fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Câu hỏi nhận định đúng sai môn Luật hôn nhân và gia đình

Câu hỏi nhận định đúng sai môn Luật hôn nhân và gia đình là một trong những dạng bài tập phổ biến giúp sinh viên kiểm tra và củng cố kiến thức về các quy định pháp luật liên quan đến hôn nhân, gia đình, quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình. Những câu hỏi này thường xoay quanh các vấn đề như điều kiện kết hôn, ly hôn, quan hệ giữa cha mẹ và con cái, phân chia tài sản sau ly hôn, và các quy định về nhận con nuôi. Việc nắm vững và trả lời đúng các câu hỏi nhận định này không chỉ giúp sinh viên đạt điểm cao trong các bài kiểm tra mà còn trang bị kiến thức thực tiễn cần thiết cho việc áp dụng pháp luật trong đời sống.

Câu hỏi nhận định đúng sai môn Luật hôn nhân và gia đình

Câu 1: Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng sẽ là tài sản chung nếu hoa lợi, lợi tức đó là nguồn sống duy nhất của gia đình.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại khoản 4, Điều 44, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền chiếm hữu, định đoạt, sử dụng tài sản riêng thì trong trường hợp hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của một bên vợ hoặc chồng là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt phần hoa lợi, lợi tức này sẽ cần phải được sự đồng ý của cả vợ và chồng nhưng phần hoa lợi, lợi tức này vẫn là tài sản riêng của một bên vợ chồng chứ không phải là tài sản chung của vợ chồng.

Câu 2: Hội Liên hiệp phụ nữ có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định hủy kết hôn trái pháp luật do vi phạm sự tự nguyện.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 và điểm d, khoản 2, Điều 10, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về những người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật thì Hội Liên hiệp phụ nữ chỉ có quyền khi nam, nữ bị cưỡng ép kết hôn (vi phạm sự tự nguyện) tự mình đề nghị Hội Liên hiệp phụ nữ yêu cầu Tòa án ra quyết định hủy kết hôn trái pháp luật thì lúc này Hội Liên hiệp phụ nữ mới có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định hủy kết hôn trái pháp luật do vi phạm sự tự nguyện.

Câu 3: Hôn nhân chỉ chấm dứt khi một bên vợ, chồng chết.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại khoản 14, Điều 3, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 giải thích về thuật ngữ ly hôn thì ly hôn cũng làm quan hệ hôn nhân chấm dứt chứ không phải quan hệ hôn nhân chỉ chấm dứt khi một bên vợ hoặc chồng chết.

Câu 4: Kể từ ngày 01/01/2001 trở đi, việc nam nữ bắt đầu chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn sẽ không làm phát sinh quan hệ hôn nhân.

Nhận định: ĐÚNG.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại Mục 3, Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn thi hành nghị quyết 35/2000/QH10 quy định về việc hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân gia đình 2000 thì nam nữ sống chung với nhau từ 01/01/2001 thì không được công nhận quan hệ hôn nhân.

Câu 5: Kết hôn có yếu tố nước ngoài có thể đăng ký tại UBND cấp xã.

Nhận định: ĐÚNG.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại Điều 48, Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định về thẩm quyền đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài ở khu vực biên giới của Ủy ban nhân dân thì Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới thực hiện việc đăng ký kết hôn giữa công dân thường trú tại khu vực biên giới và công dân nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam. Do đó, kết hôn có yếu tố nước ngoài có thể đăng ký tại UBND cấp xã.

Câu 6: Kết hôn vi phạm điều kiện kết hôn là trái pháp luật.

Nhận định: ĐÚNG.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại khoản 6, Điều 3, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về giải thích từ kết hôn trái pháp luật thì kết hôn trái pháp luật là việc nam hoặc nữ đăng ký kết hôn nhưng một bên vi phạm một hoặc nhiều điều kiện kết hôn.

