fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài giảng môn học Xây dựng văn bản pháp luật chương VI

Bài giảng môn học Xây dựng văn bản pháp luật chương VI

Chương 6: Soạn thảo một số văn bản pháp luật điển hình

I. Soạn thảo luật, pháp lệnh

1. Thẩm quyền ban hành và nội dung

– Thẩm quyền ban hành:

+ luật: do Quốc hội ban hành

+ pháp lệnh: do UBTV Quốc hội ban hành

– Nội dung:

+ nội dung của luật được quy định trong:

  • Điều 11 luật Ban hành VBQPPL 2008
  • Điều 15 luật Ban hành VBQPPL 2015

+ nội dung của pháp lệnh được quy định trong:

  • Điều 12 luật Ban hành VBQPPL 2008
  • Điều 16 luật Ban hành VBQPPL 2015

2. Cách thức soạn thảo luật, pháp lệnh

a. Soạn thảo nội dung

– Soạn thảo Cơ sở ban hành:

+ cơ sở pháp lý: “Căn cứ …”

+ cơ sở thực tiễn: “Xét …”

– Cơ sở pháp lý: minh chứng cho tính hợp pháp của văn bản

+ với luật, viện dẫn:

  • Hiến pháp nước CHXHCNVN
  • Phải là VBQPPL
  • Phải đang có hiệu lực
  • Liên quan đến VBPL đang xây dựng: liên quan đến thẩm quyền, hoặc liên quan đến nội dung
Bài giảng môn học Xây dựng văn bản pháp luật chương VI
Bài giảng môn học Xây dựng văn bản pháp luật chương VI

+ với pháp lệnh, viện dẫn:

  • Hiến pháp
  • Luật (nếu có)
  • Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

– Cơ sở thực tiễn: không có

– Soạn thảo nội dung chính:

+ quy định chung: phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giải thích từ ngữ, các nguyên tắc

+ quy định cụ thể: quy tắc xử sự (cấm, bắt buộc, cho phép):

  • quyền hạn, trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền
  • quy định chế tài
  • nguồn lực đảm bảo thực hiện văn bản

+ phần điều khoản thi hành:

  • điều khoản về thay thế, bãi bỏ,
  • điều khoản về thời điểm có hiệu lực,
  • điều khoản về chuyển tiếp hiệu lực

b. Kỹ thuật sử dụng kết cấu

– Tùy theo nội dung, luật, pháp lệnh có thể được trình bày theo Phần – Chương – Mục – Điều – Khoản – Điểm

– Việc bố cục theo Phần – Chương – Mục phải đảm bảo các Phần – Chương – Mục có nội dung độc lập tương đối và có tính hệ thống, logic vvề mặt nội dung

– Lưu ý: “Phần” chỉ được sử dụng trong Bộ luật (những luật có quy mô lớn, số điều khoản rất nhiều)

c. Kết cấu của luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung

– Bố cục: Điều – Khoản

– Luật, Pháp lệnh sửa đổi đơn: 1 luật sửa 1 luật, 1 pháp lệnh sửa 1 pháp lệnh

Thường gồm 3 điều:

Điều 1: Quy định về sửa đổi, bổ sung điều khoản của VBPL được sửa đổi, bổ sung

Mỗi điều khoản sửa đổi, bổ sung là 1 khoản trong luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung

Điều 2: Hủy bỏ hoặc thay thế từ ngữ liên quan đến những điều khoản trong VBPL hiện hành

Điều 3: Quy định trách nhiệm thi hành về thời điểm có hiệu lực

– Đối với luật, pháp lệnh sửa đổi nhiều luật, pháp lệnh khác:

+ Bố cục: Điều – Khoản

+ Mỗi điều sửa đổi, bổ sung nội dung của 1 VBPL

+ Điều cuối cùng quy định trách nhiệm thi hành và thời điểm có hiệu lực

II. Soạn thảo nghị định

1. Thẩm quyền ban hành và nội dung nghị định

– Thẩm quyền ban hành: Chính phủ

– Nội dung:

+ Điều 14 luật Ban hành VBQPPL năm 2008

+ Điều 19 luật Ban hành VBQPPL năm 2015

Những thay đổi chính của luật 2015 so với luật năm 2008:

