fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài tập tình huống luật dân sự có đáp án thường gặp năm 2023

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, Luật Dân sự là một ngành luật được ban hành để điều chỉnh một số quan hệ dân sự trên cơ sở bình đẳng, tự định đoạt và tự chịu trách nhiệm trong quan hệ dân sự. Theo lẽ đó mà Luật Dân sự có một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháo đối với cá nhân, tổ chức khi họ tham gia vào quan hệ dân sự. Học viện đào tạo pháp chế ICA sẽ chia sẻ đến bạn đọc một số Bài tập tình huống luật dân sự có đáp án thường gặp năm 2023 tại nội dung bài viết sau, mời bạn đọc tham khảo.

Căn cứ pháp lý

Bộ luật Dân sự năm 2015

Bài tập tình huống luật dân sự có đáp án thường gặp năm 2023

Tình huống 1: Tình huống về quyền họ, tên của cá nhân

Vợ chồng anh A và chị B (đều là người Việt Nam), sinh được một bé gái vào ngày 30/4/2023. Anh A, chị B rất mê xem phim Hàn Quốc nên muốn đặt tên cho con theo tiếng Hàn Quốc, vợ chồng thống nhất sẽ đặt tên cho con là: Trần Nguyễn Seoul.

Hỏi: Theo anh, chị cháu bé có thể mang họ của chị B hay không? Vì sao?

Việc anh A, chị B đặt tên khai sinh cho con là Seoul  có được hay không?

Trả lời:

* Cháu bé có thể mang họ của chị B vì:

Theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 26 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quyền có họ, tên như sau:

1. Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.

2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Trường hợp chỉ có cha nuôi hoặc mẹ nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo họ của người đó.

Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ và chưa được nhận làm con nuôi thì họ của trẻ em được xác định theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc theo đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng.

Cha đẻ, mẹ đẻ được quy định trong Bộ luật này là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.

Bài tập tình huống luật dân sự có đáp án thường gặp năm 2023

Việc anh A, chị B đặt tên khai sinh cho con là Seuol là không được vì:

Theo Khoản 3, 4, 5 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì:

3. Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này.

Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ.

4. Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình.

5. Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Tình huống 2: Tình huống về quyền hình ảnh của cá nhân

Chị Nguyễn Thị A là học sinh cấp 3, thường xuyên cho Facebook, ngày nào cũng chụp hình đăng lên để thu hút like và comment. Sáng ngày 20/9/2012, đang trong giờ học, chị A lấy điện thoại chụp hình bạn Phạn Thị B – bạn học cùng lớp, ngồi phía sau đang ngủ gật.

Sau khi chụp, A liền đăng lên Facebook và rất nhiều bạn học nhảy vào bình luận, nhiều bình luận mang tính chỉ trích, chê bai đã làm cho bạn B cảm thấy khó chịu. Và B đã yêu cầu A gỡ mấy bức ảnh trên face xuống, nhưng A không gỡ.

Hỏi: Theo các anh, chị việc chị A chụp hình chị B và đăng lên Facebook là đúng hay sai? Vì sao?

Trả lời:

Việc chị A chụp hình chị B và đăng lên Facebook khi chưa được sự đồng ý của chị B là sai, vì theo quy định tại  Khoản 1, 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền của cá nhân đối với hình ảnh thì:

1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Tình huống 3:

Bà Trần Thị T là công nhân của Công ty vận tải biển A có trụ sở tại Hải Dương nhưng có hộ khẩu thường trú tại phường N quận H thành phố Hải Phòng. Hàng năm chị T phải làm việc trên tầu khoảng 10 tháng. Vậy nơi cư trú của chị T được xác định là nơi chị T có hộ khẩu thường trú hay là nơi có trụ sở của Công ty vận tải biển A?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 45 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định nơi cư trú của người làm nghề lưu động trên tầu, thuyền, phương tiện hành nghề lưu động khác là nơi đăng ký tầu, thuyền, phương tiện đó, nếu họ không có nơi cư trú theo quy định tại khoản 1 Điều 40 của Bộ luật này.

Như vậy, khi Bà Trần Thị T là công nhân của Công ty vận tải biển A mặc dù có hộ khẩu thường trú tại phường N quận H thành phố Hải phòng, nhưng hàng năm chị T làm việc trên tàu khoảng 10 tháng thì nơi cư trú của T không được xác định là nơi Bà T có hộ khẩu thường trú hay nơi nơi có trụ sở của ty vận tải biển A  mà là nơi đăng ký tàu mà trên đó bà làm việc.

Tình huống 4: Tình huống nhặt được tài sản bị đánh rơi

 Trên đường đi học, Nguyễn Văn A nhặt được chiếc ví trong ví có 10 triệu đồng và một số giấy tờ nhưng không thể hiện thông tin chủ nhân chiếc ví.

Theo bạn trong trường hợp này A phải làm như thế nào? Số tiền này sẽ thuộc về ai?

Trả lời

Theo quy định, A phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND cấp xã hoặc công an xã nơi gần nhất để thông báo cho chủ sở hữu biết nhận lại. Sau 1 năm kể từ ngày thông báo mà không có người tới nhận thì số tiền đó sẽ thuộc về A. Căn cứ theo Điều 230 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:

Điều 230. Xác lập quyền sở hữu đối với tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên

1. Người phát hiện tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại tài sản cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.

Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.

2. Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

a) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước;

b) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên là tài sản thuộc di tích lịch sử – văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì tài sản đó thuộc về Nhà nước; người nhặt được tài sản được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.

Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về nội dung Bài tập tình huống luật dân sự có đáp án thường gặp năm 2023. Hi vọng bài viết hữu ích với bạn đọc.

Câu hỏi thường gặp:

Đối tượng điều chỉnh của luật dân sự là gì?

Đối tượng điều chỉnh của luật dân sự là quan hệ nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự) (Điều 1 Bộ luật dân sự – BLDS năm 2015)

Phương pháp điều chỉnh của luật dân sự là gì?

Phương pháp điều chỉnh của luật dân sự là những cách thức, biện pháp mà Nhà nước tác động lên các quan hệ tài sản, các quan hệ nhân thân làm cho các quan hệ này phát sinh, thay đổi, chấm dứt theo ý chí của Nhà nước phù hợp với ba lợi ích (Nhà nước, xã hội và cá nhân).
Luật dân sự điều chỉnh các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân của cá nhân, pháp nhân được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm.

5/5 - (2 bình chọn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.
Sơ đồ bài viết