Câu hỏi nhận định đúng sai môn Luật hôn nhân và gia đình
Câu hỏi nhận định đúng sai môn Luật hôn nhân và gia đình

Câu 7: Khi cha mẹ không thể nuôi dưỡng, cấp dưỡng được cho con, thì ông bà phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng cho cháu.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 104, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của ông bà đối với cháu thì ông phải chỉ có nghĩa vụ nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng cháu trong trường hợp cha mẹ không thể nuôi dưỡng, cấp dưỡng được cho con và cháu phải là người chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc cháu đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi dưỡng mình. Chứ không phải mọi trường hợp khi cha mẹ không thể nuôi dưỡng, cấp dưỡng được cho con, thì ông bà đều phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng hoặc cấp dưỡng cho cháu.

Câu 8: Khi đi làm con nuôi người khác, người con đó sẽ chấm dứt quyền và nghĩa vụ đối với gia đình cha mẹ đẻ.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại khoản 4, Điều 24, Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về hệ quả của việc nuôi con nuôi thì khi làm con nuôi người khác, người con đó sẽ chấm dứt quyền và nghĩa vụ đối với gia đình cha mẹ đẻ trừ trường hợp cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác. Tức là, nếu cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận không chấm dứt quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đẻ với con nuôi thì các quyền và nghĩa vụ này sẽ không bị cấm dứt.

Câu 9: Khi giải quyết ly hôn, Tòa án phải tiến hành thủ tục hòa giải.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại Điều 54, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về hòa giải cơ sở và các Điều 205, Điều 206 và khoản 3, Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì khi giải quyết ly hôn, Tòa án phải tiến hành thủ tục hòa giải trừ các trường hợp không được hòa giải hoặc không thể tiến hành hòa giải theo quy định. Ví dụ vụ án ly hôn mà một bên vợ hoặc chồng bị mất năng lực hành vi dân sự thì không thể tiến hành hòa giải được nên Tòa án không tiến hành thủ tục hòa giải nữa.

Câu 10: Khi hôn nhân chấm dứt, mọi quyền và nghĩa vụ giữa những người đã từng là vợ chồng cũng chấm dứt.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 60, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với người thứ ba sau khi ly hôn thì vợ và chồng sau khi ly hôn, quyền và nghĩa vụ của vợ và chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực trừ trường hợp bên thứ ba và vợ chồng có thỏa thuận khác. Ví dụ: trong thời kỳ hôn nhân vợ chồng ông A vay của ông B số tiền 1 tỷ đồng thì sau khi vợ chồng ông A ly hôn vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm trả khoản tiền cho ông B.

Câu 11: Khi không sống chung cùng với cha mẹ, con đã thành niên có khả năng lao động phải cấp dưỡng cho cha mẹ.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại Điều 111, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của con cái đối với cha mẹ thì trường hợp con không sống chung với cha mẹ mà đã thành niên và có khả năng lao động phải cấp dưỡng cho cha mẹ trong trường hợp cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi dưỡng mình. Do đó, không phải trong mọi trường hợp con cái không sống chung cùng cha mẹ đều có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ.

Câu 12: Khi một bên vợ, chồng không đồng ý, người còn lại không thể tiến hành nhận nuôi con nuôi.

Nhận định: ĐÚNG.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại khoản 3, Điều 8, Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về người được nhận làm con nuôi chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai vợ chồng. Do đó, nếu một bên vợ hoặc chồng không chấp nhận nuôi con nuôi thì không thể tiến hành nhận con nuôi.

Câu 13: Khi Tòa án giải quyết việc giao con cho cha hoặc mẹ nuôi khi vợ chồng ly hôn, thì Tòa án phải căn cứ vào nguyện vọng của người con để giải quyết nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 81, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc giao con sau khi ly hôn thì vợ chồng tự thỏa thuận với nhau về người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con sau ly hôn. Chỉ khi không thỏa thuận được thì Tòa án mới giải quyết và có xem xét vào nguyện vọng của người con chứ không phải trong trường hợp nào Tòa án cũng xem xét vào nguyện vọng của con.

Câu 14: Khi vợ chồng ly hôn, con dưới 36 tháng tuổi được giao cho người vợ trực tiếp nuôi dưỡng.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại khoản 3, Điều 81, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn thì đối với con dưới 36 tháng tuổi được giao cho người vợ trực tiếp nuôi dưỡng trừ trường hợp người vợ không đủ điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục hoặc vợ chồng có thỏa thuận khác. Ví dụ: người vợ không đủ điều kiện nuôi dưỡng con dưới 36 tháng tuổi thì quyền được trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con sau ly hôn thuộc về người chồng.