  • Nghị định chỉ được giải thích , chi tiết những điều khoản mà quy định rõ trong luật rằng sẽ do nghị định giải thích
  • Không còn thông tư liên tịch, được nâng lên thành Nghị định

2. Cách thức soạn thảo nghị định

a. Soạn thảo cơ sở ban hành

– Cơ sở pháp lý: viện dẫn

+ VBQPPL quuy định thẩm quyền của Chính phủ: Luật Tổ chức Chính phủ

+ các luật, pháp lệnh liên quan trực tiếp nội dung của nghị định đang dự thảo

+ với “Nghị định không đầu”: chỉ viện dẫn Luật Tổ chức Chính phủ (vì không có luật hay pháp lệnh)

VD: Nghị định quy định chi tiết thi hành luật Đất đai 2013, thì phần cơ sở pháp lý sẽ như sau:

– Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ;

– Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013;

– Cơ sở thực tiễn của nghị định: thường là đề nghị của người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo nghị định

VD: Nghị định quy định chi tiết thi hành luật Đất đai 2013, thì phần cơ sở pháp lý sẽ như sau:

– Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ;

– Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013;

– Theo đề nghị của bộ trưởng bộ Tài nguyen môi trường, Chính phủ ban hành Nghị định … quy định chi tiết …

b. Soạn thảo nội dung chính

– Nội dung quy định về từng lĩnh vực chuyên môn: Chương – Mục – Điều – Khoản – Điểm

– Nội dung quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh: Chương – Mục – Điều – Khoản – Điểm

– Nội dung sửa đổi, bổ sung nghị định khác: Điều – Khoản

– Nội dung ban hành kèm theo quy chế, điều lệ: Điều – Khoản

c. Soạn thảo hiệu lực pháp lý

– Hiệu lực về đối tượng: giao nhiệm vụ cho cấp dưới tổ chức thực hiện nghị định

– Hiệu lực về thời gian: thời điểm bắt đầu có hiệu lực, thời điểm kết thúc hiệu lực (chỉ trong trường hợp VBPL thí điểm)

– Hiệu lực về văn bản: thay thế hoặc bãi bỏ nghị định hoặc 1 phần nghị định khác

– Điều khoản chuyển tiếp hiệu lực

III. Soạn thảo thông tư

1. Thẩm quyền ban hành và nội dung thông tư

– Thẩm quyền ban hành: khoản 6,7,8 điều 2 luật ban hành VBQPPL 2008

– Nội dung thông tư:

+ của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ: Điều 16

+ của Chánh án TANDTC, viện trưởng VKSNDTC: điều 18

2. Cách thức soạn thảo thông tư

a. Soạn thảo cơ sở ban hành

– Cơ sở pháp lý:

+ căn cứ VB quy định thẩm quyền: nghị định của Chính phủ quy định chức năng của Bộ; luật Tổ chức TANDTC; luật Tổ chức VKSNDTC

+ căn cứ VBQPPL liên quan nội dung.

Chú ý: VBPL quy định thẩm quyền phải được viện dẫn đầu tiên, dù cấp ban hành VBPL đó thấp hơn cấp ban hành VBPL khác trong phần cơ sở pháp lý

– Cơ sở thực tiễn: là đề nghị của người đứng đầu đơn vị chủ trì soạn thảo thông tư

b. Soạn thảo nội dung chính

– Hiệu lực về đối tượng, thời gian, văn bản

IV. Soạn thảo Quyết định

1. Chủ thể ban hành

– Quyết định là loại VBPL có số lượng chủ thể ban hành nhiều nhất, không chỉ các cơ quan NN mà còn các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp đều có thể ban hành Quyết định, tóm lại chủ thể nào có tư cách pháp nhân là có thể ban hành Quyết định.

