Sơ đồ bài viết
Bạn đang tìm hiểu về “Bài giảng môn học Tư pháp quốc tế chương IV” với nội dung tập trung vào Tố tụng dân sự quốc tế? Chương IV này sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn sâu sắc về quy trình tố tụng trong bối cảnh quốc tế, bao gồm các quy định, nguyên tắc và cách thức giải quyết tranh chấp xuyên biên giới. Bài giảng sẽ giúp bạn nắm vững các khái niệm cơ bản, cũng như ứng dụng thực tiễn của tố tụng dân sự trong môi trường quốc tế. Hãy cùng khám phá để mở rộng kiến thức và nâng cao hiểu biết về lĩnh vực này!
Bài giảng môn học Tư pháp quốc tế chương IV
Chương 4: Tố tụng dân sự quốc tế
Tình huống: Năm 2009, chị Hoa là công dân VN, thường trú tại Hải Phòng, kết hôn với anh Lý Mạnh là công dân Trung Quốc làm việc tại VN và có con chung là bé Lý Lan. Năm 2012 anh Lý Mạnh về thăm gia đình tại Tô Châu – Trung Quốc, nhưng cho đến nay, năm 2017, vẫn không trở lại VN và cũng không liên lạc với 2 mẹ con chị Hoa. Chị Hoa muốn chấm dứt cuộc hôn nhân với anh Lý Mạnh. Chị Hoa sẽ phải làm gì ?
Trả lời: Chị Hoa có thể làm Đơn xin ly hôn ra tòa án VN, việc đầu tiên tòa án VN sẽ phải xác minh anh Lý Mạnh còn sống hay đã chết, nếu còn sống thì hiện đang ở đâu. Tuy nhiên tòa án VN lại không thể xác minh được việc anh Lý Mạnh còn sống hay đã chết vì tòa án VN chỉ có thẩm quyền trong lãnh thổ VN, trong khi anh Lý Mạnh đã về Trung Quốc. Trong trường hợp này, tòa án VN phải thực hiện 1 thủ tục gọi là Ủy thác tư pháp quốc tế, tức là phải thông qua 1 tòa án Trung Quốc để xác định xem anh Lý Mạnh còn sống hay đã chết.
Trường hợp đã xác minh được anh Lý Mạnh vẫn sống và cũng đồng ý chấm dứt cuộc hôn nhân với chị Hoa, thì tòa án VN ra quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân và yêu cầu anh Lý Mạnh phải cấp dưỡng cho bé Lý Lan. Tuy nhiên quyết định của tòa án VN sẽ không có hiệu lực đối với anh Lý Mạnh đang ở Trung Quốc, và khi đó quyết định của tòa án VN phải được tòa án Trung Quốc công nhận và buộc anh Lý Mạnh phải thi hành. Nếu quyết định của Tòa án VN không được tòa án Trung Quốc công nhận thì quyết định đó không được thi hành tại Trung Quốc.
Chị Hoa cũng có thể nộp đơn ra tòa án Trung Quốc, vì đây là cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài nên cả tòa án VN và tòa án Trung Quốc đều có thẩm quyền giải quyết. Thuận lợi của việc nộp đơn ra tòa án Trung Quốc là tòa án Trung Quốc có thẩm quyền trên lãnh thổ Trung Quốc, nên bản án/quyết định của tòa Trung Quốc sẽ lập tức được thi hành. Tuy nhiên khó khăn đối với chị Hoa là việc phải sang Trung Quốc, pháp luật khác với pháp luật VN.
I. Khái niệm và những nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự quốc tế
1. Khái niệm tố tụng dân sự quốc tế
– Là hoạt động của tòa án 1 nước trong việc giải quyết các vụ việc phát sinh từ các mối quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài, thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án theo 1 thể thức do luật định.
Vụ việc phát sinh từ các mối quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài = Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài
– Vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài: (Điều 464 Luật tố tụng dân sự 2015) là vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài
+ Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài
+ Các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
– Chú ý:
+ thuật ngữ Tố tụng dân sự quốc tế là thuật ngữ mang tính quy ước, vì được thực hiện tại tòa án quốc gia (khác với Công pháp quốc tế được giải quyết tại tòa án quốc tế), tính quốc tế được thể hiện ở điều kiện có yếu tố nước ngoài.