Câu 15: Khi vợ hoặc chồng bị toà án tuyên bố mất tích bằng một quyết định có hiệu lực pháp luật thì quan hệ vợ chồng sẽ chấm dứt.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 56, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc ly hôn theo yêu cầu của một bên thì trường hợp một bên vợ hoặc chồng bị Tòa án tuyên bố mất tích bằng 01 bản án hay quyết định có hiệu lực pháp luật không làm chấm dứt quan hệ hôn nhân. Mà đây chỉ là 01 trong các căn cứ để từ đó, một bên vợ hoặc chồng có thể yêu cầu Tòa án cho ly hôn.

Câu 16: Khi vợ hoặc chồng thực hiện những giao dịch phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của gia đình mà không có sự đồng ý của bên kia thì người thực hiện giao dịch đó phải thanh toán bằng tài sản riêng của mình.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 30, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của vợ và chồng trong việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của gia đình thì trong trường hợp tài sản chung không đủ thì người vợ, hoặc chồng phải nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên. Do đó, không phải mọi trường hợp, việc thanh toán những giao dịch phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của gia đình mà không có sự đồng ý của bên kia thì người thực hiện giao dịch đó đều phải thanh toán bằng tài sản riêng của mình mà phải thanh toán bằng tài sản chung (nếu tài sản chung không đủ thì mỗi bên vợ hoặc chồng đều phải đóng góp từ tài sản riêng theo khả năng kinh tế).

Câu 17: Mọi giao dịch do một bên thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình, mà không có sự đồng ý của bên còn lại đều làm phát sinh trách nhiệm liên đới đối với vợ chồng.

Nhận định: ĐÚNG.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 27, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về trách nhiệm liên đới của vợ và chồng và quy định tại khoản 2, Điều 37 và Điều 30, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì giao dịch do một bên thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình như học tập, khám bệnh, ăn ở, thì sẽ phát sinh trách nhiệm liên đới đối với vợ chồng.

Câu 18: Mọi hành vi chung sống như vợ chồng từ ngày 01.01.2001 trở đi mà không đăng ký kết hôn đều không được công nhận quan hệ vợ chồng.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại Mục 2, Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định về các trường hợp nam và nữ sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến trước ngày 01/01/2001 thì họ phải có nghĩa vụ đi đăng ký kết hôn kể từ 01/01/2001 đến 01/01/2003. Nếu trong thời gian này họ đi đăng ký kết hôn thì được công nhận quan hệ vợ chồng.

Câu 19: Mối quan hệ nhận nuôi con nuôi chỉ được xác lập khi có sự đồng ý của cha mẹ đẻ (hoặc người giám hộ), người tiến hành nhận nuôi con nuôi và trẻ được nhận làm con nuôi.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 21, Luật Nuôi con nuôi 2014 quy định về sự đồng ý cho làm con nuôi thì trong trường hợp trẻ em được nhận làm con nuôi từ 09 tuổi trở lên thì việc cho/nhận nuôi con nuôi mới cần sự đồng ý của người được nhận làm con nuôi. Tức là không phải trong mọi trường hợp mối quan hệ nhận nuôi con nuôi chỉ được xác lập khi có sự đồng ý của cha mẹ đẻ (hoặc người giám hộ), người tiến hành nhận nuôi con nuôi và trẻ được nhận làm con nuôi.

Câu 20: Mọi trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không được pháp luật thừa nhận là vợ chồng

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 2, Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP giải thích thế nào là “người đang có vợ có chồng” thì vợ và chồng xác lập quan hệ vợ chồng trước ngày 03/01/1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì vẫn được pháp luật thừa nhận là vợ chồng mà không cần đăng ký kết hôn.

Câu 21: Nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03.01.1987 đều được pháp luật công nhận là vợ chồng.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 2, Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định về “người đang có vợ có chồng” thì vợ và chồng xác lập quan hệ vợ chồng trước ngày 03/01/1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì vẫn được pháp luật thừa nhận là vợ chồng mà không cần đăng ký kết hôn nếu họ có đủ điều kiện kết hôn. Trường hợp họ không có đủ điều kiện kết hôn thì không được công nhận là vợ chồng.