– Với tư cách nhân danh NN để ban hành VBPL, có ba nhóm chủ thể ban hành Quyết định:

+ cơ quan NN, trừ cơ quan quyền lược NN (gồm Quốc hội, UBTV Quốc hội, HĐND các cấp ban hành Nghị quyết thay cho QĐ); đơn vị trực thuộc cơ quan NN có tư cách pháp nhân (Tổng cục / Cục thuộc Bộ, Trung tâm, Viện), các đơn vị sự nghiệp của NN (chỉ đơn vị công lập), các doanh nghiệp NN

+ cá nhân được NN trao quyền:

  • Một số thủ trưởng cơ quan NN: Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC (có thể ban hành cả Quyết định là văn bản quy phạm và văn bản áp dụng PL); chủ tịch UBND các cấp (chỉ được ban hành Quyết định là văn bản áp dụng PL)
  • Công chức khi thi hành công vụ: chủ yếu là những cá nhân được NN trao quyền xử phạt vi phạm hành chính (chiến sỹ cảnh sát giao thông, nhân viên hải quan, bộ bội biên phòng, nhân viên kiểm lâm, nhân viên thuế, nhân viên quản lý thị trường, thanh tra viên chuyên ngành, …), hoặc tạm giữ tạm giam (chiến sỹ công an) mặc dù họ không có chức vụ

+ người chỉ huy tàu bay, tàu biển khi các phương tiện rời sân bay, bến cảng (có thể là công dân VN hoặc công dân nước ngoài): được NN trao quyền để đảm bảo an ninh, an toàn cho phương tiện

2. Nội dung của Quyết định

– Quyết định được các chủ thể sử dụng để giải quyết những nhóm công việc sau:

+ để đặt ra các quy phạm PL: không phải tất cả các chủ thể trên đều có quyền này, mà chỉ có các loại chủ thể:

  • Chủ tịch nước
  • Thủ tướng
  • Tổng kiểm toán NN
  • UBND các cấp

mới được sử dụng Quyết định để đặt ra những chính sách, biện pháp để quản lý điều hành.

VD: UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định về khuyến khích đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố

+ để ban hành kèm theo điều lệ, quy chế, quy định mà chứa quy phạm PL.

VD: Thủ tướng ra Quyết định ban hành Điều lệ trường đại học áp dụng chung trên cả nước; Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định ban hành Quy chế phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu

==> đây là loại Quyết định gián tiếp đặt ra quy phạm PL

+ để đặt ra những quy tắc cấm đoán, bắt buộc thi hành, hoặc trao quyền cho công dân

– Quyết định để áp dụng PL: để giải quyết từng vụ việc cụ thể

+ giải quyết các công việc về tổ chức bộ máy trong các cơ quan: thành lập, chia tách, sáp nhập, giải thể đơn vị, …

VD: Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội ra Quyết định về việc sáp nhập phòng Tổ chức và phòng Hành chính thành phòng Tổ chức – Hành chính

+ quản lý nhân sự trong cơ quan, đơn vị: tuyển dụng, điều động, biệt phái, thuyên chuyển, bổ nhiệm, khen thưởng, cách chức, sa thải, nghỉ hưu, …

+ giải quyết công việc về chuyên môn nghiệp vụ: khi quyết định làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức

+ giải quyết những công việc mang tính quyết sách về thủ tục: như phê duyệt, phê chuẩn, ban hành

VD: thủ trưởng ra Quyết định phê duyệt kế hoạch công tác của đơn vị trong năm 2016

– Quyết định được sử dụng để ban hành kèm theo quy chế, quy định, nội quy, nhằm thực hiện quản lý điều hành nội bộ (có tính giao thoa giữa VB quy phạm và VB áp dụng PL):

+ nếu phạm vi áp dụng chỉ nằm trong nội bộ tổ chức thì là VB áp dụng PL. VD Quyết định ban hành Nội quy nơi làm việc

+ nếu phạm vi áp dụng ra bên ngoài tổ chức thì là VB quy phạm PL

3. Cách thức soạn thảo Quyết định

– Nội dung của Quyết định áp dụng PL có 3 phần:

+ cơ sở ban hành

+ nội dung chính: mệnh lệnh áp dụng

+ hiệu lực pháp lý của Quyết định

QUYẾT ĐỊNH

Về việc …

[CHỦ THỂ BAN HÀNH]

VD: HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI

UBND TỈNH BẮC NINH

VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ [VBPL quy định thẩm quyền của chủ thể ban hành];

“thẩm quyền” phải hiểu theo nghĩa rộng, tức là ở VBPL nào trao cho chủ thể này quyền ra quyết định việc này thì sẽ được viện dẫn. Chú ý: có thể có nhiều VBPL trong phần này