+ phân biệt tố tụng dân sự quốc tế với tố tụng dân sự thông thường: giống nhau ở chỗ đều được thực hiện ở tòa án quốc gia, tuân thủ luật pháp về tố tụng dân sự của quốc gia; Quy trình thực hiện giống nhau: đều theo PL tố tụng quốc gia; khác nhau ở chỗ tố tụng dân sự quốc tế có một số hoạt động đặc thù như ủy thác tư pháp quốc tế, công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài
Câu hỏi: Tố tụng dân sự quốc tế và tố tụng dân sự thông thường là 2 quy định hoàn toàn độc lập với nhau.
Trả lời: Khẳng định trên là Sai. Tố tụng dân sự quốc tế là trường hợp đặc thù, là sự mở rộng của tố tụng dân sự thông thường. Hai quy định này có mối quan hệ chặt chẽ, bổ sung cho nhau.
+ phân biệt tố tụng dân sự quốc tế với trình tự giải quyết các tranh chấp trong công pháp quốc tế:
Tố tụng dân sự quốc tế | Trình tự giải quyết các tranh chấp trong công pháp quốc tế | |
Chủ thể | Thể nhân, pháp nhân | Quốc gia |
Thẩm quyền giải quyết | Tòa án quốc gia | Tòa án quốc tế |
Tính chất vụ việc | Dân sự | Chủ quyền quốc gia |
2. Những nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự quốc tế
– Tôn trọng chủ quyền, an ninh quốc gia của nhau
– Tôn trọng quyền miễn trừ tư pháp của Nhà nước nước ngoài và những người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao
– Bảo đảm quyền bình đẳng của các bên tham gia tố tụng
– Nguyên tắc có đi có lại
– Nguyên tắc luật tòa án (Lex fori): đây là nguyên tắc đặc thù của tố tụng dân sự quốc tế
+ theo nghĩa rộng (ít được sử dụng): tòa án khi giải quyết các vụ việc dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài sẽ tuân thủ luật nước mình, bao gồm cả luật hình thức (luật tố tụng) và luật nội dung
+ theo nghĩa hẹp (thường được áp dụng nhiều hơn): tòa án khi giải quyết các vụ việc dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài đối với luật tố tụng sẽ tuân theo luật nước mình (trừ các trường hợp ngoại lệ) (với luật nội dung sẽ theo chỉ dẫn của quy phạm xung đột)
Ngoại lệ: tòa án có thể áp dụng luật tố tụng dân sự của nước ngoài trong các trường hợp sau:
- Có điều ước quốc tế giữa các quốc gia cho phép điều đó: rất hãn hữu xảy ra
- PL của chính quốc gia đó cho phép áp dụng luật tố tụng nước ngoài: trường hợp này chỉ có trên lý thuyết, thực tế không xảy ra
II. Thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế
1. Khái niệm thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế và vấn đề xung đột thẩm quyền xét xử
– Thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế là thẩm quyền của tòa án 1 quốc gia nhất định đối với việc xét xử các vụ việc dân sự quốc tế.
Chú ý: “thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế” cũng là 1 thuật ngữ mang tính quy ước, vì thẩm quyền này thuộc về tòa án quốc gia, tính chất quốc tế thể hiện ở việc vụ việc có yếu tố nước ngoài
– Xung đột PL về thẩm quyền xét xử quốc tế: là hiện tượng 2 hay nhiều cơ quan tư pháp (thường là tòa án) của các nước khác nhau đều có thể có thẩm quyền giải quyết 1 vụ việc dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài.
VD: công dân VN kết hôn với công dân Mỹ, khi xin ly hôn thì cả tòa án VN và tòa án Mỹ đều có thẩm quyền giải quyết.