Câu 22: Nam nữ đang sống chung (không đăng ký kết hôn) không có quyền nhận trẻ em làm con nuôi chung.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại khoản 3, Điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về điều kiện của người nhận nuôi con nuôi thì người nhận nuôi con nuôi phải là người độc thân hoặc cả hai người là vợ chồng đồng ý. Trường hợp nam nữ đang sống chung như vợ chồng, không đăng ký kết hôn thì quan hệ hôn nhân không được công nhân, nam nữ lúc này vẫn được xem là độc thân nên họ có quyền nhận nuôi con nuôi.

Câu 23: Cha mẹ chồng để lại thừa kế cho chồng một căn nhà, đó là tài sản chung của vợ chồng.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 33, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về chế độ tài sản chung của vợ và chồng thì trường hợp Cha mẹ chồng để lại thừa kế cho chồng một căn nhà thì đây là trường hợp người chồng được thừa kế riêng căn nhà trên. Do đó, căn nhà trên là tài sản riêng của người chồng chứ không phải là tài sản chung của vợ và chồng.

Câu 24: Cha mẹ nuôi có thể thay đổi họ tên, dân tộc của con nuôi theo họ tên,dân tộc của mình.

Nhận định: ĐÚNG.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 24, Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về hậu quả của việc nuôi con nuôi thì cha mẹ nuôi có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thay đổi họ, tên của con nuôi. Tuy nhiên cần lưu ý thêm là đối với con nuôi từ 9 tuổi trở lên khi thay đổi họ, tên của con nuôi phải được sự đồng ý của người đó.

Câu 25: Cháu đã thành niên không sống chung với chú ruột phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho chú trong trường hợp chú không có khả năng lao động hoặc không có tài sản để tự nuôi mình.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại Điều 106 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Quyền và nghĩa vụ của cô, chú, dì,… và cháu ruột thì trường hợp cháu đã thành niên không sống chung với chú ruột không phải trong mọi trường hợp đều phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho chú trong trường hợp chú không có khả năng lao động hoặc không có tài sản để tự nuôi mình. Nếu chú ruột còn cha, mẹ, con hoặc các anh chị em ruột có điều kiện để thực hiện nuôi dưỡng thì trách nhiệm nuôi dưỡng trên thuộc về cha, mẹ, con hoặc anh, chị, em ruột của người đó.

Câu 26: Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định chỉ được áp dụng khi vợ chồng không lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 28, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc áp dụng chế độ tài sản của vợ và chồng thì vợ chồng có quyền lựa chọn việc áp dụng chế độ tài sản theo luật định hay theo thỏa thuận mà không cần phải xác định rằng từ chối áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận thì mới được áp dụng chế độ tài sản theo luật định.

Câu 27: Chế độ tài sản theo thỏa thuận sẽ được áp dụng khi vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Nhận định: ĐÚNG.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 28, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc áp dụng chế độ tài sản của vợ và chồng thì vợ chồng có quyền lựa chọn việc áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận. Trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì chế độ tài sản của vợ chồng thực hiện theo thỏa thuận của vợ chồng.

Câu 28: Chỉ những hôn nhân kết hôn theo luật định mới được nhà nước công nhận là hôn nhân hợp pháp.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 2, Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP quy định các trường hợp người đang có vợ chồng thì nam nữ không kết hôn nhưng chung sống với nhau như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987 thì được xem là hôn nhân hợp pháp mà không cần phải đăng ký kết hôn theo luật định.

Câu 29: Chỉ UBND cấp tỉnh nơi công dân Việt Nam cư trú mới có thẩm quyền đăng ký việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 18, Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định về thẩm quyền đăng ký kết hôn của Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới thực hiện việc đăng ký kết hôn thì Ủy ban nhân dân cấp xã cũng có quyền đăng ký việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài trong trường hợp công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới và công dân người nước ngoài cũng là người cư trú ở khu vực biên giới tiếp giáp với xã ở khu vực của Việt Nam nơi công dân Việt Nam thường trú.