VD: Thủ tướng ra QĐ bổ nhiệm Bổ trưởng ==> viện dẫn Luật Tổ chức Chính phủ

Chủ tịch UBND tỉnh ra QĐ bổ nhiệm công chức lãnh đạo 1 sở ==> viện dẫn Luật Tổ chức Chính quyền địa phương

Chủ tịch UBND tỉnh ra QĐ giao đất cho doanh nghiệp ==> viện dẫn Luật Đất đai

Chủ tịch UBND tỉnh ra QĐ xử phạt vi phạm hành chính 1 doanh nghiệp ==> viện dẫn Luật xử phạt vi phạm hành chính

==> như vậy, nếu ra QĐ về tổ chức, điều hành nội bộ thì viện dẫn VBPL về tổ chức; nếu ra QĐ về 1 lĩnh vực chuyên môn thì viện dẫn VBPL về chuyên môn đó

Với cơ quan không có luật tổ chức, thì sẽ viện dẫn VBPL của cấp trên chủ quản cơ quan đó, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của cơ quan đó. VD với Bộ thì sẽ do Chính phủ ban hành bằng 1 nghị định; với Sở sẽ do UBND ban hành bằng 1 QĐ; với doanh nghiệp NN thì sẽ viện dẫn QĐ thành lập doanh nghiệp, và Điều lệ tổ chức hoạt động doanh nghiệp

Nếu Giám đốc Công an thành phố Hà Nội bổ nhiệm trưởng phòng Cảnh sát giao thông, sẽ viện dẫn QĐ của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng, nhiệm vụ của Công an tỉnh, thành phố

Căn cứ [các VBPL quy định trực tiếp về nội dung, công việc đang áp dụng];     

Sắp xếp các VBPL trong phần này:

+ hiệu lực cao hơn xếp trước (luật, nghị định, thông tư)

+ nếu cùng hiệu lực thì xếp theo thời gian ban hành trước, sau

+ nếu cùng hiệu lực, cùng thời gian thì lấy số văn bản trước, sau

+ nếu cùng hiệu lực, cùng thời gian, cùng số văn bản (vd thông tư của 2 bộ có thể có cùng số, cùng ngày), thì xếp theo văn bản trực tiếp quy định nội dung công việc đang áp dụng trước, gián tiếp sau

Chú ý: trường hợp viện dẫn quy chế hoạt động có 1 quyết định ban hành quy chế đó, thì sẽ ghi là

Căn cứ Quyết định số … ban hành kèm theo Quy chế …

(không được ghi Căn cứ Quy chế … ban hành kèm theo QĐ số …, vì QĐ mới là VBPL, còn Quy chế chỉ là văn bản hành chính)

Xét … / Theo …

Xét: do cấp dưới đề nghị, báo cáo. Có các trường hợp:

+ đề nghị của Trưởng đơn vị soạn thảo Quyết định.

VD với QĐ của Chủ tịch UBND thành phố về bổ nhiệm Giám đốc 1 Sở, nơi giúp việc tham mưu của UBND tỉnh về việc bổ nhiệm này là Sở Nội vụ ==> ghi Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ

VD với QĐ của UBND thành phố về ban hành Quy chế nơi làm việc, thì nơi tham mưu sẽ là Văn phòng ==> ghi Xét đề nghị của Chánh văn phòng

VD với QĐ của UBND về đầu tư ==> ghi Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư

+ công văn / tờ trình của đơn vị soạn thảo Quyết định.

VD: ghi Xét công văn của Sở nội vụ về việc bổ nhiệm Giám đốc Sở nội vụ (Phó Giám đốc Sở ký)

VD: ghi Xét tờ trình của phòng Kế hoạch Đầu tư

+ biên bản: vi phạm, khen thưởng, kỷ luật, nâng lương, nghiệm thu đề tài, …

VD: ghi Xét biên bản vi phạm hành chính

ghi Xét biên bản của Hội đồng thi đua khen thưởng

Theo: do cấp trên chỉ thị, chỉ đạo

+ văn bản chỉ đạo của đảng: nếu có chỉ thị trực tiếp vào việc cụ thể để ra quyết định

VD: ghi Theo chỉ thị số 15 của Tỉnh ủy về việc thành lập Ban phòng chống tham nhũng

+ công văn chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên trực tiếp

VD: ghi Theo công văn chỉ đạo của UBND tỉnh về …

Chú ý: nếu phần cơ sở ban hành có cả Căn cứ, Theo, Xét thì sắp xếp theo đúng thứ tự này.

