fbpx
ICA - Học viện đào tạo pháp chế doanh nghiệp
Bài giảng môn học Lý luận nhà nước và pháp luật chương II

Bài giảng môn học Lý luận nhà nước và pháp luật chương II trình bày về khái niệm, bản chất và vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội. Chương này giúp người học hiểu rõ nguồn gốc, chức năng của pháp luật và cách nó điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Thông qua đó, sinh viên nắm bắt được vai trò quan trọng của pháp luật trong việc duy trì trật tự, công bằng và ổn định xã hội, từ đó làm nền tảng cho việc học tập và áp dụng pháp luật hiệu quả.

Bài giảng môn học Lý luận nhà nước và pháp luật chương II

CHƯƠNG II. HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM

I. Khái niệm hệ thống pháp luật

1. Quy phạm pháp luật, chế định pháp luật, ngành luật:

1.1 Khái niệm quy phạm pháp luật: Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự mang tính bắt buộc mọi người thực hiện, do nhà nước xác lập, ban hành và bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các hành vi trong xã hội theo định hướng của nhà nước. Là phần tử nhỏ nhất trong hệ thống PL

Đặc điểm:

  • Quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung.
  • Được thể hiện dưới hình thức nhất định.
  • Thể hiện ý chí của nhà nước, do các cơ quan có thẩm quyền ban hành.
  • Được bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước.

Nội dung của một quy phạm pháp luật bao gồm 03 bộ phận:

  • Giả định: Giả thiết sự việc xảy ra trong thực tế.
  • Quy định: quy định mô hình hành vi, tức là đưa ra quy tắc, khuôn mẫu mà nhà nước mong muốn con người thực hiện.
  • Chế tài: là các biện pháp tác động của nhà nước, nếu không thực hiện hành vi xử sự theo quy định.

1.2 Khái niệm chế định pháp luật: là nhóm những quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm các quan hệ xã hội cùng loại có quan hệ mật thiết với nhau.

1.3 Khái niệm ngành luật: là tổng thể các chế định pháp luật điều chỉnh các nhóm QHXH trong một lĩnh vực nhất định của đời sống.

Hệ thống cấu trúc bên trong của hệ thống pháp luật.

2. Hệ thống các ngành luật của nước ta hiện nay:

Hiện nay các ngành luật trong hệ thống pháp luật của nước ta hiện nay chia thành: nhóm ngành luật quốc nội gồm 11 ngành luật và nhóm ngành luật quốc tế gồm 02 ngành luật:

2.1 Nhóm ngành luật quốc nội:

  • Luật Hiến pháp: Gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ cơ bản về tổ chức quyền lực nhà nước, về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, – xã hội, chế độ bầu cử, quyền và nghĩa vụ công dân…. Đây là ngành luật quan trọng nhất của quốc gia, là nền tảng để xây dựng các ngành luật khác.
  • Luật Hành chính: Gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ XH hình thành trong quá trình tổ chức và thực hiện các hoạt động chấp hành và điều hành của nhà nước trên các lĩnh vực hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội.
  • Luật Tài chính: Gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các QHXH phát sinh trong quá trình Nhà nước động viên, phân phối và sử dụng những nguồn vốn tiền tệ, bảo đảm cho việc thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước cũng như đáp ứng các yêu cầu kinh tế khác.
  • Luật hình sự: Gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các QHXH do các hành vi bị xem là tội phạm và hình phạt tương ứng với người phạm tội.
  • Luật Tố tụng hình sự: Gồm các quy phạm pháp luật quy định những nguyên tắc, thủ tục, điều kiện trong việc khởi tố, điều tra, truy tố xét xử và thi hành án các vụ án hình sự, quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng hình sự.
  • Luật dân sự: Gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ tài sản hoặc quan hệ nhân thân phi tài sản phát sinh giữa các cá nhân hoặc giữa cá nhân với tổ chức trong quá trình sinh hoạt, phân phối và tiêu dùng.
  • Luật Tố tụng dân sự: Gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ thủ tục phát sinh giữa tòa án với những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự.
  • Luật Hôn nhân và gia đình: Gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ nhân thân và tài sản do việc kết hôn, ly hôn giữa nam và nữ; quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con cái, các quy định về đỡ đầu và nuôi con nuôi nhằm mục đích bảo vệ chế độ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, bình đẳng giữa nam và nữ, xây dựng gia đình hạnh phúc, văn minh.
  • Luật Lao động: Gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ lao động phát sinh giữa người lao động và người sử dụng lao động, quan hệ bảo hiểm, bồi thường thiệt hại, và quan hệ giải quyết các tranh chấp lao động.
  • Luật đất đai: Gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các QHXH hình thành trong việc quản lý và sử dụng dất đai, các quan hệ phát sinh trong quá trình bảo vệ, quản lý và khai thác tài nguyên đất đai.
  • Luật kinh tế: Gồm tổng thể các quy phạm pháp luật điều chỉnh các QHXH phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh giữa các đơn vị kinh tế với nhau và giữa các đơn vị kinh tế với cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế.

2.2 Nhóm ngành luật quốc tế:

  • Công pháp quốc tế: là hệ thống các nguyên tắc và quy phạm pháp luật do các quốc gia và các chủ thể khác của Luật quốc tế thỏa thuận nên và bảo đảm thi hành trên cơ sở thỏa thuận tự nguyện và bình đẳng nhằm điều chỉnh các quan hệ giữa các chủ thể của luật quốc tế.
  • Tư pháp quốc tế: gồm những nguyên tắc và những quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động và tố tụng dân sự có yếu tố nước ngoài.

II. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

1. Khái niệm văn bản quy phạm pháp luật:

Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành theo thủ tục và hình thức nhất định, trong đó chứa đựng những quy tắc xử sự bắt buộc chung nhằm điều chỉnh những quan hệ xã hội nhất định, được áp dụng nhiều lần và hiệu lực của nó không phụ thuộc vào sự áp dụng.

Đặc điểm:

  • Do Cơ Nhà nước có thẩm quyền ban hành
  • Chứa đựng những quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung.
  • Được áp dụng nhiều lần trong đời sống xã hội.
  • Văn bản quy phạm pháp luật có tên gọi, nội dung và trình tự ban hành được quy định cụ thể bằng pháp luật.
Bài giảng môn học Lý luận nhà nước và pháp luật chương II
Bài giảng môn học Lý luận nhà nước và pháp luật chương II

2. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta hiện nay:

Điều 4 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 này quy đinh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật như sau:

  • Hiến pháp.
  • Bộ luật, luật (gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.
  • Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
  • Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
  • Nghị  định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
  • Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
  • Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
  • Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
  • Nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh).
  • Quyết định của UBND cấp tỉnh.
  • Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
  • Nghị quyết của HĐND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp huyện).
  • Quyết định của UBND cấp huyện.
  • Nghị quyết của HĐND xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã).
  • Quyết định của UBND cấp xã.

Tham khảo trọn bộ tài liệu bài giảng môn học Lý luận nhà nước và pháp luật: https://study.phapche.edu.vn/khoa-hoc-tim-hieu-mon-ly-luan-nha-nuoc-va-phap-luat?ref=lnpc

Mời bạn xem thêm:

Đánh giá bài viết

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

.
.
.