Câu 30: Cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn là UBND nơi thường trú của một trong hai bên nam nữ.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại: khoản 1, Điều 17, Luật Hộ tịch 2014 quy định về thẩm quyền đăng ký kết hôn thì thẩm quyền đăng ký kết hôn thuộc về Ủy ban nhân dân nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ. Nơi cư trú này có thể là nơi tạm trú của một trong hai bên nam nữ chứ không bắt buộc phải là nơi thường trú.

Câu 31: Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn khi cha hoặc mẹ không còn đủ điều kiện trông nom, chăm sóc, giáo dục con.

Nhận định: ĐÚNG.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại: điểm b, khoản 2 và điểm c, khoản 5, Điều 84, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn khi cha hoặc mẹ không còn đủ điều kiện trông nom, chăm sóc, giáo dục con thì một trong các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con trong trường hợp này là cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em.

Do đó, Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em có quyền yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn khi cha hoặc mẹ không còn đủ điều kiện trông nom, chăm sóc, giáo dục con.

Câu 32: Con cái là khách thể trong quan hệ hôn nhân gia đình của cha mẹ.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Khách thể của quan hệ hôn nhân và gia đình là lợi ích mà vợ chồng đạt được khi tham gia vào quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình. Bao gồm: các lợi ích về nhân thân, tinh thần (như họ tên, quốc tịch, sự quan tâm, chăm sóc, yêu thương giữa các thành viên trong gia đình, giữa ông bà, cha mẹ với con cái và ngược lại) và các lợi ích về vật chất (như tài sản, các khoản cấp dưỡng, tài sản được thừa kế).

Do đó, con cái không phải là khách thể trong quan hệ hôn nhân gia đình của cha mẹ.

Câu 33: Con dâu được hưởng quyền thừa kế của cha mẹ chồng.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại Điều 644, Bộ luật dân sự 2015 quy định về các trường hợp thừa kế bắt buộc và quy định tại khoản 1, Điều 33, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về chế độ tài sản chung của vợ chồng thì con dâu không thuộc trường hợp được hưởng thừa kế bắt buộc (không phụ thuộc vào di chúc) của cha mẹ chồng. Trường hợp cha mẹ chồng để lại di sản của mình cho riêng con trai thì tài sản này là tài sản riêng của người chồng, người vợ (con dâu) không được hưởng thừa kế trong trường hợp này.

Câu 34: Con do người vợ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân đương nhiên là con chung của vợ chồng.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại: Điều 94 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc xác định cha mẹ cho con trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì người con được mang thai hộ là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ chứ không phải là con của người mang thai hộ.

Nói cách khác trong trường hợp trên, mặc dù đứa trẻ do người vợ sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nhưng không phải là con chung của vợ chồng (mà là con của vợ chồng người nhờ mang thai hộ).

Câu 35: Con nuôi và con đẻ không được kết hôn với nhau.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại: theo quy định tại Điều 5 và Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về các trường hợp cấm kết hôn và điều kiện kết hôn thì không quy định cấm con nuôi và con đẻ không được kết hôn với nhau. Do đó, nếu con nuôi và con đẻ có đầy đủ điều kiện kết hôn thì có thể kết hôn với nhau theo quy định.

Câu 36: Con riêng của một bên vợ chồng không có quyền kết hôn với con chung (con đẻ) của hai vợ chồng.

Nhận định: ĐÚNG.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về các trường hợp cấm kết hôn thì không cho phép người có cùng dòng máu trực hệ được kết hôn với nhau. Mà con riêng của vợ và con chung của vợ chồng có chung dòng máu trực hệ (chung dòng máu trực hệ từ mẹ) nên họ không được kết hôn với nhau.

Câu 37: Con riêng và bố dượng, mẹ kế có tất cả các quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con khi cùng chung sống với nhau.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại: Điều 79 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế thì quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế chỉ được thực hiện theo Điều 69, Điều 71 và Điều 72 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 mà không phải là đầy đủ các quyền như cha mẹ ruột và con như:

Câu 38: Con riêng và bố dượng, mẹ kế không phát sinh các quyền và nghĩa vụ pháp lý nào hết.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại Điều 79 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế thì giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế có quyền, nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc lẫn nhau theo quy định tại các Điều 69, 70, 71 và 72 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Câu 39: Dân tộc của con nuôi có thể được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại khoản 3, Điều 24, Luật Nuôi con nuôi 2010 thì trong trường hợp con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi thì Dân tộc của người con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi này được xác định theo dân tộc của cha, mẹ nuôi.