QUYẾT ĐỊNH :

(có tối đa 5 điều, tối thiểu 2 điều)

Điều 1. Giải quyết công việc phát sinh (bắt buộc phải có)

Mệnh lệnh áp dụng + đối tượng áp dụng + lý do / thời gian thực hiện

VD: Bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đối với ông Nguyễn Văn A sinh ngày 1/1/1900 trong thời hạn 5 năm kể từ ngày 1/1/2000

VD: Nâng bậc lương trước thời hạn cho ông Nguyễn Văn A sinh ngày 1/1/1900 từ bậc 4/8 đên bậc 5/8 kể từ ngày 1/1/2000

VD: Tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở cho các ông bà trong danh sách kèm theo vì đã có thành tích xuất sắc trong năm 2015

VD: Xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn A sinh ngày 1/1/1900, đang cư trú tại … vì đã có hành vi vi phạm Khoản … Điều … của Nghị định …

Điều 2. Nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức (nếu có)

[Ai] có nghĩa vụ / trách nhiệm / phải làm gì … trong thời hạn …

Chỉ trình bày Điều 2 khi công việc mà Quyết định giải quyết làm thay đổi nghĩa vụ của đối tượng so với trước khi chưa có QĐ

Chú ý: + với QĐ phạt vi phạm (phát sinh nghĩa vụ nộp phạt), QĐ điều động, bổ nhiệm chức vụ, thuyên chuyển (phát sinh nghĩa vụ bàn giao bàn giao công việc hiện tại có người khác) sẽ có Điều về nghĩa vụ này

+ với QĐ về nâng lương, hủy văn bản, chấm dứt hiệu lực của văn bản sẽ không có Điều về nghĩa vụ này (vì không hề phát sinh nghĩa vụ nào)

VD: Ông Nguyễn Văn A có nghĩa vụ phải nộp phạt tại kho bạc Nhà nước trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định này.

VD: Ông Nguyễn Văn B có trách nhiệm và nghĩa vụ bàn giao công việc hiện tại và nhận công việc mới trong thời gian 5 ngày kể từ ngày nhận được Quyết định này.

Điều 3. Quyền lợi của đối tượng thi hành (nếu có)

[Ai] có quyền được hưởng … theo quy định của …

VD: Ông Nguyễn Văn A có quyền được hưởng phụ cấp chức vụ theo hệ số 0,6 theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành quyết định (bắt buộc phải có)

[Ai] chịu trách nhiệm thi hành quyết định này

[trưởng đơn vị cấp dưới của người ra quyết định] + [ông / bà] chịu trách nhiệm thi hành quyết định này

Chú ý: chỉ nêu những người trực tiếp liên quan, không cần nêu người gián tiếp

VD: Trưởng phòng Tổ chức Nhân sự, Trưởng phòng Tài chính Kế toán, và ông Nguyễn Văn A chịu trách nhiệm thi hành quyết định này

Điều 5. Thời điểm bắt đầu có hiệu lực của Quyết định

(có thể có chữ “Điều 5” hoặc không)

Chú ý: Nếu Quyết định có áp dụng hiệu lực hồi tố trở về trước thì không trình bày câu này, mà đưa lên nội dung trong Điều 1. Trường hợp điển hình là trường hợp Quyết định nâng lương, thường có hiệu lực trước đó (vì Hội đồng lương chỉ họp 1 lần trong năm).

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký / sau … ngày kể từ ngày ký./.

==> chú ý: phải tính toán sao cho Quyết định phải đến tay người nhận thì mới được có hiệu lực (tối đa sau 15 ngày)

V. Soạn thảo Chỉ thị

1. Chủ thể ban hành

– Thủ tướng

– Chánh án TANDTC

– Viện trưởng VKSNDTC

– Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ

– UBND các cấp

– Chủ tịch UBND các cấp

Chú ý: Theo luật Ban hành VBPL 2015 thì Chỉ thị luôn là VBADPL

2. Nội dung của Chỉ thị

– Chỉ thị được ban hành để giải quyết 03 nhóm việc:

phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện VBPL của cấp trên

Thông thường nhất là sau khi Quốc hội thông qua 1 luật hay pháp lệnh, cơ quan soạn thảo sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ra 1 Chỉ thị để triển khai, thi hành, áp dụng luật đó; khi về đến cấp tỉnh thì UBND tỉnh sẽ ra Chỉ thị để chỉ đạo UBND cấp huyện; và UBND cấp huyện sẽ lại ra Chỉ chị để chỉ đạo UBND cấp xã