– Giải quyết xung đột về thẩm quyền: là việc xác định rõ tòa án quốc gia nào có thẩm quyền thực tế để giải quyết 1 vụ việc dân sự quốc tế cụ thể đã phát sinh (thường là Hiệp định tương trợ tư pháp song phương)
+ xây dựng và áp dụng các quy phạm PL xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế thông qua việc ký kết các điều ước quốc tế
+ xây dựng và áp dụng các quy phạm xác định thẩm quyền dân sự quốc tế trong các văn bản PL của mỗi quốc gia. VD các quy định về quy định thẩm quyền trong Luật tố tụng dân sự 2015
2. Các quy tắc (dấu hiệu) xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế
– Dấu hiệu quốc tịch của 1 bên hoặc các bên đương sự trong vụ việc dân sự quốc tế: nếu trong vụ việc dân sự có công dân, pháp nhân nước nào thì tòa án nước đó có thẩm quyền
– Dấu hiệu nơi thường trú của bị đơn dân sự: bị đơn thường trú ở đâu thì tòa án nước đó có thẩm quyền
– Dấu hiệu nơi “hiện diện” của bị đơn dân sự hoặc tài sản của bị đơn dân sự
– Dấu hiệu nơi có tài sản đang tranh chấp: tài sản đang tranh chấp ở đâu thì tòa án nước đó có thẩm quyền
– Dấu hiệu nơi thường trú của nguyên đơn, nơi gây ra tổn thất hoặc nơi thi hành án
Câu hỏi: So sánh Xung đột pháp luật và Xung đột thẩm quyền xét xử
Xung đột pháp luật | Xung đột thẩm quyền xét xử | |
Giống nhau:+ đều bắt đầu từ những vụ việc dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài+ cách thức giải quyết: căn cứ vào điều ước quốc tế, nếu không có quy định trong điều ước quốc tế thì áp dụng pháp luật quốc gia | ||
Khái niệm | Là hiện tượng 2 hay nhiều hệ thống PL đều có thể áp dụng để điều chỉnh quan hệ PL dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài phát sinh trong giao lưu dân sự quốc tế. | Là hiện tượng 2 hay nhiều cơ quan tư pháp (thường là tòa án) của các nước khác nhau đều có thể có thẩm quyền giải quyết 1 vụ việc dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài. |
Trình tự giải quyết | Giải quyết sau khi đã xác định được tòa án có thẩm quyền xét xử. | Giải quyết trước. Vì tòa án là nơi sẽ quyết định chọn luật để giải quyết, do đó cần xác định tòa án nào có thẩm quyền trước. |
Cách thức giải quyết | Căn cứ vào các hệ thuộc | Căn cứ vào các dấu hiệu |
Kết quả |
Ví dụ: Điều 129 Luật hôn nhân gia đình 2014
Khoản 1 là quy phạm xung đột pháp luật: Nghĩa vụ cấp dưỡng tuân theo pháp luật của nước nơi người yêu cầu cấp dưỡng cư trú. Trường hợp người yêu cầu cấp dưỡng không có nơi cư trú tại Việt Nam thì áp dụng pháp luật của nước nơi người yêu cầu cấp dưỡng là công dân.
Khoản 2 là quy phạm xung đột thẩm quyền: Cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn yêu cầu cấp dưỡng của người quy định tại khoản 1 Điều này là cơ quan của nước nơi người yêu cầu cấp dưỡng cư trú.
3. Quy tắc xác định thẩm quyền xét xử dân sự quốc tế của VN
– Cơ sở pháp lý:
+ Hiệp định tương trợ tư pháp
+ Văn bản PL VN:
- Luật tố tụng dân sự 2015
- Luật hôn nhân gia đình 2014
- Luật thương mại 2005
– Xác định thẩm quyền xét xử quốc tế theo luật tố tụng dân sự 2015: dấu hiệu xác định thẩm quyền:
+ thẩm quyền chung của tòa án VN: (khoản 1 Điều 469) Thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài:
Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong những trường hợp sau đây:
a) Bị đơn là cá nhân cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;
b) Bị đơn là cơ quan, tổ chức có trụ sở tại Việt Nam hoặc bị đơn là cơ quan, tổ chức có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với các vụ việc liên quan đến hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện của cơ quan, tổ chức đó tại Việt Nam;
c) Bị đơn có tài sản trên lãnh thổ Việt Nam;
d) Vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam;
đ) Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở VN, đối tượng của quan hệ đó là tài sản trên lãnh thổ VN hoặc công việc được thực hiện trên lãnh thổ VN
e) Vụ việc về quan hệ dân sự mà việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc có trụ sở, nơi cư trú tại Việt Nam.
+ thẩm quyền riêng biệt của tòa án VN: (chỉ có tòa án VN mới có thẩm quyền giải quyết) (Điều 470) Thẩm quyền riêng biệt của Tòa án Việt Nam
Những vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam:
a) Vụ án dân sự đó có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam;
b) Vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài hoặc người không quốc tịch, nếu cả hai vợ chồng cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở Việt Nam;
c) Vụ án dân sự khác mà các bên được lựa chọn Tòa án Việt Nam để giải quyết theo pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và các bên đồng ý lựa chọn Tòa án Việt Nam.