Do đó, dân tộc của con nuôi có thể được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi.

Câu 40: Để phù hợp với chính sách dân số gia đình VN, cặp vợ chồng chỉ được nhận từ một đến hai trẻ làm con nuôi.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định pháp luật Hôn nhân và gia đình và pháp luật về Nuôi con nuôi thì không có quy định nào cấm hay giới hạn số lượng nhận con nuôi mà chỉ giới hạn người được nhận làm con nuôi chỉ được làm con nuôi của bố hoặc mẹ độc thân hoặc của cả hai vợ chồng (theo quy định tại khoản 3, Điều 8, Luật Nuôi con nuôi 2010). Quy định này nhằm khuyến khích việc tạo ra gia đình thay đổi cho các trẻ em để các em có điều kiện tốt nhất được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục.

Câu 41: Đơn xin ly hôn bắt buộc phải có chữ ký của cả vợ và chồng.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại Điều 56, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về chế định ly hôn theo yêu cầu của một bên thì một bên vợ hoặc chồng trong một số trường hợp nhất định đều có quyền đơn phương yêu cầu ly hôn.

Trong trường hợp này đơn xin ly hôn không nhất thiết phải có đầy đủ chữ ký của cả vợ và chồng, nên đơn xin ly hôn không bắt buộc phải có chữ ký của cả vợ và chồng.

Câu 42: Hành vi xác lập quan hệ vợ chồng có thể ủy quyền cho người khác thực hiện.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 6, Luật Hộ tịch 2014 quy định về việc đăng ký kết hôn thì bắt buộc nam và nữ khi đăng ký kết hôn phải trực tiếp thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền mà không được phép ủy quyền cho người khác. Quy định này nhằm đảm bảo sự tự nguyện trong kết hôn theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về điều kiện kết hôn.

Câu 43: Hoà giải cơ sở là thủ tục bắt buộc trước khi vợ chồng yêu cầu ly hôn tại toà án.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại khoản 3, Điều 207 Luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về các trường hợp không tiến hành hòa giải được thì về nguyên tắc trong một vụ án ly hôn, Tòa án sẽ tiến hành thủ tục hòa giải đoàn tụ để vợ chồng một lần nữa có thể có cơ hội hàn gắn, suy nghĩ lại mà không cần phải ly hôn. Tuy nhiên trong một số trường hợp như vợ hoặc chồng là người bị mất năng lực hành vi dân sự, vợ hoặc chồng đã bị Tòa án tuyên bố mất tích thì việc ly hôn không qua thủ tục hòa giải.

Câu 44: Hòa giải cơ sở là thủ tục phải tiến hành trước khi Tòa án giải quyết yêu cầu ly hôn.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại khoản 3, Điều 207 Luật Tố tụng dân sự 2015 thì về nguyên tắc Tòa án sẽ tiến hành thủ tục hòa giải khi một bên vợ hoặc chồng làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn. Tuy nhiên trong một số trường hợp như vợ hoặc chồng là người bị mất năng lực hành vi dân sự; vợ hoặc chồng đã bị Tòa án tuyên bố mất tích thì việc giải quyết yêu cầu ly hôn không qua thủ tục hòa giải.

Câu 45: Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự không có quyền kết hôn.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Điều 5 và Điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Câu 46: Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định hủy kết hôn trái pháp luật do vi phạm sự tự nguyện.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Không phải trong mọi trường hợp, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đều có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định hủy kết hôn trái pháp luật do vi phạm sự tự nguyện. Việc kết hôn tự nguyện vi phạm điều kiện kết hôn quy định điểm b, khoản 1, Điều 8, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nên nam hoặc nữ bị cưỡng ép kết hôn có thể tự mình yêu cầu Tòa hoặc đề nghị Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam yêu cầu Tòa hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Câu 47: Nam nữ sống chung như vợ chồng có thể được pháp luật công nhận là vợ chồng.