VD: Chỉ thị số 51 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Giao thông đường bộ

chỉ đạo, đôn đốc và giao nhiệm vụ của cấp trên

Chú ý: Công văn cũng để chỉ đạo, đôn đốc và giao nhiệm vụ của cấp trên cho cấp dưới, sự khác nhau là: về mặt pháp lý thì Công văn chỉ là 1 dạng “bức thư”, là văn bản hành chính thông thường, không có tính mệnh lệnh bắt buộc như Chỉ thị; công văn có thể được ban hành bởi bất kỳ chủ thể nào, Chỉ thị là thẩm quyền của 1 số chủ thể được quy định trong luật.

Tuy nhiên với những chủ thể không có thẩm quyền ban hành Chỉ thị, thì sẽ ban hành Công văn và Công văn này sẽ có giá trị như Chỉ thị của chủ thể đó.

Với những chủ thể có thẩm quyền ban hành Chỉ thị thì thông thường với những việc nhỏ, mang tính nội bộ thì sẽ ban hành Công văn; với những việc “lớn”, có tính chất quan trọng, tác động đến nhiều cơ quan để thực hiện thì sẽ dùng hình thức là Chỉ thị.

VD: Chủ tịch UBND tỉnh … ra Chỉ thị về đảm bảo an toàn giao thông đường bộ / vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh

đề ra các biện pháp để nâng cao hiệu quả pháp lý

Câu hỏi: phân biệt “đề ra các biện pháp …” với  “quyết định các biện pháp …

Trả lời: sự khác nhau do thẩm quyền ban hành

+ “quyết định các biện pháp …” để chỉ các công việc quan trọng của quốc gia và địa phương, chỉ nêu về mặt chủ trương ==> phải do cơ quan quyền lực ban hành (Quốc hội, HĐND)

+ “đề ra các biện pháp …” là trên cơ sở biện pháp đã được quyết định rồi, cơ quan hành pháp, tư pháp sẽ thi hành nó để đưa vào đời sống, nêu ra các biện pháp chi tiết, cụ thể ==> là chức năng của Chỉ thị, do đó không dùng cụm từ “quyết định các biện pháp” trong Chỉ thị.

3. Soạn thảo nội dung của Chỉ thị

– Chỉ thị gồm 3 phần cơ bản:

+ cơ sở ban hành

+ nội dung chính: triển khai

+ kết thúc

CHỈ THỊ

[Về việc …]

a. Cơ sở ban hành

Có 3 cách viết cơ sở ban hành

– Cách 1:

+ viện dẫn 1 VBPL làm cơ sở pháp lý: dẫn VBPL trực tiếp điều chỉnh về nội dung công việc cần chỉ thị

VD: UBND tỉnh ban hành chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ==> viện dẫn Luật an toàn thực phẩm (không viện dẫn luật Tổ chức Chính quyền địa phương mặc dù do UBND tỉnh ban hành)

VD: UBND tỉnh chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn giao thông đường bộ ==> viện dẫn Luật Giao thông đường bộ

Lưu ý: nên viện dẫn bằng những từ sau:

  • Sau khi có [tên VBPL] …
  • Kể từ khi có [tên VBPL] …
  • Sau khi [ai] ban hành [tên VBPL], …
  • Sau nhiều năm thực hiện [tên VBPL] …

VD: Sau khi có Luật An toàn vệ sinh thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010  đến nay, …

             Kể từ khi có Luật An toàn vệ sinh thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010 đến nay, …

             Sau khi Quốc hội ban hành Luật An toàn vệ sinh thực phẩm 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010, …

             Sau nhiều năm thực hiện Luật An toàn vệ sinh thực phẩm 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010, …

+ nêu thực trạng của công việc: thành tựu (có thể có hoặc không), hạn chế, bất cập (bắt buộc phải có)

