại của tội phạm ẩn tự nhiên khác như các tội phạm về đưa, nhận hối lộ, làm sai lệch hồ sơ vụ án, tội làm trái các quy định của nhà nước

Vì vậy, tội phạm ẩn nhân tạo (ẩn chủ quan) do người phạm tội của tội phạm ẩn tự nhiên tạo ra.

Câu hỏi nhận định đúng sai môn Tội phạm học phần 1 (có đáp án)
Câu hỏi nhận định đúng sai môn Tội phạm học phần 1 (có đáp án)

16. Tội phạm học là khoa học thực nghiệm

=> Nhận định này sai. Tội phạm học là khoa học liên ngành, thực nghiệm nghiên cứu về tội phạm (hiện thực), nguyên nhân của tội phạm và kiểm soát tội phạm nhằm mục đích phòng ngừa tội phạm.

17. Đối tượng nghiên cứu của tội phạm học chỉ bao gồm: tội phạm hiện thực, nguyên nhân của tội phạm hiên thực

=> Nhận định này sai. Đối tượng nghiên cứu của tội phạm học bao gồm tội phạm hiện thực, nguyên nhân của tội phạm hiện thực và kiểm soát tội phạm.

18. Kiểm soát tội phạm không phải là đối tượng nghiên cứu của Tội phạm học

=> Nhận định này sai. Theo khái niệm của Tội phạm học thì đối tượng nghiên cứu của Tội phạm học bao gồm tội phạm hiện thực, nguyên nhân của tội phạm hiện thực và kiểm soát tội phạm.

19. Tội phạm học và khoa học Luật hình sự không có mối quan hệ với nhau

=> Nhận định này sai. Vì khoa học LHS nghiên cứu tội phạm và hình phạt. Các kết quả nghiên cứu của khoa học LHS phục vụ cho việc giải thích việc nhận thức đúng các quy định của luật để áp dụng.

20. Tội phạm học và khoa học luật tố tụng hình sự không có mối quan hệ với nhau

=> Nhận định này sai. Khoa học luật TTHS nghiên cứu các thủ tục TTHS trong đó LHS được áp dụng cho từng trường hợp cụ thể để xác định tội phạm và truy cứu TNHS đối với người phạm tội. Các kết quả nghiên cứu của khoa học luật TTHS phục vụ cho việc quy định của pháp luật TTHS giải thích và nhận thức đúng các quy định để áp dụng.

21. Tội phạm học và tâm lý học không có mối quan hệ với nhau

=> Nhận định này sai. Vì xã hội học, tâm lý học và tâm thần học tội phạm cũng là bộ phận của tội phạm học bởi khi thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu thực nghiệm về các đối tượng nghiên cứu của tội phạm học, buộc tội phạm học phải dựa vào các ngành khoa học về xã hội và con người nêu trên.

22. Một nhóm nguyên nhân và điều kiện của tội phạm có thể là nguyên nhân và điều kiện của nhiều tội phạm khác nhau

=> Nhận định này đúng. Ví dụ nhóm nguyên nhân và điều kiện về kinh tế thì có thể làm phát sinh các tội phạm xâm phạm sở hữu, các tội phạm về kinh tế, các tội phạm về ma túy, các tội phạm tham nhũng.

23. Căn cứ vào nguồn gốc xuất hiện có thể chia nguyên nhân của tội phạm thành nguyên nhân chủ yếu và nguyên nhân thứ yếu

=> Nhận định này sai. Căn cứ vào nguồn gốc xuất hiện có thể chia nguyên nhân của tội phạm thành nguyên nhân bắt nguồn từ môi trường sống và nguyên nhân xuất phát từ người phạm tội.

24. Nguyên nhân của tội phạm chỉ bao gồm nguyên nhân từ môi trường sống và nguyên nhân xuất phát từ người phạm tội

=> Nhận định này sai. Ở mức độ tổng quan có thể chia nguyên nhân của tội phạm thành: nhóm nguyên nhân từ moi trường sống, nhóm nguyên nhân xuất phát từ người phạm tội và tình huống cụ thể.

25. Tình huống, hoàn cảnh phạm tội là nguyên nhân chủ quan của tội phạm cụ thể

=> Nhận định này sai. Các tình huống, hoàn cảnh phạm tội được hiểu là những yếu tố được xác định cụ thể về không gian, thời gian, tình huống có thể gắn liền với đặc điểm đối tượng của hành vi phạm tội và của nạn nhân. Tất cả những tình huống, hoàn cảnh này tham gia tác động trong cơ chế hành vi phạm tội góp phần làm phát sinh một tội phạm cụ thể.

Vì vậy tình huống, hoàn cảnh phạm tội là nguyên nhân khách quan của tội phạm cụ thể.

26. Tình hình tội phạm không có tính phụ thuộc pháp lý

=> Nhận định này sai. Vì đây là một trong những đặc điểm của tội phạm. Tội phạm luôn có tính phụ thuộc pháp lý vì được phản ánh trong Luật hình sự. Khi quy định của Luật hình sự có sự thay đổi thì tội phạm cũng có xu hướng thay đổi theo.

27. Cơ cấu của tình hình tội phạm biểu thị tính chất nguy hiểm của tình hình tội phạm.

=> Nhận định này đúng. Cơ cấu của tình hình tội phạm là thành phần, tỉ trọng và sự tương quan giữa các tội phạm, loại tội phạm trong một chỉnh thể tình hình tội phạm. Xác định cơ cấu tội phạm có vai trò quan trọng trong biểu thị tính chất nguy hiểm của tình hình tội phạm. Ví dụ: Các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng chiếm tỉ trọng cao và ngày càng gia tăng đã thể hiện tính chất nguy hiểm cao của tình hình tội phạm.

28. Tình hình tội phạm có thể trở thành nguyên nhân và điều kiện của chính nó

=> Nhận định này đúng. Tình hình tội phạm là hậu quả của những hiện tượng và quá trình xã hội tiêu cực, khi đã được sinh ra thì đến lượt nó với tư cách là một loại hiện tượng tiêu cực lại có thể đóng vai trò là nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh những hiện tượng tiêu cực khác, trong đó có bản thân tình hình tội phạm. Đây được coi là tác động mang tính dây chuyền.

29. Tính xã hội là thuộc tính đặc trưng nhất của tình hình tội phạm

=> Nhận định này sai. Thuộc tính đặc trưng nhất, riêng nhất của tình hình tội phạm là tính trái pháp luật. Các thuộc tính còn lại không chỉ có ở mỗi tội phạm học.

30. Nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm thay đổi chậm hơn nguyên nhân và điều kiện của tội phạm cụ thể

=> Nhận định này đúng. Nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm là toàn bộ các hiện tượng và quá trình xã hội trong sự tương tác lẫn nhau làm chúng nảy sinh, tồn tại các tội phạm trong xã hội. Các hiện tượng xã hội này là phổ biến và được lặp đi lặp nhiều lần, có khả năng tồn tại lâu dài, trong các quan hệ xã hội luôn thay đổi. Nguyên nhân và điều kiện của tội phạm cụ thể có phạm vi hẹp hơn, thể hiện ở chỗ chỉ nguyên nhân và kết quả xét theo hành vi phạm tội của những con người cụ thể. Vì do cá nhân nên sự thay đổi sẽ nhanh hơn xã hội của nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm.

Mời bạn xem thêm:

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.

Sơ đồ bài viết

Sơ đồ bài viết