Nhận định: ĐÚNG.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 14, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về việc giải quyết hậu quả việc nam nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng vẫn có thể được pháp luật công nhận là vợ chồng nếu sau đó nam nữ đăng ký kết hôn theo quy định.

Lưu ý, quan hệ kết hôn trong trường hợp này được xác lập kể từ thời điểm đăng ký kết hôn chứ không phải tính từ thời điểm nam nữ sống chung như vợ chồng.

Câu 47: Nam nữ có thể ủy quyền cho cha mẹ mình đăng ký kết hôn.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại khoản 2, Điều 6, Luật Hộ tịch 2014 thì trong trường hợp nam, nữ kết hôn thì nam, nữ phải trực tiếp đến đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền mà không được ủy quyền cho người khác, nhằm đảm bảo điểu kiện tự nguyện kết hôn.

Câu 48: Người chưa thành niên mới được nhận là con nuôi.

Nhận định: ĐÚNG.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 21, Bộ luật dân sự 2015 quy định về người chưa thành niên thì người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi. Căn cứ theo quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 8 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về điều kiện được nhận con nuôi thì người được nhận làm con nuôi phải là người dưới 16 tuổi hoặc người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi trong một số trường hợp đặc biệt.

Do đó, chỉ người chưa thành niên mới được nhận là con nuôi.

Câu 49: Quan hệ vợ, chồng chấm dứt kể từ thời điểm quyết định tuyên một bên vợ hoặc chồng đã chết của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Căn cứ theo quy định tại đoạn 2, Điều 65 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thời điểm chấm dứt hôn nhân trong trường hợp Tòa án tuyên bố một bên vợ hoặc chồng là đã chết thì thời điểm quan hệ vợ, chồng chấm dứt được xác định theo ngày chết được ghi trong bản án, quyết định của Tòa án chứ không phải là ngày quyết định đã chết có hiệu lực pháp luật.

Câu 50: Những người đã đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật là những người đang có vợ có chồng.

Nhận định: SAI.

Gợi ý giải thích: Những người đã đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật nhưng sau đó họ đã ly hôn thì những người này hiện không có vợ hoặc chồng.

Căn cứ pháp lý: khoản 14, Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Khóa học tìm hiểu môn Luật hôn nhân và gia đình online tại Học viện đào tạo pháp chế ICA là cơ hội tuyệt vời để bạn nắm vững những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về Luật Hôn nhân và Gia đình. Với đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, nội dung học phong phú và phương pháp giảng dạy hiện đại, bạn sẽ được trang bị kiến thức cần thiết để tự tin đối mặt với các vấn đề pháp lý trong cuộc sống và công việc. Đừng bỏ lỡ cơ hội nâng cao hiểu biết và kỹ năng pháp lý của mình. Hãy đăng ký ngay hôm nay để khởi đầu hành trình học tập của bạn!

Link đăng ký khoá học: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-luat-hon-nhan-va-gia-dinh?ref=lnpc

Mời bạn xem thêm:

Câu hỏi thường gặp:

Tài sản chung và tài sản riêng của vợ chồng được xác định như thế nào?

Tài sản chung của vợ chồng là tài sản do vợ chồng tạo ra, thu nhập do lao động, sản xuất, kinh doanh, và các tài sản hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân. Tài sản riêng là tài sản mà mỗi bên có trước khi kết hôn hoặc được tặng cho, thừa kế riêng trong thời kỳ hôn nhân.

Thủ tục nhận con nuôi theo Luật Hôn nhân và Gia đình được thực hiện như thế nào?

Thủ tục nhận con nuôi bao gồm: (1) Hồ sơ của người nhận con nuôi và trẻ được nhận nuôi; (2) Nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền; (3) Cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh hồ sơ; (4) Quyết định của cơ quan chức năng về việc nhận con nuôi; (5) Đăng ký việc nhận con nuôi tại cơ quan có thẩm quyền.
Những câu hỏi và trả lời này cung cấp cái nhìn tổng quan về các khía cạnh quan trọng trong môn Luật Hôn nhân và Gia đình, giúp bạn nắm vững kiến thức cần thiết trong lĩnh vực này.

Đánh giá bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.
Sơ đồ bài viết