Những việc dân sự có yếu tố nước ngoài sau đây thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của Tòa án Việt Nam:
a) Các yêu cầu không có tranh chấp phát sinh từ quan hệ PL dân sự quy định tại khoản 1 Điều này
b) Yêu cầu xác định một sự kiện pháp lý xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam
c) Tuyên bố công dân VN hoặc người nước ngoài cư trú tại VN bị mất tích, đã chết nếu việc tuyên bố đó có liên quan đến việc xác lập quyền, nghĩa vụ của họ trên lãnh thổ VN, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà VN là thành viên có quy định khác
d) Tuyên bố người nước ngoài cư trú tại VN bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất năng lực hành vi dân sự nếu việc tuyên bố đó có liên quan đến việc xác lập quyền, nghĩa vụ của họ trên lãnh thổ VN
đ) Công nhận tài sản có trên lãnh thổ VN là vô chủ, công nhận quyền sở hữu của người đang quản lý đối với tài sản vô chủ trên lãnh thổ VN.
Câu hỏi: Tại sao phải phân chia thành thẩm quyền chung và thẩm quyền riêng của tòa án VN ?
Trả lời: Thẩm quyền chung là thẩm quyền của tòa án VN và tòa án nước ngoài (tức là cả tòa án VN và tòa án nước ngoài cùng có thẩm quyền giải quyết), còn thẩm quyền riêng của tòa án VN là những trường hợp mà chỉ có tòa án VN mới có thẩm quyền giải quyết.
Với các vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền chung, khi tòa án nước ngoài đã giải quyết thì tòa VN có thể công nhận bản án, quyết định đó và cho thi hành ở VN. Còn với các vụ việc thuộc thẩm quyền riêng của tòa án VN thì chỉ có tòa án VN mới có quyền giải quyết, nếu tòa án nước ngoài giải quyết thì cũng không được tòa án VN công nhận và bản án, quyết định của tòa án nước ngoài đó không được thi hành ở VN.
Tình huống: bà Thu là công dân VN làm việc tại văn phòng đại diện cho Công ty xuất nhập khẩu VN đặt tại Đức. Ngày 2/9/2016 bà Thu xin ly hôn với chồng là ông Dave là công dân Pháp cư trú ở Đức. Anh / chị hãy cho biết:
- Nếu bà Thu đệ đơn lên tòa án VN thì tòa án VN có thẩm quyền giải quyết không ?
- Trong trường hợp tòa án VN có thẩm quyền giải quyết thì PL nước nào được áp dụng nếu:
- Vào thời điểm xin ly hôn, cả bà Thu và ông Dave vẫn đang cư trú và làm việc tại Đức
- Vào thời điểm xin ly hôn, ông Dave vẫn cư trú ở Đức, còn bà Thu đã về VN sinh sống
Trả lời:
- Giữa VN và Đức chưa có Hiệp định tương trợ tư pháp, nên căn cứ vào Điểm d) Khoản 1) Điều 469 Luật tố tụng dân sự 2015, bà Thu là công dân VN là nguyên đơn trong vụ việc ly hôn, nên tòa án VN có thẩm quyền giải quyết.
- Khi tòa án VN có thẩm quyền giải quyết, luật hình thức được áp dụng sẽ là luật Tố tụng dân sự VN, còn đối với luật nội dung thì:
+ nếu vào thời điểm xin ly hôn, cả bà Thu và ông Dave vẫn đang cư trú và làm việc tại Đức, thì căn cứ vào Khoản 2 Điều 127 Luật hôn nhân gia đình 2014, áp dụng luật nơi thường trú chung của 2 vợ chồng, tức là áp dụng luật Đức để giải quyết.
+ nếu vào thời điểm xin ly hôn, ông Dave vẫn cư trú ở Đức, còn bà Thu đã về VN sinh sống, thì theo Khoản 1 Điều 127 Luật hôn nhân gia đình 2014, luật áp dụng sẽ là luật VN.
III. Địa vị pháp lý của người nước ngoài trong tố tụng dân sự quốc tế
1. Bảo hộ pháp lý và vấn đề cược án phí
Cược án phí: nguyên đơn là người nước ngoài muốn khởi kiện tại tòa án trong nước thì phải gánh chịu nghĩa vụ bảo đảm các chi phí tư pháp theo quy định, gọi là cược án phí. Chi phí này sẽ được bị đơn hoàn trả nếu nguyên đơn thắng kiện.