+ nguyên nhân có hạn chế đó: nguyên nhân từ phía người dân (thường là thiếu hiểu biết PL, ý thức kém) và nguyên nhân từ phía cơ quan NN

+ mệnh lệnh của chủ thể ban hành: [ai] yêu cầu [ai] làm gì

– Cách 2: (đảo vị trí so với Cách 1)

+ nêu thực trạng của công việc: thành tựu (có thể có hoặc không), hạn chế (bắt buộc phải có)

Lưu ý: nên mở đầu bằng

  • Trong thời gian qua, …
  • Thời gian gần đây, …
  • Vừa qua, …
  • Hiện nay, …

VD: Thời gian gần đây, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm diễn ra phổ biến và ngày càng có tính chất nghiêm trọng.

VD: Trong thời gian qua, vấn đề an toàn giao thông đường bộ đã được các cấp các ngành quan tâm và bước đầu đã đạt được những thành tựu đáng kể, …    

+ nguyên nhân dẫn đến hạn chế: nguyên nhân từ phía người dân (thường là thiếu hiểu biết PL, ý thức kém) và nguyên nhân từ phía cơ quan NN

+ viện dẫn VBPL làm cơ sở pháp lý: nên dùng các trạng ngữ:

  • Nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả hơn nữa [tên VBPL], [ai] yêu cầu [ai] làm gì
  • Để tổ chức thực hiện tốt hơn nữa [tên VBPL], [ai] yêu cầu [ai] làm gì

+ mệnh lệnh của chủ thể ban hành: [ai] yêu cầu [ai] làm gì

– Cách 3:

+ thực trạng công việc

+ nguyên nhân dẫn đến hạn chế

+ mệnh lệnh của chủ thể ban hành

VD: Chỉ thị của Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo về thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh:

       Sau nhiều năm triển khai thực hiện Nghị định số 135/1998/NĐ-CP của Chính phủ, công tác xóa đói giảm nghèo đã được các cấp các ngành quan tâm và ngày càng đạt được thành tựu đáng kể. Tỷ lệ các hộ đói nghèo ngày càng có chiều hướng thuyên giảm, đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo phần nào đã được cải thiện. [nêu thêm thành tựu].

       Mặc dù có được thành tựu trên đây, nhưng công tác xóa đói giảm nghèo vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế bất cập, điển hình là tỷ lệ tái nghèo có chiều hướng gia tăng, đời sống vật chất tinh thần của người dân ở vùng sâu vùng xa còn gặp vô vàn khó khăn vất vả, còn nảy sinh những tiêu cực trong quá trình triển khai công tác xóa đói giảm nghèo. [nêu thêm hạn chế]

        Sở dĩ tồn tại tình trạng trên là do / Nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên đây là do người nghèo còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào trợ cấp của NN mà không tự vươn lên thoát nghèo, việc làm cho người nghèo không phù hợp, nguồn vốn không ổn định, sự phối hợp của các cấp, ngành chưa đồng bộ, … Xuất phát từ thực tế trên đây, Chủ tịch UBND tỉnh A yêu cầu các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc những biện pháp sau:

b. Nội dung của Chỉ thị

Chú ý: không dùng Chương, Điều, Khoản để chia nội dung của Chỉ thị, mà chia theo từng phần 1, 2, 3, …

– Thông thường nội dung chính của Chỉ thị xoay quanh 6 giải pháp sau:

(1) Giải pháp về kinh phí

Nêu ra các nguyên nhân gây ra thiếu kinh phí; đồng thời nêu ra giải pháp đối với từng nguyên nhân

(2) Giải pháp về trang bị phương tiện vật chất

Nêu giải pháp về trang bị phương tiện vật chất phục vụ chuyên môn.

VD: Yêu cầu phải có giải pháp kiểm dịch thực phẩm trên thị trường, thì cần có phương tiện kiểm dịch chuyên dụng như thiết bị lấy mẫu, thiết bị xét nghiệm nhanh, …

VD: Yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, thì cần có xe chữa cháy chuyên dụng hiện đại, mặt nạ phòng độc, …

(3) Giải pháp về nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý của cơ quan chức năng

Chú ý xác định đúng cơ quan chức năng chính quản lý công việc của Chỉ thị

VD: chỉ thị về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thì cơ quan quản lý chính là bộ Y tế (trong khi có 4 bộ cùng quản lý là bộ Y tế, Nông nghiệp, Công thương, Công an)

VD: chỉ thị về tăng cường an toàn giao thông đường bộ, thì cơ quan quản lý chính là bộ Công an và bộ Giao thông cùng quản lý (nếu vi phạm giao thông trên đường sẽ do bộ Công an (cảnh sát giao thông) xử lý; nếu vi phạm cơ sở hạ tầng như lấn chiếm lòng đường vỉa hè sẽ do bộ Giao thông (thanh tra giao thông) xử lý)

Thông thường cần nâng cao hiệu quả hoạt động vì: Số lượng công chức mỏng, chuyên môn yếu, chế độ chính sách còn nhiều bất cập, trách nhiệm không cao, … ==> đề ra các giải pháp:

(a) Tăng cường số lượng công chức đáp ứng yêu cầu công việc được giao

(b) Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho công chức (bằng cách cử đi đào tạo bồi dưỡng và tập huấn chuyên môn)

(c) Nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật trong công việc

(d) Yêu cầu các cơ quan trực thuộc thường xuyên báo cáo về kết quả thực hiện công việc

(e) …

(4) Giải pháp về phối hợp đồng bộ kịp thời giữa các cơ quan hữu quan

Đặt câu hỏi: mình cần ai phối hợp cùng để giải quyết công việc

VD: để chữa cháy, cảnh sát phòng cháy chữa cháy sẽ cần:

  1. Hệ thống nước riêng để cứu hỏa ==> bộ tài nguyên môi trường
  2. Hệ thống điện
  3. Cứu hộ ==> bộ y tế
  4. Dọn dẹp hiện trường, đảm bảo vệ sinh môi trường ==> bộ tài nguyên môi trường

VD: chỉ thị về phòng chống buôn lậu, bộ công thương sẽ cần các chủ thể sau phối hợp :

  1. Hải quan, biên phòng: ở cửa khẩu
  2. Quản lý thị trường: khi hàng lậu đã vào trong nội địa
  3. Công an: xử lý vi phạm

(5) Giải pháp về nâng cao ý thức và sự hiểu hiểu biết cho người dân

Đặt câu hỏi: làm thế nào để nâng cao ý thức và hiểu biết của người dân ? Các biện pháp thông thường:

  1. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền PL
  2. Xử lý nghiêm minh với những hành vi vi phạm

(6) Giải pháp về thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện

Chú ý: 6 giải pháp trên là gợi ý cần phải có, ngoài ra còn có thể có nhiều giải pháp khác tùy vào từng trường hợp cụ thể.

– Cách sắp xếp 6 giải pháp trên:

+ 5 giải pháp đầu tiên được xếp theo tiêu chí: quan trọng xếp trước, ít quan trọng xếp sau; giải pháp trước mắt xếp trước, giải pháp lâu dài xếp sau, tùy theo lĩnh vực và thời điểm giải quyết công việc

+ giải pháp (6) luôn ở vị trí cuối cùng

– Các giải pháp trên được diễn đạt theo công thức:

Ai [thủ trưởng cơ quan cấp dưới của chủ thể ban hành chỉ thị] +

  • Có nghĩa vụ …
  • Có trách nhiệm …
  • Phải …
  • Cần …

+ [làm gì ]

VD: Sở Tài chính có trách nhiệm bảo đảm nguồn tài chính cho công tác xóa đói giảm nghèo.

c. Kết thúc

– Gồm các ý:

+ khẳng định lại nội dung của Chỉ thị

+ yêu cầu cấp dưới thực hiện tốt Chỉ thị

+ cách thức giải quyết vướng mắc

+ thời điểm có hiệu lực pháp lý

– Nên theo mẫu thông dụng:

      Trên đây là nội dung của Chị thị chỉ đạo công tác … Yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc những giải pháp trên.

      Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu phát sinh khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị gửi báo cáo về … để kịp thời giải quyết.

      Chỉ thị này có hiệu lực kể từ ngày …

Tham khảo trọn bộ bài giảng các môn học Xây dựng văn bản pháp luật: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-xay-dung-van-ban-phap-luat?ref=lnpc

Mời bạn xem thêm:

Đánh giá bài viết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.