Ở VN đã áp dụng chế độ đối xử quốc gia (NT), nên người nước ngoài ở VN khi khởi kiện không phải cược án phí (giống với công dân VN)
– Bảo hộ pháp lý cho người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài tại VN (Điều 465 – 468 Luật TTDS 2015)
– Năng lực PL tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự của người nước ngoài (Điều 466 Luật TTDS 2015)
– Năng lực PL tố tụng dân sự của cơ quan, tổ chức nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện tại VN của cơ quan, tổ chức nước ngoài và tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại VN (Điều 467 Luật TTDS 2015)
2. Vấn đề năng lực hành vi tố tụng dân sự quốc tế của quốc gia nước ngoài và của những người được hưởng quy chế ưu đãi miễn trừ ngoại giao
3. Ủy thác tư pháp
a. Khái niệm ủy thác tư pháp
– Là sự yêu cầu bằng văn bản chính thức của cơ quan tư pháp nước này (thường là tòa án) đối với cơ quan tư pháp nước kia (thường là tòa án hữu quan cùng cấp) thực hiện các hành vi tố tụng riêng biệt tại lãnh thổ của nước kia theo những nội dung, chỉ định trong văn bản yêu cầu.
– Nội dung của ủy thác tư pháp: rất đa dạng, phụ thuộc vào tính chất của từng vụ việc mà tòa án yêu cầu giải quyết.
VD: triệu tập đương sự, lấy lời khai của đương sự, xác định huyết thống, xác định thiệt hại, …
– Cách thức để thực hiện ủy thác tư pháp:
+ liên hệ trực tiếp giữa các cơ quan TW:
Bộ Tư pháp – thực hiện ủy thác tư pháp đối với lĩnh vực dân sự
Viện kiểm sát nhân dân tối cao – thực hiện ủy thác tư pháp đối với lĩnh vực hình sự
+ thông qua quan hệ ngoại giao
+ các tòa án liên hệ trực tiếp với nhau (nếu đã có mối quan hệ từ trước)
+ liên hệ trực tiếp với đương sự
– Trình tự ủy thác tư pháp: ủy thác tư pháp được tiến hành theo PL của nước được yêu cầu.
Ngoại lệ: nếu có quy định trong Điều ước quốc tế thì ủy thác tư pháp có thể được thực hiện theo PL của nước yêu cầu
– Ý nghĩa của ủy thác tư pháp quốc tế: vì thẩm quyền của tòa án chỉ có trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, do đó đối với những vụ việc có tính chất quốc tế thì phải ủy thác cho tòa án của nước có thẩm quyền giải quyết
b. Ủy thác tư pháp quốc tế theo quy định của PL VN
– Cơ sở pháp lý:
+ các hiệp định tương trợ tư pháp
+ các quy định của PL VN:
- Luật tương trợ tư pháp 2007
- Luật tố tụng dân sự 2015
– Khái niệm ủy thác tư pháp theo PL VN: (Khoản 1 Điều 6 Luật tương trợ tư pháp) Uỷ thác tư pháp là yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền của VN hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về việc thực hiện 1 hoặc 1 số hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định của PL nước có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà VN là thành viên.
– Chú ý: Phân biệt Ủy thác tư pháp với Tương trợ tư pháp:
(Khoản 1 Điều 6 Luật tương trợ tư pháp 2007): Tương trợ tư pháp được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của VN hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thông qua ủy thác tư pháp.
Mối quan hệ giữa Tương trợ tư pháp và Ủy thác tư pháp là mối quan hệ giữa nội dung và hình thức, trong đó tương trợ tư pháp là nội dung, còn ủy thác tư pháp là hình thức để thực hiện tương trợ tư pháp. (Quy định tại Khoản 2 Điều 13 Luật tương trợ tư pháp 2007: Yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự phải được lập thành văn bản dưới hình thức ủy thác tư pháp về dân sự theo quy định của Luật này.)
Khoản 1 Điều 13 Luật tương trợ tư pháp 2007: Cơ quan có thẩm quyền của VN trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp trong các trường hợp sau đây:
a) Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cho người đang ở nước được yêu cầu;
b) Triệu tập người làm chứng, người giám định đang ở nước được yêu cầu;
c) Thu thập, cung cấp chứng cứ ở nước được yêu cầu để giải quyết vụ việc dân sự tại Việt Nam;
d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Điều kiện của tương trợ tư pháp: chủ yếu trên nguyên tắc có đi có lại, nếu có điều ước quốc tế thì thực hiện theo quy định của điều ước quôc tế
– Trình tự thực hiện tương trợ tư pháp: theo quy định của PL VN
– Văn bản ủy thác tư pháp: theo các nội dung quy định trong Luật tương trợ tư pháp 2007
– Cách thức thực hiện:
+ quy định trong điều ước quốc tế:
- thực hiện qua các cơ quan TW, gồm Bộ Tư pháp, VKSNDTC, hoặc
- thực hiện thông qua Tòa án giữa 2 nước (Hiệp định tương trợ tư pháp Việt – Lào)
+ quy định trong Điều 474 Luật tố tụng dân sự 2015: Tòa án thực hiện việc tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án theo một trong các phương thức sau đây:
a) Theo phương thức được quy định tại điều ước quốc tế mà VN là thành viên;
b) Theo đường ngoại giao đối với đương sự cư trú ở nước mà nước đó và VN chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế;
c) Theo đường dịch vụ bưu chính đến địa chỉ của đương sự đang cư trú ở nước ngoài với điều kiện pháp luật nước đó đồng ý với phương thức tống đạt này;
d) Theo đường dịch vụ bưu chính đến cơ quan đại diện VN ở nước ngoài để tống đạt cho đương sự là công dân VN ở nước ngoài;
đ) Đối với cơ quan, tổ chức nước ngoài có văn phòng đại diện, chi nhánh tại VN thì việc tống đạt có thể được thực hiện qua văn phòng đại diện, chi nhánh của họ tại VN theo quy định của Bộ luật này;
e) Theo đường dịch vụ bưu chính cho người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam của đương sự ở nước ngoài.
IV. Công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài
Tình huống: Vụ ly hôn giữa siêu mẫu Ngọc Thúy quốc tịch VN và đại gia Đức An quốc tịch Mỹ (gốc Việt) năm 2008 tại tòa án quận Cam, Califonia, Mỹ. Tranh chấp về tài sản trị giá 288 tỷ đồng, gồm bất động sản tại VN, cổ phần công ty, và các động sản khác. Theo bản án của tòa án quận Cam thì toàn bộ số tài sản thuộc về ông Đức An với lý do tại tòa ông Đức An đã đưa ra đầy đủ bằng chứng rằng toàn bộ tài sản này được mua bằng tiền của ông ta và Ngọc Thúy sẽ phải chuyển toàn bộ số tài sản đó cho ông Đức An. Đến tháng 11/2011, ông Đức An khởi kiện về tranh chấp tài sản giữa 2 vợ chồng tại TAND thành phố HCM. (chỉ khởi kiện về tài sản, không khởi kiện về ly hôn vì vấn đề ly hôn đã được tòa án VN công nhận)
Ở đây, dù tòa án quận Cam đã giải quyết và ra được bản án, nhưng không thể thực hiện được bản án. Lý do là vì phán quyết của tòa án quận Cam chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ Mỹ, không có hiệu lực tại VN. Muốn thi hành tại VN phải được tòa án VN công nhận, nhưng trong trường hợp này thì tòa án VN không công nhận vì tranh chấp liên quan đến bất động sản tại VN ==> thuộc thẩm quyền riêng biệt của tòa án VN ==> do đó ông Đức An buộc phải khởi kiện lại tại tòa án VN.
1. Khái niệm
– Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài là bản án, quyết định mà tòa án nước ngoài tuyên nhân danh nhà nước về giải quyết các tranh chấp hoặc vụ việc phát sinh trong các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng và tuân theo trình tự tố tụng dân sự do PL của nước đó quy định.
Bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài tuyên ở đâu thì chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ quốc gia đó.
– Công nhận bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài là hành vi cơ quan nhà nước có thẩm quyền (thường là tòa án) thuộc quốc gia sở tại (nơi bản án, quyết định dân sự có yêu cầu được công nhận) thừa nhận hiệu lực pháp lý của bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài trên lãnh thổ nước mình như bản án, quyết định dân sự của tòa án nước mình.
Chú ý: có những bản án, quyết định chỉ cần công nhận mà không cần thi hành, VD quyết định công nhận ly hôn, quyết định công nhận người mất tích, quyết định công nhận người không đủ năng lực hành vi
Có những bản án, quyết định sau khi công nhận thì phải thi hành, VD chia tài sản sau ly hôn, cấp dưỡng nuôi con, bồi thường thiệt hại
– Cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài có nghĩa là tòa án nước sở tại (nơi bản án, quyết định dân sự cần được thi hành) cho phép bản án, quyết định dân sự do tòa án nước ngoài tuyên được thực thi trên lãnh thổ nước mình.
– Ý nghĩa của việc công nhận bản án, quyết định của tòa án nước ngoài:
+ tiết kiệm thời gian, chi phí: thay vì xét xử thì chỉ cần công nhận
+ thể hiện sự hợp tác giữa các quốc gia
+ đơn giản hóa quá trình giải quyết vụ việc, không cần phải quá chú trọng đến việc áp dụng luật nào
2. Công nhận và thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài tại VN
(Phần 7 Luật tố tụng dân sự 2015)
– Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam gồm (Khoản 1 Điều 423 Luật tố tụng dân sự 2015):
- a) Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài được quy định tại điều ước quốc tế mà nước đó và VN là thành viên;
- b) Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài mà nước đó và VN chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại;
- c) Bản án, quyết định dân sự khác của Tòa án nước ngoài được pháp luật Việt Nam quy định công nhận và cho thi hành.
– (Khoản 2 Điều 423 Luật tố tụng dân sự 2015): Quyết định về nhân thân, hôn nhân và gia đình của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài cũng được xem xét công nhận và cho thi hành tại VN như bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 423.
VD: tại Đài Loan, thuận tình ly hôn thuộc thẩm quyền giải quyết của Cơ quan Hộ tịch (không phải tòa án), do đó quyết định thuận tình ly hôn của Cơ quan Hộ tịch Đài Loan cũng sẽ được công nhận tại VN
– Cơ sở pháp lý công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài tại VN:
+ điều ước quốc tế
+ nguyên tắc có đi có lại
+ quy định của PL VN
– Thẩm quyền công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài tại VN:
+ nếu người phải thi hành án là cá nhân: thẩm quyền thuộc về TAND cấp tỉnh nơi người phải thi hành bản án, quyết định dân sự theo nghĩa rộng của tòa án nước ngoài cư trú, làm việc
+ nếu người phải thi hành án là pháp nhân: thẩm quyền thuộc về TAND cấp tỉnh nơi người phải thi hành bản án, quyết định dân sự theo nghĩa rộng của tòa án nước ngoài có trụ sở
+ ngoài ra, thẩm quyền có thể thuộc về TAND cấp tỉnh nơi có tài sản liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định dân sự theo nghĩa rộng của tòa án nước ngoài, VD liên quan đến bất động sản
– Công nhận đương nhiên (Điều 431 Luật Tố tụng dân sự 2015):
+ bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài được công nhận đương nhiên tại VN nếu có đủ 3 điều kiện:
- không có yêu cầu thi hành tại VN: ví dụ ly hôn, tuyên bố mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, …
- không có đơn yêu cầu không công nhận tại VN: không có ai phản đối việc công nhận đó
- được quy định tại điều ước quốc tế mà VN là thành viên
+ bản án, quyết định về hôn nhân gia đình của tòa án nước ngoài, quyết định về hôn nhân gia đình của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài sẽ đương nhiên được công nhận tại VN nếu có đủ 2 điều kiện:
- không có yêu cầu thi hành tại VN
- không có đơn yêu cầu không công nhận tại VN
– Trình tự, thủ tục công nhận và cho thi hành tại VN hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài: (Chương 36 Luật Tố tụng dân sự 2015)
+ đương sự gửi đơn yêu cầu công nhận và cho thi hành / hoặc đơn yêu cầu không thi hành tới Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp chuyển đơn đến tòa án có thẩm quyền
+ tòa án thụ lý hồ sơ và chuẩn bị xét đơn yêu cầu
+ tổ chức phiên họp xét đơn yêu cầu: tòa án không xét xử lại, mà chỉ đối chiếu bản án, quyết định đó với PL VN để xem có vi phạm những nguyên tắc cơ bản của PL VN không. VD quyết định của tòa án Mỹ cho phép ly hôn theo yêu cầu của người chồng, nhưng người vợ đang mang thai, nên viện dẫn quy định của PL VN để không công nhận quyết định ly hôn đó của tòa án Mỹ
+ gửi quyết định của tòa án cho các bên đương sự
+ kháng cáo, kháng nghị và xét kháng cáo, kháng nghị
+ gửi cho cơ quan thi hành án
– Các trường hợp không công nhận bản án, quyết định của tòa án nước ngoài (Điều 439)
– Hiệu lực:
+ bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài được tòa án VN công nhận và cho thi hành tại VN có hiệu lực PL như bản án, quyết định của tòa án VN đã có hiệu lực PL và được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự
+ bản án, quyết định dân sự của tòa án nước ngoài không được tòa án VN công nhận thì không có hiệu lực PL tai VN, trừ trường hợp đương nhiên được công nhận theo Điều 431 Luật Tố tụng dân sự 2015
+ bản án, quyết định dân sự và xét kháng cáo, kháng nghị: quyết định của TAND cấp cao khi xét kháng cáo, kháng nghị không phải là quyết định cuối cùng. Quyết định của TAND cấp cao có hiệu lực kể từ ngày ra quyết định và có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm
Ôn tập: cần nhớ các hệ thuộc khi giải quyết xung đột PL:
+ sở hữu: luật nơi có tài sản hữu hình; đối với tài sản vô hình (như quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp) thì giải quyết theo điều ước quốc tế, nếu không có điều ước quốc tế thì áp dụng luật nơi có yêu cầu bảo hộ
+ thừa kế theo PL: hệ thuộc luật quốc tịch của người để lại di sản thừa kế, với tài sản thừa kế là bất động sản thì quyền thừa kế sẽ giải quyết theo quy định của luật nơi có bất động sản
+ thừa kế theo di chúc: năng lực hành vi lập di chúc, hủy bỏ di chúc sẽ theo hệ thuộc luật quốc tịch; hình thức của di chúc sẽ theo hệ thuộc nơi lập di chúc
+ hợp đồng: luật do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận sẽ áp dụng luật của nước có mối quan hệ mật thiết với hợp đồng
+ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: luật do các bên lựa chọn, nếu không lựa chọn sẽ theo luật của nước có hậu quả của hành vi vi phạm
+ hôn nhân gia đình: hệ thuộc luật quốc tịch của các bên đương sự, luật nơi thường trú, luật tòa án, nếu liên quan đến bất động sản thì theo luật nơi có bất động sản
Tình huống: Ông M là công dân VN sinh sống tại Nga, có 2 vợ (1 vợ đã chết tại VN, và 1 vợ đang sống tại Nga) và 5 con (hiện 2 người đang sống ở Nga và 3 người đang sống tại VN). Tháng 12/2016 ông M chết đột ngột tại Nga, không để lại di chúc. Tài sản để lại gồm nhà ở, cửa hàng tại Nga, tiền mặt trong ngân hàng, 2 ô tô BMW đều tại Nga. Đầu năm 2017 xảy ra tranh chấp giữa các con ông về số di sản trên. Hãy cho biết:
(a) Tòa án nào sẽ có thẩm quyền giải quyết vụ việc trên và PL áp dụng là PL của quốc gia nào ? Tại sao ?
(b) Trong trường hợp PL VN được áp dụng thì số di sản của ông M sẽ được chia cụ thể như thế nào ?
Trả lời:
Vì VN và Nga đã có Hiệp định tương trợ tư pháp Việt-Nga 1998 nên sẽ áp dụng điều ước này để giải quyết.
(a) Về thẩm quyền: Theo Điều 42 Hiệp định tương trợ tư pháp Việt-Nga thì:
+ ông M là công dân VN nên việc giải quyết các vấn đề về thừa kế động sản thuộc thẩm quyền của tòa án tại VN (nơi ông M có quốc tịch) (Khoản 1 Điều 42 Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nga)
+ bất động sản ông M để lại đều tại Nga, nên việc giải quyết các vấn đề về thừa kế bất động sản thuộc thẩm quyền của tòa án tại Nga (nơi có bất động sản) (Khoản 1 Điều 42 Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nga)
+ tuy nhiên việc phân chia giải quyết vừa tại Nga, vừa tại VN sẽ gây tốn kém cho các con của ông M. Do đó có thể áp dụng Khoản 3 Điều 42 Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nga, theo đó nếu cả 5 người con của ông M đều đồng ý thì có thể yêu cầu tòa án tại Nga giải quyết cả về động sản và bất động sản.
Chú ý: nếu cả 5 người con đều yêu cầu tòa VN giải quyết toàn bộ thì tòa VN cũng không có thẩm quyền giải quyết vì tòa VN không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp bất động sản tại Nga.
(b) Về luật áp dụng: Theo Điều 39 Hiệp định tương trợ tư pháp Việt-Nga thì:
+ với động sản thì luật áp dụng sẽ là luật VN (vì ông M là công dân VN)
+ với bất động sản thì luật áp dụng sẽ là luật Nga (nơi có bất động sản)
Theo luật VN thì cả 5 người con thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông M, do đó toàn bộ tài sản của ông M sẽ được chia đều cho 5 người con, mỗi người được 1/5 di sản.
Tham khảo trọn bộ bài giảng môn học Tư pháp quốc tế: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-tu-phap-quoc-te?ref=lnpc
Mời bạn xem thêm: